BẤT ĐỒNG Ý KIẾN MÀ KHÔNG GÂY KHÓ CHỊU -Dale Carnegie

BẤT ĐỒNG Ý KIẾN MÀ KHÔNG GÂY KHÓ CHỊU

-Dale Carnegie

-----o0o-----

Sự bất đồng khi làm việc chung với nhau là điều không thể tránh khỏi. Các thành viên trong nhóm không phải lúc nào cũng sẽ đồng ý với chúng ta và thậm chí một số người sẽ phản đối kịch liệt ý kiến của chúng ta, trừ phi xung quanh toàn là những kẻ nịnh hót. Khác biệt quan điểm trên tinh thần tôn trọng là cách đương đầu với bất đồng mà không gây đối kháng cho đối phương.
BẤT ĐỒNG Ý KIẾN MÀ KHÔNG GÂY KHÓ CHỊU -Dale Carnegie

Trong cuộc tranh chấp với người khác, có một yếu tố có thể làm hủy hoại hoặc củng cố mối quan hệ. Đó chính là thái độ.

_William James, triết gia.

Sự bất đồng khi làm việc chung với nhau là điều không thể tránh khỏi. Các thành viên trong nhóm không phải lúc nào cũng sẽ đồng ý với chúng ta và thậm chí một số người sẽ phản đối kịch liệt ý kiến của chúng ta, trừ phi xung quanh toàn là những kẻ nịnh hót. Khác biệt quan điểm trên tinh thần tôn trọng là cách đương đầu với bất đồng mà không gây đối kháng cho đối phương.

Để có thể bất đồng ý kiến trên tinh thần tôn trọng, chúng ta có thể thực hiện những bước sau đây:

• Hãy xem xét quan điểm của người khác. Trên thực tế, có thể người phản đối kịch liệt vấn đề chúng ta đưa ra đã từng vấp phải thất bại nên có thành kiến với nó.

• Cố gắng thực sự hiểu được tại sao người phản đối lại có suy nghĩ như vậy. Hãy lắng nghe một cách cảm thông. Hãy đặt câu hỏi để giúp chúng ta tìm ra những lý do thật sự trong việc bất đồng này.

• Khi bất đồng quan điểm với ai, hãy chú ý tới cảm xúc và cách nói chuyện của chính mình. Chẳng hạn, thay vì nói: “Anh/ chị không có đầy đủ thông tin”, chúng ta hãy nói: “Tôi muốn biết thêm thông tin về vấn đề anh/ chị đang trình bày”. Khi bắt đầu câu nói bằng chủ từ “anh/ chị”, chúng ta có vẻ như đang thách thức đối phương và ngay lập tức đẩy họ vào thế phòng thủ. Điều này làm họ bớt chú ý lắng nghe chúng ta vì phải suy nghĩ giải pháp đối phó.

• Khi khác biệt quan điểm, hãy sử dụng những ngôn từ giúp giảm nhẹ sự căng thẳng như:

- Tôi đánh giá cao vấn đề anh/ chị đang nói...

- Tôi hiểu điều anh/ chị đang nói... hay là...

Lúc đó, điều quan trọng là đừng nên dùng lời lẽ để hòa giải theo sau những từ như “nhưng”, “tuy nhiên”, “tuy vậy”, hoặc “song”. Sử dụng cách nói như vậy được hiểu là có thể gây tranh cãi và hủy hoại thiện chí của chúng ta. Thay vì vậy, hãy dùng từ “và” hoặc tạm ngừng nói một chút trước khi bắt đầu những câu đại loại như sau:

- Hãy cùng bàn về...

- Còn ý kiến này thì...

- Liệu kết quả như thế nào nếu...

- Bạn có từng nghĩ tới....

- Chúng ta hãy so sánh ý kiến này với ý kiến đó...

• Sau khi đáp lại ý kiến của người khác, chúng ta hãy đề nghị giải pháp. Một cách hữu hiệu là bắt đầu bằng cách nói:

- Tôi nhìn vào vấn đề theo cách khác bởi vì...

Lúc này, nên giải thích rằng ý tưởng của chúng ta nghĩ là phù hợp và/ hoặc đưa ra dẫn chứng đã có. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói: “Tôi nhìn vào tình huống này theo cách khác. Bằng cách đưa ra bên ngoài để gia công thay vì công ty chúng ta tự làm, có thể là chi phí bắt đầu có cao hơn, nhưng về lâu về dài, chúng ta sẽ tiết kiệm một khoản tiền đáng kể bởi vì…” Sau đó, hãy đưa ra dẫn chứng để chứng minh cho lập luận của chúng ta.

• Trước buổi họp, hãy chuẩn bị tinh thần chạm trán với bất cứ sự phản bác nào. Quan trọng là chúng ta đừng để cảm xúc chi phối phần trình bày đã được chuẩn bị hợp lý và có đầy đủ tài liệu.

Chúng ta hãy xem một ví dụ về sự bất đồng ý kiến trong tinh thần tôn trọng của Michael Crom, phó chủ tịch của công ty Dale Carnegie & Associates. Ông đã đưa ra ý kiến để trả lời cho độc giả của chuyên mục tư vấn Carnegie của mình như sau:

Giám đốc sản xuất Patrick sắp tham dự một buổi họp quan trọng. Trong đó, ban giám đốc sẽ quyết định có đầu tư hay không vào một quy trình sản xuất mới và vẫn chưa được chạy thử tại nhà máy có quy mô như ở công ty họ. Sếp đã yêu cầu Patrick giúp giới thiệu sơ bộ. Vấn đề là sếp của Patrick, phó chủ tịch phụ trách hoạt động, đang ủng hộ quy trình này trong khi anh ấy lại phản đối. Anh ấy đã yêu cầu tư vấn với trường hợp này.

Dĩ nhiên, Patrick có thể tuân theo ý sếp và giữ im lặng, nhưng anh ấy lo ngại rằng hậu quả nếu đầu tư sẽ là dấu chấm hết cho nhà máy giấy nhỏ này. Và khi đó, câu nói “Tôi đã nói trước rồi mà!” Đã quá muộn màng khi 60 công nhân bị mất việc làm. Ngược lại, Patrick cũng có thể làm lớn chuyện lên ở trước mặt ban giám đốc và nêu rõ ý tưởng của sếp anh là quá sai lầm. Có thể điều đó có tác dụng, nhưng ban giám đốc có lẽ sẽ chia rẽ nhau và sếp của anh bị mất uy tín. Về phần mình, Patrick cũng có thể bị mất việc.

Tôi đã tư vấn cho Patrick một giải pháp trung hòa bằng cách bày tỏ sự bất đồng một cách thân thiện. Trong phần thảo luận sau đó, sếp của Patrick sẽ nói chuyện trước tiên. Để khỏi mất thời gian thảo luận vô ích, tôi đề nghị Patrick viết một số ý vào sổ tay và trình bày ngay trước mặt sếp. Phần trình bày có những điểm chính như sau:

1. Công nhận ý kiến của người khác. Trước tiên, công nhận sếp của Patrick đã có một số quan điểm tốt. Trên thực tế, sếp của anh không hoàn toàn sai. Một số khâu trong quy trình sản xuất mới này rất tốt. Nó rõ ràng là có triển vọng. Khi chạy thử với giấy tráng phủ (coated paper) ở những nơi sản xuất có quy mô nhỏ, cho thấy quy trình mới có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc mà chất lượng không hề giảm sút. Và hiện tại, công ty cũng muốn có một quy trình sản xuất mới hữu hiệu hơn.

2. Chuyển sang quan điểm của mình. Patrick không thể phủ nhận nhận xét vừa rồi của mình bằng cách dùng những từ như “nhưng” hoặc “tuy nhiên” bởi vì điều đó giống như bắt đầu thiết lập nên... chiến tuyến. Thay vì vậy, sau khi công nhận ý kiến của sếp là hợp lý, Patrick nhưng một chút mà nói tiếp: “Tôi nghĩ còn có một số yếu tố nữa có ảnh hưởng tới quyết định của chúng ta”. Đó có vẻ như là cách thức không bày tỏ thái độ để bắt đầu phần nói chuyện.

3. Dẫn chứng bằng dữ liệu. Thật ra, lúc đầu, Patrick muốn sử dụng nhiều báo cáo để chứng minh cho quan điểm của mình. Anh muốn bày tỏ sự tức giận của mình đối với sếp bằng cách trình bày ra nhiều dẫn chứng cho ban giám đốc thấy. Nhưng thay vì vậy, chúng tôi đã rút gọn phần lập luận của Patrick và chỉ còn hai ý chính: dẫn chứng dữ liệu cho thấy quy trình sản xuất mới sẽ kém hiệu quả khi cần mở rộng nó và quy trình sản xuất này vẫn chưa được chạy thử tại nhà máy có quy mô như ở công ty của họ.

4. Kết thúc phần trình bày mà không đưa ra đánh giá. Căn cứ vào dữ liệu trên, Patrick đề nghị rằng công ty nên lập ra một nhóm chuyên gia để nghiên cứu cẩn thận hơn. Thậm chí Patrick đã có thể xoa dịu sếp bằng cách nói rằng sau khi cân nhắc kỹ càng, chúng ta sẽ rất vui mừng nếu quy trình mới chứng minh tính hiệu quả của nó đối với công ty.

5. Không nóng giận. Sự bất đồng ít khi diễn biến như dự định. Tôi đã nhắc Patrick rằng anh ấy chỉ cung cấp thông tin mà thôi và không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu sếp của anh phản bác dữ dội, Patrick chỉ có thể... “ngậm bồ hòn làm ngọt”, mà không thể tranh cãi. Và chỉ có anh - và công ty - là thua cuộc mà thôi.

Không ngạc nhiên gì ban giám đốc đã đồng ý với đề nghị của Patrick. Thậm chí, sếp của anh cũng đồng ý rằng cần phải xem xét lại.

Và chúng ta cũng có thể đạt được kết quả tích cực như trên nếu cân nhắc kỹ càng khi có bất đồng xảy ra trong tương lai.

-----o0o-----

Trích: Giải Quyết Xung Đột Trong Cuộc Sống

Tác Giả: Dale Carnegie – Tác Giả Đắc Nhân Tâm

Người Dịch: Hoàng Huấn

Nhà Xuất Bản Lao Động, 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan