TỪ ĐÂU CÓ MẪU TƯỢNG - TÂM LÝ HỌC CHUYÊN SÂU - Ý THỨC VÀ NHỮNG TẦNG SÂU VÔ THỨC - LƯU HỒNG KHANH

TỪ ĐÂU CÓ MẪU TƯỢNG

TÂM LÝ HỌC CHUYÊN SÂU - Ý THỨC VÀ NHỮNG TẦNG SÂU VÔ THỨC - LƯU HỒNG KHANH

---o0o---

“Tôi nghĩ, sự hình thành của mẫu tượng luôn bắt nguồn từ những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người. Một trong những kinh nghiệm quen biết nhất và đồng thời đầy ấn tượng nhất là sự xoay vần thường ngày của mặt trời: chúng ta có thể sẽ không khám phá gì được trong vô thức, nếu chỉ nhìn đến hiện tượng vật lý của việc mặt trời xoay vần. Trái lại,...
TỪ ĐÂU CÓ MẪU TƯỢNG - TÂM LÝ HỌC CHUYÊN SÂU - Ý THỨC VÀ NHỮNG TẦNG SÂU VÔ THỨC - LƯU HỒNG KHANH

Nhiều lần khác, có nhiều người vẫn lại đặt câu hỏi với C.G. Jung về xuất xứ của mẫu tượng. C.G. Jung nói: “Tôi nghĩ, sự hình thành của mẫu tượng luôn bắt nguồn từ những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người. Một trong những kinh nghiệm quen biết nhất và đồng thời đầy ấn tượng nhất là sự xoay vần thường ngày của mặt trời: chúng ta có thể sẽ không khám phá gì được trong vô thức, nếu chỉ nhìn đến hiện tượng vật lý của việc mặt trời xoay vần. Trái lại, chúng ta tìm thấy “huyền thoại anh hùng mặt trời” trong vô vàn những biến hình biến dạng của nó. Chính cái huyền thoại nói trên, chứ không phải hiện tượng vật lý, đã tạo ra “mẫu tượng mặt trời”. Điều ấy cũng đúng trong trường hợp quá trình xoay chuyển của mặt trăng.

Mẫu tượng là như một loại “dữ kiện” luôn sẵn sàng thể hiện lại cũng cùng những ý nghĩ huyền thoại đó hoặc tương tự như thế. Và như vậy, hầu như điều đã được khắc ghi vào vô thức, hoàn toàn chính là ý nghĩ tưởng tượng chủ quan đã được khích động bởi hiện tượng vật lý. Do đó, người ta có thể nghĩ rằng, mẫu tượng là những ấn tượng của những phản ứng chủ quan được nhiều lần lặp đi lặp lại...”.

Và theo C.G. Jung, các thú vật cũng rất có thể có những mẫu tượng tương tự của chúng, C.G. Jung nói tiếp:

“Không gì ngăn cản chúng ta nghĩ rằng, một số mẫu tượng nào đó cũng có thể có nơi động vật, rằng những mẫu tượng đó được hình thành trên cơ sở hệ thống sinh vật; nhưng làm sao mà trở thành như thế, đó là điều không giải thích được.”

Mẫu tượng và năng lực tác động

C.G. Jung nói tiếp: “Mẫu tượng không chỉ là những ấn tượng của những kinh nghiệm đặc sắc được nhiều lần lặp lại, nhưng chúng đồng thời cũng xuất hiện cụ thể như những năng lực hoặc khuynh hướng tái lập lại cũng cùng những kinh nghiệm đó. Như khi một mẫu tượng phát hiện trong chiêm mộng, trong mơ tưởng hoặc trong cuộc sống, nó sẽ mang lại một “ảnh hưởng” hay một “năng lực” có tính huyền dụ (numinous), hấp dẫn lôi cuốn và thúc đẩy hành động.” Mẫu tượng xem ra nhỏ bé, và bởi vô hình lẫn thầm kín nên lại càng bị coi thường. Nhưng năng lực tác động của nó có thể vô cùng quan trọng. C.G. Jung thuật câu chuyện một người quý tộc Tây Ban Nha vào thế kỷ 13 tên Ramón Lull. Ông này sau rất nhiều vất vả đã nhận được một buổi hẹn kín với một thiếu phụ mà ông đã từ lâu đeo đuổi. Thiếu phụ trầm lặng vén áo mình lên, đưa cho ông xem cái ngực trần của mình, cái ngực bị thối rữa vì ung thư. Cú “sốc” đã thay đổi hẳn cuộc đời của Ramón Lull. Ông sau đó đã trở nên một nhà thần học nổi tiếng và là một nhà truyền giáo quan trọng. Điều C.G. Jung viết thêm vào câu chuyện này càng có ý nghĩa thực tiễn cho chúng ta:

Trong những trường hợp thay đổi đột ngột như thế, thường lại do mẫu tượng đã tác động từ lâu trong vô thức cũng như đã khôn khéo sắp xếp các hoàn cảnh đưa đến một cú “sốc” và một cơn khủng hoảng như thế.

Jung còn so sánh năng lực tác động của mẫu tượng lớn lao như năng lượng nguyên tử: Mẫu tượng có đặc tính giống như thế giới nguyên tử, mà ngày nay ta đều biết. Thí nghiệm của nhà nghiên cứu càng đi sâu vào thế giới cực nhỏ, thì năng lượng trong đó lại càng tỏ ra vô cùng kinh hoàng. Từ điểm cực nhỏ phát xuất ra hệ quả cực lớn, đó là điều không những thuộc thế giới vật lý, mà còn đã từng được tỏ hiện trong thế giới tâm lý. Điều vẫn thường xảy ra trong những khoảnh khắc gay cấn của cuộc đời là “cái tất cả” thường lại lệ thuộc vào “cái xem không ra gì cả”!

Một lần khác C.G. Jung nói: Cách đây 6 ngàn năm, bầu trời quang đăng, vùng sa mạc trên miền Lưỡng Hà giữa sông Euphrat và sông Tigris đã là “trắc nghiệm Rorschach” đầu tiên. Trắc nghiệm Rorschach (theo tên của bác sĩ khoa tâm thần người Thụy Sĩ Hermann Rorschach, 1884 – 1922), là một loạt những “bức ảnh bằng chấm mực” (ink-stains) để trắc nghiệm hiện tượng liên tưởng và phóng ngoại ý nghĩ và cảm xúc của tâm thức con người. Người làm trắc nghiệm nhìn vào những “bức ảnh có chấm mực” với những hình hài và sắc màu khác nhau, và từ đó nói lên những ý nghĩ và cảm giác được khích động trong mình. Cách đây 6 ngàn năm, có những con người ở vùng Lưỡng Hà đã nhìn lên bầu trời và đã “đọc” từ trong đó những hình ảnh và những ý nghĩa liên hệ; những hình ảnh như sư tử, bò tót, cua còng (chòm sao Giải), cừu đực (chòm sao Bạch Dương), bọ cạp (chòm sao Thần Nông)… hoặc tên những vị thần như Mars, Venus, Mercury, nữ thần mặt trăng Diana, Thần mặt trời Apollo, Jupiter, Saturn, Uranus, Neptune, Pluto... cả một điện thần (pantheon) với nhiều mẫu tượng cấu trúc cuộc sống của con người chúng ta một cách tích cực từ những tầng sâu vô thức. Ở đây dĩ nhiên không chủ ý nói về những tinh sao của hệ thống mặt trời, nhưng là những phẩm tính của các mẫu tượng và những cách sống của con người mà người đã phóng ngoại lên trên bầu trời. Những phẩm tính như nỗ lực hiếu chiến (Mars/Ares), mỹ lệ yêu thương (Venus), phong phú và chắt chiu (Diana), hoàn hảo vĩnh hằng (Jupiter/Sagittarius)... Đây không phải là những vấn đề thuộc các khoa thiên văn hay chiêm tinh, nhưng là các vấn đề thuộc Tâm lý Chuyên sâu. Trên bầu trời với tinh tú trăng sao, con người đã được khích động và liên tưởng phát xuất ra những hình ảnh có tính biểu tượng, những hình ảnh biểu tượng được phóng ngoại từ trong vô thức của mình ra.

---o0o---

Trích: Tâm Lý Học Chuyên Sâu - Ý Thức Và Những Tầng Sâu Vô Thức;

Tác giả: Lưu Hồng Khanh;

NXB Hồng Đức;

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan