CÁC LOẠI KINH NGHIỆM HỶ LẠC, SÁNG TỎ, VÔ NIỆM - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

CÁC LOẠI KINH NGHIỆM HỶ LẠC, SÁNG TỎ, VÔ NIỆM

ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE

TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

---o0o---

Bất cứ khi nào bạn thấy mình đang bám chấp vào các kinh nghiệm, bạn cần phá tan chúng. Có nhiều phương pháp để phá tan chúng. Trong trường hợp này chúng ta hô HUNG hay PHAT.
CÁC LOẠI KINH NGHIỆM HỶ LẠC, SÁNG TỎ, VÔ NIỆM - ĐẠI SƯ GARCHEN TRIPTUL RINPOCHE - TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU

Như ở trên đã nói từ bi có phương diện của tự do. Điều này có nghĩa là tình yêu thương chúng ta nói đến ở đây không phải là tình yêu thương có đối tượng, mà là tình yêu thương không có đối tượng hướng tới. Đó là bởi vì khi nghỉ ngơi trong trạng thái của tánh giác thì luôn có phương diện tự do hay phương diện giải thoát này. Tự do hay giải thoát thì ngược lại với bị trói buộc vào luân hồi. Tự do là vượt thoát khỏi bất kỳ kiểu bám chấp nào, trong khi trói buộc thì ngược lại. Ví dụ khi bạn nhìn thấy một bông hoa và nghĩ rằng “ôi bông hoa thật đẹp” thì khi ấy có sự trói buộc. Ở đây có sự bám chấp vào bông hoa. Còn trong trường hợp của sự tự do thì có phương diện giải thoát. Khi đó không có sự bám chấp vào bông hoa – tâm chỉ nghỉ ngơi một cách thảnh thơi trong sự rộng mở bao la và không bám chấp vào bất cứ thứ gì. Trong trạng thái ấy sẽ có phương diện yêu thương này. Đây không phải là tình yêu thương có sự bám chấp vào một đối tượng cụ thể, mà là tình yêu thương an trú nội tại và tự nhiên hiện hữu trong trạng thái tánh giác (rigpa).

Bản bình giảng nói “Bản chất của nó là kinh nghiệm về tánh sáng tỏ, thấu suốt toàn khắp, tỉnh giác và nhận biết – nó giống như vũ trụ của mặt trời và mặt trăng”. Khi tất cả mọi bám chấp được tịnh hóa thì tâm sẽ tự nhiên sáng tỏ, tỉnh giác và nhận biết. “Nó siêu vượt khỏi lỗi lầm của hỷ lạc biến đổi – loại hỷ lạc phải chịu biến hoại, ngược lại kinh nghiệm này là trí tuệ của đại hỷ lạc.”

Về trải nghiệm hỷ lạc được đề cập ở đây: có hỷ lạc không thanh tịnh, chịu biến đổi và có đại lạc trí tuệ. Hỷ lạc không thanh tịnh, chịu biến đổi là hỷ lạc chúng ta trải nghiệm, ví dụ, khi xúc chạm hay khi uống rượu. Tức là bạn uống rượu và sau khi bạn uống vài cốc thì cảm thấy tốt hơn là lúc trước khi uống. Hoặc khi hút thuốc bạn cảm thấy tốt. Nếu không thì bạn thấy cuộc đời thật đau khổ và bạn thực sự cần làm gì đó – như là hút thuốc hoặc uống vài cốc rượu. Nhưng niềm vui hay lạc thú này mang bản chất thay đổi. Nó cũng giống như bất kỳ một lạc thú nào trong các lạc thú của năm giác quan – chúng ta thụ hưởng chúng và kinh nghiệm hỷ lạc nhưng hỷ lạc này không kéo dài, nó mang bản chất của sự thay đổi. Vì thế nó được gọi là hỷ lạc không thanh tịnh. Nhưng còn có hỷ lạc thanh tịnh, thường hằng luôn luôn ở đó. Nó vốn sẵn có trong bản tâm, và bất cứ khi nào bạn thiền định và nghỉ ngơi trong bản tâm thì sẽ có hỷ lạc thanh tịnh, tự nhiên luôn luôn ở đó và chẳng bao giờ biến mất đi đâu cả.

Về trải nghiệm sự sáng tỏ: bản chất của sáng tỏ là tỏa sáng – nó xua tan tăm tối. Khi có quang minh của sự sáng tỏ thì một cách tự nhiên mọi bám chấp sẽ được tịnh hóa. Khi bạn thiền định và an trú trong tánh giác sáng tỏ thì cũng giống như mặt trời – nó tỏa sáng tất cả một cách tự nhiên và bạn sẽ tỉnh thức một cách tự nhiên. Ví dụ nó xua tan lỗi lầm của hôn trầm v.v. Sự sáng tỏ này thì đối lập với sự trì độn của tâm thức, khi đó tâm tối tăm và mù mờ. Khi bạn nghỉ ngơi trong tánh giác sáng tỏ, ánh mắt nhìn của bạn thậm chí có thể trông hơi điên dại hoặc rất sắc và mãnh liệt nhưng thân của bạn lại cảm thấy rất nhẹ.

 

Khi bất kỳ kinh nghiệm nào như hỷ lạc, sáng tỏ, hay vô niệm phát sinh thì bạn nên làm gì? Đôi khi kinh nghiệm thật dễ chịu và bạn cảm thấy hạnh phúc và hỷ lạc. Nhưng bạn không nên bám chấp vào những cảm xúc này, mà thay vào đó hãy để mặc chúng. Tất cả những kinh nghiệm dễ chịu như thế mang bản chất của sự biến đổi và chúng là những kinh nghiệm không thanh tịnh. Chúng không có thực chất. Sau đó bản văn nói:

Nếu sự phá tan các kinh nghiệm tạm thời càng nhiều thì thiền định của hành giả du già càng tốt. Tương tự như thế nếu các kinh nghiệm tạm thời càng bị gián đoạn nhiều thì dòng chảy của suối nguồn càng mạnh mẽ. Vì thế, “Đối với sự tĩnh lặng, hỷ lạc, sáng rõ: hãy liên tục phá tan chúng.”

Thỉnh thoảng trong lúc thiền định chúng ta trải nghiệm đại hỷ lạc, và đôi khi kinh nghiệm hỷ lạc này mạnh đến nỗi chúng ta tin rằng việc thiền định của mình đang tiến triển tốt. Khi điều này xảy ra thì chúng ta đã để mất thiền định chân thực.

Tiếp theo là bình giảng của ngài Tenpe Nyima:

Bạn có thể hỏi “làm sao để phá tan chúng?” Bất cứ khi nào sự trải nghiệm tĩnh lặng,hỷ lạc hay sáng tỏ xuất hiện, hay bất cứ khi nào bạn có cảm nhận an vui hay hạnh phúc thì đó là dấu hiệu của những ma gây chướng ngại, và đó là dấu hiệu của những kinh nghiệm tạm thời không đáng tin cậy. Có hai kiểu kinh nghiệm: kinh nghiệm thị kiến và kinh nghiệm tâm thức. Kinh nghiệm tâm thức thì cũng bao gồm hai loại: cảm thấy vui và cảm thấy hỷ lạc, cả hai đều dẫn đến sự trải nghiệm thay đổi. Vững vàng là dấu hiệu bí mật. Khi những kinh nghiệm thế tục hay xuất thế bắt đầu xuất hiện thì ngay lập tức nhanh như tia chớp, bạn phải phá tan sự bám chấp vào những kinh nghiệm với âm thanh “PHAT” oai lực. Âm thanh PHAT bao gồm hai âm tự: “pha-” là âm tự hội tụ phương tiện thiện xảo, và “-ta” là âm tự cắt bỏ của trí tuệ phân minh.

Đủ kiểu kinh nghiệm có thể phát sinh khi hành giả thiền định. Có những dấu hiệu của những ma gây chướng ngại. Ngay cả khi bạn trải nghiệm đại hỷ thì nó cũng sẽ thay đổi vì đó là bản chất của nó. Trải nghiệm ấy không thường hằng. Bám luyến vào đại hỷ lạc sinh khởi trong quá trình thiền định được gọi là ma, con của chư Thiên. Đôi lúc thiền định tiến triển rất tốt và bạn nghĩ rằng “việc hành thiền của mình thật tuyệt, mình thật hạnh phúc”. Đôi khi việc thiền định không tiến triển tốt thì bạn lại nghĩ rằng nó quá khó và bạn không thể thiền định. Nó dao động như thế. Dù kinh nghiệm thiền định là gì thì cũng không thành vấn đề, bạn không nên bị nó làm cho phiền toái. Bạn không nên để ý gì đến các kinh nghiệm ấy. Cho dù kinh nghiệm thiền định là tốt hay không tốt, hãy đừng gán nhãn cho nó mà thay vào đó hãy duy trì tánh giác sáng tỏ một cách không gián đoạn. Bản văn nói rằng:

 

Chúng ta có thể gặp đủ loại kinh nghiệm thiền định, ví dụ như hỷ lạc, sáng tỏ, linh ảnh rõ ràng, hay đủ loại các kinh nghiệm khác. Ví dụ, nếu có kinh nghiệm thế gian thì bạn có thể nghĩ rằng, nếu việc tu tập của mình tiến triển tốt, mình có thể trở nên nổi tiếng và thu nhận được nhiều của cải và đệ tử. Thế thì mình sẽ hỗ trợ để lan tỏa giáo pháp của đức Phật và mọi công hạnh của mình sẽ trở nên rộng lớn. Nhưng rồi khi bạn trở nên bám luyến vào các thí chủ của mình v.v. thì bạn sẽ gặp các trở ngại. Ngoài ra còn có những kinh nghiệm gây chướng ngại siêu vượt thế gian và cái này thì liên quan đến thiền định nhiều hơn. Ví dụ bạn có thể nghĩ rằng việc thiền định của mình đang tiến triển tốt và rằng bạn phải hoàn thành lợi ích của chúng sinh v.v. Nó có thể là một kinh nghiệm rất tốt. Nhưng cho dù bản chất của kinh nghiệm là gì, cho dù nó là gì đi chăng nữa, bạn cần phải duy trì tánh giác mà không trở nên bám luyến vào các kinh nghiệm hay linh kiến đó. Trong bình giảng có nói rằng “trở nên bất biến là dấu hiệu bí mật”. Thứ bất biến đó chính là tánh giác sáng tỏ cho dù có gì sinh khởi đi nữa. Nếu bạn duy trì tánh giác thì mọi kinh nghiệm và thị kiến sẽ biến mất, bởi vì không có sự bám luyến vào những kinh nghiệm tốt và không có sự chán ghét những kinh nghiệm tồi. Đừng bám chấp các kinh nghiệm tốt khi thiền định và cũng đừng sợ hãi những kinh nghiệm xấu.

Kinh nghiệm tốt trong thực hành Thogal – Vượt Thẳng – có thể là sự xuất hiện của Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) hay Phổ Hiền Như Lai (Samantabhadra). Bạn cảm thấy hạnh phúc về kinh nghiệm của mình và nghĩ rằng “ồ đức Liên Hoa Sanh hay Phổ Hiền Như Lai xuất hiện trước mình”. Khi đó bạn đã để tuột mất thiền định của mình bởi vì cốt lõi của thực hành ở đây chính là để nhận ra tánh giác bất nhị. Chẳng có Phổ Hiền Như Lai tách biệt nào xuất hiện trước bạn cả. Ngay khi có bám chấp nhị nguyên thì đó là luân hồi, và chẳngquan trọng khi tin tưởng vào bất cứ cái gì thúc đẩy bởi bám chấp nhị nguyên. Khi một hiện tướng xuất hiện thì bạn cần phải hiểu rằng nó không tách biệt khỏi chính tâm bạn. Tất cả đều sinh khởi từ tâm bạn và tan hòa trở lại vào tâm ấy. Nó cũng giống như máy chiếu phim. Máy chiếu ở đây và kia là bức tường để bạn xem phim chiếu trên tường. Nhưng chính bộ phim xuất hiện ra từ máy chiếu – nó chỉ là sự phóng chiếu ra của máy chiếu mà thôi.

Những kinh nghiệm không ưa thích chỉ là những biểu lộ của những dấu ấn và nghiệp bất thiện trong tâm của chính bạn. Cũng như thế, các kinh nghiệm tích cực là những biểu lộ sinh khởi từ tâm của chính bạn. Không có sự khác biệt dù các biểu lộ là tốt hay xấu. Đừng bám chấp vào chúng, bởi vì nếu bạn gán cho chúng là tốt hay xấu thì tâm bạn sẽ trở nên không còn sáng tỏ. Bạn chỉ cần duy trì trong trạng thái tâm sáng tỏ. Cho dù bạn không thể nhớ hết những hướng dẫn và chi tiết khác thì đây chính là chỉ dẫn trực chỉ. Bất cứ thứ gì xuất hiện trước bạn thì hãy chỉ cần nhớ điều này.

Để giúp phá tan các hiện tướng hãy hô PHAT. Bình giảng của ngài Tenpe Nyima nói rằng:

Để phân biệt rõ ràng giữa kinh nghiệm tạm thời với sự chứng ngộ, hãy phá tan tất cả những kinh nghiệm của thân vật lý, của khẩu, của mắt, phá tan các kinh nghiệm thiền định do tâm thức tạo tác và kinh nghiệm của tâm lý trí. Hãy hòa nhập các kinh nghiệm với sự chứng ngộ.

Và trong bản văn gốc nói rằng:

“Đột ngột đập tan với chủng tự của phương tiện và trí tuệ.”

Đôi khi điều này được gọi là “xác quyết về bản tâm”. Điều này có nghĩa là chúng ta cần tin tưởng vào bản tâm chân thực, chúng ta cần xác quyết rằng đây chính là bản tâm. Bản tâm này không thể bị hủy hoại, tâm ấy bất biến. Các loại kinh ngiệm tạm thời như hỷ lạc, sáng rõ, vô niệm có thể bị hủy hoại. Các kinh nghiệm sinh khởi cũng giống như những đám mây trên bầu trời và rồi tan nhập trở lại vào bầu trời. Vì thế nếu không có bám chấp thì chỉ duy việc chúng sinh khởi không gây hại gì. Chỉ khi bạn trở nên bám luyến vào những kinh nghiệm này thì khi đó chúng mới gây hại. Bất cứ khi nào bạn thấy mình đang bám chấp vào các kinh nghiệm, bạn cần phá tan chúng. Có nhiều phương pháp để phá tan chúng. Trong trường hợp này chúng ta hô HUNG hay PHAT.

Về cái nhìn, khi nhất tâm thiền định, một số người trải nghiệm tốt hơn khi họ nhắm mắt, và một số khác lại có trải nghiệm tốt hơn khi mở mắt. Ví dụ có vẻ như là bạn chỉ có thể quay vào “bên trong” khi thiền định với hai mắt nhắm lại, nhưng trong thực tế thì điều này không đúng. Tương tự như thế bạn có thể hòa tâm mình với hư không khi mắt nhắm lại thông qua việc an trụ vượt thoát khỏi ràng buộc về trung tâm hay biên bờ. Một lần Rechungpa trách Milarepa về việc Ngài ngủ suốt ngày thì Milarepa đã trả lời rằng: “khi ta ngủ với đầu dưới cái gối, ta có thể nhìn rất xa bằng tâm”.Khi bạn thiền định với hai mắt nhắm lại, bạn có thể nhìn rất xa bởi vì tâm trở nên bao la như hư không, và rất sáng tỏ. Vì thế nhắm mắt không nhất thiết có nghĩa là bạn đang quay vào “bên trong” mà là bạn thật sự có thể hòa tâm mình với hư không.

Khi thực hành Dzogchen, đôi khi bạn mở mắt, nhìn chăm chú hướng thẳng phía trước, nhưng bạn không tập trung vào bất kỳ điểm nào nhất định. Cái nhìn của bạn là bao quát, nhìn mọi thứ trong toàn thể của chúng. Ví dụ khi nhìn vào khu đất trống, ở đó có mây, núi, đường v.v. Bạn không nhìn vào một thứ gì riêng biệt mà đang nhìn tất cả mọi sự cùng nhau tại cùng một thời điểm. Hoặc khi bạn ở trong một phòng với nhiều người, bạn nhìn tất cả họ vào cùng một lúc và nhìn trọn vẹn cả gian phòng. Bạn không tập trung vào khuôn mặt của riêng của một người nào, bởi vì sự tập trung như thế là bám chấp, khi đó bạn chỉ nhìn thấy người này mà chẳng thấy gì khác nữa cả. Khi cái nhìn của bạn là thẳng hướng trước mặt thì tâm bạn mở rộng vào không gian cùng lúc với cái nhìn.

---o0o---

Trích: “ TUỆ ĐĂNG PHỔ CHIẾU: BÌNH GIẢNG VỀ “BA LỜI TUYÊN THUYẾT CỦA ĐẠI VIÊN MÃN DZOGCHEN”

Đại sư Garchen Triptul Rinpoche

Phiên dịch Anh – Việt: Trần Thị Lan Anh

Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan