BẢN TÍNH LẤY CÁI TÔI LÀM TRUNG TÂM XÉT NHƯ MỘT RÀO CẢN CỐT LÕI CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

BẢN TÍNH LẤY CÁI TÔI LÀM TRUNG TÂM XÉT NHƯ MỘT RÀO CẢN CỐT LÕI CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

Richard Paul & Linda Elder

-----o0o-----

Chúng ta không thể phát triển như những con người có đạo đức nếu ta không sẵn lòng đối mặt với sự thật rằng mỗi người trong chúng ta đều thiên về bản tính vị kỷ, định kiến, tự biện minh cho mình và tự lừa mình, và rằng những khiếm khuyết ấy trong tư duy con người là nguyên nhân cho phần lớn đau khổ của con người. Chỉ sự vung bồi có hệ thống tinh thần công bằng, lòng chân...
BẢN TÍNH LẤY CÁI TÔI LÀM TRUNG TÂM XÉT NHƯ MỘT RÀO CẢN CỐT LÕI CHO LẬP LUẬN ĐẠO ĐỨC

Khuynh hướng của con người đánh giá thế giới từ một góc nhìn hạn hẹp, tư lợi là rất mạnh. Xét điển hình, con người rất giỏi tự lừa mình và hợp lý hóa. Chúng ta thường duy trì các niềm tin hoàn toàn ngược lại với bằng chứng. Ta thường thực hiện các hành vi rõ ràng vi phạm các nguyên tắt đạo đức. Hơn nữa, ta cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào sự chính trực của mình.

Nói khác đi, con người phát triển một cách tự nhiên thành những nhà tư duy đầu óc hạn hẹp, tự lấy mình làm trung tâm. Trên một phương diện, điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Ta cảm nhận nổi đau của riêng mình; ta không cảm nhận nổi đau của người khác. Ta suy tưởng các suy tưởng của riêng mình; ta không suy tưởng các tư tưởng của người khác. Và khi ta trưởng thành, thật không may ta không tự nhiên phát triển năng lực cảm thông với người khác, tức xem xét các góc nhìn xung đột với góc nhìn của riêng ta. Hệ quả là, ta thường không thể lập luận từ một góc nhìn đạo đức đích thực.

Tuy nhiên, ta vẫn có thể học cách tư duy phản biện thấu suốt các vấn đề đạo đức. Với sự thực hành và sự hướng dẫn có cơ sở, ta có thể sở đắc tâm thế và các kĩ năng cần thiết cho việc phân tích và đánh giá các tình huống từ những góc nhìn đạo đức đối lập.

Ngay tại gốc rễ của mỗi hành vi vô đạo đức gần như đều có một hình thức và mức độ tự lừa mình nào đó. Và ngay tại gốc rễ của mọi sự tự lừa mình đều có một thiếu sót nào đó trong tư duy. Ví dụ, Hitler tự tin rằng mình đang làm điều đúng khi tiến hành các hành vi quá mức chống lại người Do Thái. Những hành động của ông ta là sản phẩm của những niềm tin sai lầm rằng người Do Thái là thấp kém hơn chủng tộc Arya, và rằng họ là nguyên nhân cho những vấn đề của nước Đức. Trong nước Đức đang quét sạch người Do Thái, ông ta tin mình đang làm những điều vì lợi ích tốt nhất của nước Đức của mình. Vì thế, ông ta xem những hành động của mình là chính đáng về mặt đạo đức. Lập luận cực kỳ sai này đã dẫn đến nhiều tổn thương và đau khổ không thể đếm xuể của con người.

Chúng ta không thể phát triển như những con người có đạo đức nếu ta không sẵn lòng đối mặt với sự thật rằng mỗi người trong chúng ta đều thiên về bản tính vị kỷ, định kiến, tự biện minh cho mình và tự lừa mình, và rằng những khiếm khuyết ấy trong tư duy con người là nguyên nhân cho phần lớn đau khổ của con người. Chỉ sự vung bồi có hệ thống tinh thần công bằng, lòng chân thật, sự chính trực, tự nhận thức và mối quan tâm sâu sắc đến phúc lợi của người khác mới có thể mang lại những nền tảng cho những lập luận đạo đức có cơ sở vững chắc.

Lập luận đạo đức đòi hỏi phải làm điều đúng kể cả khi đối mặt với những ham muốn vị kỷ rất mạnh. Thế thì, sống đời đạo đức là phát triển việc kiểm soát những khuynh hướng lấy cái Tôi làm trung tâm bẩm sinh của ta. Chỉ chủ trương sống đời đạo đức thôi là không đủ. Chỉ có khả năng làm điều đúng khi bản thân ta không có gì để mất là chưa đủ. Ta phải sẵn lòng thực hiện trọn vẹn các nghĩa vụ đạo đức của ta dù bất lợi cho những ham muốn vị kỷ và những lợi ích tư lợi.

-----o0o-----

Trích: Cẩm Nang Tư Duy Đạo Đức - Dựa Trên Các Khái Niệm Và Công Cụ Tư Duy Phản Biện

Tác giả: Richard Paul – Linda Elder

Chuyển ngữ: Hoàng Nguyễn Đăng Sơn

NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan