CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO - MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

“CÁI VÔ HẠN TRONG LÒNG BÀN TAY”

“Từ Big Bang Đến Giác Ngộ"

---o0o---

Bởi vì suy nghĩ về cái trống rỗng là phương thuốc giúp tự giải phóng khỏi những quan niệm lệch lạc về bản chất của vạn vật, khỏi sự quyến luyến với một hiện thực bền vững. Vậy nên nếu phương thức này bản thân nó trở thành một nguồn của sự quyến luyến với "trống rỗng", thì sẽ vô phương cứu chữa.
CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO - MATTHIEU RICARD – TRỊNH XUÂN THUẬN

Liệu một cuộc đối thoại giữa khoa học và Phật Giáo có hay không một lý do để tồn tại? Để tìm ra câu trả lời, cần phải xác định những lĩnh vực nghiên cứu của hai con đường nhận thức này và tìm hiểu xem liệu Phật Giáo (và các dạng tâm linh nói chung) có thể có những đóng góp giá trị ở chỗ mà các giới hạn của khoa học để lại một khoảng trống cần lấp đầy. Khoảng trống này nằm chủ yếu ở lĩnh vực đạo đức, ở sự tu chính cá nhân, ở sự hiểu biết về tâm linh của chúng ta và ở một chính quả tâm linh đích thực. Sự quan tâm mà Phật Giáo từ lâu dành cho nhiều vấn đề gần với những vấn đề cơ bản của Vật lý hiện đại liệu có một ý nghĩa nào đó đối với khoa học không? Liệu khoa học có thể cung cấp những yếu tố cơ bản cho Phật Giáo trong quá trình khám phá hiện thực khách quan của nó hay không?

Trịnh Xuân Thuận: Tôi đã thường nghĩ rằng Đức Phật răn dạy trước hết một triết lý thực dụng: mục đích chính của con người là tự cải thiện mình trong quá trình sống hàng ngày mà không cần phải bận tâm về nguồn gốc của vũ trụ hay của sự cấu thành vật chất.

Matthieu: Khi một ai đó chỉ vì tò mò hỏi Đức Phật đâu là nguồn gốc của vũ trụ và quấy nhiễu Ngài bằng các câu hỏi không có bất kỳ một tác động nào đến sự tiến bộ của tinh thần, Ngài sẽ im lặng. Vì trước hết là một con đường dẫn đến Giác Ngộ, nên Phật giáo xác lập ra một cách tự nhiên thứ bậc giữa các tri thức giúp con người đạt được mục đích này và những tri thức khác, mặc dù cũng rất đáng trân trọng, nhưng chỉ có tác động nhỏ đến mục đích này.

Trịnh Xuân Thuận: Phật giáo hiểu Giác ngộ là gì?

Matthieu: Đó là sự chấm dứt mọi sai lầm và gắn liền với nó là một lòng thương người vô bờ bến. Đó là sự hiểu biết, nhưng không phải là sự tích lũy đơn thuần các dữ liệu như trong khoa học, mà là sự hiểu thấu các phương thức tồn tại tương đối (cách mà các sự vật thể hiện trước chúng ta) và cuối cùng (bản chất thực của chúng) của trí tuệ chúng ta và của thế giới. Sự hiểu biết này là phương thuốc chính cho sự vô minh. Vô minh ở đây được hiểu không phải đơn thuần là sự thiếu thông tin, mà là một cái nhìn sai lệch về hiện thực làm chúng ta tin rằng các sự vật là vĩnh cửu và bền vững, rằng cái tôi của chúng ta tồn tại thực sự, và do đó chúng ta thường lẫn lộn niềm vui thoáng qua hay sự giảm nhẹ một nỗi đau bằng hạnh phúc lâu dài. Chính sự vô minh này đã thúc đẩy chúng ta xây dựng hạnh phúc trên nỗi đau của người khác. Chúng ta tham lam để thỏa mãn cái tôi của chúng ta và thể hiện thái độ ghê tởm với những cái dường như làm tổn hại đến cái tôi đó. Dần dần, các sự kiện tâm lý đan xen chặt chẽ với nhau sinh ra ngày càng nhiều lẫn lộn trong đầu óc của chúng ta và dẫn tới một hành vi hoàn toàn vị kỷ. Sự vô minh cứ thế kéo dài mãi và làm mất đi sự yên ổn bên trong của chúng ta. Giác ngộ mà Phật giáo đề cập tới là phương thuốc hữu hiệu chống lại đau khổ. Theo cách nhìn này thì người ta buộc phải chấp nhận rằng biết độ sáng của các ngôi sao hay khoảng cách giữa chúng tuyệt đối chẳng có tác dụng gì và thậm chí cũng chẳng dạy cho chúng ta biết làm thế nào để trở thành những con người tốt hơn.

Trịnh Xuân Thuận: Chính nhận định này đã khiến tôi nghĩ rằng Phật giáo không quan tâm tới tất cả những loại kiến thức không tác động trực tiếp đến sự tiến bộ về đạo đức và tâm linh của chúng ta cũng như đến hành vi của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày vậy thì bằng cách nào, hiểu biết về nguồn gốc của vũ trụ và về số phận của nó, hoặc hiểu biết về bản chất của thời gian và không gian có thể giúp chúng ta đạt đến Niết bàn?

Matthieu: Tôi xin kể ra đây ví dụ về một người hỏi Đức Phật về một số điểm thuộc vũ trụ luận. Đức Phật cầm lấy một nắm lá và hỏi người đó: "Lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều?" Chắc chắn là lá trong rừng nhiều hơn rồi, người đó đáp. Đức Phật nói tiếp "Thế nhưng, những chiếc lá mà ta cầm trong tay lại biểu hiện những hiểu biết dẫn tới làm tiêu tan đau khổ". Như vậy, Đức Phật đã chứng tỏ rằng một số câu hỏi là vô ích. Thế giới cung cấp một phạm vi nghiên cứu vô hạn, cũng nhiều như lá cây trong rừng vậy. Nếu điều mà người ta mong muốn tột đỉnh trong cuộc đời là đạt đến Giác Ngộ, thì nên dành trọn cuộc đời cho mục đích ấy bằng cách chỉ tích lũy những kiến thức giúp ta đạt được ước vọng này.

Kinh nghiệm cho thấy rằng để xóa đi ngu muội, cần phải hiểu một cách chính xác bản chất của thế giới bên ngoài và của bản ngã, những cái mà chúng ta gọi là "hiện thực". Chính vì thế, Đức Phật biến sự thấu hiểu này thành chủ đề chính trong những bài giảng giải của Ngài. Ngài cũng nhiều lần bác bỏ quan điểm về một nguyên nhân đầu tiên và duy nhất về thế giới hiện tượng. Ngài còn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa cách thức mà chúng ta cảm nhận các hiện tượng và bản chất thực của chúng và về những tác động xấu của quan niệm sai lệch này. Trong lúc tranh tối tranh sáng, nhìn sợi dây thừng thành con rắn gây ra những sợ hãi vô ích, nhưng ngay khi chiếu sáng sợi dây này và nhận ra bản chất đích thực của nó, nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ không còn lý do để tồn tại nữa. Sự nghiên cứu của Phật giáo dẫn đến nhận định rằng cái tôi và các hiện tượng bên ngoài không tồn tại một cách độc lập, rằng sự phân biệt giữa "tôi”, và "người khác" chỉ là một cãi nhãn ảo tưởng. Đây là điều mà Phật giáo gọi là "sự trống rỗng", hay còn gọi là không thực sự tồn tại. Mặt khác, mong muốn bằng mọi giá tìm ra một nguyên nhân đầu tiên cho các hiện tượng là sự phản ánh đơn thuần xu hướng của suy nghĩ con người muốn vật chất hóa tất cả những gì chúng ta cảm nhận; muốn gắn cho chúng một sự tồn tại tự thân, một hiện thực bền vững phù hợp với cách cảm nhận thông thường của chúng ta về sự vật Quan niệm về "nguyên nhân đầu tiên" này đã ngự trị trong tư tưởng tôn giáo, triết học và khoa học phương Tây trong hơn hai thiên niên kỷ.

Trịnh Xuân Thuận: Thật vậy, cho tới thế kỉ XIX, khoa học cổ điển vẫn quan niệm sự vật như những thiên chất của một hiện thực tự thân và bị chi phối bởi các quy luật cứng nhắc về nhân-quả. Người ta đã giảng dạy điều này dưới dạng "các bài học về sự vật. Cơ học lượng tử ra đời đầu thế kỉ XX đã làm lung lay đáng kể ý tưởng về một hiện thực tự thân tạo bởi các yếu tố cơ bản của vật chất và đã xem xét lại một số khái niệm về quan hệ nhân quả: Nhưng quan niệm này của Phật giáo về sự trống rỗng lẽ nào lại không khiến người ta nghĩ đến một hư không, một sự không tồn tại của tất cả? Các sự vật hiện tượng có thể vận hành như thế nào nếu như chúng là "trống rỗng"?

Matthieu: Khi dạy rằng sự trống rỗng là bản chất cuối cùng của sự vật Phật giáo muốn nói rằng các hiện tượng và những chức năng mà chúng thực hiện không hề tồn tại độc lập và vĩnh viễn như vậy, sự trống rỗng không phải là một loại thực thể độc lập. Đó là kiểu tồn tại của sự vật như nó được phát lộ thông qua sự phân tích. Đây hoàn toàn không phải là hư không, là hoàn toàn không có các hiện tượng như những nhà phê bình Phật giáo đầu tiên ở phương Tây đã từng nghĩ. Đến lượt mình, khái niệm trống rỗng lại không được dùng để làm chỗ dựa cho việc xây dựng các nội dung khái niệm mới. Chính vì thế, Đức Phật luôn thận trọng khi nói đến "sự trống rỗng của trống rỗng". Thực tế, các khái niệm về tồn tại và không tồn tại chỉ có nghĩa trong tương quan với nhau. Nếu như người ta không thể nói về tồn tại thực thì nói về không tồn tại sẽ trở nên vô lý. Cuốn Luận cơ bản về sự hoàn thiện của minh triết viết: "Những ai quyến luyến với trống rỗng sẽ vô phương cứu chữa. Tại sao lại vô phương cứu chữa? Bởi vì suy nghĩ về cái trống rỗng là phương thuốc giúp tự giải phóng khỏi những quan niệm lệch lạc về bản chất của vạn vật, khỏi sự quyến luyến với một hiện thực bền vững. Vậy nên nếu phương thức này bản thân nó trở thành một nguồn của sự quyến luyến với "trống rỗng", thì sẽ vô phương cứu chữa. Cũng cuốn sách này kết luận: "Vì vậy, kết quả là sự thông tuệ sẽ không còn tồn tại trong cả tồn tại lẫn không tồn tại".

Chính trong bối cảnh đó mà triết học Phật giáo cố gắng phân tích sự tồn tại, hay không tồn tại, của các phần tử không thể phân chia được nữa của vật chất và những thời điểm của ý thức. Theo Phật giáo, sự phân tích thế giới phi hiện thực của các sự vật là một phần không thể tách rời của con đường tâm linh, vì nó cho phép xóa bỏ niềm tin của chúng ta về sự tồn tại tự thân của các hiện tượng.

Trịnh Xuân Thuận: Mục đích của sự hiểu biết về thế giới các hiện tượng có phải là hiểu biết về chính bản thân mình?

Matthieu: Hai loại hiểu biết này gắn bó với nhau, vì đó là một cách nghiên cứu tổng thể, trong đó tính hai mặt giữa mình và thế giới tự xóa nhòa trong thế giới phi hiện thực các hiện tượng. Hiểu biết về bản chất của tâm linh chúng ta và hiểu biết về bản chất của các hiện tượng sẽ trở nên rõ ràng và bổ sung lẫn nhau, và mục đích cuối cùng của chúng là làm tiêu tan đau khổ.

Trịnh Xuân Thuận: Phải chăng điều này giải thích cho mối quan tâm ngày càng gia tăng đối với Phật giáo ở phương Tây?

Matthieu: Các phương pháp phân tích và chiêm nghiệm của Phật giáo không bao giờ tự gắn cho mình mục đích xây dựng các hệ thống triết học u mê và cũng không lao vào những tư biện vô ích. Chúng chủ yếu nhằm giải thoát cho chúng ta khỏi sự lẫn lộn mơ hồ trong tâm tưởng - vốn là nguồn gốc của sự đau khổ. Sự hiểu biết này là cực kỳ thực dụng và kéo theo những thay đổi bên trong không thể phủ nhận được.

Tôi thấy sự quan tâm đối với triết học Phật giáo từ vài năm trở lại đây là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Điều này gần giống như người ta phát hiện ra một cái hòm chứa đầy sách vở của các nhà thông thái Hy Lạp mà cho tới lúc đó chưa ai biết tới. Tôi không nghĩ rằng sự quan tâm này chỉ có tính phong trào chạy theo mốt, mà là kết quả của một cuộc tìm kiếm tri thức đúng đắn. Từ rất lâu, như Roger-Pol Droit đã từng chứng tỏ trong cuốn Sự lãng quên của Ấn Độ, một chứng mất trí triết học rằng triết học Phật giáo và các triết học khác của phương Đông đã không được các nhà tư tưởng phương Tây biết đến. Họ đều nhất trí cho rằng không bao giờ có một triết học nào nghiêm túc như ở châu Âu. Tại sao các triết học khác lại không được giảng dạy tại các trường học của phương Tây ngang bằng với triết học Hy Lạp mà bản thân các trường học này đã quá dư thừa? Liệu có hay không một thực thể bền vững đằng sau những vẻ bề ngoài? Nguồn gốc của thế giới hiện tượng là gì? Mối quan hệ nào giữa hữu sinh và vô sinh? Thời gian, không gian và các quy luật của tự nhiên có thực sự tồn tại hay không? Từ 2.500 năm nay, các nhà siêu hình Phật giáo đã miệt mài nghiên cứu các câu hỏi này. Các tài liệu về Phật giáo đã có rất nhiêu sách luận về logic, về các lý thuyết tri giác, về các phân tích tính hiện thực của thế giới các hiện tượng ở các trình độ khác nhau, cũng như các sách về tâm lý học đi sâu phân tích chi tiết các loại "sự kiện trí óc" khác nhau và các khía cạnh khác của tinh thần con người. Đây hoàn toàn không phải là những việc mơ mộng viển vông!

Trịnh Xuân Thuận: Ông muốn nói Phật giáo là một khoa học về tâm linh? Liệu đây có phải là một khoa học giống như khoa học tự nhiên dựa trên quan sát, đo đạc và có ngôn ngữ là toán học?

Matthieu: Tính xác thực của một khoa học không nhất thiết phụ thuộc vào các phép đo vật lý, cũng như các phương trình toán học phức tạp. Một giả thuyết có thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm bên trong mà vẫn không hề thiếu tính chặt chẽ. Phương pháp của Phật giáo bắt đầu bằng phân tích và thường viện đến "những thực nghiệm trong óc", những thực nghiệm không thể bác bỏ được trên phương diện khái niệm, ngay cả khi chúng không thể được tiến hành trong hiện thực vật lý. Đây là một cách tiến hành đã được sử dụng rộng rãi trong khoa học.

Trịnh Xuân Thuận: Thật vậy, các thực nghiệm được tiến hành thuần túy bởi tư duy rất hữu ích trong vật lý. Chúng thường được Einstein và các nhà vật lý nổi tiếng khác áp dụng không chỉ để chứng minh các nguyên lý vật lý mà còn để làm sáng tỏ các kết quả nghịch lý trong việc diễn giải một số tình huống vật lý. Chẳng hạn, để nghiên cứu bản chất của thời gian và không gian, Einstein đã tưởng tượng mình cưỡi lên một hạt ánh sáng. Để suy nghĩ về lực hấp dẫn, ông đã tưởng tượng mình đứng trong một cầu thang máy rơi tự do trong chân không.

Tôi nghĩ rằng vật lý hiện đại, sau hàng loạt những phát minh và những câu hỏi siêu hình không thể tránh được, sẽ tìm thấy trong Phật giáo (hoặc trong các tôn giáo hay triết học khác) những đồng vọng hết sức bất ngờ. Nhưng tại sao Phật giáo lại quan tâm đến khoa học hiện đại, đặc biệt là vật lý và vật lý thiên văn, trong khi đó nó lại không hề quan tâm tới công nghệ?

Matthieu: Tất nhiên, mối quan tâm chủ yếu của Phật giáo không phải là khoa học hiện đại, nhưng Phật giáo quan tâm đến khoa học hiện đại là vì trong quá trình phân tích hiện thực, Phật giáo từ lâu đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi tương tự những câu hỏi mà vật lý hiện đại nêu lên: các hạt tự lập không thể phân chia được nữa có thể tạo nên các "viên gạch" dùng để xây dựng nên thế giới vĩ mô không? Liệu chúng có một hiện thực tối hậu, hay sẽ được quy về những cái nhãn tưởng tượng? Các định luật vật lý có tồn tại tự thân theo cách như những Ý niệm của Platon? Phật giáo coi sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng là sự mô tả thích hợp nhất về hiện thực bề ngoài. Mà khái niệm về tính tổng thể (sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hiện tượng và chủ thể cảm nhận hiện tượng đó) được áp đặt từ thời Niels Bohr và Heisenberg- cha đẻ của vật lý lượng tử, lại đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm trong 20 năm trở lại đây. Như vậy, khái niệm này thể hiện một trong số những phát hiện cơ bản nhất của vật lý hiện đại. Không bị rơi vào bẫy của những vẻ tương tự bề ngoài, việc khai thác hai cách tiếp cận láy có thể sẽ giúp chúng ta tìm hiểu sâu sắc thêm những khía cạnh cơ bản về thế giới quan của chúng ta.

Phật giáo trước hết là một nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm trực tiếp nên nó không xơ cứng trong các giáo điều mà nó biết cách tránh xa, nếu không sẽ phải xem xét lại chính những cơ sở tồn tại của mình. Phật giáo sẵn sàng chấp nhận tất cả các cách nhìn nhận hiện thực có những tiêu chí của chân lý đích thực. Đức phật đã nhiều lần khuyến khích các đệ tử của mình hãy bằng chính những kinh nghiệm của mình phát hiện lại sự phụ thuộc lẫn nhau của ý thức và thế giới, để thay đổi cách nhìn nhận về hiện thực của mình Ngài đã thường xuyên cảnh báo họ về sự nguy hiểm của một niềm tin mù quáng và giáo điêu. Ngài nói: "Hãy kiểm tra sự đúng đắn của những lời giảng giải của ta như các ngươi kiểm tra sự thuần khiết của một khối vàng, bằng cách đập nó vào đá, lấy búa rèn nó hoặc nung chảy nó. Đừng chấp nhận điều ta nói chỉ đơn giản vì lòng kính trọng đối với ta". Như vậy, vấn đề không phải là tin mà là biết. Kinh nghiệm cá nhân, dựa trên sự phân tích nội quan giúp chúng ta hiểu rằng cái tôi chỉ là sự vật chất hóa không có cơ sở của một tập hợp các mối liên kết động, tạm thời và không thể nắm bắt được.

Trịnh Xuân Thuận: Trong Phật giáo không có chủ nghĩa giáo điều, điều này luôn làm cho tôi khâm phục. Vả lại chính tinh thần vị tha và rộng mở này đã giúp Phật giáo chung sống hòa bình với các tín ngưỡng khác trong các xã hội mà Phật giáo thâm nhập vào. Liệu có tìm được những phân tích mà ông vừa mô tả trong các kinh sách Phật giáo ở Tây Tạng không?

Matthieu: Những phân tích này nằm trong hàng trăm cuốn kinh ghi lại lời của Đức Phật đã được các đệ tử của Ngài thu thập lại, cũng như trong các cuốn sách bình chú của Ấn Độ được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng (213 cuốn) kể từ thế kỉ IX đến nay. Chúng cũng được trình bày trong hàng nghìn cuốn bình chú của người Tây Tạng. Đức Phật ra đời vào thế kỉ V trước CN. Phật giáo bắt đầu suy tàn ở Ấn Độ kể từ thế kỉ VII và biến mất khỏi nước này vào khoảng thế kỉ XII. Nhiều nước ở châu Á khi đó đã tiếp nhận nó. Điều này đã cho ra đời ở Tây Tạng một truyền thống kinh viện và thiền na rất phong phú. Hệ thống kinh lý Tây Tạng là phong phú nhất ở phương Đông, chỉ sau kinh lý cổ điển bằng tiếng Phạn và tiếng Trung Quốc. Ngoài các cuốn bình chú còn có các cuộc tranh luận siêu hình giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo. Các cuộc tranh luận này chủ yếu đề cập đến sự tồn tại hay không tồn tại một Đấng Tạo hóa, một tâm hồn vĩnh cửu, những thực thể phổ biến tương đương với những ý tưởng của Platon. Các cuộc tranh luận này cho đến nay vẫn còn tiếp diễn tại các thảo am, cho phép làm sáng tỏ quan điểm của Phật giáo về nhiều vấn đề mà chúng ta sẽ tranh luận.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rộng nếu không có một lòng vị tha, yếu tố quyết định để làm tiêu tan những nguyên nhân của đau khổ đến tận gốc rễ của nó thì tất cả những gì chúng ta nói sẽ chỉ là vô ích.

---o0o---

Trích: “Cái Vô Hạn Trong Lòng Bàn Tay”

“Từ Big Bang Đến Giác Ngộ”

Tác giả: Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận

Người dịch: Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ

Nhà Xuất Bản Trẻ

Ảnh: Nguồn interne

Bài viết liên quan