BƯỚC DỪNG CHÂN

BƯỚC DỪNG CHÂN

Nguyễn Tường Bách

-----o0o-----

Tôi cảm nhận Liên Hoa Sinh đã cho tôi một lời khai thị. Nhưng tôi cũng biết rõ mình hiểu lời Ngài theo mức độ của mình, mức độ sơ cơ của mình. Tại Parphing, tôi đã biết “...Ngài phụng sự cho hữu tình, khai thị pháp đúng như khả năng của họ…”.
BƯỚC DỪNG CHÂN

Nguyễn Tường Bách Sinh ra tại TP Huế năm 1948. Năm 1967 – 1971 ông du học Đức ngành xây dựng. Từ năm 1975 – 1979: ông nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành vật lý ĐH Stuttgart. Năm 1979 – 1992: Giám đốc kinh doanh tập đoàn ABB chuyên sản xuất từ thiết bị phát điện. Năm 1992 - đầu 2008: Giám đốc điều hành một công ty thương mại chuyên xuất khẩu các thiết bị công nghiệp.

Là một nhà khoa học, rồi chuyển sang kinh doanh xuất nhập khẩu, 60 tuổi, nghỉ hưu ông trở về quê hương Việt Nam. Hiện ông làm huấn luyện đào tạo về nhân sự cấp cao, đi thỉnh giảng ở một số trường đại học, học viện.

- Tác phẩm dịch: Con đường mây trắng, Đạo của vật lý, Đối diện cuộc đời, Sư tử tuyết bờm xanh.

- Tác phẩm: Đêm qua sân trước một cành mai, Lưới trời ai dệt, Mùi hương trầm.

-------***-------

Đường đi tham bái Ngân Sơn cho chúng tôi dừng lại ngay đúng chỗ ước mong. Đoàn nghỉ một đêm tại khách sạn sát dưới chân tu viện Chiu Gompa. Tu viện Chiu Gompa, có khi được gọi là Chiyu Gonpa hay Jiu Gonpa, có nghĩa là tu viện “chim sẻ”. Chiu Gompa nằm trên đỉnh một ngọn đồi sát với hồ thiêng Manasarovar về hướng tây bắc.

Trên tu viện này có một cái động, tương truyền là nơi mà Liên Hoa Sinh thiền định vào 7 năm cuối cùng của đời mình. Tôi vào chiêm bái, trống ngực đánh thình thình, không biết vì độ cao hay vì hồi hộp vì được thăm Ngài.

Trong động này Liên Hoa Sinh thực hành thiền định với vị Không hành nữ Yeshe Tsogyal, một vị phối ngẫu của Ngài trong pháp Kim Cương thừa. Trong ánh sáng lờ mờ của những chiếc đèn mỡ trâu, tôi thấy một tảng đá hoa cương với dấu tay sắc sảo của Ngài. Trên đỉnh động là một tấm hình của Liên Hoa Sinh, hai bên là hai vị Không hành nữ Mandarava và Yeshe Tsogyal. Hình này của Ngài được xem là giống người thật nhất. Quả thật, mắt Ngài to tròn, quyết đoán trong một khuôn mặt rất người.

Tôi vẫn yêu những khuôn mặt con người của các vị thánh nhân. Các tranh tượng tôn giáo thường vẽ hình quá cách điệu, có tính chất tượng trưng các đặc tính của nhân vật, xa cách với dạng ứng thân vật chất. Đã đành dạng vật chất là dạng thô sơ nhất của một thể tâm linh, nhưng tôi vẫn thấy nó ưu việt hơn cho người ngắm tượng. Nó cho thấy các vị thánh nhân trước hết cũng xuất phát từ một mức độ thông thường của con người, các vị đó giác ngộ và biết cách “chuyển hóa” từ mặt này qua mặt kia.

Động nhỏ và khách thì đông nên tôi sớm nhường chỗ cho những người khác. Tôi tiếc không có thì giờ và tâm trí để lưu lại tại một nơi thiêng liêng. Một năng lượng ấm áp vây quanh, đầu óc tôi đột nhiên sáng sủa. Những ngày qua hầu như tôi không ngủ trên độ cao 4.600 m. Xem ra năng lực của Ngài không cho tôi thêm sức mạnh cơ bắp, không làm cho tôi bớt thở dốc, không cho tôi một thứ thần thông nào cả, điều mà tôi cũng không muốn có.

Chúng tôi cúng đèn. Bỗng nhiên mọi thứ xuất hiện trong tâm tôi một cách rõ nét. Dường như tâm phóng ra một thứ ánh sáng, chiếu thành một “thế giới”, trong đó có tôi và mọi sự xung quanh, chứ không phải tôi thấy thế giới đó nữa. Lần đầu tiên tôi thấy có hai cách nhìn thế giới. Cách bình thường là tôi, một thực thể riêng lẻ, đang thấy thế giới xung quanh, khác với tôi. Cách kia là một thế giới duy nhất xuất hiện, trong đó có tôi và có những cái khác. Cách thứ 2 giống như giấc mơ xuất hiện trong giấc ngủ. Trong giấc mơ cũng có một thế giới hiện ra, có mình có người, có quan có quân, có voi có ngựa, có thời gian, không gian, có đau ốm, có già chết.

Khi tâm trống trải rỗng rang, không dụng tâm, không nỗ lực, thì cách nhìn thứ hai tự động xuất hiện. Thế giới sẽ tự hiện như mây soi bóng trong hồ. Đó là Đại Thủ Ấn.

Tôi cảm nhận Liên Hoa Sinh đã cho tôi một lời khai thị. Nhưng tôi cũng biết rõ mình hiểu lời Ngài theo mức độ của mình, mức độ sơ cơ của mình. Tại Parphing, tôi đã biết “...Ngài phụng sự cho hữu tình, khai thị pháp đúng như khả năng của họ…”.

Tiếc thay tôi không ở được lâu trong động. Ngài đã thiền định ở đây bảy năm, tôi dừng lại không quá 7 phút nơi đây, thật là bất xứng. Sau thời gian 7 năm ở đây, tương truyền Ngài từ bỏ ứng thân bằng cách biến thành “thân cầu vồng” và đi vào thiên giới.

Tu viện Chiu Gompa đúng là một nơi lý tưởng để Liên Hoa Sinh tu hành. Tu viện như một tổ chim gắn cheo leo trên sườn núi. Ra sân thượng, tôi nhìn về hướng Ngân Sơn. Tiếc thay hôm nay là một ngày mây mù. Ngân Sơn ẩn mình trong mây. Một ngày khác, Ngân Sơn sẽ hiện ứng thân ra rực rỡ. Từ đây chỉ cách Ngân Sơn 33 km đường chim bay. Liên Hoa Sinh lựa động này để tu thiền định cuối đời, tưởng không chỗ nào tuyệt diệu hơn. Vì từ đây ta có thể đảnh lễ Ngân Sơn, ngọn núi hầu như đứng sát một bên, đồng thời có thể đảnh lễ hồ thiêng Manasarovar bao la xanh ngắt trước mặt. Mây trời chiếu rọi làm hồ phát sinh từng mảng màu sắc, biến đổi hầu như vô tận trong một mặt hồ phẳng như tấm gương.

Đồi của tu viện Chiu Gompa cũng được xem là nguồn suối đích thực của sông Sutlej, con sông tôi đã thấy từ trên máy bay. Nguồn nước này đổ qua hồ dạ xoa Rakastal cách đó chưa đầy 10 km và từ đó xuất phát con sông Sutlej. Theo một truyền thuyết, khi dân Tây Tạng gặp nạn thì dấu hiệu trước đó là nguồn nước Chiu Gompa sẽ khô cạn, không đổ thêm nước cho hồ dạ xoa nữa. Và hiện nay nguồn nước này khô kiệt thực.

Tại Chiu Gompa, chúng tôi được xem một pháp khí đặc biệt, đó là một nửa phần sọ người được sử dụng như bình chứa trong truyền thống của Kim Cương thừa. Thoát cái này gọi là Kapala, nhưng ta thường thấy trong các tranh tượng của các vị thần bảo hộ hay Không hành nữ của mật tông Tây Tạng, Kapala hai được cầm bên tai trái, đựng rượu lễ hay phẩm vật cúng dường trong các buổi hành lễ tế tự.

Sọ người Kapala và kèn xương người Kangling đều là những pháp khí đặc biệt mà tôi đã từng nghe qua nhưng lần này mới được thực sự chứng kiến. Lạ thay, trên con đường đi đến chân núi thiêng này, lần lượt những điều tưởng chừng như những hiểu biết có tính chất thông tin nay đã biến thành tri kiến thực sự. Như có những điều trọng đại sắp xảy ra.

Tôi nhìn về phía hồ dạ xoa Rakastal. Từ đây ta không thấy được hồ “ma quái” này nhưng dưới chân tôi, trong lòng núi, lẽ ra nước thiêng của hồ dương phải cung cấp cho hồ âm để giữ quân bình cho thế gian. Nguồn nước này đã khô cạn, phải chăng thế giới đang đứng trước một thảm họa? Hay “thảm họa” đã xảy ra? Tôi lại nhìn về Ngân Sơn, lòng tha thiết.

Chỉ có một suối nước nóng là còn phun nước từ khu vực đồi Chiu Gompa. Trên cao nguyên lạnh lẽo này nước nóng thiên nhiên quý báu biết bao. Nước được phân ra làm hai, một cho tu viện, một cho dân thường sử dụng. Buổi chiều tôi rủ Trung, người bạn trong đoàn đi tắm nước suối nóng. Hướng dẫn viên người Tạng cũng như nhiều người can ngăn chúng tôi, không nên đi tắm nước nóng trên độ cao 4.600m này. thân thể sẽ cần dưỡng khí hơn, hội chứng độ cao sẽ nguy ngập hơn. Nhưng tôi chịu hết nổi rồi, sau mấy ngày không tắm.

Thế là anh bạn Tsering đi xe honda chở ba cho chúng tôi đến “cơ sở” suối nước nóng. Đó chỉ là một gian nhà có mái che với 7, 8 phòng tắm, nước suối nóng hổi cứ tuôn xối xả. Thế nhưng nước quá nóng, nhà tắm không có nước lạnh để pha cho vừa. Tôi phải dùng tay phẩy nước vào người vì không thể ngâm mình trong nước như mơ ước.

Dưới chân đồi, tôi phẩy nước vào người và rủa thầm sau nước quá nóng, hẳn Liên Hoa Sinh ngồi thiền định trên kia mỉm cười thương cảm cho ứng thân quá yếu đuối của tôi. Tối hôm trước tôi lạnh run cầm cập, bao nhiêu áo ấm cũng không đủ. Nay chỉ vì chút nước trong núi chảy ra mà đã muốn cháy phỏng. Thế nhưng tôi vô cùng khoan khoái với quyết định đi tắm liều lĩnh của mình. Trung xem ra cũng hết sức thích thú. Không rõ anh cũng chỉ phẩy nước như tôi thôi hay tắm thật sự. Biết đâu anh có phép “nội nhiệt”, biết tẩy trừ nóng lạnh, vì Trung là người có trình độ tu dưỡng hơn tôi xa

-----o0o-----

Trích: Đường Xa Nắng Mới

Tác Giả: Nguyễn Tường Bách

Nhà Xuất Bản: Hội Nhà Văn, Năm 2012

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan