TỎA SÁNG GIỮA ĐÁM ĐÔNG - TONY BUZAN - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

TỎA SÁNG GIỮA ĐÁM ĐÔNG

TONY BUZAN - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

--------o0o-------

Nhiều, rất nhiều người, thậm chí những ai tự tin và quảng giao trong cuộc tranh luận một - một cũng thu mình lại và đứng “chết trân” khi tham dự những cuộc hội họp hay bữa tiệc lớn...
TỎA SÁNG GIỮA ĐÁM ĐÔNG - TONY BUZAN - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

Nhiều, rất nhiều người, thậm chí những ai tự tin và quảng giao trong cuộc tranh luận một - một cũng thu mình lại và đứng “chết trân” khi tham dự những cuộc hội họp hay bữa tiệc lớn. Biển người lạ lấn át họ, và phần lớn thời gian họ đứng trong một góc tuyệt vọng cố gắng tìm kiếm một khuôn mặt thân thiện nào đó để tiếp cận trong số những khuôn mặt lạ hoắc lạ huơ kia. Cuối cùng họ cũng tìm được cách thoát thân, và thề rằng sẽ không bao giờ tham gia sự kiện tương tự như thế thêm lần nào nữa!

Tuy nhiên, hãy nghĩ đến một kịch bản khác...

Những người thích tiệc tùng sẽ bước vào căn phòng với vẻ tự tin, đảo nhìn xung quanh để biết có khoảng bao nhiêu người đang hiện diện. Sau đó họ rảo quanh để tham gia vào một nhóm mà họ thấy ưa thích, lắng nghe cuộc đối thoại một lúc, và từ từ đưa ra những nhận xét khách quan, thân thiện. Rồi họ bắt đầu tự giới thiệu về bản thân. Chỉ trong chốc lát, họ trở thành tâm điểm của nhóm,

Có thể thường xuyên áp dụng cách làm này nếu cần thiết - trong trường hợp một nhóm nào đó quá đoàn kết với nhau, khó cho phép người lạ” tham gia vào thì những người thích tiệc tùng, giỏi quảng giao cũng đành phải chuyển sang nhóm khác.

Chương này sẽ đưa ra những gợi ý giúp bạn thích thủ tận hưởng những sự kiện xã hội, thay vì phải ngậm ngùi chịu đựng chúng.

  • Hòa Vào Đám Đông

Có một mẹo nhỏ giúp bạn cảm thấy thoải mái khi bước vào căn phòng đông người, đó là: hành động một cách tự tin.

Với suy nghĩ “Giúp với, tôi chẳng quen ai hết. Tôi không muốn ở đây!", làm sao bạn toát ra được phong thái tích cực trước mặt những người ở đó. Hãy hít một hơi sâu trước khi bước vào, ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy tự tin, tích cực hơn và có cảm giác thân thuộc như đang ở nhà. Càng bình tĩnh và thoải mái, sự hiện diện của bạn cũng làm cho người khác cảm thấy thoải mái hơn. Theo đó bạn đã góp phần tạo ra bầu không khí tích cực.

Điều kế tiếp cần nhớ là đám đông được hình thành từ nhiều cá nhân. Chắc chắn có ít nhất một người đơn độc nào đó đang lang thang xung quanh, như thể đang tìm kiếm vật bị mất. Hãy đến bắt chuyện với họ bằng một nụ cười và ngôn ngữ cơ thể biểu lộ sự cảm thông, rồi bắt đầu giới thiệu về bản thân. Họ sẽ rất vui vì bạn đã quan tâm đến họ.

Trong trường hợp không thể nhận ra ai đó đang đơn độc, hãy tiến đến bàn thức ăn tự chọn vì rất dễ để bắt chuyện với mọi người tại đây. Hoặc tốt hơn nữa, bạn có thể bưng khay thức ăn đi quanh phòng để mời mọi người - đây là một cách làm quen không thể nào sai!

Đừng quên vận dụng kỹ năng lắng nghe chủ động và kỹ năng đọc ngôn ngữ cơ thể. Nhưng trước hết, bạn cần phải thư giãn, lắng dịu lại và tận hưởng bữa tiệc.

  • Nguyên Tắc Kết Nối

Một trong những việc khó nhất mà mọi người thường gặp phải tại các sự kiện xã hội là nhớ tên những người mới quen, nhất là khi bạn được giới thiệu với một nhóm người cùng một lúc.

Để đạt được sự tương thích, dù là về tinh thần, thể chất hay xã hội, thì chúng ta đều cần tạo ra sự kết nối. Cụ thể là nếu muốn nhớ tốt, bạn phải liên kết những điều bạn đã nhớ với những điều mới mẻ bạn muốn khắc ghi; nếu muốn làm chủ các kỹ năng xã hội hay trở thành một nhà lãnh đạo, bạn cần kết nối thành công với càng nhiều người càng tốt.

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, Tiến sĩ von Restorff đã công bố một phát hiện thú vị, đó là: chúng ta có khuynh hướng nhớ những đồ vật, con người, địa điểm, vv. được xem là nổi bật và khác thường.

Phát hiện này có đúng trong trường hợp của bạn không?

Chúng ta hãy cùng kiểm tra thử xem!

Theo nguyên lý von Restorff, khi bạn, cùng với bạn bè mình, hồi tưởng lại những ký ức cũ và khoảng thời gian vui vẻ bên nhau, bạn sẽ thường nói những điều đại loại như: “Bạn còn nhớ lần chúng ta cùng trượt tuyết ở Alps không? Quả là một tuần lễ tuyệt vời!”, hoặc “Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh hoàng hôn nào rực rỡ như cảnh chúng ta từng ngắm vào dịp nghỉ hè vừa qua”, vv.

Sau đây là một bài trắc nghiệm nhỏ để kiểm tra nguyên lý này.

Bạn có ấn tượng gì với những thành phố và quốc gia dưới đây:

1. Ai Cập

2. Ấn Độ

3. Paris, Pháp

4. Rome, Y

5. Athens, Hy Lạp

6. London, Anh

7. Sydney, Úc

Hãy đọc lại danh sách trên và viết ra tên công trình kiến trúc đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn.

Rõ ràng là có đến hàng triệu công trình kiến trúc, tuy nhiên đa số mọi người đều đưa ra cùng câu trả lời như nhau!

1. Ai Cập - Kim tự tháp

2. Ấn Độ - Đền Taj Mahal

3. Paris - Tháp Eiffel (Nhà thờ Đức Bà và bảo tàng Louvre thinh thoảng được nhắc tới)

4. Rome - Đấu trường Coliseum

5. Athens - Điện Parthenon

6. London - Tháp đồng hồ Big Ben (Nhà thờ thánh Paul thỉnh thoảng được đề cập tới)

7. Sydney - Nhà hát Opera Sydney, hay nhà hát "Con sò”.

Câu trả lời của bạn có khác biệt gì không?

Nguyên lý von Restorff là thế!

Hiểu được nguyên lý quan trọng này sẽ giúp bạn thêm thấu hiểu về con người và hành vi xã hội của chúng ta.

Bởi vì tất cả chúng ta đều muốn được nhớ đến, nên chúng ta luôn tìm cách trở nên nổi bật trong ký ức mọi người. Bạn có còn nhớ “Quý ông Xanh dương” ở chương trước không? Anh ta tin chắc rằng mình đã có được một “chỗ đứng” như thế.

  • Nhớ Những Người Mới Quen?!

Một trong những cách giúp gia tăng sự tự tin và được nhiều người biết đến là nhớ tên những người mà bạn từng gặp. Việc này sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn có thể tìm ra điểm nổi bật của họ.

Hãy tìm hiểu những điều thú vị nhất từng xảy ra với họ, mục đích sống của họ, điều tốt đẹp nhất họ tùng trái qua, sự kiện đáng nhớ nhất v,v, Những thông tin này sẽ “vẽ” lên hình ảnh độc đáo về họ. Não của bạn Sẽ đặc biệt ghi nhận hình ảnh đó và bạn có thể dễ dàng nhớ họ nếu sau này có cơ hội gặp lại lần nữa.

Bên cạnh đó, việc bạn thể hiện sự quan tâm đến những “cái nhất” của họ sẽ khiến họ nhiệt tình, có thiện cảm với bạn hơn, cũng như sẽ có những cuộc đối thoại thật thân tình, thoải mái hơn.

  • Nổi Bật Giữa Đám Đông

Nếu bạn muốn được nhớ đến trong những buổi họp mặt xã hội, buổi hội họp kinh doanh, buổi phỏng vấn xin việc, hay nếu bạn phải thực hiện bài thuyết trình nào, bây giờ bạn đã biết cách để làm điều đó!

Hãy ăn mặc hay thể hiện bản thân theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất và khác biệt một chút so với đám đông - giống như “Qúy ông Xanh dương”. Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu phát triển những sở thích và mối quan tâm độc đáo để giúp mở rộng vòng tròn bạn bè và những mối quan hệ xã giao!

Càng tỏa sáng, bạn càng dễ được nhớ đến và có những đóng góp đặc biệt cho nhóm!

  • Nghệ Thuật Kết Nối Mọi Người Lại Với Nhau

Bí quyết để tổ chức hội họp thành công là lập kế hoạch, lập kế hoạch và... lập kế hoạch. Bản đồ Tư duy sẽ là công cụ hỗ trợ tuyệt vời cho việc này.

Hãy học cách phát hiện ra khi nào thì các vị khách cảm thấy khó chịu để làm cho họ thư giãn, thoải mái hơn tại buổi hội họp của bạn. Có những điều vốn nhỏ nhặt, quả thật cũng khiến người ta khó chịu nhưng thường bị phóng đại quá mức, chẳng hạn như: cảm thấy lạnh; cảm thấy khát; cảm thấy đói; cần đi vệ sinh; cảm thấy mệt; không biết chuyện gì đang diễn ra; không quen biết bất kỳ ai trong buổi hội họp; và lo lắng một vài vấn đề cá nhân. Hãy lưu ý đến những vấn đề này, đặc biệt là khi bắt đầu sự kiện (ấn tượng đầu tiên luôn khởi đầu từ đây!).

Ngoại trừ điều cuối cùng - lo lắng một vài vấn đề cá nhân – thì tất cả những vấn đề khác đều dễ dàng giải quyết, nhưng trước hết bạn phải nhận ra được vấn đề. Kỹ năng đọc ngôn ngữ cơ thể và thể hiện sự đồng cảm rất cần thiết vào lúc này.

Người chủ nhà có Trí tuệ Xã hội phải tạo điều kiện cho các khách mời hỗ trợ, bổ khuyết cho nhau, và khích lệ người ít nói hơn bằng cách giới thiệu một cách khéo léo, nếu cần- nhất là những sự kiện mà phần lớn người tham dự đã biết nhau trước đó, trong khi một hay hai người chỉ biết mỗi bạn.

Bầu không khí nơi hội họp cũng rất quan trọng. Khi bạn chủ trì các sự kiện xã hội, hãy tổ chức cho thật chu đáo, thu hút mọi giác quan – thiết kế, bày trí ấn tượng; nhạc nền thích hợp; có hương thơm tạo ra tâm trạng tốt; thức ăn hợp khẩu vị v.v.

Khách mời sẽ cảm thấy thư giãn và thích thú, còn bạn thì đã tổ chức thành công một sự kiện đáng nhớ!

  • Rèn Luyện Trí Tuệ Xã Hội
  1. Lập Bản đồ Tư duy về bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng

Những người thành công trong xã hội thường hiểu biết rất rõ về bạn bè, đồng nghiệp và khách hàng của mình. Lúc nào họ cũng lưu giữ thông tin chi tiết về những người quan trọng nhất đối với cuộc đời mình.

Bản đồ Tư duy là một công cụ lý tưởng cho việc ghi nhớ thông tin. Khi gặp một người mà bạn nghĩ rằng họ có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của mình, hãy vẽ một hình ảnh nhỏ - gói gọn trong đó tính cách, phẩm chất, những dấu ấn trong cuộc sống hay những đặc điểm ngoại hình của họ - ở giữa trang giấy. Từ hình ảnh trung tâm, phát tỏa ra những nhánh chính tương ứng với những chủ đề như: Gia đình; Nghề nghiệp; Sở thích: Vẻ bề ngoài; Tiểu sử; Tính cách vv. Từ những nhánh chính, bạn có thể “đâm ra” những nhánh nhỏ hơn, tạo thành bức tranh toàn diện về người này.

Đây là một công cụ tuyệt vời giúp gợi nhớ thông tin những người mà bạn từng gặp gỡ. Được như vậy, họ sẽ rất ấn tượng với khả năng ghi nhớ đến từng chi tiết của bạn về cuộc gặp lần trước.

  1. Lắng nghe!

Lắng nghe tích cực là một trong những cách dễ dàng giúp tạo ấn tượng tốt tại các buổi hội họp - nhất là khi bạn chưa đủ tự tin để làm sững sờ những người chưa từng quen biết bằng sự dí dỏm, khôn khéo và tài giao tiếp của mình.

Lắng nghe người khác sẽ giúp họ cảm thấy họ là người quan trọng, nổi bật, đáng quan tâm. Họ sẽ cảm kích bạn, vị khán giả nhiệt tâm này, và nghĩ rằng bạn là một người đặc biệt khi đánh giá cao họ.

  1. Chủ động thăm hỏi và tạo cảm giác thoải mái cho mọi người

Hãy tinh ý nhận ra những điều có thể khiến mọi người cảm thấy không thoải mái – nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh v.v. Mở đầu cuộc họp, nếu bạn chủ động hỏi thăm xem họ có cảm thấy thoải mái, dễ chịu hay không, bạn sẽ thể hiện mình là một người chu đáo và biết quan tâm. Rồi dần dà bạn được xem là người bạn, người đồng hành ưa thích, giàu lòng trắc ẩn và niềm nở.

  1. Lập Bản đồ Tư duy cho các sự kiện xã hội

Hãy ứng dụng Bản đồ Tư duy để lên kế hoạch cho những cuộc họp, lễ mừng, lễ cưới, sinh nhật v.v. Trên bản đồ, hãy xem xét hết tất cả những chi tiết lớn nhỏ, chúng đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của sự kiện xã hội.

Bản đồ Tư duy sẽ cho ta thấy rõ bức tranh toàn cảnh về sự kiện; giúp ta tự tin hơn và có khả năng kiểm soát tình hình; và trông nó thú vị, sinh động, vui mắt hơn so với một bản danh sách “ngớ ngẩn”, vốn thường chứa đựng những yếu tố vượt ngoài tâm kiểm soát và khiến ta có cảm giác bỏ lỡ mất điều gì đó quan trọng.

Ứng dụng Bản đồ Tư duy để lên kế hoạch cho sự kiện cũng giúp bạn sáng tạo hơn, góp phần làm nên buổi tiệc đáng nhớ và giúp bạn tiến nhanh trên nấc thang Trí tuệ Xã hội!

  1. Rèn luyện khả năng liên tưởng

Thực hành liên tưởng khuôn mặt, tên, tính cách và sở thích của mọi người với những hình ảnh khác lạ àm bạn có thể nghĩ ra. Bằng cách này, khả năng sáng tạo và hồi tưởng của bạn sẽ phát triển rất nhanh.

Và hoạt động này cũng khá vui nữa!

--------o0o-------

Trích: "Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội"

Tác giả: Tony Buzan

Biên dịch: TriBooker

NXB: Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Mình, 2016

Ảnh: Nguồn internet

 

Bài viết liên quan