CÁI THẤY THỰC SỰ NGAY TRONG HIỆN TẠI - BẢN ĐỒ HÀNH TRÌNH TÂM LINH - THIỀN SƯ SAYADAW U JOTIKA

CÁI THẤY THỰC SỰ NGAY TRONG HIỆN TẠI

BẢN ĐỒ HÀNH TRÌNH TÂM LINH - THIỀN SƯ SAYADAW U JOTIKA

Dịch: Tỳ Kheo TÂM PHÁP

---o0o---

Hãy khuyến khích cái thấy thực sự, ngay trong hiện tại.Đây là một điều rất quan trọng nữa:Ekasankhārassāpi aniccatāya ditthaya' sabbe sankhārāaniccā'ti avasesesu nayato manasikāro hoti.~KvuA 160Nếu bạn thấy một pháp là vô thường (aniccatāya ditthaya), ngay cả khi đó chỉ là một pháp hữu vi (Ekasankhārassa pi), nhưng nếu bạn thấy nó sanh diệt, thực sự thấy được điều đó; bạn sẽ tin rằng tất mọi thứ...
CÁI THẤY THỰC SỰ NGAY TRONG HIỆN TẠI - BẢN ĐỒ HÀNH TRÌNH TÂM LINH - THIỀN SƯ SAYADAW U JOTIKA

Hãy khuyến khích cái thấy thực sự, ngay trong hiện tại.

Đây là một điều rất quan trọng nữa:

Ekasankhārassāpi aniccatāya ditthaya' sabbe sankhārā

aniccā'ti avasesesu nayato manasikāro hoti.

~KvuA 160

Nếu bạn thấy một pháp là vô thường (aniccatāya ditthaya), ngay cả khi đó chỉ là một pháp hữu vi (Ekasankhārassa pi), nhưng nếu bạn thấy nó sanh diệt, thực sự thấy được điều đó; bạn sẽ tin rằng tất mọi thứ khác cũng y như vậy. Điều này cũng giống như bạn muốn đập đổ một bức tường, nhưng bức tường lớn quá, bạn không thể với tới mép trên của nó được. Khi đó, bạn đục một viên gạch ở giữa bức tường đi. Khi đã lôi được một viên ra thì những viên sau sẽ dễ dàng hơn.

Vì vậy, đừng cố hiểu tất cả mọi thứ ngay một lúc.

Hãy cố gắng hiểu được một việc trước đã, bất cứ một hiện tượng tự nhiên nào trong thân như cảm giác của hơi thở hay một cử động nào đó chẳng hạn. Cố gắng giữ tâm bạn trên một đề mục càng lâu càng tốt.

Càng giữ tâm trên một đề mục lâu thì càng thấy rõ, càng thấy sanh diệt rõ ràng hơn.

Một khi thấy được sanh diệt trên một phương diện của hiện tượng tự nhiên, nó sẽ mở rộng ra các phương diện khác (avasesesu nayato manasikāro hoti). Đừng vội vàng; cứ để nó tự xảy ra, bạn chỉ việc giữ tâm mình trên một đề mục càng lâu càng tốt. Khi bạn thấy được một hiện tượng vô thường, bạn sẽ tin rằng “sabbe sankhārā aniccā”, tất cả các pháp hữu vi (các hành) đều vô thường. Điều đó có nghĩa là không nhất thiết phải thấy tất cả pháp hữu vi (sankhārās-các hành). Chúng có quá nhiều, chỉ có Đức Phật mới có thể thấy được tất cả các pháp ấy. Người đa văn túc trí, căn tánh lanh lợi có thể thấy được rộng hơn, đa dạng hơn, thấy nhiều pháp sanh diệt, nhiều phương diện của vô thường, khổ, vô ngã hơn. Điều đó tuỳ thuộc vào mức độ thông minh, khả năng tư duy, học hỏi và kiến thức của hành giả.

Càng chất chồng kiến thức, càng suy nghĩ sẽ tiến càng chậm. Dù bạn có thật nhiều kiến thức Phật pháp, nhưng khi bước vào hành thiền thì không nên suy nghĩ về chúng nữa.

Một số người hiểu nhầm về điểm này; họ cứ nghĩ là họ có thể chỉ cần nghĩ về vô thường, khổ, vô ngã là được. Họ vừa lần xâu chuỗi vừa lầm rầm niệm vô thường, khổ, vô ngã cả ngàn lần, tin tưởng rằng làm vậy họ sẽ hiểu hay thấy được vô thường, khổ, vô ngã. Bạn không thể làm như thế được. Bạn không thể nghĩ về vô thường, khổ, vô ngã. Bạn chỉ có thể thấy nó. Nhưng thường thấy được nó rồi bạn lại bắt đầu suy nghĩ về nó; đừng suy nghĩ. Một số người nghĩ rằng để thấu hiểu vô thường, khổ, vô ngã một cách đầy đủ, hành giả cần phải hiểu tất cả mọi việc xảy ra trong quá khứ. Ở Miến Điện có một thiền viện khuyến khích cách thực hành như vậy. Họ khuyến khích thiền sinh phát triển thiền an chỉ định thật thâm sâu, đến tận tứ thiền, và luyện tâm để lần ngược trở lại quá khứ, nhớ lại những kiếp trước. Họ nhớ lại một kiếp và thấy điểm cuối của kiếp ấy, thấy khoảnh khắc cuối cùng, tâm cuối cùng rồi tâm đầu tiên của một kiếp sống mới; lại tiếp tục nhớ lại kiếp ấy cho đến tận tâm cuối cùng, rồi lại đến tâm đầu tiên của một kiếp khác. Rất ít người thành công theo cách này và thực sự điều đó cũng không cần thiết; bạn phải mất nhiều tháng trời, bỏ ra 20 tiếng mỗi ngày để ngồi thiền. Không thể phát triển được một mức định cao đến vậy nếu chỉ ngồi mỗi ngày mấy tiếng. Phải hoàn toàn tập trung, không được xao lãng, phân tán và bạn có thể hướng tâm mình vào một đề mục rồi dẫn nó đi bất kỳ chỗ nào bạn muốn. Chỉ đối với chư tăng, những người không phải làm bất cứ công việc gì, có sức khoẻ và có khả năng ngồi lâu và tập trung được trong nhiều tháng, thì điều này còn có thể khả thi. Đối với cư sỹ tại gia thì không dễ làm được điều đó và cũng không cần thiết phải làm như vậy.

Trong giai đoạn tuệ giác này, những bài pháp thật hay có thể khởi lên trong tâm bạn. Nhờ vào định lực và tuệ giác đang phát triển, tư duy trở nên rất sâu sắc, vi diệu. Các suy nghĩ về Pháp rất sâu sắc và bạn có thể thấy được toàn bộ quãng đời mình, thấy được mọi ý nghĩa của nó, thấy những gì đã xảy ra, thấy được sự giả tạm, huyễn ảo của mọi thứ trên đời. Bạn thấy mình đã phải chịu đau khổ ra sao vì những cái đó, và với tâm xả, bạn nhìn chúng chỉ như là những hiện tượng mà thôi, không phải một cá nhân nào, không thuộc về bạn, không phải tôi hay của tôi. Khi đã có thể nhìn mọi việc với tâm xả như vậy, bạn sẽ thấy rằng: không cần thiết phải phấn khích, xúc động về những thứ đó. Điều đó đem lại cho bạn một sự nhẹ nhõm, thanh thản vô cùng lớn, cực kỳ nhẹ nhõm. Thậm chí một số loại bệnh thần kinh cũng biến mất hẳn. Tất cả chúng ta đều bị bệnh thần kinh theo nhiều cách khác nhau; hãy tin điều đó đi. Một cơ thể hoàn toàn khoẻ mạnh là điều không thể có; các bác sỹ biết rõ rằng ngay cả một nội tâm lành mạnh cũng không thể có, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bị điên; bạn bình thường, không lành mạnh một cách bình thường. Khi có được loại tuệ giác này, tâm bạn trở nên rất lành mạnh.

Để thực sự lành mạnh phải có sự hiểu biết rõ ràng, ngoài ra không có cách nào khác để có được một nội tâm lành mạnh.

Một số người bị bệnh trầm cảm, khi họ hành thiền đạt tới trình độ này, bệnh trầm cảm hoàn toàn biến mất.

Tôi nhắc các bạn lại một lần nữa là không được suy nghĩ quá nhiều, nhất là suy tư về khổ. Khi thấy vô thường, bạn suy nghĩ về nó, thế thì cũng còn được, bạn sẽ thấy vô thường nhiều hơn nữa; vô thường sẽ trở nên ngày càng rõ hơn và bạn thấy tin tưởng vào điều đó. Khi thấy khổ, bạn thấy trên đời này không có cái gì là toại nguyện cả; trong một phút giây thoáng qua, bạn hiểu được điều đó rất rõ ràng. Nhưng nếu bắt đầu suy nghĩ về nó, bạn sẽ đánh mất tâm xả và sự quan sát tách rời và bị lôi theo, “những suy nghĩ đau khổ” đó sẽ làm bạn bị trầm uất trở lại; với sức đẩy của định lực, bạn sẽ bị nó cuốn trôi. Định (samādhi) có thể được sử dụng theo cách có lợi hoặc có hại. Điều rất quan trọng là đừng nghĩ nhiều về khổ.

Khi thấy hiện tượng này, hành giả thấy rõ không có gì là một tự ngã trường cửu hay một linh hồn cả. Mọi thứ đều luôn biến dịch. Tất cả chỉ là những tiến trình.

Nếu sắp xếp thật chính xác, bạn sẽ thấy chỉ có hai danh mục: một là thân và hai là tâm; tiến trình tâm lý và tiến trình vật lý; cả hai tiến trình đều sanh và diệt tức thì. Trước khi hành thiền chúng ta cũng có ý nghĩ mọi sự không bao giờ tồn tại lâu. Niềm vui năm ngoái của tôi, bây giờ đi đâu mất rồi? Chúng ta có thể hiểu hạnh phúc không bao giờ kéo dài. Thế còn đau khổ thì sao? Đau khổ cũng không tồn tại lâu. Nhìn, nghe ... không kéo dài. Điều này rất rõ ràng, nhưng trong thiền, khi có âm thanh, đó là một tiến trình vật lý, bạn nghe thấy ngay lập tức và cũng ngay lập tức, bạn thấy nó diệt mất. Chúng ta thấy nhĩ thức, đó là một tiến trình tâm hiện khởi ngay lúc này và cũng đoạn diệt ngay tức khắc. Thấy được cả hai, sanh diệt cùng nhau, điều đó làm chúng ta tin tưởng: nó đúng là vô thường, thực sự là bất toại nguyện, là khổ; chúng ta không làm chủ được, nó thực sự là vô ngã, chỉ là một tiến trình. Chúng ta có thể thấy nó sanh lên bây giờ và cũng diệt đi bây giờ.

Không có cốt lõi bên trong (asārakatthena). Anatta có rất nhiều nghĩa. Sāra có nghĩa là lõi ở phần giữa. Cắt một cây lớn, đến giữa thân cây bạn sẽ lấy được phần lõi cây, phần đó cũng được gọi là sāra, lõi cứng, phần cốt; asāraka nghĩa là không có cốt lõi, không có cái gì bền vững.

 

Trích: Bản Đồ Hành Trình Tâm Linh

Tác giả: Thiền Sư Sayadaw U Jotika

Dịch: Tỳ Kheo Tâm Pháp

NXB Tôn Giáo

Ảnh nguồn Internet

 

Bài viết liên quan