TỰ TRUYỆN CỦA CHUNG JU YUNG, NGƯỜI SÁNG LẬP TẬP ĐOÀN HUYNDAI - Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Là Thử Thách - Chung Ju Yung - Biên dịch: Lê Huy Khoa

TỰ TRUYỆN CỦA CHUNG JU YUNG, NGƯỜI SÁNG LẬP TẬP ĐOÀN HUYNDAI

Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Là Thử Thách - Chung Ju Yung

Biên dịch: Lê Huy Khoa

-----o0o-----

Tinh thần tiến thủ và niềm tin chính là “chìa khóa để làm nên kỳ tích”. Tôi chỉ là người luôn mang niềm tin vững vàng và phấn đấu một cách bất khuất chứ không phải là một con người đặc biệt.Nếu nhìn về lịch sử của nhân loại hoặc lịch sử phát triển của các quốc gia thì chúng ta có thể thấy trên trái đất này đã có nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp thành bại hưng vong. Quá...
TỰ TRUYỆN CỦA CHUNG JU YUNG, NGƯỜI SÁNG LẬP TẬP ĐOÀN HUYNDAI - Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Là Thử Thách - Chung Ju Yung - Biên dịch: Lê Huy Khoa

Tinh thần tiến thủ và niềm tin chính là “chìa khóa để làm nên kỳ tích”. Tôi chỉ là người luôn mang niềm tin vững vàng và phấn đấu một cách bất khuất chứ không phải là một con người đặc biệt.

Nếu nhìn về lịch sử của nhân loại hoặc lịch sử phát triển của các quốc gia thì chúng ta có thể thấy trên trái đất này đã có nhiều quốc gia, nhiều doanh nghiệp thành bại hưng vong. Quá trình ấy cứ diễn ra lặp đi lặp lại. Chúng ta có thể nhìn thấy ở rất nhiều trường hợp, ngày hôm qua còn là một nước tiên tiến trên thế giới, vậy mà hôm nay đã thành một vùng đất của những người bệnh tật, hay hôm qua là một doanh nghiệp nhỏ nhoi mà hôm nay bỗng chốc trở thành một tập đoàn tầm cỡ.

Tôi nghĩ rằng, dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội rễ để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào mà thôi.

Nhìn vào lịch sử dài 5.000 năm của Hàn Quốc, trong những thời kỳ mà tinh thần tiến thủ của dân tộc Hàn dâng cao thì đất nước đã phát triển không ngừng. Chúng ta tiến vào tận đại lục, tiến ra biển để mở rộng bản đảo chật chội của mình. Còn một khi chỉ khi tiến thủ ấy mất đi thì chúng ta chẳng suy nghĩ gì đến những việc trọng đại ấy mà lại đi gây hấn với chính anh em một nhà, để một thời gian dài trôi đi lãng phí và chẳng có sự phát triển đáng kể nào cả.

Nhìn vào lịch sử cổ đại chúng ta có thể thấy Hy Lạp và La Mã, còn trong lịch sử cận đại thì có Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những nước đã từng vượt lên trước để chế ngự thế giới. Ở khu vực Trung-Nam Mỹ, Braxin nói tiếng Bồ Đào Nha, ở nhiều nước khác tiếng Tây Ban Nha được sử dụng làm ngôn ngữ chính. Điều đó đã chứng minh tổ tiên của những đất nước này ngày xưa có tinh thần vươn lên, hòa nhập với thế giới như thế nào. Họ chế tạo ra các con thuyền để băng qua những đại dương bao la, vượt qua sóng gió, chiến đấu, khám phá những vùng đất chưa được biết tới và làm cho đất nước của mình trở nên giàu có, phồn vinh.

Tuy nhiên ngày nay Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha không còn là những nước tiên tiến nữa. Nguyên nhân là vì có một lúc tinh thần tiến thủ của họ đã bị mai một khiến đất nước bị chìm đắm trong một thời gian dài và hậu quả là không còn sự phát triển nào nữa.

Đế quốc hùng mạnh La Mã cũng đã đạt đến điểm thăng hoa nhưng sau đó lại nhanh chóng “ngủ quên trên chiến thắng”, và chỉ trong thời gian ngắn, quốc phòng rơi vào tay những kẻ bên ngoài để rồi dẫn đến bị diệt vong. Vương quốc Anh cũng gặp phải trường hợp tương tự, họ đã chẳng duy trì được những vinh quang trong quá khứ của mình.

Ngược lại, có những quốc gia luôn giữ vững tinh thần tiến thủ, và nhờ vậy họ đã khắc phục mọi nghịch cảnh để tiếp tục phát triển. Nước Đức lần lượt bị bại trận trong Thế chiến thứ nhất, rồi Thế chiến thứ hai, gặp khó khăn về mọi mặt nhưng họ vẫn tiếp tục đứng dậy, không những trở thành cường quốc kinh tế mà còn thống nhất dân tộc thành công nhờ vào điểm tựa của nền kinh tế đó.

Nhật Bản cũng vậy. Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã bị các quả bom nguyên tử đầu tiên của nhân loại hủy diệt và trở nên hoang tàn. Tuy nhiên, trong sự tuyệt vọng tận cùng ấy, người Nhật Bản đã vươn lên mãnh liệt, chiến thắng trong những cuộc cạnh tranh với các nước tiên tiến trước đó vốn hơn hẳn họ về năng lực tài chính và rồi trở thành cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới.

Quá khứ dù có vĩ đại đến mấy, khoa học kỹ thuật có hiện đại đến mấy, điều kiện nền tảng cơ sở dù có tốt đến mấy, nhưng nếu ngày hôm nay chúng ta không có tinh thần tìm tòi cái mới, không có sự nỗ lực sáng tạo, tinh thần vươn lên thì vinh quang của ngày hôm nay sẽ trở thành quá khứ trong giây lát.

Đất nước Hàn Quốc đã trải qua một giấc ngủ dài, bắt đầu tỉnh dậy vào những năm 1960 và đến nay đã đạt được sự phát triển nhảy vọt, giữ một vị trí mà thế giới phải chú ý. Trong sự phát triển nhảy vọt đó, tôi tự hào vì Hyundai của chúng tôi đã đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu ai đó hỏi động lực nào đã đưa Hyundai trở thành doanh nghiệp phát triển vượt bậc, mang tầm cỡ thế giới như thế thì tôi có thể trả lời không chần chừ rằng: đó là vì chúng tôi là một tập thể tập hợp những người có chí vươn lên và tinh thần tìm tòi cái mới một cách hăng say.

Chúng tôi đã từng bước khai thác nhiều lĩnh vực mới trong xã hội công nghiệp Hàn Quốc mà khi đó vẫn còn như một mảnh đất hoang sơ. Hyundai đã khai phá ngành xây dựng tại Hàn Quốc, tạo ra ngành đóng tàu và cũng mở đường cho ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc phát triển.

Ngoài việc tiếp quản nhà máy chế tạo sắt thép Inchon do điều kiện bắt buộc qua hình thức đấu thầu công khai, tất cả những doanh nghiệp khác đều do chính tay chúng tôi xây dựng hoàn toàn. Chúng tôi chưa bao giờ chuyển nhượng một công ty nào theo hình thức hợp đồng tự do dưới áp lực chính trị hoặc theo hình thức mua đứt một doanh nghiệp vừa và nhỏ nào đó.

Chúng tôi, bằng sức mạnh của mình, khai thác từng phần một như người Mỹ đã từng khai phá miền Tây nước Mỹ. Chúng tôi trưởng thành một cách đường hoàng thông qua những cuộc cạnh tranh khốc liệt trong việc mở rộng thị trường. Và chính tâm huyết trở thành một doanh nghiệp sản xuất chứ không phải là nhà buôn cùng với mong muốn vươn ra thị trường nước ngoài đã tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần khai phá cái mới của Hyundai.

Xét theo các nguyên lý về kinh tế, tất cả những gì sẵn có tại Hàn Quốc hầu như không tạo điều kiện để phát triển mạnh một lĩnh vực nào. Chẳng có tài nguyên, chẳng có vốn và cũng chẳng có sự tích lũy kỹ thuật nào để có thể chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh. Đó chính là hiện thực của nền kinh tế Hàn Quốc.

Tuy vậy ngành công nghiệp của chúng tôi phát triển được như ngày hôm nay chính là kết quả của sự nỗ lực, tinh thần gánh vác sứ mệnh khác của chúng tôi. Cùng với tính mạo hiểm và óc sáng tạo, ý chí tiến thủ đã giúp chúng tôi bù đắp những thiếu thốn của mình.

Trong thời gian qua, đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa nền công nghiệp nặng của chúng tôi đi lên chính là ngành công nghiệp chế tạo sắt thép. Nhờ vào sự cố gắng và niềm tin vững chắc của chính quyền, Công ty thép Pohang ra đời. Từ đó, các ngành công nghiệp khác như đóng tàu, chế tạo ô tô,... được cung cấp thép với giá rẻ và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Khi bắt đầu xây dựng Nhà máy chế tạo thép Pohang, chúng tôi đã gặp rất nhiều phản đối từ các nước khác, vì khi đó sản lượng thép của thế giới đang dư thừa. Nhưng Pohang đã chinh phục được những khó khăn một cách xuất sắc bằng tinh thần tiến thủ của những người đứng đầu, trở thành tấm gương sản xuất thép thành công của thế giới.

Các nước tỏ ý nghi ngờ khả năng thành công ngay khi chúng tôi bắt đầu vay tiền để xây dựng nhà máy đóng tàu trong tình hình lượng tàu sản xuất trên thế giới đang vượt nhu cầu lúc bấy giờ. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã tạo nên ngành đóng tàu, điều mà ai cũng cho là bất khả nếu dựa trên lý luận và những nguyên tắc bài bản, và giờ đây ngành đóng tàu của Hàn Quốc đã sánh ngang với Nhật Bản trên thị trường thế giới.

Tôi còn nhớ khi Nhà máy đóng tàu Hyundai đang ra sức khắc phục những khó khăn thì một vị Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hàn Quốc thời đó, đồng thời là một nhà kinh tế học khả kính, đã gọi tôi tới. Ông ta khẳng định chắc chắn rằng đây là việc không có khả năng thực hiện được và nói nếu ngành đóng tàu của Hyundai thành công thì ông ấy sẽ đốt mười ngón tay và lên thiên đường. Vậy mà hôm nay Hyundai đã trở thành nhà máy đóng tàu số một thế giới, còn ông ấy vẫn sống trên trái đất này.

Ngày hôm nay nếu chỉ làm những việc mà các nước công nghiệp chưa làm, hay làm những việc mà các nước tiên tiến không đủ khả năng thực hiện, tìm những thị trường mà các nước tiên tiến không đặt chân tới do thiếu nhân lực thì ngành công nghiệp Hàn Quốc chẳng có việc gì mà làm nữa.

Các nước tiên tiến luôn mong muốn chúng tôi làm những gì mà họ chưa làm đến. Tuy nhiên, nếu chúng tôi chỉ theo đuổi điều ấy thì chẳng những không có việc gì để làm mà còn không thể phát triển và tồn tại được.

Trước kia, việc khai thác dầu hoặc gas tại các đại dương chỉ dành cho những nước phát triển như Mỹ, Nhật, Pháp. Khi chúng tôi bước vào lĩnh vực này, cả thế giới đều cho rằng chúng tôi liều lĩnh. Tuy nhiên, ngày hôm nay chúng tôi đang khai thác dầu thô cũng như gas với giá trị đạt khoảng 300 triệu USD mỗi năm tại những nhà máy ở Ấn Độ Dương... Và bây giờ chỉ có Mỹ và một số nước Tây Bán Cầu mới có thể cạnh tranh được với Hàn Quốc, còn những nước tiên tiến khác ở châu Âu không phải là đối thủ của chúng tôi nữa.

Nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc là chúng ta đang tự xếp mình vào nhóm người theo chủ nghĩa thất bại.

Khi tôi nói rằng tôi sẽ tham gia vào lĩnh vực mạch bán dẫn, các tạp chí kinh tế trên thế giới đã nhanh chóng đón đầu và hỏi rằng chúng tôi có biết việc bước vào thị trường đòi hỏi trình độ cao này còn khó hơn cả hái sao trên trời không? Còn một số trí thức của Hàn Quốc lúc bấy giờ thì nói chúng tôi làm việc không có chọn lọc. Nhưng vì tương lai của Hàn Quốc, tôi vẫn tin tưởng chắc chắn lĩnh vực này sẽ thành công, và tôi đã đúng.

Tất cả mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có thể đó là một việc mạo hiểm vô cùng nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ thụt lùi và bị nhấn chìm trong những gì mình đang có. So với quả khứ thì giờ đây Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều, tuy nhiên nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại thì rất dễ rơi vào tình trạng tụt dốc. Hiện nay, chúng ta dường như đang chững lại và nhiều khó khăn có thể ập đến một lúc.

Nhiều học giả cho rằng nước Đức có Kỳ tích sông Rhine và gọi nền công nghiệp Hàn Quốc là “Kỳ tích sông Hàn”. Tuy nhiên, về kinh tế và chính trị thì không bao giờ có kỳ tích. Cái gọi là “kỳ tích” đó là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi, sức mạnh tinh thần và niềm tin mãnh liệt vào công việc mình muốn làm.

Tôi dấn thân vào những công việc đầy thử thách và trải nghiệm niềm vui vì đã chinh phục được nó. Tất cả những điều ấy đã giúp tôi gây dựng nên các doanh nghiệp như ngày nay và vẫn tiếp tục đón nhận những thách thức mới. Tiềm năng của con người là vô hạn, và điều đó hứa hẹn một khả năng vô hạn với bất cứ ai. Tôi chỉ là một người nhiệt tình nắm bắt các tiềm năng của mình, biến những khả năng ấy thành hiện thực chứ không phải là con người đặc biệt.

Với bất cứ ai hay việc gì cũng vậy. Nếu dùng tinh thần tiến thủ để biến tất cả những cái mình cần thành của mình bằng tinh thần sáng tạo, biến kinh nghiệm nhỏ nhoi thành hiện thực lớn thì người ta không chần chừ bất cứ điều gì trong cuộc đời họ. Có niềm tin vào mục tiêu của mình, nỗ lực một cách tương xứng với công việc đó thì ai cũng có thể làm được điều mình muốn.

Hiện nay hình như cũng có người đánh điều hành kinh doanh có tâm cỡ thế giới, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà tư bản. Tôi chỉ là một người lao động giàu có, là người làm ra hàng hóa bằng chính sức lao động mà thôi.

Tháng 9 năm 1991

Chủ tịch danh dự Tập đoàn Hyundai

CHUNG JU YUNG

-----o0o-----

Trích: Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Là Thử Thách

Tác giả: Chung Ju Yung

Biên dịch: Lê Huy Khoa

NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan