CHÍNH TỪ TRÁI TIM MÀ NGƯỜI TA ĐẠT ĐẾN TRÍ TUỆ - TRÍCH "BẰNG HỮU CHI GIAO" - DALE CARNEGIE

CHÍNH TỪ TRÁI TIM MÀ NGƯỜI TA ĐẠT ĐẾN TRÍ TUỆ

BẰNG HỮU CHI GIAO - DALE CARNEGIE

–––––o0o–––––

Khi anh lên cơn giận, anh cảm thấy nhẹ người để cho sự thịnh nộ trút vào địch thủ... Nhưng người ấy cảm thấy gì lúc đó? Có chia sẻ niềm vui thú với anh? Lời lẽ hung hăng của anh, thái độ thù địch của anh có làm cho người ấy đồng ý với anh không?

“Nếu anh đến với tôi với những nắm tay siết chặt, Woodrow Wilson từng nói, tôi có thể đảm bảo với anh rằng những nắm tay của tôi cũng sẽ nhanh chóng khép lại. Nhưng nếu anh nói: Hãy ngồi xuống và chúng ta cùng nói chuyện, dù ý kiến của chúng ta khác nhau, chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân sự khác biệt đó; nếu anh nói với tôi như vậy, chúng ta sẽ sớm phát hiện ra chúng ta không cách xa nhau; chúng ta sẽ thấy những điểm cách ly chúng ta ít thôi, còn rất nhiều điểm xích chúng ta lại gần nhau, và nếu chúng ta có lòng mong muốn chân thành và sự kiên nhẫn để đồng ý với nhau, chúng ta sẽ đạt được”

Khi anh lên cơn giận, anh cảm thấy nhẹ người để cho sự thịnh nộ trút vào địch thủ... Nhưng người ấy cảm thấy gì lúc đó? Có chia sẻ niềm vui thú với anh? Lời lẽ hung hăng của anh, thái độ thù địch của anh có làm cho người ấy đồng ý với anh không?
CHÍNH TỪ TRÁI TIM MÀ NGƯỜI TA ĐẠT ĐẾN TRÍ TUỆ - TRÍCH

Chẳng ai nghiệm thấy hơn sự xác thực của những lời nói trên như John D. Rockefeller Jr. Năm 1915, Rockefeller là con người bị dân bang Colorado ghét nhất. Đã hai năm, xứ sở bị tàn phá bởi một cuộc đình công đẫm máu. Những người thợ mỏ của Hội những Chất đốt và Kim khí ở bang Colorado, điều khiển bởi Rockefeller, đòi tăng lương thật dữ dội. Vật tư và các nhà máy bị đập phá: quân đội được phái đến, máu đã đổ. Vào một thời điểm như vậy, trong không khí sôi sục hận thù, Rockefeller đã hòa giải những người nổi loạn với mục tiêu của mình và lập lại sự bình an với họ. Ông đã đạt được điều đó như thế nào? Hãy nghe câu chuyện.

“Sau khi trải qua nhiều tuần lễ chuẩn bị bằng cuộc tuyên truyền vận động quần chúng thợ thuyền, Rockefeller đọc diễn từ trước đám đông những người đình công. Bài diễn từ này là một kiệt tác. Nó đem lại những kết quả ngạc nhiên. Ông làm dịu đi những làn sóng thù địch bao vây Rockefeller và đe dọa nhấn chìm ông. Nó cho phép ông chiếm lĩnh đám đông. Ông trình bày sự việc một cách thân ái và khôn khéo làm cho những người tham chiến trở lại làm việc mà không một lời đòi hỏi tăng lương, mục tiêu mà họ đã chiến đấu dữ dằn”.

Tôi dẫn lại dưới đây phần mở đầu của bài diễn từ nổi tiếng đó. Các anh thấy nó tỏa sáng cảm tình, sự nồng nhiệt và thiện chí.

Hãy nhớ lại là Rockefeller nói với những người mà vài ngày trước đây muốn treo cổ ông. Tuy nhiên, giọng nói của ông không thể nào dịu dàng và thân ái hơn như ông nói với một nhóm những nhà truyền giáo. Bài nói có những câu như: “Tôi lấy làm tự hào đang ở giữa các anh, tôi đã đi thăm gia đình các anh, chúng ta gặp nhau ở đây như những người bạn... tinh thần hòa hợp... lợi ích chung... vì sự lịch thiệp của các anh mà tôi phải có mặt ở đây”.

Bài diễn từ bắt đầu như sau:

“Ngày hôm nay được ghi dấu cho tôi bằng một phiến đá trắng. Đây là lần đầu tiên mà tôi có niềm vui và sự may mắn được gặp đông đủ các vị đại diện nhân viên của hãng lớn này, những người quản lý và trưởng dịch vụ, và tôi lấy làm tự hào có mặt ở đây, và tôi sẽ nhớ mãi cuộc họp này thật lâu trong cuộc đời của tôi. Nếu cuộc hội họp này diễn ra hai tuần sớm hơn, thì tôi sẽ chẳng phải là một người xa lạ với số đông các bạn. Nhưng, mấy ngày gần đây, tôi đi khắp các trại ở các vỉa than miền Nam, tôi trao đổi với các vị đại diện của các bạn, tôi đến thăm gia đình các bạn và chuyện trò với vợ con của các bạn... Vì vậy mà chúng ta nhìn nhau ở đây, không phải như các địch thủ, mà như là những người bạn, và trong sự thông cảm với nhau đó tôi vui sướng có thể tranh luận với các bạn về những lợi ích chung của chúng ta.

“Duy nhất từ sự lịch thiệp của các bạn mà tôi cần được chấp nhận trong cuộc họp này của các vị giám đốc công ty và các vị đại diện nhân viên, bởi lẽ tôi không thiên vị thuộc về nhóm thứ nhất hay nhóm thứ hai. Và tôi cảm thấy gắn bó thân thiết với tất cả các bạn, vì theo một nghĩa, tôi vừa đại diện cho giới chủ và những người lao động...”

Đó chẳng phải là một ví dụ tuyệt vời của nghệ thuật biến đổi kẻ thù thành bạn? Giả thử như Rockefeller chọn một chiến lược khác. Giả thử như ông gây chiến với thợ mỏ, ném vào mặt họ mọi sự thật tổn thương, và sử dụng một giọng nói khẳng định họ có lỗi. Cứ cho là ông có luận lý không bắt bẻ được để chứng minh những lỗi lầm của họ. Thì vụ việc sẽ ra sao? Chỉ chuốc lấy cơn giận dữ, thịnh nộ và nổi loạn!

Nếu một người nào chỉ cảm thấy anh là thù ghét và oán giận, thì không bao giờ dù bằng mọi lý lẽ trên đời, anh có thể làm cho họ có chung quan điểm với mình. Những bậc cha mẹ hay la mắng, những ông chủ và những người chồng độc đoán, những đàn bà hay cãi cọ cần hiểu rằng mọi người đều ghét sự thay đổi ý kiến. Chúng ta sẽ không bao giờ buộc họ chia sẻ ý kiến với mình bằng sức mạnh. Để được như vậy, hãy tính đến sự dịu dàng và tình thân ái, nhiều sự dịu dàng và tình thân ái.

Nếu anh muốn liên kết với người nào đi theo lý tưởng của mình, trước hết cần làm cho họ thấy anh là bạn của họ. Đó sẽ là giọt mật ong chạm trái tim người ấy, và từ trái tim mà đi đến trí tuệ.

Những chủ xưởng biết rằng họ đều có lợi khi tỏ ra hữu ái với những người đình công. Khi hai ngàn năm trăm thợ của công ty White Motor đình công để được tăng lương và quyền lập công đoàn, chủ tịch của công ty, ông Robert F. Black, biết kiềm chế, không tỏ ra bực bội, không đe dọa, không đàn áp. Ông làm điều hay hơn: ông khen những người nổi dậy. Trong một tờ báo của Cleveland, ông ca ngợi thái độ ôn hòa của họ. Khi thấy những người đình công ngồi không, ông tặng họ một tá vồ chơi bóng chày, găng tay, và tổ chức cho họ chơi vài trận. Với những người chơi quần vợt, ông cho họ những quả cầu.

Lòng tốt của chủ tịch Black luôn đưa lại hiệu quả: nó gợi lên những thiện chí. Những người đình công mượn chổi, xẻng và xe ba gác, và họ lau chùi những hành lang của nhà máy, thu gom giấy, diêm, mẩu thuốc lá vứt bừa bãi. Hãy hình dung việc đó! Những người thợ lau chùi sàn nhà máy vừa đấu tranh cho những yêu sách của họ. Người ta chẳng bao giờ thấy cảnh đó. Sau một tuần lễ, một thỏa thuận đạt được giữa chủ và thợ, cuộc đình công kết thúc trong bầu không khí hòa hoãn.

Daniel Webster là một trong những luật sự thời đó được nhiều người tìm đến. Ông không bao giờ thiếu dắt dẫn những lập luận mạnh mẽ nhất của mình bằng những câu lịch thiệp và dịu dàng như: “Rồi quí tòa sẽ đánh giá lại...” “Thưa các vị, có lẽ điều này đáng được suy nghĩ thêm...” “Đây là vài sự kiện mà các vị sẽ không bỏ qua, tôi hy vọng...” Với sự thấu hiểu lòng người của quí vị, quí vị sẽ nắm bắt dễ dàng ý nghĩa của những hành vi ấy...!”. Không có sự thô bạo, không có sự cố sức áp đặt ý kiến của mình. Webster gọi hỏi cử tọa của mình với một giọng dịu dàng, ôn tồn, thân ái, làm cho ông nổi tiếng.

Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội làm trọng tài một cuộc đình công hay là thuyết phục ban hội thẩm, nhưng còn nhiều dịp khác mà nguyên lý trên đây có thể có ích cho chúng ta. Ai biết rằng nếu một ngày kia chúng ta lâm vào hoàn cảnh của M. Straub muốn chủ giảm tiền thuê nhà.

M. Straub, tham gia cơ sở huấn luyện của chúng tôi, kể lại câu chuyện của mình:

“Tôi viết thư báo cho ông chủ là tôi sẽ rời căn hộ của tôi khi kết thúc hợp đồng thuê. Thực ra, tôi không có ý định ra đi, nhưng tôi tính lời đe dọa này có thể làm cho ông ta chịu giảm bớt tiền thuê nhà. Tôi ít hy vọng được việc; nhiều người thuê nhà khác đã thử làm như vậy nhưng đều thất bại; họ nói con người ấy cố chấp lắm. Tôi tự nhủ: Đây là lúc mà mình áp dụng nghệ thuật đang được huấn luyện.

“Vừa nhận được thư tôi, ông chủ đến nhà tôi, người thư ký đi theo. Tôi ra cửa đón ông ta với nụ cười cởi mở. Tôi không bắt đầu phàn nàn về tiền thuê, tôi nói vẻ đẹp của căn hộ; căn hộ làm cho tôi vui thích quá; hãy tin tôi, tôi không tiếc lời ngợi khen. Tôi ca tụng cách ông ta quản lý nhà cho thuê và tôi kết luận tôi rất thích ở lại căn hộ một năm nữa, nhưng điều kiện của tôi không cho phép.

“Ông chủ biểu lộ thái độ là chưa bao giờ nghe một diễn từ như vậy của một ai trong số những người thuê nhà. Và ông chủ biết suy nghĩ về điều đó.

“Ông bộc bạch với tôi nỗi buồn bực. Luôn luôn là những lời kêu ca của những người thuê nhà! Có người đã gởi cho ông đến mười bốn bức thư, không thiếu lời thóa mạ thẳng thừng. Một người thì đe dọa chuyển đi nếu ông chủ không tìm cách ngăn ngừa ở căn hộ trên ngáy ban đêm! Thật vui, ông nói với tôi, tìm được một người như anh. Và tôi chưa yêu cầu gì thì ông đề xuất giảm một ít tiền thuê nhà cho tôi. Tôi đưa ra một giá thuê thấp hơn... Ông chấp nhận ngay.

“Nếu tôi dùng phương pháp như những người khác để đạt mục đích, thì chắc chắn là tôi sẽ thất bại như họ. Nếu tôi thành công, là nhờ thái độ khoan dung, thân ái và thông cảm của tôi”.

–––––o0o–––––

Trích “Bằng Hữu Chi Giao”

Tác giả: Dale Carnegie

Người dịch: Hoàng Nhân

Nhà Xuất Bản Trẻ

 

Bài viết liên quan