BƯỚC NHẢY LƯỢNG TỬ - DEEPAK CHOPRA

BƯỚC NHẢY LƯỢNG TỬ

DEEPAK CHOPRA

-----o0o-----

Sự lựa chọn là sống có ý thức hay không, điều giúp mang chúng ta đến với những khả năng chuyển hóa. Không ai bác bỏ thực tế rằng cuộc sống luôn thay đổi. Nhưng liệu một người có thể tạo ra sự chuyển hóa sâu sắc, thay vì hời hợt, chỉ bằng cách thay đổi nhận thức của mình hay không? Sự chuyển hóa và thay đổi là hai khái niệm khác nhau, điều mà chúng ta có thể nhìn thấy qua các...
BƯỚC NHẢY LƯỢNG TỬ - DEEPAK CHOPRA

“Bạn đang sống theo nhiều chiều kích một cách đồng thời; tình trạng bị gò bó trong không gian và thời gian chỉ là một ảo giác.”

Những nhà vật lý lượng tử tiên phong, bao gồm cả Einstein, muốn lý giải vũ trụ này theo những gì mà nó đang thể hiện. Tuy nhiên, lý thuyết siêu dây bắt nguồn từ Einstein đã sử dụng ít nhất 11 chiều kích để diễn giải thế giới hữu hình. Tôn giáo luôn khẳng định rằng Thượng đế đã tạo ra một thế giới vượt khỏi 5 giác quan; khoa học cần một định nghĩa siêu việc tương tự để lý giải làm sao các lượng tử ở rất xa nhau lại có thể hành xử như những “anh em” sinh đôi, làm sao ánh sáng lại biểu hiện vừa có bản chất hạt vừa có bản chất sóng, làm sao các hố đen lại có thể hút vật chất vượt khỏi tầm ảnh hưởng của trọng lực và thời gian. Cuối cùng thì sự tồn tại của tính chất đa chiều kích là điều không thể bác bỏ. Xét trên phương diện đơn giản nhất thì không gian và thời gian hẳn phải bắt nguồn từ đâu đó sau vụ nổ Big Bang, nhưng theo định nghĩa thì đâu đó lại không thể tồn tại trong không gian và thời gian. Việc chấp nhận bạn như một công dân của vũ trụ đa chiều kích, một thực thể đa chiều kích, là điều khác xa sự bí ẩn. Đó là giả thuyết hợp lý nhất mà con người có thể đưa ra với những dữ kiện đã có.

10 nguyên lý này được cho là cách lĩnh hội “hệ điều hành” giúp thực tại duy nhất phát triển. Trong thực tế thì tất cả mọi thứ đều không thể lĩnh hội. Bộ não của chúng ta cũng không được cấu tạo để vận hành dựa trên những vấn đề không thể lĩnh hội. Tuy nhiên, bộ não có thể thích nghi với đời sống một cách vô thức. Mọi tạo vật trên thế giới này đều tuân theo những quy luật của tự nhiên; chỉ mỗi loài người có suy nghĩ rằng: “Tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với tôi?” Nếu lùi lại và sống như thể tính hai mặt là điều có thật thì bạn sẽ không thấy 10 nguyên lý trên có liên quan gì đối với mình. Trò đùa của vũ trụ chính là việc những quy luật tự nhiên như thế vẫn tiếp tục hỗ trợ cho cuộc sống của bạn ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó.

Sự lựa chọn là sống có ý thức hay không, điều giúp mang chúng ta đến với những khả năng chuyển hóa. Không ai bác bỏ thực tế rằng cuộc sống luôn thay đổi. Nhưng liệu một người có thể tạo ra sự chuyển hóa sâu sắc, thay vì hời hợt, chỉ bằng cách thay đổi nhận thức của mình hay không? Sự chuyển hóa và thay đổi là hai khái niệm khác nhau, điều mà chúng ta có thể nhìn thấy qua các câu chuyện thần tiên. Cô bé Lọ Lem không thể cải thiện bản thân bằng cách tham gia lớp học đêm. Cô được cây đũa thần chạm vào người và đến cung điện trong một hình dạng hoàn toàn thay đổi.

Theo logic của các câu chuyện thần tiên thì sự thay đổi diễn ra quá chậm và tầm thường để có thể thỏa mãn khát khao chuyển hóa của chú ếch biết mình là hoàng tử hay vịt con xấu xí trở thành thiên nga xinh đẹp sau này. Cái chạm nhẹ của chiếc đũa thần giúp mang đến cuộc sống không còn lo âu ẩn chứa nhiều điều hơn là một ý tưởng kỳ lạ. Quan trọng hơn, ý tưởng kỳ lạ này đang che giấu cho sự chuyển hóa đích thực đang diễn ra.

Bí quyết dẫn đến sự chuyển hóa đích thực là tự nhiên không tiến lên phía trước bằng những bước đi tuần tự. Tự nhiên luôn tiến hóa bằng những đột phá và khi làm như vậy, những thành phần xưa cũ không bao giờ được tái kết hợp một cách đơn giản. Điều gì đó mới mẻ sẽ lần đầu tiên xuất hiện trong sáng tạo, một “tạo vật hiển lộ”. Ví dụ, nếu bạn phân tích hydro và oxy thì chúng là những chất thuộc thể khí, rất nhẹ, vô hình và khô. Để hai yếu tố này kết hợp với nhau và tạo thành nước thì chúng ta cần đến một sự chuyển hóa. Khi sự chuyển hóa ấy diễn ra thì một tập hợp những khả năng hoàn toàn mới cũng xuất hiện theo, trong đó quan trọng nhất chính là cuộc sống này.

Tính chất ẩm ướt của nước là ví dụ điển hình của một tạo “vật hiển lộ (emergent property)”. Trong một vũ trụ không có nước, sự ẩm ướt không thể xuất hiện bằng cách dịch chuyển những tạo vật hiện có. Sự dịch chuyển chỉ có thể tạo ra thay đổi; điều đó là không đủ để tạo ra sự chuyển hóa. Sự ẩm ướt cần hiển lộ như một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ trong sáng tạo. Sau khi bạn để ý kỹ thì dường như mọi sự kết hợp hóa học đều làm xuất hiện một tạo vật hiển lộ (ví dụ kết hợp natri và clo – hai chất độc mà khi kết hợp với nhau lại tạo thành muối, một yếu tố căn bản khác của cuộc sống). Cơ thể của bạn, vốn kết hợp hàng triệu phân tử với nhau mỗi giây, cũng phụ thuộc vào sự chuyển hóa. Hít thở và tiêu hóa, tôi chỉ nhắc đến hai quá trình này, cũng tận dụng sự chuyển hóa. Thức ăn và không khí không thể chỉ dịch chuyển một cách đơn giản mà còn phải trải qua sự kết hợp hóa học chính xác để giúp bạn sống sót. Đường được chiết xuất từ quả cam sẽ được đưa đến bộ não và tạo ra ý nghĩ. Tạo vật hiển lộ trong trường hợp này chính là sự mới mẻ của suy nghĩ đó: Không phân tử nào trong lịch sử vũ trụ từng kết hợp với nhau để tạo ra kết quả như vậy. Không khí tràn vào phổi của bạn kết hợp với nhau theo hàng ngàn cách để tạo ra những tế bào vốn chưa từng tồn tại trước đây. Khi bạn sử dụng oxy thì các cơ bắp sẽ thực hiện những cử động vốn là các động tác riêng của bạn, bất chấp chúng có vẻ tương tự như động tác của những người khác.

Nếu sự chuyển hóa là một tiêu chuẩn thì sự chuyển hóa tinh thần sẽ được xem là sự mở rộng của mục tiêu mà cuộc sống đang hướng đến. Trong lúc duy trì bản thể đích thực thì bạn vẫn có thể tạo ra một bước nhảy lượng tử trong nhận thức của mình. Dấu hiệu cho thấy bước nhảy đó chính là tạo vật hiển lộ mà bạn chưa từng trải nghiệm trong quá khứ.

-----o0o-----

Trích "Cuốn Sách Của Những Bí Mật"

Thế Anh dịch

NXB Hồng Đức, 2017

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan