7 CÁCH ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC TÔN TRỌNG - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN - DALE CARNEGIE

7 CÁCH ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC TÔN TRỌNG

10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN - DALE CARNEGIE

-----o0o-----

Khi họ chỉ ra lỗi nào đó, chúng ta đừng tỏ ra lúng túng hay lo lắng để họ có dịp thỏa mãn. Ngược lại, nhân dịp này, chúng ta hãy nói đùa thêm, đại loại như “Trời đất, tôi lẩm cẩm rồi!” hoặc mỉm cười và nói: “Cảm ơn bạn vì đã báo cho tôi biết, nếu không thì có thảm họa rồi!” Nếu người thích chỉ trích thấy chúng ta chẳng hề tức tối hay khó chịu gì với “trò chơi”...
7 CÁCH ĐỂ ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC TÔN TRỌNG - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN - DALE CARNEGIE

Sau đây là bảy cách nhằm giúp chúng ta có được và duy trì lòng tôn trọng từ phía người khác. Đây là những cách được áp dụng trong môi trường công sở, nhưng nó cũng có thể dùng cho bất cứ tình huống nào khác trong thực tế.

1. Biết giữ bí mật và tạo sự tin tưởng. Hiểu được khi nào thích hợp và không thích hợp để chia sẻ những cuộc trò chuyện và chiến lược trong công ty.

2. Phát triển chính sách “mở cửa”. Chú ý lắng nghe người khác khi họ nói, khuyến khích họ bày tỏ nỗi lo lắng, mối quan tâm, những trở ngại trong công việc và cuộc sống. Hãy thường xuyên khuyến khích và khen ngợi họ.

3. Luôn luôn có cử chỉ cao nhã, lời nói lịch sự, biết lắng nghe, đồng nhất giữa lời nói và hành động.

4. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp ở nội bộ công ty và với bên ngoài, như khách hàng, nhà cung cấp…

5. Tự tin, năng động và giàu nhiệt huyết. Đoán trước những thử thách, khó khăn và có những giải pháp để vượt qua. Ngày nay, chúng ta thường nghe nói một số người được gọi là “khó chơi” hoặc “dễ chơi”. Chúng ta muốn được người khác nhìn mình là “dễ chơi”, tức là người làm việc tốt, có trách nhiệm và và chỉ phạm sơ sót trong trường hợp bất khả kháng.

6. Tổ chức những buổi họp một cách hữu hiệu, có trọng tâm và nhấn mạnh những điểm cần chú ý thật chi tiết cho những người tham dự.

7. Đáng tin cậy, kiên định và có trách nhiệm.

7 hành vi cần tránh

Dưới đây là bảy hành vi xấu khiến chúng ta thụt lùi. Một lần nữa, đó cũng là những hành vi nên tránh ở công sở. Nhưng trên thực tế, hạnh kiểm xấu sẽ gây tác động tiêu cực lên bất cứ ai xung quanh mình, bất chấp chúng ta đang ở môi trường nào.

1. Không tạo được sự tin tưởng từ sếp, cộng sự và nhân viên thuộc cấp.

2. Hay bồn chồn, nói nhiều mà không biết lắng nghe, không hoàn thành những công việc khẩn cấp và không hồi âm đúng lúc.

3. Trước khi quyết định được ban hành, không trình bày rõ quan điểm của mình cho sếp hiểu.

4. Vẫn cố chấp với ý kiến của mình dù quyết định đã ban hành.

5. Sử dụng trang phục cũng như ngôn từ không thích hợp và không nhanh nhạy với nhiều vấn đề.

6. Không tham gia thảo luận với sếp, cộng sự và thuộc cấp.

7. Khả năng lấy lại bình tĩnh và phục hồi kém sau khoảng thời gian đối mặt với khó khăn.

Tiếp xúc với người khó chịu

Chắc chắn rằng chúng ta có dịp chạm trán với những người khiến chúng ta phải nỗ lực hơn nếu muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Trên thực tế, có một số người bướng bỉnh, phi lý hoặc hiếu chiến. Có một số cách để giúp mối quan hệ với họ được êm thấm và suôn sẻ.

Người nhạy cảm

Không nghi ngờ gì, trên thực tế, chúng ta từng gặp những người rất nhạy cảm và làm chúng ta bực mình. Không thể coi nhẹ loại người này và chúng ta có cách để đối phó với họ. Sau đây là một số gợi ý.

Người quá nhạy cảm thường khó chịu trước sự phê bình. Thậm chí khi chúng ta phê bình dù nhẹ nhàng, nhưng họ khó chịu, tỏ vẻ phòng thủ và cho rằng chúng ta cố tình gây sự.

Cách tốt nhất để cư xử với người nhạy cảm là khéo léo trong cách giải quyết sự việc. Trước tiên, hãy khen ngợi những việc họ đã làm tốt. Sau đó, hãy đề nghị họ hãy làm tốt hơn với những việc nào chúng ta chưa hài lòng.

Chúng ta cùng xem xét ví dụ sau đây: Do sợ bị phê bình, Kathy thận trọng quá mức trong bất cứ công việc nào. Vì không chấp nhận bất cứ sai sót dù nhỏ nhặt nào, Kathy kiểm tra, xem xét tỉ mỉ và sau đó là... kiểm tra lại một lần nữa mọi việc mình làm. Tuy quá trình đó đã giảm thiểu sai sót, nhưng nó lại làm mất thời gian và chậm tiến độ của toàn bộ nhóm. Tồi tệ hơn, cô thường tránh né việc ra quyết định bằng cách nói rằng mình cần thêm thông tin nữa. Thậm chí sau khi đã có thông tin, Kathy thường đẩy trách nhiệm đó sang cho người khác.

Để giúp những người như Kathy vượt qua nỗi lo lắng, hãy theo các hướng dẫn sau đây:

  • Cam đoan với họ rằng do có năng lực trong chuyên môn của mình, họ thường làm đúng công việc ở lần đầu tiên nên không nhất thiết phải kiểm tra lại nữa.
  • Chỉ cho họ thấy vài lỗi đôi khi xảy ra là chuyện bình thường và họ có thể phát hiện cũng như khắc phục sau đó. Điều đó không có nghĩa là họ kém năng lực.
  • Nếu cần thêm thông tin trước khi quyết định, hãy gợi ý thêm các nguồn thông tin cho họ. Nếu chúng ta thấy họ đã có đầy đủ thông tin, hãy thúc giục họ nhanh chóng đưa ra quyết định.
  • Nếu họ hỏi chúng ta phải làm gì và cố gắng đẩy trách nhiệm sang cho chúng ta, hãy nói với họ rằng đây là trách nhiệm của họ và cần thực hiện nhanh chóng.

Trong hầu hết trường hợp, người quá nhạy cảm thường là người có chuyên môn và có thể tự ra quyết định. Họ có thể cần chúng ta làm an lòng để giúp họ biến suy nghĩ thành hành động.

Người dễ nổi nóng

Chúng ta có thể đã có dịp tiếp xúc với những người dễ dàng nóng giận thái quá khi gặp chuyện không như ý. Chẳng hạn, Terry là công nhân giỏi, nhưng đôi khi anh ta mất bình tĩnh, la mắng vào mặt cộng sự và thậm chí là cả… sếp. Tuy sau đó Terry nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, nhưng hành vi làm ảnh hưởng tới công việc của cả nhóm và phải mất một thời gian nhóm mới có thể bình thường trở lại. Chúng ta từng nói chuyện với Terry về thái độ của anh ta, nhưng vô hiệu.

Thật không dễ làm việc trong môi trường với người tùy tiện muốn la hét vào mặt người khác, đặc biệt nếu chúng ta là người bị la mắng. Bởi vì nạn nhân của một vụ la mắng có thể không thể làm việc tốt trong nhiều giờ sau đó, nên tình hình này không thể nào dung thứ được.

Sau đây là một số đề nghị nhằm đối phó với người dễ “nổi xung thiên”:

  • Sau khi họ bình tĩnh, hãy nói chuyện một cách chân thành với họ. Cho họ thấy rằng chúng ta hiểu được việc chế ngự cơn giận là điều không dễ dàng, nhưng nổi nóng trong môi trường công sở là không thể chấp nhận được.
  • Nếu một trận “lôi đình” khác lại xảy ra, hãy yêu cầu họ ra khỏi phòng cho tới khi nào có thể bình tĩnh trở lại. Hãy cho họ biết rằng nếu còn tái phạm, họ sẽ chịu biện pháp kỷ luật.
  • Khi có ai đó “nổi điên”, hãy đi ra khỏi phòng và nói rằng chúng ta sẽ trở lại khi nào họ bình tĩnh. Hãy đợi khoảng mười phút và thử lại. Nói với họ rằng đây không phải là hành vi trả thù cá nhân mà là cách để làm dịu tình hình. Tuy nhiên, hãy thận trọng: Đây không phải là cách tốt khi để một người đang nóng giận một mình trong văn phòng của chúng ta. Nếu chuyện đó xảy ra ở nơi riêng tư, hãy yêu cầu họ rời khỏi phòng.
  • Hãy bình tĩnh. Cần nhớ và thực hiện theo lời giáo huấn của cổ nhân: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.”

Người chống đối

Hầu hết cơ quan, tổ chức nào cũng có loại người tiêu cực này – họ hay tìm sai sót ở bất cứ ai, bất cứ tình huống và bất cứ ý tưởng nào. Bất kể chúng ta ủng hộ gì, họ đều phản đối. Họ luôn có lý do rằng việc chúng ta muốn làm là bất khả thi. Họ làm tinh thần của nhóm suy sụp vì thái độ bi quan của họ.

Hãy xem xét một số vấn đề mà người thích phản đối gây ra:

  • Chống lại sự thay đổi. Thật sự thì ngay cả người có tư duy tích cực có thể cũng miễn cưỡng với sự thay đổi, bởi vì nó làm người cảm thấy bất tiện khi đã quen thuộc với cách làm hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thuyết phục người với tư duy tích cực tiến hành thay đổi bằng cách đưa ra những lý lẽ thích hợp. Còn người có tư duy tiêu cực sẽ chống đối sự thay đổi chỉ vì họ luôn muốn… chống đối. Với họ, lý lẽ sẽ là vô ích. Họ sẽ tranh thủ khi phương pháp, cách làm mới thất bại và khi đó sẽ bĩu môi: “Thấy chưa, tôi đã nói rồi mà không chịu nghe!”
  • Tác động tới tinh thần của nhóm. Một trái táo hư có thể làm hỏng toàn bộ thùng táo. Tương tự như vậy, thái độ tiêu cực của một người có thể hủy hoại tinh thần toàn bộ nhóm. Bởi vì lối suy nghĩ tiêu cực sẽ lan truyền từ người này sang người kia, nên rất khó giữ vững tinh thần của nhóm trong hoàn cảnh đó.

Có những lý do cho vấn đề này. Nó có thể bắt nguồn từ kiểu đối xử bất hợp lý của công ty trong quá khứ. Do đó, chúng ta cần nỗ lực nhìn vào vấn đề và tìm hiểu tại sao. Nếu họ có lý do chính đáng để phát sinh thái độ tiêu cực như vậy, cố gắng thuyết phục họ rằng chuyện quá khứ đã qua và hãy nhìn vào tương lai. Ngược lại, nếu họ hiểu sai, hãy cố gắng giải thích để họ từ bỏ suy nghĩ tiêu cực đó.

Trên thực tế, với một số người, thái độ tiêu cực là bản chất của họ nên chúng ta khó có thể thay đổi được. Tuy nhiên, chúng ta có thể hạn chế bằng cách:

  • Thứ nhất, khi đối phó với loại người này, hãy công nhận lý lẽ của họ và thuyết phục họ làm việc với chúng ta để giải quyết vấn đề trước mắt nhằm cho dự án kịp tiến độ. Hãy coi họ là một phần của giải pháp hơn là lại thêm… một trục trặc nữa.
  • Thứ hai, khi trình bày ý tưởng mới với họ, hãy để họ công khai bày tỏ sự phản bác. Nói với họ: “Anh/chị đề xuất một số điểm hay, và tôi rất hoan nghênh. Khi chúng ta bắt tay vào chương trình mới này, hãy cẩn thận theo dõi những vấn đề đó nhé. Dù sao thì chúng ta vẫn phải thử ý tưởng mới này. Hãy làm việc cùng với nhau và cố gắng khắc phục sai sót.”

Người chỉ trích

Có một số người thích chỉ ra sơ sót và sai lầm của người khác. Những người thích “chơi trò” này muốn chứng tỏ mình là tài giỏi hoặc nhằm đánh lạc hướng người khác để mọi người không thấy khuyết điểm của họ. Bởi vì họ thường không đưa ra ý tưởng ban đầu hoặc có đề xuất mang tính xây dựng, họ lấy việc bắt lỗi người khác, đặc biệt là sếp, làm… niềm vui. Họ cố gắng làm chúng ta bối rối và không thoải mái.

Khi họ chỉ ra lỗi nào đó, chúng ta đừng tỏ ra lúng túng hay lo lắng để họ có dịp thỏa mãn. Ngược lại, nhân dịp này, chúng ta hãy nói đùa thêm, đại loại như “Trời đất, tôi lẩm cẩm rồi!” hoặc mỉm cười và nói: “Cảm ơn bạn vì đã báo cho tôi biết, nếu không thì có thảm họa rồi!” Nếu người thích chỉ trích thấy chúng ta chẳng hề tức tối hay khó chịu gì với “trò chơi” của họ, thì họ sẽ chấm dứt và chơi trò này ở chỗ khác.

-----o0o-----

Trích “10 Bước Để Có Cuộc Sống Trọn Vẹn”

Tác giả: Dale Carnegie

Người dịch: Hoàng Huấn

NXB Lao Động – Phương Nam Book

 

Bài viết liên quan