TẠO ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI KHÁC - Napoleon Hill

TẠO ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI KHÁC

Napoleon Hill

-----o0o-----

Một bức thư có thể thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực. Tập thói quen tạo động lực cho những người thân yêu bằng cách viết thư cho họ, trong đó bạn nhớ ghi những lời nhận xét tốt đẹp, những lời khuyên bổ ích.
TẠO ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI KHÁC - Napoleon Hill

Khi đọc cuốn sách này, có lẽ bạn đã nhận ra tầm quan trọng của việc tạo động lực. Stone kết hợp kiến thức này với những gì ông học được từ AVA và ông đã có một khám phá vĩ đại trong kỹ thuật tạo động lực cho người khác. Đó là với một thái độ tích cực, bạn có thể trở thành bất kỳ hình mẫu nào mà bạn mong muốn.

Điều này luôn luôn đúng, bất chấp kinh nghiệm, năng lực, chỉ số thông minh hay môi trường sống của bạn ra sao. Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn.

Với AVA, bạn có thể sử dụng kĩ thuật thích hợp khi biết ở đâu là những yếu tố có thể tạo động lực cho một cá nhân.

Cụ thể như sau:

1. Ví dụ, một nhân viên bán hàng có tính nhút nhát, trong khi công việc đòi hỏi anh ta phải năng động, dạn dĩ, thì:

(a) Giám đốc bán hàng cần phân tích cho anh ta thấy rằng nhút nhát và sợ hãi là bản tính tự nhiên. Nhiều người khác đã khắc phục được tính nhút nhát cố hữu. Sau đó, ông đề nghị nhân viên bán hàng kia hãy thường xuyên lặp lại một câu nói tự thúc đẩy bản thân, với mục đích trở thành mẫu người anh ta mong muốn.

(b) Vào mỗi sáng và tại nhiều thời điểm khác trong ngày, nhân viên bán hàng kia sẽ lặp lại câu nói: “Hãy năng động! Hãy năng động!”, đặc biệt khi anh ta cảm thấy lo lắng, sợ hãi trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó hay khi tình thế yêu cầu phải hành động. Những lúc như thế, anh chơi lời kêu gọi Hãy làm ngay!

2. Khi giám đốc bán hàng phát hiện rằng nhân viên của mình đang lừa dối hay thiếu trung thực, ông cần nói chuyện với người đại diện -  cấp trên trực tiếp của anh ta. Nếu ông nhận thấy người đại diện có ý muốn khắc phục lỗi lầm, thì:

(a) Giám đốc bán hàng thuật lại cách những người khác đã làm để giải quyết khó khăn này. Ông trao cho nhân viên bán hàng kia một cuốn sách, một bài báo, hoặc một bài thơ nào đó. Những cuốn như I Can của Ben Sweetland và I Dare You của William Danforth sẽ đặc biệt hữu ích trong trường hợp này.

(b) Tương tự giải pháp (b) ở ví dụ trước, nhân viên bán hàng sẽ lặp lại câu nói: “Hãy thành thật! Hãy thành thật!” vào mỗi buổi sáng và vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, nhất là trong những tình huống cảm thấy mình muốn nói dối hay lừa gạt người khác. Anh ta sẽ hành động theo câu nói: “Hãy can đảm đối mặt sự thật” cùng lời kêu gọi Hãy làm ngay!

Khi hiểu rõ hiệu quả của kỹ thuật này, bạn sẽ tự mình vận dụng một cách thoải mái và tự nhiên.

Ngoài ra, không giống như hàng trăm người đã đọc cuốn Tự Truyện của Benjamin Franklin, bạn sẽ nhanh chóng vận dụng biện pháp của Franklin để đạt được thành công. Không như họ, bạn đã biết bí quyết hoàn thành mục tiêu là gì. Đó là: HÃY LÀM NGAY!

Sử dụng biện pháp của Franklin để gặt hái kết quả!

Vâng, hàng trăm ngàn người đã từng đọc tự truyện của Benjamin Franklin nhưng đa số họ không vận dụng những nguyên tắc thành công đã được nhắc đến trong đó. Tuy nhiên, ít nhất đã có một người làm điều này: Frank Bettger.

Ông lắng nghe những thông điệp có thể áp dụng cho bản thân mình. Bởi lẽ ông đang gặp rắc rối trong công việc kinh doanh. Ông đang tìm kiếm một công thức thực tế, hiệu quả để có thể tự giúp mình. Vì biết rõ mình đang tìm kiếm điều gì nên ông đã nhanh chóng khám phá ra bí mật của Franklin.

Franklin khẳng định rằng mọi thành công và hạnh phúc của ông đều bắt nguồn từ một ý tưởng, một công thức giúp đạt được những kết quả tốt đẹp.

Bettger đã nhận ra và sử dụng công thức ấy như thế nào? Ông đã đứng lên từ thất bại và vươn đến thành công.

Ông đã kể về câu chuyện này trong cuốn sách của ông Tôi đã chuyển Bại thành Thắng trong Bán Hàng như thế nào?

Vậy tại sao bạn không sử dụng công thức của Franklin để đạt được những thành tựu to lớn? Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó, chỉ cần bạn có quyết tâm. Nếu các tác giả của cuốn sách này có thể tạo động lực cho bạn để sử dụng ý tưởng đó thì cũng giống như Bettger, bạn hoàn toàn có thể đứng lên từ thất bại và vươn đến thành công. Hoặc thông qua việc sử dụng biện pháp của Franklin, bạn có thể tìm thấy những gì bấy lâu vẫn tìm kiếm: trí tuệ, đạo đức, hạnh phúc, sức khỏe và của cải.

Bettger đã viết các mục tiêu của mình trên 12 tấm thẻ riêng biệt. Tấm đầu tiên ghi “Lòng nhiệt tình” với câu nói đi kèm là: Để có lòng nhiệt tình, hãy HÀNH ĐỘNG nhiệt tình. Là một nhà giáo và cũng là nhà tâm lý học, William James đã chứng tỏ một cách thuyết phục rằng cảm xúc không phụ thuộc trực tiếp vào lý trí, mà phụ thuộc trực tiếp vào hành động.

Kế hoạch như thế nào? Do mục đích của cuốn sách này để bạn tự giúp mình và do các tác giả muốn bạn phải bắt tay vào hành động, nên chúng tôi sẽ minh họa cách chúng tôi đã làm để tạo động lực, thông qua hệ thống Franklin - Bettger.

Chúng tôi sử dụng tấm thẻ “Lòng nhiệt tình” và câu: để có lòng nhiệt tình, hãy HÀNH ĐỘNG nhiệt tình. Chúng tôi gọi một sinh viên lên đứng trước lớp và dạy cho cậu một bài học đơn giản nhưng hiệu quả để cậu có thể tiếp thu nhanh chóng. Đây là đoạn đối thoại đã diễn ra giữa người hướng dẫn và cậu sinh viên ấy:

Cậu muốn có lòng nhiệt tình không?

Vậy thì hãy học câu: “Để có lòng nhiệt tình, hãy hành động nhiệt tình”. Nào, cậu hãy lặp lại.

Để có lòng nhiệt tình, hãy hành động nhiệt tình.

Tốt lắm! Thế đâu là từ khóa trong câu nói này?

Hành động.

Đúng rồi. Chúng ta hãy lý giải thông điệp này và cậu sẽ học được nguyên tắc thành công trong đó. Cậu có thể liên hệ và áp dụng nguyên tắc ấy vào cuộc sống của mình. Nếu muốn yếu ớt thì cậu sẽ làm gì?

Hành động yếu ớt.

Cậu nói đúng. Nếu muốn u sầu thì cậu sẽ làm gì?

Hành động u sầu.

Đúng! Và nếu muốn nhiệt tình thì cậu sẽ làm gì?

Để có lòng nhiệt tình, hãy hành động nhiệt tình.

Sau đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng mọi người có thể liên hệ câu nói này vào bất kỳ đức tính đáng quý nào của con người.

Chúng ta có thể lấy công bằng làm ví dụ, và câu ghi trên tấm thẻ sẽ là: Để có sự công bằng, hãy HÀNH ĐỘNG công bằng.

Rồi người hướng dẫn tiếp tục:

Hãy nhớ, khi các bạn tiếp nhận ý tưởng của một ai đó, ý tưởng đó sẽ trở thành của các bạn và được các bạn sử dụng. Bạn đã sở hữu ý tưởng đó! Bây giờ, tôi muốn các bạn hãy trò chuyện bằng một giọng thể hiện sự nhiệt tình. Tôi muốn các bạn hãy hành động nhiệt tình. Và để nói chuyện một cách nhiệt tình, các bạn hãy làm như sau:

1.Nói lớn! Điều này đặc biệt quan trọng nếu tâm trạng của bạn không được tốt, đang run rẩy khi đứng trước đám đông hay có cảm giác lo lắng, bồn chồn.

2.Nói nhanh! Tư duy của bạn sẽ nhanh nhạy hơn khi bạn nói nhanh. Giống như khi đọc nhanh và tập trung, thì thay vì chỉ đọc được một cuốn sách, bạn có thể đọc được hai cuốn.

3.Nhấn mạnh! Nhấn mạnh những từ quan trọng đối với cả bạn lẫn khán giả, chẳng hạn như từ bạn.

4.Ngưng lại trong giây lát! Nói nhanh nhưng bạn phải biết dừng lại mỗi khi cần thiết, như vậy, bạn sẽ vận dụng được ý nghĩa tuyệt vời của sự im lặng. Tâm trí của người nghe sẽ theo kịp với những điều bạn vừa trình bày. Hãy ngừng lại giây lát sau những từ bạn muốn nhấn mạnh để khẳng định tầm quan trọng của từ đó.

5.Luôn tươi cười trong khi nói! Việc này có tác dụng giảm đi vẻ thiếu lịch thiệp khi các bạn nói nhanh và nói lớn.

6.Lên xuống giọng! Đây là yếu tố rất quan trọng nếu các bạn phải nói chuyện trong một thời gian dài. Hãy nhớ, các bạn có thể điều chỉnh cao độ lẫn âm lượng của giọng nói. Các bạn có thể nói lớn, thỉnh thoảng chuyển sang kiểu đàm thoại và xuống giọng, nếu muốn.

7.Khi cảm giác lo lắng bồn chồn không còn nữa, các bạn có thể nói bằng giọng nhiệt tình.

Hãy làm ngay! Trong chương trước, bạn đã biết đến 12 nguyên tắc của Benjamin Franklin, bạn biết rằng lòng nhiệt tình là nguyên tắc đầu tiên trong 12 nguyên tắc mà Frank Bettger đã sử dụng, đồng thời cũng biết rằng thái độ tích cực là nguyên tắc đầu tiên trong số 17 nguyên tắc thành công.

Do đó, nếu chưa làm gì cả thì bạn hãy viết lên tấm thẻ đầu tiên trong số 17 tấm của mình tiêu đề sau đây: “Phát triển một thái độ tích cực”. Tiếp theo là 16 tấm thẻ dành cho 16 nguyên tắc còn lại. Sau đó, bạn hãy sử dụng biện pháp của Franklin để gặt hái kết quả.

Hành động của bạn theo lời kêu gọi HÃY LÀM NGAY! Vào lúc này có thể chứng minh một cách thuyết phục rằng bạn đã có thể tạo động lực cho chính mình. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó! Nếu biết tạo động lực cho bản thân, bạn cũng có thể tạo động lực cho người khác một cách dễ dàng. Khi đó, xem như bạn đã sẵn sàng để đón nhận chiếc chìa khóa dẫn đến thành trì của sự giàu có. Chương tiếp theo sẽ giúp trả lời câu hỏi: liệu có con đường tắt nào dẫn đến sự giàu có?

ĐỊNH HƯỚNG SỐ 10

Ý TƯỞNG THỰC HÀNH

1.Bạn tạo động lực cho người khác và họ sẽ tạo động lực cho bạn. Hãy học và vận dụng nghệ thuật tạo động lực bằng thái độ tích cực.

2.Tạo động lực cho người khác để họ tin vào bản thân bằng cách thể hiện rằng bạn tin vào họ và tin vào chính mình.

3.Một bức thư có thể thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực. Tập thói quen tạo động lực cho những người thân yêu bằng cách viết thư cho họ, trong đó bạn nhớ ghi những lời nhận xét tốt đẹp, những lời khuyên bổ ích.

4.Tạo động lực cho người khác bằng cách làm gương cho họ.

5.Khi muốn tạo động lực, bạn hãy tìm đến một cuốn sách có chủ đề phù hợp.

6.Nếu biết rõ điều gì có thể tạo động lực cho một người, bạn có thể truyền cảm hứng cho họ nếu bạn nắm vững nghệ thuật tạo động lực với thái độ tích cực.

7.Tạo động lực cho người khác bằng lời nhắc nhở họ. Tạo động lực cho chính bạn bằng lời nhắc nhở chính mình.

8.Cảm xúc không phải lúc nào cũng tùy thuộc lý trí nhưng luôn tùy thuộc vào hành động. Giả sử bạn nhớ lại một tình huống khiến bạn cảm thấy sợ hãi, bạn nghĩ bạn có thể làm gì để vô hiệu hóa cảm giác ấy?

9.Để có lòng nhiệt tình, hãy hành động nhiệt tình!

10.Muốn nói chuyện tự nhiên, vượt qua cảm giác nhút nhát, sợ hãi, bạn hãy:(a) nói lớn; (b) nói nhanh; (c) nhấn mạnh những từ quan trọng; (d) dừng lại ở những chỗ cần thiết; (e)  tươi cười trong khi nói để đánh tan hình ảnh thô lỗ do nói nhanh và nói lớn; và (f) sử dụng kĩ thuật lên xuống giọng một cách thông minh.

11.Hãy bắt đầu viết tấm thẻ đầu tiên trong số 17 tấm thẻ thành công thái độ tích cực của bạn. HÃY LÀM NGAY!

-----o0o-----

Trích: “Tư Duy Tích Cực Tạo Thành Công”

Biên dịch : Thu Hà – Vương Long ,

NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2017.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan