TÔI LÀ AI

TÔI LÀ AI

Richard David Precht

-----o0o-----

Khoa ngôn ngữ học đã ứng dụng lý thuyết “trò chơi ngôn ngữ” của Wittgenstein và nghiên cứu ý nghĩa của việc phát ngôn trong ngữ cảnh cụ thể. Xuất phát từ đó, trong những thập kỷ 50 và 60, John Langshaw Austin người Anh và John Roges Searle người Mỹ đã phát triển một luận thuyết về hành vi phát ngôn. Bởi vì Austin nhận ra rằng, khi ai đó nói một điều gì đó thì người ấy “làm một cái...
TÔI LÀ AI

Triết gia, nhà báo và nhà văn Richard David Precht sinh năm 1964 tại Solingen (Đức), bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1994 tại Đại học Tổng hợp Cologne, từ đó đến nay cộng tác với hầu hết các tờ báo và kênh truyền thông lớn ở Đức.

Precht được trao học bổng Arthur F. Burns Fellowship 1997, một trong những học bổng danh giá nhất cho người làm báo, để làm biên tập viên của tờ Chicago Tribune.

Năm 2000, ông được tặng giải báo chí về Y sinh học. Ông đã xuất bản hai tiểu thuyết và ba cuốn sách chuyên môn. Hiện Precht sống tại Cologne và Luxembourg.

-----***-----

Thoạt tiên Wittgenstein hoàn toàn không chấp nhận các ý kiến phản kháng Tractatus. Bằng một giọng không thể lẫn, Wittgenstein tuyên bố rằng ông đã hoàn thành phần việc của mình và dùng tác phẩm đó để chốt lời cuối về sự việc. Vậy nên chẳng có lý do gì để ông tiếp tục phục vụ lĩnh vực triết học vốn đã được ông ưu ái ban cho vài chuyến thăm viếng hoành tráng. Ông phân phát khối tài sản đồ sộ của mình cho anh chị em trong nhà và tặng nhiều tiền cho các thi sĩ, họa sĩ và kiến trúc sư trẻ. Chặng đường tiếp theo là cuộc du ngoạn sang lĩnh vực sư phạm thực tiễn. Vị triết gia được tung hô, ít nhất là ở anh, đến học ở trường sư phạm Vienna rồi, gần như ẩn danh, nhận việc làm một ông giáo dạy phổ thông trong nhiều năm tại một trường tiểu học tỉnh lẻ của Áo. Kết quả công tác này là một thảm họa. Có thể đoán rằng đa số bọn học trò ở nông thôn coi Wittgenstein là một thợ tra tấn. Năm 1926 ông thất vọng chấm dứt việc dạy học, về phụ làm vườn cho một tu viện trong mấy tháng. Tiếp đó, ông tìm được một dự án mới để hăng hái lao vào. Cùng một kiến trúc sư, ông thiết kế rồi xây dựng cho chị gái Margarete một ngôi biệt thự dạng lập thể ở Vienna, chủ yếu là phần nội thất. Ngôi nhà trở thành trung tâm của giới trí thức thủ đô Vienna, “Nhóm Vienna” cũng hay gặp nhau ở đây. Năm 1929, sau 15 năm vắng mặt, Wittgenstein quay trở lại Cambridge. Ông nhận bằng tiến sĩ còn khuyết cho tác phẩm Tractatus, nhưng trong nhiều công việc tiếp theo thì ông hành động hoàn toàn ngược lại với những gì ông đã chủ trương thời trẻ. Ông viết và làm việc như một kẻ bị ma ám, nhưng chưa đánh giá công trình nào đủ độ chín để xuất bản. Là một giảng viên đơn giản, ông sống bằng số tiền ít ỏi và tự học bổng, ở tuổi 50 rốt cuộc ông cũng trở thành giáo sư. Theo hồi ức của một học trò, trong suốt thời kỳ này ông là “một ẩn sĩ, một người khổ hạnh, một sư phụ, một ‘thủ lĩnh’”, một hình tượng tiểu thuyết, rơi từ tột đỉnh xa hoa xuống đáy bần cùng, và sinh thời đã thành một huyền thoại của chính mình.

Đến một lúc nào đó, cả Wittgenstein cũng lờ mờ nhận ra sai lầm của lý thuyết coi ngôn ngữ như hình phản chiếu của thực tế. Một đồng nghiệp người Ý của ông ở Cambridge, nhà kinh tế học Piero Saffra, bồi thêm đòn cuối. Khi Wittgenstein nhấn mạnh rằng ngôn ngữ phản ánh cấu trúc logic của hiện thực, Saffra lấy tay xoa cầm và hỏi: “Vậy cái gì là dạng logic của nó?”. Wittgenstein từ bỏ hẳn lý thuyết minh họa của mình. Ông tặng Saffra tác phẩm khi về già của mình mang tên khảo cứu triết học được ông bắt đầu viết năm 1936 và sau đó gạch xóa chỉnh sửa nhiều lần. Được xuất bản năm 1953, hai năm sau khi ông qua đời, cuốn sách này không chỉ là lời chối từ lý thuyết minh họa, mà còn vứt bỏ cả ý tưởng cho rằng người ta có thể hiểu ngôn ngữ chỉ duy nhất với công cụ luận lý học. Một lời có cánh trong đó, sau này được nữ thi sĩ Ingeborg Bachmann khen ngợi: “Người ta có thể coi ngôn ngữ của chúng ta như một thành phố cổ: ngõ ngách và quảng trường xen nhau, nhà cũ nhà mới với những phần phụ trợ xây thêm trong nhiều thời kỳ khác nhau, và tất cả chúng được bao bọc bởi nhiều khu ngoại ô với những đường phố thẳng đều tăm tắp, với nhiều ngôi nhà đơn điệu”. Wittgenstein nhận ra rằng “ý nghĩa của từ ngữ” sinh ra từ việc “sử dụng ngôn ngữ”. Thay vì ngồi chặt ý nghĩa và cấu trúc câu vào cái khuôn của logic, thực ra các triết gia phải cố gắng làm cho các quy tắc ứng dụng ngôn ngữ - các “trò chơi ngôn ngữ” khác nhau - trở nên dễ hiểu. Trong mối liên quan này, rốt cuộc ông đã phát hiện ra ý nghĩa của tâm lý học mà trước kia ông đã nông nổi phủ nhận. Vì các trò chơi ngôn ngữ không tồn tại trong môi trường chân không mà trong một cộng đồng, nên chúng phải được lý giải không phải bằng luận lý học, mà bằng tâm lý kèm luận lý học. Thế giới này cần các nhà tâm lý, nhưng không phải để họ làm thí nghiệm với tâm hồn, mà để họ lý giải các trò chơi ngôn ngữ trong ngữ cảnh xã hội của chúng, đó mới là đất dụng võ thật sự của các nhà tâm lý. Vì, “nếu chúng ta không hiểu, thì lý do chính là do không nắm được tổng quan cách sử dụng ngôn từ”. Ý này còn có thể được diễn đạt trong một câu hay hơn: “Cái gì là mục đích của bạn trong triết học? Là chỉ cho con ruồi lối thoát khỏi lọ bẫy ruồi”.

Giống như trong thế chiến I, Wittgenstein cũng tình nguyện tham gia thế chiến II, tuy nhiên lần này đứng về phe Anh. Là trợ tá trong một bệnh viện, ông sử dụng kinh nghiệm của bản thân trong kỹ thuật sản xuất máy bay để chế ra máy móc và dụng cụ phòng xét nghiệm, máy đo mạch đập, huyết áp, tần suất và thể tích khí thở. Ông còn tiếp tục giảng dạy bốn năm nữa ở Cambridge, cho đến năm 58 tuổi thì nghỉ hưu non. Những năm cuối đời ông sống ở Ireland và Oxford. Năm 1951 ông mất vì bệnh ung thư. Những lời cuối cùng ông truyền lại là lời chào bạn bè: “Hãy nói với họ là tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời”.

Nếu như Tractatus của Wittgenstein là một ngõ cụt thì khảo cứu triết học đã trở thành cảm hứng hữu hiệu cho cả triết học lẫn khoa học ngôn ngữ mới ra đời thời ấy. Một ngày mới xuất hiện là triết học phân tích đã trở thành trào lưu triết học quan trọng nhất trong nửa cuối thế kỷ 20. Các vấn đề triết học, như từng được Wittgenstein khởi xướng, phải luôn được hiểu và phân tích như là vấn đề của sự biểu hiện qua ngôn ngữ. Bởi vì cách thức mà con người áp dụng để tìm hiểu thế giới luôn chịu ảnh hưởng bởi ngôn ngữ của họ. Không có cảnh quan “thuần túy” nào mà lại không chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tư duy (ngôn ngữ). Tương tự, không hề có ý nghĩa rõ ràng, vì ngôn ngữ luôn luôn đa nghĩa. Triết học phân tích đã khai phá ra những lối đi trong rừng già của sự giao thoa tương hỗ giữa cảm quan và ngôn ngữ.

Khoa ngôn ngữ học đã ứng dụng lý thuyết “trò chơi ngôn ngữ” của Wittgenstein và nghiên cứu ý nghĩa của việc phát ngôn trong ngữ cảnh cụ thể. Xuất phát từ đó, trong những thập kỷ 50 và 60, John Langshaw Austin người Anh và John Roges Searle người Mỹ đã phát triển một luận thuyết về hành vi phát ngôn. Bởi vì Austin nhận ra rằng, khi ai đó nói một điều gì đó thì người ấy “làm một cái gì đó”. Và vấn đề quyết định để hiểu các câu không phải do cái đó đúng hay sai, mà do sự chuyển tin như đã chủ định có thành công hay không thành công. Luận thuyết về sự thật của ngôn ngữ đã trở thành luận thuyết về giao lưu xã hội.

Ngôn ngữ của con người là một phương tiện giao lưu tuyệt vời. Nhưng với Wittgenstein, triết học đã buộc phải thừa nhận ngôn ngữ không phải là lối độc nhất vô nhị để tiếp cận chân lý. Chỉ khi người ta suy ngẫm rằng các công cụ tiết chế của tinh thần, tức tư duy và ngôn ngữ, không dùng để tiếp cận sự thật (tuyệt đối), mà là những mô hình nhằm giải thích thế giới theo yêu cầu của những luật chơi riêng, thì đó là lúc người ta đến gần với con người hơn. Ai lĩnh hội những sự việc khác nhau, người đó trải nghiệm khác. Và ai trải nghiệm khác thì sẽ tư duy khác. Và ai tư duy khác thì sẽ sử dụng một ngôn ngữ khác. Cái dẫn dụ các cá thể khác nhau đến với cách tư duy và phát ngôn khác biệt nhau, chính là điểm phân biệt con người với những sinh vật khác. Ranh giới của bộ máy cảm quan và ranh giới của ngôn ngữ chính là ranh giới của thế giới chúng ta. Bởi vì sự lựa chọn ngôn từ làm y phục cho tư duy chúng ta diễn ra trong cái tủ quần áo ngăn nắp của giống người. Đồng thời ngôn ngữ cũng có nhiệm vụ hiến định bất thành văn là “lừa” chúng ta về tính hiện thực của thông điệp trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ được “làm ra” để “kiến tạo” hiện thực và thế giới theo nhu cầu của giống người. Giả sử con rắn cần một ngôn ngữ cho sự định hướng của nó (sự thật là không, vì cảm quan của nó hoạt động không cần ngôn ngữ) thì đó sẽ là “tiếng rắn” hoàn toàn vô ích với con người. Mà ngược lại thì “ngôn ngữ người” chẳng có ích gì đối với loài rắn. Ông già Wittgenstein có lần phát biểu rất thông thái: “nếu sư tử biết nói thì ta cùng không hiểu nó!”.

Đến đây ta tạm dừng chuyến du hành triết học - tâm lý học -  sinh học tới những khả năng và hạn chế trong nhận thức của chúng ta. Ta đã học được một ít về não bộ, về nguồn gốc và chức năng của nó. Ta đã thấy được những khả năng và cả hạn chế của nó. Chúng ta cũng đã nhận thấy rằng trong não bộ của chúng ta tình cảm và lý trí thường hoạt động chung không thể phân bạch, và làm quen sơ sơ “cảm giác bản ngã” và sự nhìn nhận bản thân. Chúng ta cũng đã biết rõ ràng ý thức và vô thức pha trộn lẫn nhau, và chúng ta mới chỉ biết rất ít về việc bộ não lưu trữ và lãng quên các ý nghĩa như thế nào. Chúng ta đã học được rằng não bộ là một cơ quan của sự truyền tin cực kỳ phức tạp và tinh vi, tuy nhiên cỗ máy ấy không phải được kiến tạo ra với mục đích nhận thức thế giới một cách khách quan. Chúng ta đã thấy năng lực của ngôn ngữ và những vấn đề mà nó vấp phải khi muốn trở nên “khách quan”. Vì vậy, suy nghĩ về chính mình và về thế giới luôn giống như lái ôtô qua sông hoặc đi xe đạp ba bánh băng qua sa mạc Sahara. Có thể được, song cực kỳ vất vả. Ít ra là bây giờ chúng ta đã biết một số chi tiết quan trọng trong trang bị của mình, hiểu rõ hơn cái gì ta làm hoặc không làm.

Hành trình đến với chính mình sẽ đưa chúng ta tiến tới một quy mô khác, đến với câu hỏi: chúng ta đánh giá hành động của mình như thế nào. Môn nghiên cứu não cho đến nay đã đạt được một số thành tựu hữu ích, nay sẽ lùi lại phía sau một chút, tất nhiên không hoàn toàn biến mất mà chỉ để nhường chỗ rộng hơn cho triết học. Vậy là thỉnh thoảng chúng ta lại cần nó tư vấn, kể cả với câu hỏi về Thiện và Ác. Nhưng, bất kể môn sinh học nói gì, vấn đề đạo đức vẫn và sẽ luôn là vấn đề triết học và có thể là cả vấn đề tâm lý học: thước đo đúng sai của chúng ta từ đâu ra? Chúng ta dựa vào đâu để đánh giá cách ứng xử của mình? Và tại sao chúng ta lại làm tất cả những chuyện đó?

-----o0o-----

Trích: “Tôi Là Ai – Và Nếu Vậy Thì Bao Nhiêu?”

Trần Vinh dịch, NXB Thế Giới, 2018.

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan