TẠI SAO ĐỒ ĐẠC LẠI CHẤT NHIỀU ĐẾN VẬY - LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – SASAKI FUMIO

TẠI SAO ĐỒ ĐẠC LẠI CHẤT NHIỀU ĐẾN VẬY

LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – SASAKI FUMIO

-------o0o-------

...nếu không có cảm giác quen thuộc thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục thấy hạnh phúc với những đồ dùng mà ta ưa thích của mình. Nếu cảm thấy thỏa mãn với những món đồ đang có, thì chúng ta sẽ không tích thêm đồ mới nữa. Có thể thấy, cảm giác quen thuộc này nguy hiểm đến dường nào.
TẠI SAO ĐỒ ĐẠC LẠI CHẤT NHIỀU ĐẾN VẬY - LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – SASAKI FUMIO

TẠI SAO ĐỒ ĐẠC LẠI CHẤT NHIỀU ĐẾN VẬY

LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT – SASAKI FUMIO

-------o0o-------

Chúng ta sở hữu tất cả những món đồ mà mình mong ước

Trong chương này, tôi muốn nói với bạn về quá trình: “Vì sao chúng ta lại chất nhiều đồ đạc trong nhà”. Khi hiểu về quá trình này rồi, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giảm bớt đồ đạc

Trước đây, tôi hay sắm cho mình tất tần tật những đồ dùng cần thiết trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy cuộc sống đấy khác xa với cuộc sống mà tôi mong ước.

Con người luôn chìm đắm trong suy nghĩ: “Khác xa với lý tưởng”. Và khi nhìn vào thực tế không như trong mơ ấy, ta chỉ ôm trong lòng cảm giác bất hạnh mà thôi. Khi không có những thứ như mình mong muốn, tôi cũng cảm thấy bất hạnh như vậy.

Dù tôi có một căn phòng to với một chiếc sô pha bọc da, hay một ban công rộng với mái che có thể tổ chức tiệc ngoài trời thì đấy vẫn không phải là một chung cư cao tầng có thể ngắm cảnh đêm trong thành phố. Lúc đấy, tôi chỉ thấy giấc mơ của mình chẳng thể thành sự  thật được.

Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, thực ra giấc mơ của tôi đã hoàn toàn trở thành sự thật rồi. Tại sao lại như vậy, để tôi giải thích cho bạn nhé. Ví dụ như trong công việc. Chúng ta đi phỏng vấn ở nhiều công ty và đi làm ở công ty trúng tuyển. Đó có thể không phải là nguyện vọng thứ nhất của bạn, thậm chí cũng chẳng phải nguyện vọng thứ hai, thứ ba. Công ty cũng không hoạt động trong lĩnh vực bạn muốn làm,  thậm chí có thể bạn làm chỉ để trang trải cuộc sống mà thôi. Thế nên lúc nào bạn cũng ca thán về sếp, về công ty của bạn và trong đầu luôn nghĩ đến lúc chuyển việc. Tuy nhiên, khi đã gửi hồ sơ và đi phỏng vấn tức là bạn đã nghĩ: Mình muốn làm ở đây. Nếu nghĩ: “Tuyệt đối không muốn làm” thì bạn đã không đi phỏng vấn rồi. Có thể tại một thời điểm nào đó, bạn từng muốn làm việc trong công ty và khi nhận được thông báo trúng tuyển, chắc chắn bạn đã rất vui.

Ngôi nhà mà tôi đang sống cũng vậy. Tôi đã sống 10 năm trong ngôi nhà này, 10 năm trước tôi chỉ có tâm nguyện là làm thế nào cũng phải chuyển đến đây, nó là ngôi nhà mà tôi đã phải kiếm rất lâu mới thấy. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mình hạnh phúc thế nào khi được chuyển vào đây. Lúc đó tôi hạnh phúc vì tìm thấy ngôi nhà có thiết kế đầy đủ, tiện nghi chứ không phải vì giá tiền của nó. Thậm chí tôi còn thấy háo hức khi bắt đầu khám phá khu phố trong mơ này. Thế nhưng, 10 năm sống trong căn nhà này, tôi dần thấy khó chịu với sự chật chội, cũ kỹ của căn phòng. Giấc mơ 10 năm trước của tôi đã trở thành hiện thực rồi, nhưng tại sao tôi lại luôn cảm thấy bất mãn đến vậy?

Điều này cũng đúng với mấy đồ dùng của tôi. Ví dụ như quần áo. Trước đây lúc nào tôi cũng có cảm giác: “Không còn bộ nào để mặc ra ngoài nữa”.

Vào ngày nghỉ là tôi dành trọn một ngày để mua sắm. Mặc dù người đã mệt rã rời, nhưng tôi vẫn không ngừng nhét những bộ quần áo mình thích vào giỏ hàng. Khi về nhà,tôi diện thử từng bộ một và tự ngắm trước gương. Ngày hôm sau, khi lần đầu diện mấy bộ mới mua ra ngoài, tôi cảm thấy thật tự tin và thích thú. Có lẽ lúc đó tôi chỉ có một nguyện vọng là có trong tay tất cả những bộ quần áo yêu thích dù phải trả bao nhiêu chăng nữa. Và quả thực là những bộ quần áo tôi thích thì chất đầy thành núi, ấy thế mà lúc nào tôi cũng tự thấy là “chẳng còn bộ nào để mặc ra ngoài nữa”.

Cũng tương tự như vậy, hầu hết chúng ta đều thỏa được lòng mong ước của mình, nhưng tại sao chẳng bao giờ chúng ta cảm thấy đủ và luôn cảm thấy mình thật bất hạnh?

Tác Hại Của Thói Quen

Chắc câu trả lời này ai cũng hiểu được. Chúng ta đã “quen” với những món đồ mong ước mà mình có trong tay. Dần dần, “thói quen” sẽ trở thành “điều hiển nhiên”, và cuối cùng ta sẽ cảm thấy “chán ngấy”.

Bạn mới mua một chiếc váy. Lần đầu tiên mặc nó, bạn cảm thấy thật thích, thật hạnh phúc. Nhưng sau năm lần mặc, bạn cảm thấy “quen” thuộc và cảm giác hạnh phúc vơi dần đi. Sau 10 lần mặc, chiếc váy thành một thứ bình thường trong tủ quần áo của bạn. Và sau 50 lần mặc nó, bạn cảm thấy chán ngấy rồi. Theo quá trình từ quen thuộc đến bình thường rồi chán ngấy ánh sáng lấp lánh của mong ước được thực hiện cũng dần biến thành màu đen, món đồ cũng theo đó mà trở thành thứ chẳng đáng để ý đến. Đó chính là chu trình từ quen thuộc đến chán nản.

Mặc dù tất cả mong muốn của chúng ta đều thành hiện thực, nhưng do quá trình biến đổi từ quen thuộc đến chán nản kể trên mà ta chẳng bao giờ vừa lòng với những gì đang có. Tóm lại, nếu không có cảm giác quen thuộc thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục thấy hạnh phúc với những đồ dùng mà ta ưa thích của mình. Nếu cảm thấy thỏa mãn với những món đồ đang có, thì chúng ta sẽ không tích thêm đồ mới nữa. Có thể thấy, cảm giác quen thuộc này nguy hiểm đến dường nào.

Tại sao con người chỉ luôn muốn những thứ mới mẻ?

Khi nói về cảm giác quen thuộc này, trước hết ta cần phải nhìn lại cơ cấu cảm nhận của con người. Có thể đây là một câu chuyện hơi lằng nhằng, nhưng nó là một chủ đề lớn trong cuốn sách này nên tôi hi vọng bạn sẽ chú ý tới nó.

Bản chất của hệ thần kinh con người là cơ cấu tìm ra sự “thay đổi” giữa các kích thích. Đó là sự thay đổi khi chuyển từ kích thích này sang kích thích khác. Tôi có thể đưa cho bạn một ví dụ dễ hiểu hơn. Mùa thu cũng là lúc mùa tắm biển đã kết thúc. Nhưng nhìn thấy biển, bạn đột nhiên lại có ý nghĩ: Ôi, biển xanh như mùa xuân, mình muốn tắm biển ở đây quá. Và thế là bạn cứ thế chạy xuống biển. Nhưng ngay lập tức bạn sẽ phải kêu lên: Ôi, lạnh quá! Vì nước lạnh hơn bạn tưởng rất nhiều. Lúc này hệ thần kinh của bạn đã tìm thấy sự chênh lệch giữa nhiệt độ trên bờ và nhiệt độ trong nước biển và tiếp nhận một kích thích là lạnh. Tuy nhiên, nếu ngâm mình một thời gian trong nước biển, bạn sẽ quen với kích thích này và sẽ nói: Ồ, nhưng mà để một lúc thì cũng ấm phết.

Trường hợp một người đang ngủ trên sô pha, một người khác tắt tivi đi thì ngay lập tức anh ta sẽ tỉnh lại và bảo: “Tôi đang xem mà” cũng giống như vậy. (Chắc chắn là người tắt tivi sẽ nghĩ: “Rõ ràng là đang ngủ mà!”).

Trong trường hợp này, ban đầu khi để tivi mở thì sẽ rất sáng, tiếng cũng rất to, thông thường sẽ rất khó ngủ. Nhưng qua một thời gian, người này sẽ “quen” với kích thích như vậy và có thể ngủ rất ngon. Thậm chí, khi người này đã quen với trạng thái này rồi, nếu đột nhiên tắt tivi, tức là không còn kích thích nữa, thì anh ta sẽ nhận ra sự khác biệt và chợt tỉnh lại.

Hệ thống thần kinh con người không tập trung vào khối lượng kích thích, mà tập trung vào sự khác biệt khi kích thích thay đổi. Trong trường hợp trên, kích thích đến từ tivi là khá lớn, nhưng người này đã quen với kích thích nên hoàn toàn có thể ngủ ngon. Ngược lại, khi không còn kích thích từ âm thanh hay độ sáng của tivi, anh ta sẽ tỉnh dậy vì thay đổi kích thích. Trường hợp này cũng giống như việc một đứa trẻ đang ngủ trưa bị tỉnh giấc vì tiếng bước chân vậy. Chỉ có điều là trình tự thì ngược lại.

Để hệ thần kinh con người nhận ra được kích thích cần có sự chênh lệch giữa hai trạng thái. Ví dụ như tắt chiếc tivi đang mở (chênh lệch từ có kích thích sang không có kích thích), hay đứa trẻ đang ngủ bị thức giấc vì tiếng bước chân (từ không có kích thích sang có kích thích), hoặc có thể là bị tỉnh giấc do đổi kênh tivi (từ kích thích này sang một kích thích khác), hoặc thậm chí là tỉnh giấc do tăng âm lượng tivi (từ có kích thích sang kích thích lớn hơn)…

Quay lại với vấn đề về những mong muốn hay đồ dùng mà ta có được, cảm giác không thỏa mãn của bản thân là do hệ thần kinh của chúng ta nhận thấy không còn chênh lệch giữa các kích thích như trên. Lúc nào cũng chỉ thấy một đồ vật đấy thôi thì hệ thống thần kinh không thể nhận ra sự chênh lệch, dẫn đến cảm giác quen thuộc, tiếp đó là cảm giác hiển nhiên và cuối cùng là cảm giác chán nản.

-------o0o-------

Trích: Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

Tác Giả: Sasaki Fumio

Dịch Giả: Như Nữ

Nhà Xuất Bản Lao Động, 2017

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan