CÁC NHÀ TRƯỜNG VÀ ĐẠI HỌC CÓ THỂ GIÚP CHO THANH NIÊN THIẾT KẾ THẾ GIỚI CỦA RIÊNG HỌ - THẾ GIỚI BA KHÔNG - MUHAMMAD YUNUS - Vũ Thái Hà dịch

CÁC NHÀ TRƯỜNG VÀ ĐẠI HỌC CÓ THỂ GIÚP CHO THANH NIÊN THIẾT KẾ THẾ GIỚI CỦA RIÊNG HỌ

THẾ GIỚI BA KHÔNG - MUHAMMAD YUNUS

Vũ Thái Hà dịch

---o0o---

Như là tôi vừa giải thích, một trong những vấn đề cốt tủy của hệ thống kinh tế đang hiện hữu là các giả thiết và thái độ mà chúng ta khiến cho thanh niên thấm nhuần trong suốt quá trình giáo dục họ. Chúng ta dạy con cái tin rằng cuộc sống của chúng bắt đầu với việc làm. Không có việc làm thì chết - thông điệp này được gửi ra mạnh mẽ và rõ ràng từ tất cả các hướng: gia...
CÁC NHÀ TRƯỜNG VÀ ĐẠI HỌC CÓ THỂ GIÚP CHO THANH NIÊN THIẾT KẾ THẾ GIỚI CỦA RIÊNG HỌ - THẾ GIỚI BA KHÔNG - MUHAMMAD YUNUS - Vũ Thái Hà dịch

Như là tôi vừa giải thích, một trong những vấn đề cốt tủy của hệ thống kinh tế đang hiện hữu là các giả thiết và thái độ mà chúng ta khiến cho thanh niên thấm nhuần trong suốt quá trình giáo dục họ. Chúng ta dạy con cái tin rằng cuộc sống của chúng bắt đầu với việc làm. Không có việc làm thì chết - thông điệp này được gửi ra mạnh mẽ và rõ ràng từ tất cả các hướng: gia đình, nhà trường, truyền thông, các tranh luận chính trị, mọi nơi. Khi trở thành người lớn, bạn tự đưa mình vào để thị trường việc làm xem lông xem cánh. Việc làm là định mệnh của bạn. Nếu bạn bỏ lỡ nó thì bạn sẽ có mặt trong hàng chờ nhận cứu trợ. Không ai nói với thanh thiếu niên rằng họ được sinh ra tự nhiên để trở thành các doanh chủ chứ không phải để chờ trong hàng chờ để được tuyển dụng.

Một bài học quan trọng nữa mà thanh niên của chúng ta học khi còn nhỏ là mục đích cơ bản của làm việc là tạo ra thu nhập và của cải cho cá nhân. Chúng ta dạy họ rằng tất cả các động cơ khác, bao gồm cả các mong muốn đầy vị tha như là mong muốn giúp đỡ người khác và làm cho thế giới tốt đẹp hơn, đều chỉ là thứ yếu và chỉ nên theo đuổi vào lúc “rảnh rỗi” hay là để “trả lại” như một cách đền đáp. Dựa vào các giả thiết này, thanh niên được dẫn vào các lối đi hẹp hạn chế không gian hành động và thành tựu của họ. Họ vẫn hài lòng với những điều nhỏ bé, quên mất năng lực bẩm sinh của mình là theo đuổi những giấc mơ lớn lao và hiện thực chúng. Nếu chúng ta muốn tạo nên một nền văn minh mới nhận ra, vinh danh và khả thi hóa một khoảng rộng hơn các khát khao và năng lực đầy nhân bản thì chúng ta cần thay đổi hệ thống giáo dục và các giả thiết đằng sau hệ thống đó.

Tôi vui mừng nhận thấy một phát triển mới trong các học xá đại học trên khắp thế giới. Trong mười năm vừa rồi, nhiều trường đại học đã đưa các môn học về doanh nghiệp xã hội vào trong chương trình đào tạo của họ. Có một mạng lưới đang lớn lên của các chương trình đại học ở các quốc gia trên thế giới trong đó các giáo sư và sinh viên đang nghiên cứu, học tập, thử nghiệm và tìm tòi các phương cách mới để tổ chức và phát triển các hoạt động kinh tế.

Hiện nay, các trường đại học ở tất cả các châu lục đã thành lập các Yunus Social Business Centre (YSBC, Trung tâm Doanh nghiệp Xã hội Yunus) để giảng dạy các khóa học, thực hiện các nghiên cứu, và làm việc như là các ngân hàng ý tưởng doanh nghiệp xã hội dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các quỹ, các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức chính phủ, các định chế tài chính, vân vân. Một số trung tâm tổ chức các cuộc thi kế hoạch doanh nghiệp xã hội để tìm ra các giải pháp doanh nghiệp xã hội cho các vấn đề mà sinh viên xác định được trong lớp học của mình, ở đất nước mình, và thậm chí trên thế giới. Sinh viên bậc trên đại học được nhận vào các trung tâm này để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn và các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp xã hội. Các hội thảo học thuật về doanh nghiệp xã hội được tổ chức định kỳ vào tháng 11 ở các thành phố lớn trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu được trình bày, và các chương trình và kinh nghiệm mới được chia sẻ thông qua các hội thảo này.

Kết quả là, một số lượng ngày càng tăng thanh niên đang phát triển các công cụ và tri thức sâu mà họ cần để đưa các hình thức mới của tư duy kinh tế vào ứng dụng, và để lan truyền các ý tưởng mới thậm chí còn rộng rãi hơn nữa trong tương lai.

Vào ngày 9 tháng Tư năm 2017, Yunus Center đã ký một thỏa thuận thành lập trung tâm mới nhất trong các trường đại học ở trường Lincoln University tai Christchurch, New Zealand trung tâm YSBC thứ 34 trên thế giới. Các trung tâm khác nằm ở Glasgow Caledonian University tại Scotland; La Trobe University Business School tại Melbourne, Australia; Becker College tại Worcester, Massachusetts; University of California tại Channel Island; Chinese University tai Hồng Kông; King’s College tại London; National Central University tại Đài Loan; Renmin University tại Bắc Kinh; Trường kinh doanh HEC tại Paris, Pháp, và Montréal, Canada; University of Florence, Italy; Azerbaijan State University of Economics (UNEC); Asian Institute of Technology tại Khlong Luang, Thailand; một nhóm trường đại học tại Barcelona, Tây Ban Nha; và nhiều viện khác khắp thế giới từ Đức đến Nhật Bản, từ Malaysia đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều trung tâm tại các khu vực khác trên thế giới đã được đưa vào kế hoạch, và trong ít tháng tới, số lượng YSBC sẽ vượt quá 50.

Như là bạn có thể hình dung, mỗi trung tâm Yunus này là duy nhất, được xây dựng trên các thế mạnh đặc biệt của từng đối tác đại học, các mối quan tâm và vấn đề quan trọng nhất đối với kinh tế địa phương và quốc gia, và các đặc điểm riêng có khác. Chẳng hạn, các trung tâm của chúng tôi ở Glasgow Caledonian University và University of New South Wales tập trung đặc biệt vào các vấn đề y tế, nhất là nhu cầu chăm sóc y tế của người nghèo như những người sống trong các khu vực chịu thiệt thòi ở thành thị tại Scotland và Australia. Các YSBC ở Kasetsart University và Lincoln University tập trung vào nông nghiệp. YSBC ở SSM College of Engineering tại Tamil Nadu, Nam Ấn Độ, tập trung vào các cơ hội doanh nghiệp xã hội đặc thù dành cho các sinh viên trên đại học các ngành kỹ thuật và công nghệ. Ở các vùng khác, Yunus Center có thể tập trung vào công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất, hay dịch vụ, tùy thuộc vào nhu cầu và nguồn lực của các thiết chế ở đó.

Mặc dù có các khác biệt đó, tất cả các Yunus Center ở các trường đại học đều có một số hoạt động nào đó giống nhau. Mỗi trung tâm có thể được xem là một kiểu think tank cho các vấn đề liên quan đến đổi mới kinh tế và doanh nghiệp xã hội, đặc biệt tập trung vào giảm đói nghèo và phát triển bền vững, tổ chức các phiên công tác, hội thảo, hội nghị và họp hành khác để thảo luận các nghiên cứu và diễn tiến mới nhất trong lĩnh vực. Mỗi trung tâm xây dựng các khóa học về doanh nghiệp xã hội và các hình thức cải cách kinh tế khác cho cả sinh viên lẫn doanh chủ. Và mỗi trung tâm có vai trò như một điểm trung gian để hỗ trợ trao đổi ý tưởng trong giới học thuật, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh chủ và quan chức chính quyền.

Trường kinh doanh HEC nằm ở ngoại ô phía Nam của Paris minh họa vài phương cách khác nhau mà các trường đại học thúc đẩy và truyền bá kiến thức về đổi mới kinh tế. Đồng sáng lập của HEC Society and Organizations Center là giáo su Bénédicte Faivre-Tavignot, cũng là người đang nắm ghế Giáo sư về Doanh nghiệp xã hội và Đói nghèo (Social Business/Enterprise and Poverty Chair).

Dr. Bénédicte Faivre-Tavignot đã giúp dẫn dắt một loạt các dự án liên quan đến đổi mới kinh tế tại HEC. Nhà trường giờ đây cấp chứng chỉ về doanh nghiệp xã hội cho các sinh viên hoàn thành một chương trình học tập và nghiên cứu xác định trước. Trường cũng bảo trợ một chương trình giáo dục trực tuyến (một “khóa học trực tuyến mở rộng”, massive open online course, hay MOOC) gọi là Ticket4Change, đến nay đã đào tạo cho khoảng 40 ngàn sinh viên về các kỹ thuật và chiến lược liên quan đến cái mà Faivre-Tavignot gọi là “các doanh chủ của thay đổi”. Hơn nữa, HEC cung cấp một chương trình đào tạo thực hành cho các lãnh đạo doanh nghiệp dưới tên gọi Inclusive Business and Value Creation (Kinh doanh tổng thể và Sáng tạo giá trị). Cuối cùng, tất cả các hình thức nghiên cứu và học tập này được HEC liên kết với các thực nghiệm phát triển kinh doanh trong thế giới thực thông qua French Action Tank (Hội hành động Pháp) mà tôi đã mô tả trong Chương 3 của sách này.

Các đại học khác là một phần của mạng lưới Yunus Social Business Center đã phát triển chương trình giáo dục và đào tạo của riêng mình. Glasgow Caledonian University đưa ra chương trình cao học về doanh nghiệp xã hội và tài chính vi mô. Yunus Social Business Center ở Đại học Florence tổ chức “những ngày khởi sự” thường niên giới thiệu các khái niệm của doanh nghiệp xã hội với hơn một ngàn sinh viên đại học và học sinh trung học. Ở một số đại học, như La Trobe Business School, các học phần về doanh nghiệp xã hội đã trở thành một phần của chương trình học mà tất cả sinh viên đều phải học qua.

Nhiều Yunus Center cũng tích cực thúc đẩy các thử nghiệm kinh tế bằng cách làm việc với những người đang thực hành và các doanh chủ về các dự án doanh nghiệp xã hội. Ví dụ như, Yunus Social Business Center ở Becker College hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động và thành lập mới trong cộng đồng xung quanh để khởi lập và phát triển các doanh nghiệp xã hội. Kết hợp với Millbury National Bank, nó cũng mở ra một chương trình tín dụng vi mô để cung cấp các khoản vay cho khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội ở vùng trung tâm Massachusetts, với ưu tiên đặc biệt cho các dự án khởi lập bởi sinh viên của Becker College hay sinh viên mới tốt nghiệp.

Như là các ví dụ này cho thấy, có một nhu cầu rộng khắp và to lớn trong giới trẻ đối với thông tin và ý tưởng về doanh nghiệp xã hội và các hình thức thực nghiệm kinh tế khác. Giới trẻ trên thế giới không thoải mái với hệ thống kinh tế hiện tại và thất vọng do thiếu lối thoát ra khỏi nó. Hẳn là một dấu hiệu của hy vọng khi nhìn thấy cách mà các thiết chế giáo dục trên thế giới đáp ứng nhu cầu đó của người trẻ bằng cách đưa cho họ các lựa chọn.

Liệu khái niệm doanh nghiệp xã hội sẽ cắm rễ vào nền kinh tế hay chỉ là một kiểu lý tưởng bị rơi vào quên lãng được thực hành bởi một số ít kẻ say mê sẽ được quyết định bởi các thanh niên trong các học xá đại học và bởi chính các trường đại học. Tôi vui mừng nhìn thấy sự nhiệt tình của họ lớn lên và sự hăng hái của các trường đại học khi mở ra các YSBC trong học xá của họ. Sự trưởng thành của các trung tâm này sẽ thành tựu khi mà các cấp học cử nhân và thạc sĩ về doanh nghiệp xã hội được đưa vào giảng dạy, và khi mà các Hội hành động trở thành một chuẩn mực ở các đô thị nơi các trung tâm này trú đóng.

Các học sinh trẻ hơn ở cấp trung học và tiểu học cũng cần được tham gia vào sự thay đổi này. Các chương trình hướng đến việc đạt được các thành tựu này giờ đây cũng đang nảy nở. Vào tháng Sáu năm 2016, các chuyên gia từ Grameen Creative Lab đã giúp dẫn dắt một chương trình giáo dục tiếp cận được với hơn mười ngàn học sinh trung học ở châu Âu. Được tài trợ một phần bởi Liên minh châu Âu (EU), hội thảo này lôi kéo học sinh từ 373 trường từ bảy quốc gia, làm việc với 507 giáo viên và hơn 200 tư vấn viên về doanh nghiệp để thấu hiểu các khái niệm đằng sau doanh nghiệp xã hội và phát triển các ý tưởng kinh doanh của chính các em. Trên thực tế, tổng cộng 668 ý tưởng doanh nghiệp xã hội đã được khai sinh trong suốt chương trình. Thậm chí còn ấn tượng hơn nữa, 96% học sinh tham gia nói rằng các em sẽ khởi sự doanh nghiệp xã hội trong tương lai.

Các nhà giáo dục tham gia chương trình đang có kế hoạch phát triển tiếp từ trải nghiệm này. Chẳng hạn, họ dự định tạo ra một “hệ sinh thái khởi nghiệp xã hội” thường trực khuyến khích nghiên cứu và thực nghiệm các mô hình kinh tế mới ở trong các trường trung học châu Âu. Họ cũng hy vọng là sẽ phát triển được một hệ thống đánh giá học sinh có thể dẫn đến hình thành một chứng chỉ chính thức về năng lực khởi sự kinh doanh. Các thành tựu này không chỉ quan trọng trong ý nghĩa của chính nó, mà nếu nó còn hun đúc nhiều giáo viên và học sinh hơn nữa quan tâm đến doanh nghiệp xã hội và con đường khởi vì sự tiến bộ kinh tế và xã hội thì tôi toàn tâm ủng hộ họ.

Chúng ta cần có nhiều chương trình như là hội thảo này trên khắp thế giới và bắt đầu ngay với các học sinh thậm chí trẻ hơn lứa tuổi trung học. Một sự hiểu biết rộng hơn về kinh tế – sự hiểu biết cho phép nhận ra khía cạnh vị tha cũng như khía cạnh ích kỷ của bản chất con người, và nhận thức được rằng có nhiều động cơ khác nhau, ngoài việc làm giàu cho cá nhân, dẫn dắt sức sáng tạo và năng suất của con người cần được khắc sâu vào trẻ em từ khi còn nhỏ. Chúng ta cần dạy con cái mình mơ những giấc mơ lớn – tưởng tượng ra một kiểu thế giới mà chúng muốn sống trong đó, và rồi lên kế hoạch cho các dự án và doanh nghiệp cụ thể mà chúng muốn khởi dựng để biến thế giới mà chúng tưởng tượng trở thành hiện thực.

---o0o---

Trích: Thế Giới Ba Không

Tác giả: Muhammad Yunus

Vũ Thái Hà dịch

NXB. Thế Giới

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan