TIỀM NĂNG TRÍ TUỆ - TỐI ƯU HOÁ TRÍ THÔNG MINH – JAMES HARRISON & MIKE HOBS

TIỀM NĂNG TRÍ TUỆ

TỐI ƯU HOÁ TRÍ THÔNG MINH – JAMES HARRISON & MIKE HOBS

-----o0o-----

Não của bạn là vật thể phức tạp nhất trong những thứ con người được biết. Hàng triệu thông tin được truyền đi với tốc độ cao qua hệ thần kinh trong mọi khoảnh khắc giúp cho não của bạn thu nhận, xử lí, lưu trữ thông tin và gửi những chỉ thị đến khắp cơ thể.
TIỀM NĂNG TRÍ TUỆ - TỐI ƯU HOÁ TRÍ THÔNG MINH – JAMES HARRISON & MIKE HOBS

Sức mạnh trí tuệ

Não của bạn là vật thể phức tạp nhất trong những thứ con người được biết. Hàng triệu thông tin được truyền đi với tốc độ cao qua hệ thần kinh trong mọi khoảnh khắc giúp cho não của bạn thu nhận, xử lí, lưu trữ thông tin và gửi những chỉ thị đến khắp cơ thể.

Bộ não của bạn có khả năng nhiều hơn bạn nghĩ đấy! Hãy dành một ít thời gian để nhìn lại tất cả những gì mà con người đã tạo ra. Từ công cụ cổ xưa nhất như cái cuốc cho đến những tòa nhà chọc trời hiện đại, từ đập nước khổng lồ cho đến những con chíp nhỏ nhất - tất cả đều bắt đầu hình thành từ bộ não. Không nghi ngờ gì nữa, chính bộ não là công cụ hiệu quả nhất mà con người có thể tùy nghi sử dụng.

Não của bạn làm việc liên tục. Nó phát ra nhiều xung điện mỗi ngày hơn tất cả các điện thoại di động trên thế giới. Có hàng tỉ tế bào thần kinh não nhỏ bé hoán vị tương tác với nhau với số lần ước tính có thể bằng 10^800. (Để dễ hình dung hơn, bạn cần biết tổng số nguyên tử - một trong những vật chất nhỏ nhất mà chúng ta có thể nhận biết được - trên thế giới ước tính chỉ là 1,33 x 10^48.)

Bạn có biết?

Não bạn tiêu tốn năng lượng ít hơn chiếc đèn tủ lạnh nhà bạn, với công suất cờ khoảng 12 W. Trong suốt một ngày, não của bạn sử dụng một lượng năng lượng bằng với năng lượng có trong một thanh sô-cô-la nhỏ, khoảng 230 calo. Mặc dù những con số này cho ta thấy não có vẻ là một bộ máy năng suất, nhưng bên cạnh đó nó cũng chính là một cái máy hút năng lượng. Bộ não của bạn chỉ chiếm 2% cân nặng của cơ thể nhưng lại làm tiêu hao 20% năng lượng của toàn cơ thể. Não của bạn cần một phần mười calo mỗi phút chỉ để tồn tại. Nó tiêu hao năng lượng gấp mười lần so với các bộ phận khác trong cơ thể nếu tính theo tỉ lệ trọng lượng. Phần lớn năng lượng này dùng vào việc duy trì sự hoạt động của não.

Ưu và nhược

Vậy tại sao chúng ta không giỏi về mọi thứ khi chúng ta có một bộ não đầy năng lực như vậy? Tại sao một vài người lại hay quên? Tại sao một vài người lại gặp rắc rối trong việc đọc những biểu đồ? Tại sao một vài người lại thiếu khả năng cảm nhận giai điệu? Rõ ràng với tất cả những hoạt động mang tính điện tử” vẫn liên tục diễn ra trong đầu thì lẽ ra chúng ta đã không phải đối mặt với những khó khăn đó chứ?

Hãy tưởng tượng bộ não như một công viên giải trí được phân ra thành những khu vui chơi, trong đó mỗi khu tượng trưng cho một phần của bộ não và mỗi người đi chơi công viên là một tế bào thần kinh nhỏ bé hay còn gọi là “nơ-ron”. Trong công viên này sẽ có một số trò chơi thu hút được nhiều người hơn. Những “trò chơi đắt khách” ấy trong bộ não là những phần não có nhiều hoạt động của “tế bào thần kinh” và vì thế nó có xu hướng phát triển hơn. Sự phát triển này được hỗ trợ một cách đáng kể nhờ vào cách giáo dục mà chúng ta nhận được khi còn nhỏ. Một người có thể rất giỏi trong việc đọc hiểu các bản đồ, người khác lại có thể sáng tạo hơn, và có người thì tư duy logic hơn. Dĩ nhiên, đây chỉ là một sự phân tích sơ sài vì những phần khác nhau của bộ não phối hợp với nhau trong hầu hết các nhiệm vụ và có một khu vực cụ thể sẽ đảm trách chính, nhưng những phân tích này cũng đã minh họa được sự khác nhau của bộ não của người này so với người khác. Tóm lại, vấn đề là ở sự giáo dục và di truyền. Vì thế, đừng tự tạo áp lực cho mình nếu bạn nghĩ mình dốt môn toán hay mình dở tệ môn ngoại ngữ bởi bạn sẽ có cơ hội nổi trội hơn ở những lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể phát triển khả năng mà bạn cho là yếu kém hơn người khác. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng vì bạn không có những năng khiếu như toán học hay đọc hiểu biểu đồ nên những cố gắng phát triển chúng là vô ích. Não của bạn cũng tương tự như bất cứ cơ bắp nào trên cơ thể ở chỗ luyện tập sẽ làm tăng hiệu quả của nó. Bạn hoàn toàn có thể cố gắng để phát triển và mở rộng khả năng trí tuệ hiện tại của mình.

Hình ảnh bộ não

Bộ não giống như một cây nấm khổng lồ nhăn nheo với trọng lượng trung bình khoảng 1,5 kg ở một người trưởng thành.

Não của bạn được chia thành hai bán cầu: bán cầu trái và bán cầu phải. Hai bán cầu này được nối với nhau bởi một đơn vị xử lí trung tâm có tên gọi là thể chai (corpus callosum). Mỗi bán cầu lại được chia thành bốn phần:

•Ở đằng sau gáy là thùy chẩm chịu trách nhiệm xử lí các tín hiệu thị giác.

• Ngay đằng sau mỗi tai là thùy thái dương liên quan đến việc tổ chức âm thanh, trí nhớ, ngôn ngữ, và những phản xạ cảm xúc.

• Ở đỉnh đầu là thùy đỉnh xử lí những cảm giác như xúc giác, sự nhận biết của cơ thể, sự đau đớn, sức ép và nhiệt độ cơ thể. Nó cũng giúp bạn trong việc

định hướng không gian.

• Dưới trán là thùy trán, được coi là ngôi nhà của tính cách. Phần trên cùng của thủy trán tham gia vào việc giải quyết vấn đề, kích hoạt những phản xạ tức thời, tìm lại những kí ức, đưa ra những phán xét, kiểm soát xung động. Nó còn điều chỉnh những ứng xử xã hội và giới tính của chúng ta. Vùng não này ở người phát triển hơn bất kì động vật nào.

Hệ viền

Phía bên trong phần lồi lõm của mỗi bán cầu là một hệ thống được gọi là hệ viền. Hệ này bao gồm hạch hạnh nhân, vùng dưới đồi thị, đồi thị, và hồi hải mã. Những phần này kích hoạt những xúc cảm, sự thèm khát, bản năng, những cảm giác đau đớn, vui mừng và những nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta. Hạch hạnh nhân khơi dậy những phản ứng cảm xúc như sự sợ hãi hay trạng thái phấn khích, trong khi vùng dưới đồi thì lại là trung tâm kiểm soát những tín hiệu phát đi từ cơ thể đến não và từ não đến cơ thể, ví dụ làm cho huyết áp tăng khi chúng ta bị kích động. Đồi thị tiếp nhận những tín hiệu của thính giác và thị giác, sau đó truyền chúng đến lớp ngoài của não, lớp vỏ não, tại đây thông tin được xử lí.

Hồi hải mã đặc biệt quan trọng đối với việc nhận biết và ghi nhớ vị trí không gian. Ở sau cùng của bộ não là tiểu não chịu trách nhiệm điều khiển cử động và thăng bằng, và cùng với cuống não, đây là phần tiến hóa đầu tiên và được thừa hưởng từ tổ tiên thời nguyên thủy. Nó giữ cho chúng ta sống được bằng cách kiểm soát những chức năng vô thức của cơ thể bao gồm sự hô hấp và tiêu hóa.

Nơ-ron là gì?

Nơ-ron là những tế bào trong hệ thần kinh truyền thông tin bằng cách phát ra tín hiệu điện hóa. Chúng là những thành phần cốt lõi của bộ não và tủy sống. Có những loại nơ-ron chuyên biệt như nơ-ron cảm giác và nơ-ron vận động cho phép chúng ta cảm nhận và cử động. Tất cả các nơ-ron đều phản ứng với các kích thích và gửi những thông tin về những kích thích này đến hệ thần kinh trung ương rồi sau đó tới các phần tương ứng trên. não, những phần này sẽ xử lí thông tin và gửi phản ứng đến các phần trên cơ thể để thực hiện hành động. Mỗi nơ-ron nối với khoảng 10.000 nơ-ron khác bởi những tua xoắn hình lá lược. Chúng được gọi là những sợi nhánh (dendrite), "người tiếp nhận", và sợi trục (axon), “người vận chuyển”. Các nơ-ron không thật sự gắn vào nhau mà chỉ chạm vào nhau. Khi các nơ-ron liên lạc với nhau, khoảng trống tại những điểm tiếp xúc được lấp đầy bởi những hóa chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh mang những xung hay những “thông điệp điện”. Vỏ myelin hoạt động giống như một lớp cách li, làm tăng tốc độ và công suất của các xung.

Kết hợp các phần

Mỗi bán cầu não xử lí những dạng hoạt động thần kinh khác nhau. Bán cầu trái xử lí những hoạt động về tư duy logic, toán học, ngôn ngữ, liệt kê, và phân tích được gọi là những hoạt động có điều kiện. Bán cầu phải thiên về hình ảnh và xử lí những hoạt động tưởng tượng, nhận biết màu sắc, không gian, hình dạng, cảm nhận và nhận biết trừu tượng.

Hầu hết mọi người dường như đều có một bên vượt trội. Từ quan trọng ở đây là “vượt trội”. Đó là một sự ưu tiên tự nhiên nhưng không phải tuyệt đối. Điều này có nghĩa là khi bạn nhận biết một điều mới mẻ nào đó, não của bạn sẽ chuộng một cách tiếp thu nhất định. Nó không khác biệt đến nỗi bán cầu não trái trội hay bán cầu não phải trội hơn về mặt sinh học, mà nhìn chung là vì bạn đã trở nên quen với việc sử dụng một bán cầu não nhiều hơn bán cầu não còn lại. Trong thực tế bạn luôn luôn sử dụng cả hai bán cầu não, đơn giản là vì hầu hết các công việc đều đòi hỏi như vậy, vì thế mà theo tự nhiên thì bạn không nên quá bận tâm về việc phân chia này.

Thế nào là thông minh?

Chúng tôi đã giới thiệu về bộ não, giờ hãy nói về trí thông minh hay cụ thể hơn là điều gì làm cho chúng ta thông minh. Thông minh là điều khó định nghĩa. Nó có thể mang ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Thực tế, cộng đồng khoa học đã tranh cãi về nghĩa của nó trong một thời gian dài và cho đến nay vẫn còn những ý kiến trái chiều về định nghĩa chính xác về sự thông minh và cách đo nó.

Việc kiểm tra “IQ” đã từng được xem là cách tốt nhất để đo trí thông minh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã chỉ ra thiếu sót của phương pháp này là nó chỉ kiểm tra được một số phần của trí thông minh. Điều quan trọng cần nhớ là thông minh không chỉ là xuất sắc trong một lĩnh vực học thuật nhỏ hẹp hay có kiến thức chung rộng, hoặc giỏi ngôn ngữ hay toán. Tất cả những điều đó đều cần một mức độ thông minh nhất định nhưng chúng không định nghĩa được thông minh. Đúng hơn, thông minh phản ánh một khả năng hiểu biết rộng hơn và sâu hơn về nhiều thứ khác nhau trong môi trường sống của một người, để "nắm bắt” được sự vật sự việc, hay "tìm ra” cách giải quyết cho bất kì tình huống nào. Đó là việc sở hữu khả năng phân tích và đánh giá, khả năng tưởng tượng và sáng tạo, và trong thực tế thì đó chính là khả năng vận dụng và thực hiện thành công các ý tưởng.

Các thành tố của trí thông minh

Trí thông minh có vô số thành tố như khả năng suy luận, lên kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy trừu tượng, lĩnh hội được những ý tưởng, sử dụng ngôn ngữ, và khả năng học hiểu. Trí thông minh của con người còn có thể được mô tả bởi khả năng thích nghi trong môi trường mới, khả năng tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp, hay khả năng đưa ra những ý tưởng độc đáo và hữu ích. Ngoài ra, ta có thể thấy những thành tố cụ thể hơn của trí thông minh. Ví dụ như một người chơi giỏi một môn thể thao nào đó chứng tỏ mức độ cao về trí thông minh trong hoạt động thể lực, trong khi một người khác lại có thể điều khiển giai điệu và nhịp điệu vì họ có được mức độ thông minh cao về âm nhạc. Theo lập luận đó thì cả Johann Sebastian Bach và David Beckham đều có thể được xem là những người rất thông minh trong lĩnh vực của họ.

Luyện tập trí não và trí thông minh

Theo nghiên cứu của trường Đại học Michigan, một chương trình rèn luyện trí não tốt có thể phát triển trí nhở, đẩy mạnh khả năng giải quyết những vấn đề thường gặp và nâng cao trí thông minh nói chung. Trong nghiên cứu này, sau khi ghi lại kết quả kiểm tra trí thông minh của những người tham gia, các nhà khoa học đã chia họ làm bốn nhóm; trong đó một nhóm không tham gia việc huấn luyện trí não còn ba nhóm còn lại được làm các bài tập luyện não liên tục lần lượt trong 8, 12 và 17 ngày. Sau đợt huấn luyện, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lại trí thông minh của những người này. Trong khi nhóm không được huấn luyện tiến bộ rất ít thì những đối tượng được huấn luyện lại thể hiện một sự tiến bộ đáng kể và tăng tỉ lệ thuận với thời gian huấn luyện. Điều này cho thấy một chương trình huấn luyện trí não tốt là cách hiệu quả để nâng cao mức độ thông minh.

Nhìn để học

Bạn học được những gì từ thị giác của mình? Vâng, nói chung, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng 75% những gì bạn học được đều từ thị giác. Các em bé là những ví dụ cụ thể. Với đôi mắt tò mò, chúng làm quen với những cách xử sự bằng cách quan sát mọi người quanh mình, chúng phán đoán những biểu hiện trên khuôn mặt và những cử chỉ của cơ thể. Chỉ cần nhìn lướt qua, em - bé có thể biết được khi nào mẹ vui hay giận chúng. Đó là những cử chỉ không thường xuyên thay đổi. Hãy xem xét hai người đang hẹn hò nhau lần đầu tiên. Họ thật sự để ý đến nội dung câu chuyện hay chỉ đang tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể của nhau?

Việc bạn thu được một lượng thông tin lớn từ việc nhìn không có gì đáng ngạc nhiên vì khoảng 40% não của bạn được dành cho việc nhìn và xử lí tư liệu hình ảnh. Trung bình hầu hết mọi người đều biết được tên của khoảng 10.000 vật và có thể nhận biết chúng chỉ thông qua hình dạng.

-----o0o-----

Trích: “Tối Ưu Hoá Trí Thông Minh”

Tác giả: James Harrison và Mike Hobs

Người dịch: Trần Ánh Tuyết

NXB Dân Trí, 2018

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan