BỐN ĐỘNG LỰC KỲ DIỆU - JIM ROHN - 7 CHIẾN LƯỢC THỊNH VƯỢNG VÀ HẠNH PHÚC

BỐN ĐỘNG LỰC KỲ DIỆU

JIM ROHN - 7 CHIẾN LƯỢC THỊNH VƯỢNG VÀ HẠNH PHÚC

-------o0o-------

Tôi tin rằng nếu các công ty quan tâm hơn nữa đến việc công nhận nhân viên của mình – không chỉ nhân viên kinh doanh mà cả các nhà điều hành, thư ký và nhân viên bảo trì – công ty đó sẽ nhận được năng suất làm việc tăng vọt không thể ngờ.
BỐN ĐỘNG LỰC KỲ DIỆU - JIM ROHN - 7 CHIẾN LƯỢC THỊNH VƯỢNG VÀ HẠNH PHÚC

Hãy trả lời câu hỏi: “Điều gì thúc đẩy tôi?”

Mỗi người đều được thúc đẩy bởi những động lực khác nhau. Tất cả chúng ta đều có “điểm nóng” của riêng mình. Và nếu bạn chịu khó suy xét tâm trí mình, tôi chắc rằng bạn sẽ tìm được danh sách những điều bạn thực sự cần. Ngoài mong muốn rõ ràng về những thu hoạch tài chính còn có bốn động lực khác có thể thúc đẩy bạn trở nên xuất sắc. Đó là:

Thứ nhất là sự CÔNG NHẬN. Các công ty lớn và những nhà quản lý kinh doanh khôn ngoan biết rằng một số người sẽ làm việc nhiều hơn vì được công nhận thay vì những tưởng thưởng bằng vật chất.

Đó là lý do tại sao những tổ chức kinh doanh thành công, đặc biệt là những đơn vị liên quan đến bán hàng trực tiếp lại tìm mọi cách thể hiện sự công nhận với bất kỳ thành quả nào dù lớn hay nhỏ. Họ biết rằng trong thế giới đông đúc của chúng ta hầu hết mọi người đều cảm thấy mình quá nhỏ bé và không được ai quan tâm. Sự công nhận là một cách khẳng định giá trị của họ. Thực tế, những ai công nhận người khác thường nói: “Này, bạn thật đặc biệt, bạn tạo nên sự khác biệt.”

Tôi tin rằng nếu các công ty quan tâm hơn nữa đến việc công nhận nhân viên của mình – không chỉ nhân viên kinh doanh mà cả các nhà điều hành, thư ký và nhân viên bảo trì – công ty đó sẽ nhận được năng suất làm việc tăng vọt không thể ngờ.

Lý do thứ hai làm một số người trở nên xuất sắc vì họ thích CẢM GIÁC CHIẾN THẮNG. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất. Nếu bạn bị buộc phải nghiện cái gì đó thì hãy cố làm sao để nghiện chiến thắng. 

Tôi có vài người bạn, tất cả đều là triệu phú, họ vẫn làm việc 10 đến 12 tiếng mỗi ngày để làm ra nhiều triệu đôla nữa. Không phải là vì họ cần tiền. Cái họ cần là niềm vui, cảm giác thích thú và sự thỏa mãn mà “chiến thắng” của họ mang lại. Với họ tiền bạc không phải là động lực lớn; họ đã có rất nhiều. Bạn biết đó là gì không? Đó chính là một hành trình mà ở đó cảm giác hào hứng đến từ chiến thắng.

 Thỉnh thoảng, thường là ngay sau khi tôi hoàn thành một buổi hội thảo, một vài người đến gặp tôi và bảo: “Ông Rohn, nếu tôi có một triệu đôla, tôi sẽ không bao giờ làm việc thêm một ngày nào nữa trong đời.” Đó có thể là lý do những người nói những điều như vậy không bao giờ làm nên một gia tài. Tất cả họ rồi sẽ bỏ cuộc.

Động lực kỳ diệu thứ ba là GIA ĐÌNH. Một vài người sẽ làm việc vì những người họ thương yêu chứ không phải cho chính họ.

Một người đàn ông mà tôi đã từng gặp đã nói với tôi rằng: “Ông Rohn à, gia đình tôi và tôi có một mục tiêu là đi du lịch vòng quanh thế giới. Chúng tôi sẽ cần một phần tư triệu đôla mỗi năm để làm tất cả những gì chúng tôi muốn làm.” Thật không thể tin được! Gia đình của một người đàn ông có gây ảnh hưởng nhiều lên anh ta không? Tất nhiên là có rồi! Những người được thúc đẩy bởi tình yêu quả là những người may mắn!

LÒNG NHÂN TỪ, mong muốn được chia sẻ sự thịnh vượng của bản thân, là động lực kỳ diệu thứ tư. Khi ông vua sắt thép vĩ đại Andrew Carnegie qua đời, người ta mở ngăn kéo bàn làm việc của ông và tìm thấy một tờ giấy đã ố vàng. Trên mẩu giấy đó, ngày tháng được ghi từ thời ông ấy còn trong độ tuổi hai mươi, Carnegie đã viết ra mục tiêu chính của đời ông: “Tôi sẽ dành nửa đầu cuộc đời mình để tích lũy tiền bạc. Tôi sẽ dành nửa cuối cuộc đời mình để cho đi toàn bộ số tiền bạc đó.”

Bạn biết điều gì không? Mục tiêu này đã truyền cảm hứng cho Carnegie nhiều đến nỗi ông ấy đã tích lũy đến 450 triệu đôla (tương đương 4,5 tỷ đôla vào thời điểm viết cuốn sách này!). Và thật sự là trong suốt phần cuối cuộc đời mình, ông ấy đã vui thích với việc cho đi hết số tiền đó.

Lý do sâu xa

Thật là tuyệt khi được thúc đẩy để làm việc bởi một mục tiêu cực kỳ độ lượng như vậy. Tuy nhiên, tôi phải thú nhận rằng trong những năm đầu của cuộc chiến đấu để vươn tới thành công thì động lực của tôi thực dụng hơn rất nhiều. Tôi gọi đó là lý do sâu xa và tôi sẽ kể các bạn nghe điều gì đã xảy đến với tôi...

 Ngày nọ, một thời gian ngắn trước khi tôi gặp Shoaff , tôi đang nằm ườn ở nhà thì nghe tiếng gõ cửa, rụt rè và ngập ngừng. Khi mở cửa tôi nhìn xuống và thấy cặp mắt to màu nâu đang chăm chú nhìn mình. Một bé gái ốm yếu chừng mười tuổi đang đứng đó. Bằng tất cả can đảm và quả quyết mà trái tim nhỏ bé có thể huy động, cô bé nói với tôi rằng cô bé đang bán bánh quy cho Hội Nữ hướng đạo Mỹ. Đó là một cuộc giới thiệu thành thục – nhiều hương vị, giá đặc biệt và chỉ hai đôla mỗi hộp. Liệu ai có thể từ chối được chứ? Cuối cùng, bằng nụ cười rộng mở và cực kỳ lễ phép cô bé mời tôi mua.

Và tôi muốn mua. Tôi thực sự rất muốn mua!

 Chỉ có một vấn đề thôi. Tôi không có hai đôla! Trời ơi, tôi đã bối rối xiết bao! Tôi – một người cha, từng vào đại học, từng kiếm ra tiền – thế mà không có nổi hai đô la.

Tất nhiên, tôi không thể nói điều đó với cô bé có đôi mắt nâu to ấy. Vì thế tôi đành làm điều tốt nhất vào lúc ấy. Tôi đã nói dối cô bé. Tôi bảo: “Cám ơn, năm nay chú đã mua bánh quy của Nữ hướng đạo rồi. Chú vẫn còn rất nhiều trong nhà.”

Đấy không phải là sự thật. Nhưng đấy là cách duy nhất tôi có thể nghĩ được để thoát khỏi tình cảnh tồi tệ đó. Nó hiệu quả. Cô bé nói: “Thưa chú, không sao đâu ạ. Cám ơn chú nhiều lắm.” Và rồi cô bé quay đi để tiếp tục công việc của mình.

Tôi nhìn chằm chằm theo cô bé trong một khoảng thời gian tưởng chừng vô tận. Cuối cùng, tôi đóng cửa và tựa lưng vào đó, khóc lớn. “Ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm chút nào nữa. Ta không thể chịu đựng được tình trạng rỗng túi này nữa, ta không thể chịu được việc nói dối nữa. Ta sẽ không bao giờ phải khó xử lần nữa vì không có đồng nào trong túi.”

Ngày đó tôi đã tự hứa là phải kiếm đủ tiền để trong túi luôn có vài trăm đôla.

Đó là những gì tôi muốn ngụ ý về lý do sâu xa. Có thể nó không khiến tôi giành được bất kỳ giải thưởng cao quý nào nhưng vậy cũng đủ để gây tác động lên suốt phần đời còn lại của tôi.

Câu chuyện bánh quy Nữ hướng đạo của tôi đã có một cái kết đẹp. Một vài năm sau đó, khi đi bộ ra khỏi ngân hàng, nơi tôi vừa gửi vào một số tiền lớn, tôi thấy hai cô bé đang bán kẹo cho một tổ chức dành cho bé gái. Một trong hai cô bé tiến về phía tôi nói: “Thưa ông, mời ông mua một ít kẹo nhé?” Tôi vui thích nói: “Chú sẽ mua. Cháu có loại kẹo nào thế?”

“Almond moca ạ.”

“Almond moca? Đó là loại chú thích! Bao nhiêu vậy?”

“Dạ chỉ hai đô thôi ạ.” Hai đô! Rẻ đến khó tin!

Tôi hào hứng: “Cháu có bao nhiêu hộp kẹo?”

“Năm ạ.”

Nhìn sang bạn của cô bé tôi hỏi: “Vậy cháu còn lại mấy hộp?”

“Cháu còn bốn.”

“Tổng cộng chín. Được rồi, chú sẽ lấy hết.”

Lúc này cả hai cô bé đều đồng thanh la lớn: “Thật ạ?”

“Chắc chắn,” tôi đáp. “Chú có vài người bạn nên chú sẽ chuyển bớt cho họ.” Phấn khích, cả hai chạy vội lại để xếp tất cả các hộp kẹo vào với nhau. Tôi thọc tay vào túi và trao cho hai cô bé 18 đôla. Khi tôi định đi với những hộp kẹp dưới cánh tay, một cô bé nhìn tôi và nói: “Chú ơi, chú thật tốt bụng!” Tuyệt làm sao! Bạn có tưởng tượng được rằng chỉ chi ra 18 đôla để có ai đó nhìn vào bạn và nói: “Bạn thật tốt bụng!” Giờ thì bạn biết tại sao tôi luôn mang theo mình vài trăm đôla. Tôi sẽ không bao giờ để mất những cơ hội như thế nữa.

Tôi sẽ kể thêm một ví dụ khác về lý do sâu xa. Tôi có một người bạn tên là Robert Depew. Bobby (tên thân mật thường gọi của Robert) từng là thầy giáo ở Lindsay, California, thủ phủ của ô liu. Sau một vài năm là giáo viên, Bobby mong muốn bỏ việc và bắt đầu một nghề nghiệp mới. Ngày nọ, không nói với bất kỳ ai, anh ấy rời bỏ việc dạy học và nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Khi gia đình Bobby biết được điều đó, anh ấy trở thành mục tiêu của biết bao lời chỉ trích. Nhưng phản ứng tồi tệ nhất là từ người anh trai, người dường như cảm thấy hết sức hài lòng khi chì chiết anh ấy.

“Mày sẽ là đồ bỏ đi,” người anh mỉa mai. “Mày có công việc giảng dạy tốt đẹp. Giờ thì mày mất hết những thứ mày có được. Chắc mày bị mất trí rồi.” Anh của Bobby luôn nhiếc móc Bobby mỗi khi có cơ hội. Như Bobby kể lại: “Cách hành xử của anh tôi làm tôi rất giận đến mức tôi quyết định phải trở nên giàu có.”

Hiện nay, Robert Depew là một trong những người bạn triệu phú của tôi. Câu chuyện này, cũng như câu chuyện “bánh quy” của tôi, cho thấy rằng ngay cả sự giận dữ và khó xử khi được định hướng thích hợp cũng có thể đóng vai trò như những động lực sâu xa mạnh mẽ giúp đạt mục tiêu. Bạn có điều gì tương tự như vậy để kể không? Bạn có một vài tình huống khó xử trong quá khứ muốn xóa khỏi tâm trí không? Bạn biết đó, câu nói của người xưa: “Thành công lớn là sự trả thù ngọt ngào nhất” luôn đúng.

Có bao nhiêu người là có bấy nhiêu lý do để làm việc tốt. Chìa khóa là có đủ lý do. Làm thế nào để một người tìm được “điểm nóng” (hay nhiều điểm) để có thể biến đổi cuộc sống với những thành tích khiêm tốn trở thành một cuộc sống thịnh vượng và hạnh phúc? Đó là chủ đề của chương tiếp theo.

-------o0o-------

Trích: “7 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc”

Tác giả: Jim Rohn

Người dịch: Trần Quân

Nhà Xuất Bản Lao Động – Xã Hội, 2018

Ảnh: Nguồn interne

Bài viết liên quan