CHÚNG TA CHẲNG PHẢI CON NGƯỜI - DANIEL KLEIN - ĐUỔI TRIẾT HỌC BẮT TRIẾT LÝ

CHÚNG TA CHẲNG PHẢI CON NGƯỜI

DANIEL KLEIN

Trích: ĐUỔI TRIẾT HỌC BẮT TRIẾT LÝ

-------o0o-------

“Con người đáng được trừng phạt nhẹ hơn, hay thậm chí là hoàn toàn không bị trừng phạt, vì những việc họ đã làm nhiều năm trước, so với những gì họ làm gần đây.”
CHÚNG TA CHẲNG PHẢI CON NGƯỜI - DANIEL KLEIN - ĐUỔI TRIẾT HỌC BẮT TRIẾT LÝ

Con người đáng được trừng phạt nhẹ hơn, hay thậm chí là hoàn toàn không bị trừng phạt, vì những việc họ đã làm nhiều năm trước, so với những gì họ làm gần đây.”

— DEREK PARFIT TRIẾT GIA NGƯỜI ANH (1942 – 2017), TRIẾT GIA ĐẠO ĐỨC THUỘC DÒNG PHAN TÍCH

Tôi được nghe về Derek Parfit qua chính người sinh viên trẻ am hiểu đã giới thiệu tôi với tác phẩm của người theo chủ nghĩa khoái lạc-công nghệ David Pearce. Cả Parfit và Pearce đều từng ngồi trên giảng đường Oxford, cả hai đều có khuôn mặt trẻ con cùng mái tóc bù xù bất trị và cả hai đều sở hữu trí tưởng tượng cao ngút trời.

Để minh chứng cho quan điểm của mình, Parfit thường sử dụng các thí nghiệm tưởng tượng, các tình huống giả định khiến tâm trí người nghe như ngồi trên chuyến tàu lượn điên dại. Sau lần thứ ba hay thứ tư được thưởng thức cung đường tàu lượn dựng tóc gáy của Parfit thì tôi đã sẵn sàng đón nhận bất kỳ quan điểm nào. Mà nhân tiện chia sẻ luôn, tôi tin các thí nghiệm tưởng tượng là phương pháp giàu tiềm năng nhất mà các triết gia đương đại sử dụng để khiến triết học hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn cho tất cả chúng ta.

Vậy hãy thắt dây an toàn đi nào. Mục đích của Parfit trong thí nghiệm tưởng tượng dưới đây là chứng minh rằng bản sắc cá nhân cùng lắm cũng chỉ là một khái niệm khó nắm bắt, vậy nên câu hỏi về trách nhiệm đạo đức phức tạp hơn những gì ta thường nghĩ rất nhiều. Thí nghiệm đó là thế này:

“Giả như bạn bước vào một căn phòng và tại đó, bạn ấn một chiếc nút. Một chiếc máy quét ghi lại trạng thái của toàn bộ các tế bào não bộ và cơ thể bạn, và đồng thời cũng phá hủy chúng. Dữ liệu này được truyền đi với tốc độ ánh sáng tới một hành tinh khác, tại đây, máy sao chép tạo ra một bản sao hữu cơ hoàn hảo của bạn. Vì bộ não của Bản Sao giống y hệt bộ não của bạn, nên nó nhớ được toàn bộ cuộc đời bạn tính tới lúc bạn ấn nút; tính cách của nó giống hệt của bạn và tâm lý của nó nối tiếp tâm lý của bạn về mọi mặt.”

Vậy phiên bản “bạn” mới này có phải là bạn? Liệu thực thể hiện hữu trên Sao Hỏa đang nghĩ mình là bạn này có khác biệt chút nào với cái thứ đã từng là bạn trên Trái Đất?

Các triết gia phân biệt rạch ròi giữa sự khác nhau về chất và số. Hai chiếc xe hơi giống hệt nhau về đời xe và màu sắc thì khác biệt về số. Mặt khác, Siêu nhân và Clark Kent khác biệt về chất nhưng lại đồng nhất về số – cùng một anh chàng, nhưng đặc tính khác nhau; hành động nhảy qua các tòa nhà cao tầng chỉ với một cú bật của Siêu Nhân không phải là thứ Clark Kent có thể thực hiện.

Parfit giải thích rằng hai phiên bản người trong thí nghiệm tưởng tượng của ông rõ ràng khác biệt về mặt số. Gọi phiên bản từng tồn tại trên Trái Đất là Bạn #1 và phiên bản giờ hiện hữu trên Sao Hỏa là Bạn #2. Đếm xem nào: một, hai. Hai phiên bản này cũng giống hai chiếc xe hơi cùng đời, cùng màu. Và cũng giống hai chiếc xe ấy, khác biệt về số không tạo ra khác biệt về chất. Nếu Bạn #2 không chỉ trông giống hệt Bạn #1 và sở hữu cùng bộ gien với Bạn #1, mà còn nghĩ mình chính là Bạn #1 bởi nó sở hữu toàn bộ ký ức, tính cách và nhân cách của Bạn #1, vậy thì nó giống hệt với Bạn #1. Cùng một người. Lý do là ký ức, tính cách và nhân cách cá nhân cộng hưởng thành bản sắc cá nhân. Thử nghĩ xem, ngoài đặc điểm số lượng, thứ gì có thể khiến hai phiên bản của bạn khác biệt chứ? Tôi đã thử rồi. Bó tay thôi.

Cách định nghĩa về bản sắc cá nhân này làm dấy lên một số câu hỏi đạo đức hóc búa quanh việc ai chịu trách nhiệm cho cái gì, bắt đầu với câu hỏi “Ai là ai?” Nhưng trước khi tìm hiểu về những câu hỏi này, dù rằng chúng vô cùng thú vị, tôi vẫn muốn chơi thêm mấy thử thách trí não kiểu 'Du Hành Giữa Các Vì Sao' của Parfit đã. Chúng quá đỗi hay họ và tôi chẳng thể kiềm chế bản thân.

Dưới đây là một thí nghiệm tôi yêu thích, được ghi lại bởi George Vesey – đồng nghiệp của Parfit:

“Hai người đàn ông, Brown và Robinson, đã được phẫu thuật u não, và não của cả hai đều được lấy ra khỏi hộp sọ. Thế nhưng, khi cuộc phẫu thuật kết thúc, người phụ tá vô tình cho não của Brown vào đầu của Robinson, còn não của Robinson thì được cho vào đầu Brown. Một trong hai người ngay lập tức tử vong, nhưng người còn lại – sở hữu cơ thể của Robinson và bộ não của Brown – cuối cùng cũng tỉnh lại. Ta gọi con người mới này là ‘Brownson.’ Tỉnh lại, Brownson đã sốc mạnh và vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy bộ dạng của mình. Và rồi, sau khi nhìn thấy cơ thể của Brown, anh thảng thốt cất lời: “Là tôi đang nằm kia.” Anh chỉ vào người mình và nói: “Đây không phải cơ thể tôi; cơ thể của tôi ở đằng kia cơ.’ Khi được hỏi tên, anh đáp ngay lại là ‘Brown’. Anh nhận ra vợ và gia đình của Brown (những người mà Robinson chưa từng gặp mặt); anh cũng có thể mô tả hết sức chi tiết các sự kiện trong đời Brown và luôn nói về chúng như những sự kiện trong chính cuộc đời mình. Còn về cuộc sống của Robinson thì anh hoàn toàn không hay biết gì. Qua một thời gian theo dõi, anh đã thể hiện đặc điểm tính cách, tác phong hành xử, mối quan tâm, sở thích và sở ghét,... đặc trưng của Brown; cách anh hành động và nói chuyện hoàn toàn khác biệt với Robinson trước đây.”

Vậy chính xác thì ai mới là người sống sót qua cuộc phẫu thuật và ai là người đã tử vong?

Một lần nữa, Parfit tin rằng qua thời gian, bản sắc cá nhân chẳng hơn gì một “mạch tâm lý” — như ông vẫn gọi. Toàn bộ những ký ức, đặc điểm tính cách, tác phong, mối quan tâm,... khiến Brown là Broun, dù anh có ở trong cơ thể nào đi nữa. Chỉ vậy thôi. Bản sắc cá nhân chẳng còn là gì khác – không phải là, ví dụ, một thực thể vật chất hay, ngược lại hoàn toàn, một thực thể siêu hình như linh hồn.

Một trong những chuyện đùa về Sardar yêu thích của tôi mô tả hoàn hảo việc phân biệt khái niệm “bản thân là đối tượng vật chất” với “bản thân là mạch tâm lý” của Parfit (trong chuyện cười Ấn Độ, các Sardar là khuôn sáo về những người chỉ hiểu ngôn từ theo nghĩa đen, đến mức lố bịch):

Ngồi trên chuyến tàu đi tới Mumbai, một ông Sardar nọ muốn chợp mắt, nhưng vì sợ bị lỡ bến, ông nhờ hành khách còn lại trong khoang tàu đánh thức mình khi tới gần Mumbai. Ông nói sẽ trả công anh chàng đó 100 rupee.

Chuyện là hành khách đó cảm thấy nếu chỉ đánh thức Sardar mà được những 100 rupee thì là quá nhiều, vì vậy, với tay nghề cắt tóc, anh quyết định tặng ông ấy một món quà đi kèm cho đáng với số tiền bỏ ra. Trong lúc Sardar say giấc, anh thợ tỉa tót cẩn thận mái tóc và cạo mặt sạch sẽ cho ông, đến nỗi đi luôn cả bộ râu.

Khi tàu đến Mumbai, anh thợ đánh thức Sardar và nhận tiền công. Sardar xuống tàu và đi về nhà; tại đây, ông vào nhà tắm để rửa ráy. Khi thấy hình ảnh phản chiếu trong gương, ông đã vô cùng tức giận - “Cái tên khốn đấy! Mình cho nó 100 rupee mà nó còn đánh thức nhầm người!”

Đôi lúc, các thí nghiệm tưởng tượng của Parfit khiến tôi nghĩ ông nên tính chuyện viết kịch bản phim viễn tưởng làm nghề tay trái. Và nhân tiện nói đến Hollywood, dưới đây là viễn cảnh mà tôi yêu thích nhất của Parfit:

“Thử tưởng tượng Derek Parfit dần biến đổi từng tế bào một, trở thành Greta Garbo'. Tại thời điểm bắt đầu quá trình này, Derek Parfit có tồn tại, rồi đến khi toàn bộ quá trình kết thúc, rõ ràng là Derek Parfit không còn tồn tại nữa. Derek Parfit đã hoàn toàn biến mất. Giờ, Greta Garbo hiện hữu. Câu hỏi mấu chốt ở đây là: Tại thời điểm nào trong quá trình này, sự thay đổi xảy ra? Khi nào thì Derek biến mất và Greta xuất hiện? Chỉ cần suy ngẫm một chút, câu trả lời sẽ ngay lập tức trở nên rõ ràng – không hề có một thời điểm nhất định, không thể có một giây nhất định, mà Derek ngưng tồn tại và Greta bắt đầu tồn tại. Thứ ta đang nói đến là quá trình thay đổi dần dần, khi người này càng lúc càng trở nên khác xa với Derek mà chúng ta biết, khẳng định ông là Derek sẽ ngày càng không chuẩn xác, và đúng hơn là nên khẳng định Derek đã biến mất và một người hoàn toàn khác đã xuất hiện.”

Điều mà Parfit muốn rút ra từ ảo tưởng về Garbo này là: bản sắc cá nhân mang tính mức độ, tức là “giờ giống Garbo hơn Parfit.” Cũng tương tự như vậy, trong đời thật, “không phải thí nghiệm tưởng tượng”, của chúng ta, những ký ức về trải nghiệm, bao gồm cả ký ức về suy nghĩ và cảm xúc trong quá khứ, cũng mang tính mức độ. Chúng nằm trên thang đo mức độ yếu và mạnh. Vì vậy, cũng khá hợp lý khi cho rằng các ký ức yếu góp ít phần tạo nên bản sắc cá nhân hơn các ký ức mạnh. Tương tự với niềm tin và sở thích của chúng ta.

Tóm lại, chuyện cho rằng danh tính là hiện tượng bất biến và tuyệt đối như ta vẫn thường nghĩ chỉ là ảo tưởng, bởi suy cho cùng, danh tính mang tính mức độ – nó hoàn toàn tương đối. Theo ý Parfit, khi vợ tôi nói với tôi rằng: “Anh không phải người em đã lấy làm chồng,” hẳn cô ấy đã có chút nghi ngờ. Thực ra thì đến lúc nào đó, nếu tôi giống Garbo hơn Danny, thì cô ấy chắc chắn có mọi lý do hợp pháp để bỏ tôi mà đi – chà, cũng không thực sự là bỏ tôi.

Nào, giờ hãy trở lại với câu nói của Parfit mà tôi đã ghi vào cuốn sổ “Cách ngôn” của mình: “Con người đáng được trừng phạt nhẹ hơn, hay thậm chí là hoàn toàn không bị trừng phạt, vì những việc họ đã làm nhiều năm trước, so với những gì họ làm gần đây.”

Ý nghĩa đằng sau câu nói này là nhiều năm trở về trước, một ai đó – giả như một người tên là Ralphy – không giống hệt với con người ở hiện tại. Ví dụ, Ralphy hiện tại có thể đã quên sạch cái lần anh giả mạo chữ ký của anh trai trên tờ séc mà chẳng ai phát hiện ra. Trong những năm sau đó, Ralphy có lẽ đã trở thành một công dân chính trực. Hoặc là không. Chuyện đó chẳng thực sự quan trọng; hàm ý của Parfit ở đây không phải là đạo lý “quên đi và qua đi”. Ông chỉ đơn giản là muốn nói rằng qua thời gian, với ký ức và niềm tin hay dao động, Ralphy đã trở thành một con người vô cùng khác biệt. Vậy thì việc trừng phạt Ralphy “mới” vì những việc Ralphy “cũ” đã làm nhiều năm trước có để làm gì? Vâng, rõ ràng là có sự liên kết giữa hai Ralphy, nhưng thời gian chảy trôi đã khiến sợi dây liên kết đó yếu dần, yếu tới mức mà việc trừng phạt người này vì tội lỗi của người kia chẳng còn hợp lý nữa.

Kết luận này rõ ràng không đủ thuyết phục. Nói cho chính xác thì lý lẽ của Parfit phản trực giác đến mức nghe rất có vẻ tầm thường và ngớ ngẩn, cứ như một giả thuyết giữa đêm khuya thanh vắng do một kẻ phê thuốc vẽ ra vậy. Đó cũng là ấn tượng đầu tiên của tôi. Nhưng rồi, tôi gắng tìm một khái niệm chặt chẽ và hợp lý về bản sắc cá nhân mà không chỉ bao hàm sự liền mạch tâm lý. Khó thật. “Tôi” quả thực rất khó nắm bắt.

Rõ ràng, Parfit vẫn còn mông lung về bản chất của bản sắc cá nhân. Nhiều năm sau khi viết cuốn Lý lẽ và Con người (Reasons and Persons), ông đã viết tiểu luận mang tiêu đề đầy khiêu khích là “Chúng ta chẳng phải con người” (“We Are Not Human Beings”). Trong đó, ông đưa ra ý kiến là nhiều điểm khác biệt về số lượng (giữa Bạn #1 và Bạn #2) trong thí nghiệm chuyển dịch lên Sao Hỏa rốt cuộc là vô cùng to lớn. Cầu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ là, người đàn ông viết “Chúng ta chẳng phải con người” có phải cũng là người đã viết Lý lẽ và Con người hay chăng?

Mục đích cuối cùng của Parfit – mục đích mà ông đã cống hiến cả đời mình – là tìm ra nền tảng hợp lý cho luân lý. Ông muốn tìm được một nguyên tắc đạo đức đúng đắn và có thể được chứng minh bằng lý lẽ như các nguyên tắc logic và khoa học. Mục đích này đẩy ông vào một vị trí đơn độc – mà đấy còn là nói giảm nói tránh. Trong vòng một trăm năm qua, từ ngày những người theo Chủ Nghĩa Thực Chứng Logic như Bertrand Russell và A. J. Ayer đưa ra luận điểm rằng “ý tưởng đi tìm nền tảng hợp lý cho đạo đức cũng bất khả như đi tìm nền tảng vững chắc về sự tồn tại của Chúa – hay thậm chí là Tiên Răng”, thì mục tiêu của Parfit gần như đã văng khỏi sân chơi lý luận triết học.

Ấy vậy nhưng Parfit vẫn kiên cường bước tiếp. Năm 2011, sau hàng năm trời ứng biến trong cô độc, ông đã xuất bản hai tập sách luận về triết học đạo đức có tên Về điều quan trọng (On What Matters). Trong đó, ông đưa ra Tam Thuyết về luân lý kết hợp các thuyết chính của luân lý học truyền thống, để tạo thành nền móng hợp lý và khách quan cho đạo đức. Parfit tuyên bố rằng thay vì đối chọi nhau, các học thuyết này lại đồng quy như thể chúng “leo lên cùng một ngọn núi từ những phía khác nhau.”

Khỏi cần nói cũng rõ, Tam Thuyết của ông ấy nằm ngoài khả năng tiếp thu của tôi, và sẽ mãi là như vậy từ giờ đến hết cuộc đời trần tục này, nhưng nhiều triết gia – đặc biệt là những người trẻ tuổi hơn – tin rằng Parfit đã đi đúng con đường mà sau này sẽ cách mạng hóa luân lý. Tôi chúc họ những điều tốt đẹp nhất.

Trong lúc đang điên cuồng thu thập minh chứng cho cuốn Về điều quan trọng để chuẩn bị cho bài giảng sắp diễn ra Mỹ, Parfit chợt ngã quỵ. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc chứng “mất trí nhớ tổng thể tạm thời.” Kể từ đó, Parfit cứ thi thoảng lại bật khóc nức nở không sao kiểm soát nổi. Có lẽ, ở tuổi bảy mươi hai, ông không thể chịu nổi ý nghĩ chắc mình sẽ không cho ra một học thuyết đạo đức không thể chối cãi trước lúc lìa đời. Nhưng cái chết không phải là thứ khiến ông sợ hãi. Mới đây, ông có viết rằng: “Tính đến chuyện vài năm nữa tôi sẽ qua đời. Hiện thực này có vẻ đau buồn. Nhưng hiện thực chỉ có thế này thôi. Sau một khoảng thời gian nhất định, sẽ không còn xuất hiện suy nghĩ và trải nghiệm liên quan trực tiếp tới bộ não của tôi hay có mối tương quan theo những cách nhất định tới những trải nghiệm hiện tại nữa. Sự thật này chỉ có vậy thôi. Và, nếu cắt nghĩa như thế, cái chết của tôi dường như biến mất.”

Tôi phải tự hỏi mình không biết liệu trong sâu thẳm tâm hồn Parfit, có khi nào ông không thể chấp nhận khái niệm bản sắc cá nhân mà ông đưa ra và góc nhìn bình thản, khách quan về đời người hữu hạn có thể luận ra từ đó. Có lẽ đó chính là điều khiến ông bật khóc thảm thương. Dẫu vậy, các thí nghiệm tưởng tượng tuyệt vời của ông cùng những câu hỏi chúng làm dấy lên vẫn sẽ mãi làm ta sững sờ.

-------o0o-------

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan