ĐAM MÊ LÀ TẤT CẢ? - TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? - ROSIE NGUYỄN

ĐAM MÊ LÀ TẤT CẢ?

TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? - ROSIE NGUYỄN

-----o0o-----

Đam mê, Sứ mệnh, Nghề nghiệp, Chuyên môn mới chính là công việc lý tưởng, là mục đích cuộc đời của mỗi người.
ĐAM MÊ LÀ TẤT CẢ? - TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? - ROSIE NGUYỄN

"Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết."

(Albert Einstein)

Tôi đã luôn biết đam mê của mình là gì. Tôi yêu thích việc viết lách, nó đem lại cho tôi niềm vui. Mỗi khi trút được suy nghĩ, cảm xúc của mình xuống giấy, hoặc khi diễn đạt được chính xác cảm giác của mình bằng từ ngữ, tôi luôn cảm thấy một niềm thỏa mãn, hân hoan vô tận.

Vậy nên tôi bối rối mất vài giây khi Phương bảo với tôi rằng: "Em không biết đam mê của mình là gì chị ạ."

Em bảo: Từ nhỏ đến lớn em học giỏi đều tất cả các môn. Khi đi thực tập về mảng nhân sự em thấy mình làm tốt và em cũng có hứng thú với việc tiếp xúc với con người, trò chuyện, tuyển dụng, đào tạo. Bây giờ em đang làm về marketing, em cũng thấy thích và làm cũng tốt, quảng bá truyền thông cho sản phẩm, tiến hành các chiến dịch quảng cáo. Em thấy đặt mình vào vị trí nào em cũng có thể xoay xở được. Nhưng em lại thấy có cái gì đó sai sai với bản thân. Vì em không rõ đam mê của mình là gì.

Tôi bật cười: "Chắc là vì em thông minh và khả năng giải quyết vấn đề của em khá tốt, nên ở đâu em cũng làm được cả."

Em bảo: "Vâng. Nhưng vấn đề là mọi người vẫn thường nói: hãy theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn. Em không có đam mê, liệu rồi em có được thành công hay không?"

Đến lúc này thì tôi hết cười.

Câu nói kinh điển này đã tạo nên ấn tượng tiêu cực trong đầu cô bé sinh viên mới ra trường. Nó khiến cô suy diễn theo chiều hướng khác, rằng chỉ cần có đam mê là thành công sẽ ở ngay trước mặt.

Dĩ nhiên, đam mê là điều cần thiết để thành công. Vì sự nhiệt huyết, niềm say mê trong lúc ta làm điều mình thích sẽ giúp ta vượt qua khó khăn dễ dàng hơn. Nhưng đừng nghĩ rằng là chỉ cần có được đam mê thì sẽ thành công. Nó là yếu tố cần, nhưng không phải là yếu tố đủ.

Vì sao?

Là một người lựa chọn sống với đam mê, tôi nhận ra rằng: nếu có đam mê mà không có kiên trì nỗ lực, thì làm gì cũng sẽ thất bại. Bất kỳ công việc nào cũng sẽ có điểm mình thích làm, điểm mình không thích. Ngay cả khi đang làm công việc mà mình đam mê thì cũng có những ngày cực kỳ hứng khởi, và những quãng thời gian với vô vàn khó khăn. Có một câu nói vui là: "Người ta không hề biết rằng cỏ phía bên kia đồi trông xanh hơn, có thể bởi vì chỉ toàn là phân nằm ở dưới cỏ."Những điều thử thách, gian khó, mệt mỏi trong bất kỳ loại công việc nào cũng đều tồn tại. Điều quan trọng là cam kết với việc mình làm. Cam kết để đẩy mình qua những khoảng thời gian khó khăn. Cam kết để dốc hết sức mình vượt lên trở ngại. Cam kết để ráng thêm chút nữa ngay cả khi đã rã rời. Và cam kết với mục tiêu, nhằm vào mục tiêu mà hướng tới.

Đam mê là cái ban đầu. Nhưng ý chí, nghị lực vượt khó, sự kiên trì của bản thân là những nguyên liệu khác của chiếc bánh thành công. Ta phải kết hợp tình yêu và nỗ lực vào những việc mình làm, để vượt qua thử thách. Thành tựu không thể nào có được nếu thiếu sự kiên cường, sự kiên nhẫn, ngoài sở thích và đam mê.

Đam mê cũng không phải tự dưng mà có. Nó là điểm giao thoa sở thích và tiềm năng. Từ hai chất xúc tác đó, người ta tiếp tục cọ xát, mài giũa, học tập trau dồi, tìm kiếm cơ hội, làm việc thực hành. Đến một lúc nào đó nó sẽ phát triển thành thiên hướng nghề nghiệp của con người. Nếu có đam mê, nhưng không rèn luyện, không làm việc, không tìm tòi phát triển, thì tiềm năng chẳng bao giờ hé nở.

 

Và khi đã biết được đam mê của mình là gì rồi, thì cũng không phải là tất cả. Phải tìm loại công việc phù hợp với đam mê của mình. Ví dụ, viết lách là sở thích và cũng là sở trường của tôi. Mà viết thì có bao nhiêu là loại, viết báo, viết sách, copywriter, blogger... Đâu phải tất cả các loại hình ngành nghề trên đều phù hợp với bản thân. Nếu tôi chọn làm copywriter, có thể tôi sẽ hằng ngày lê xác đến sở làm, chán ngán vắt kiệt bộ não ra để nghĩ được những từ ngữ, câu nói đắt giá cho sản phẩm của khách hàng. Nhưng nếu tôi theo nghề viết sách, thì tôi lại thăng hoa dù phải dành hàng giờ để vạch ra khung sườn cho quyển sách sắp viết, hoặc thức khuya dậy sớm tìm kiếm tài liệu cho quyển sách của mình. Hai loại công việc cùng liên quan đến đam mê viết lách nhưng lại đemđến độ thỏa mãn khác nhau.

Và ngay cả khi nghĩ rằng mình thích công việc đó, thì cũng không có nghĩa đó nên là công việc mà ta sẽ làm cả đời. Rất ít ai tìm được công việc mình yêu thích vào tuổi đổi mươi, để rồi gắn bó với nó đến cuối đời. Cuộc sống luôn luôn thay đổi. Con người cũng vậy. Có thể bây giờ tôi thỏa mãn và hài lòng với việc viết sách. Nhưng biết đâu sau này tôi lại muốn thử sức ở mảng báo chí thì sao? Miễn là công việc đó phù hợp với hướng đi và sở thích của tôi trong thời điểm đó. Cho nên, cứ sau mỗi chặng đường trong cuộc sống, ta lại phải dừng lại xác định tiếp hướng đi, rồi tiếp tục. Sau một thời gian với một loại hình công việc, nếu đã thấy đủ, cứ mạnh dạn khám phá bản thân ở công việc khác. Miễn công việc đó vẫn liên quan đến đam mê của mình.

Nhưng để nói cho tròn vẹn, thì đam mê chỉ mới là một nửa câu chuyện.

Theo các tài liệu tư vấn về hướng nghiệp, công thức về công việc phù hợp như sau:

Công việc phù hợp = Sở thích + Khả năng + Giá trị công việc + Cá tính + Nhu cầu thị trường

Còn theo một mô hình hướng nghiệp khác, thì đam mê chỉ là một phần nhỏ. Mô hình này được thiết kế bằng sự giao nhau giữa bốn vòng tròn: Điều bạn làm giỏi, Điều bạn yêu thích, Điều thế giới cần, và Điều bạn có thể được trả công. Khoảng giao nhau giữa Điều bạn làm giỏi và Điều bạn thích là Đam mê. Khoảng giao nhau giữa Điều bạn thích và Điều thế giới cần là Sứ mệnh. Khoảng giao nhau giữa Điều thế giới cần và Điều bạn có thể được trả công được gọi là Nghề nghiệp. Giao nhau giữa Điều bạn có thể được trả công và Điều bạn làm giỏi là Chuyên môn. Và phần chung nhỏ xíu của bốn khoảng giao nhau: Đam mê, Sứ mệnh, Nghề nghiệp, Chuyên môn mới chính là công việc lý tưởng, là mục đích cuộc đời của mỗi người.

-----o0o-----

Trích “Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu?”

Tác giả: Rosie Nguyễn

Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn

 

Bài viết liên quan