ĐỂ HẤP DẪN NGƯỜI KHÁC, BẠN PHẢI TRỞ THÀNH HÌNH ẢNH MÀ MÌNH MONG MUỐN - SUSAN JEFFERS, PH.D. - XUYÊN QUA NỖI SỢ

ĐỂ HẤP DẪN NGƯỜI KHÁC, BẠN PHẢI TRỞ THÀNH HÌNH ẢNH MÀ MÌNH MONG MUỐN. HÃY TRỞ THÀNH CHÍNH CON NGƯỜI MÀ BẠN MUỐN Ở CẠNH.

SUSAN JEFFERS, PH.D. - XUYÊN QUA NỖI SỢ

“Bí Quyết Của Người Chiến Thắng”

---o0o---

Sự khác biệt trong cách sống khi biết mình có giá trị và không có giá trị thật đáng kinh ngạc. Nếu bạn chưa nhận thấy mình có giá trị, hãy thử hành động như thể bạn có giá trị thật sự. Hãy tự hỏi: “Nếu mình là người có giá trị, mình sẽ làm gì trong tình huống đó? Mình sẽ hành xử như thế nào?”. Điều này sẽ rất hiệu quả đấy.
ĐỂ HẤP DẪN NGƯỜI KHÁC, BẠN PHẢI TRỞ THÀNH HÌNH ẢNH MÀ MÌNH MONG MUỐN - SUSAN JEFFERS, PH.D. - XUYÊN QUA NỖI SỢ

 Một người theo chủ nghĩa hoài nghi trong lớp hỏi tôi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ biết cho đi cho đi mà không nhận lại được gì. Tôi đề nghị cô ấy kể một ví dụ cụ thể. Cô bảo mình đã không ngừng cho đi, dành tất cả cho một người đàn ông mà cô đang muốn xây dựng mối quan hệ, và kết quả là anh ta đã bỏ cô đi luôn.

Tôi nghĩ cô đã quên mất một điều. Trước hết, cô đã không cho đi một cách vô điều kiện. Cô đã kỳ vọng quá nhiều! Và cô đã nghĩ rằng nếu tiếp tục cho đi như thế, anh ta sẽ cảm thấy cần cô và cuối cùng sẽ quay trở về bên cô.

 Tôi chỉ ra cho cô ấy thấy đó là một sự tính toán hơn là một hành động vì tình yêu. Tôi đề nghị cô nên quên anh ta đi và tìm người khác thích hợp hơn. Tôi nhắc lại để cô ấy hiểu cho đi không có gì là sai, nhưng nếu nhu cầu của chúng ta không được thỏa mãn trong một mối quan hệ nào đó, thì đã đến lúc nên khép mọi chuyện lại trong tình yêu thương, và tiếp tục đi tìm một nửacủa mình. Cho đi không có nghĩa là bạn phải trở thành một tấm thảm chùi chân. Chúng ta có quyền được đáp ứng nhu cầu bản thân. Tuy vậy, không có nghĩa vì thế mà chúng ta nổi giận khi một ai đó không thỏa mãn mình.

 Cho Đi Thời Gian

 Thời gian là một thứ dường như không bao giờ đủ, chính vì thế mà nó trở thành một trong những thứ giá trị nhất. Và đó cũng là một trong những món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho nhau. Nhưng lúc nào thì chúng ta cho đi thời gian? Đó là khi bạn lắng nghe tâm sự của một người bạn, viết một lá thư cảm ơn, tham gia công tác xã hội, trở thành tình nguyện viên, hoặc đọc sách cho con nghe. Tất cả những việc đó vực bạn vượt qua chính mình và giúp bạn hành xử theo phần tốt đẹp trong con người bạn - phần yêu thương, vun đắp và rộng mở.

 Một trong những học viên của tôi là David đã kể cho cả lớp nghe một ví dụ về việc cho đi thời gian. Anh làm tình nguyện viên cho dự án Holiday Project, chuyên tổ chức những buổi thăm viếng các bệnh viện vào dịp lễ Giáng Sinh. Theo David, đó là một hoạt động giúp anh “mở rộng trái tim”. Có lần anh hát cho một đứa bé đang bị hôn mê nghe. Người y tá bảo: “Anh cứ hát đi, cháu nghe thấy mà!”. Anh bảo đó là một cảm giác thật tuyệt vời và anh khuyên cả lớp hãy mở rộng lòng mình để làm những việc tương tự.

Một người bạn thân của tôi mới đây bị đột quỵ đã cảm thấy vô cùng biết ơn và vui sướng nhân dịp lễ Tạ Ơn. Trên chiếc xe lăn, anh đã tình nguyện tham gia giúp mọi người nấu bữa tiệc Tạ Ơn tại một nhà hàng cung cấp thức ăn miễn phí cho những người vô gia cư. Và anh trân quý từng phút giây đó. Anh hiểu mình vẫn có giá trị, ngay cả sau khi bị đột quỵ.

 Làm tình nguyện viên còn là một cách thú vị để bạn trải qua những ngày nghỉ bên con cái. Một người bạn của tôi kinh ngạc khi con gái của chị, sau khi mở năm mươi hai món quà, đã nói: “Chỉ có vậy thôi ư?”. Và đó là lần Giáng Sinh cuối cùng kiểu đó đối với cô bé. Giờ đây, mỗi năm chị và con gái tham gia vào dự án mà David đã nói ở trên và chị thấy rõ sự chuyển biến ở con mình. Thay vì cứ tự hỏi không biết năm nay mình sẽ nhận được quà gì, cô bé dành thời gian để làm những món quà mang đến bệnh viện tặng cho mọi người.

Có đôi điều tôi muốn nói với bạn về việc làm tình nguyện viên nói chung. Trong suốt những năm công tác tại Floating Hospital, tôi đã có dịp quan sát rất nhiều tình nguyện viên ở đây. Nhìn chung, có hai nhóm. Một là những người ý thức rõ giá trị cống hiến của mình, nhóm kia thì không. Và sự khác biệt giữa hai nhóm đó thật lớn!

 Nhóm thứ hai là những người tuy giúp đỡ người khác nhưng không làm bằng tâm nguyện cho đi mà vì nghĩa vụ phải làm. “Tôi nghĩ mình nên đền đáp lại cộng đồng”. Một số lấy những việc này để chứng minh cho mọi người thấy họ là “người tốt”. Nói vậy không có nghĩa là họ không hề cống hiến gì. Có đấy chứ, cho dù một số rõ ràng không giúp ích gì cho người khác! Lúc nào họ cũng nghĩ đến cái tôi của mình. Đó là những người không quan tâm đến cái mà Floating Hospital đang cần mà chỉ chú ý đến việc thỏa mãn cái tôi của họ. Chính vì thế, họ gây trở ngại hơn là giúp đỡ các nhân viên ở đây. Điều tệ hơn là họ không hề tìm thấy một chút cảm giác hài lòng hay giá trị bản thân nào qua sự cống hiến này. Trong khi đó, những người ý thức được giá trị của mình lại hoàn toàn khác hẳn. Họ làm việc một cách âm thầm, lặng lẽ nhưng đâu ra đấy. Hầu như chúng tôi chưa yêu cầu là họ đã đáp ứng. Họ chăm chỉ làm việc đúng giờ và không bao giờ vắng mặt khi cần. Họ làm tất cả những gì có thể, cho dù đó là công việc của kẻ hầu người hạ. Họ lấy điều đó làm niềm vui và ý thức được sự hữu dụng của mình. Họ hiếm khi nói về những việc mình làm, họ cứ thế mà làm thôi. Và họ được mọi người yêu mến vì những gì đã cống hiến.

 Sự khác biệt trong cách sống khi biết mình có giá trị và không có giá trị thật đáng kinh ngạc. Nếu bạn chưa nhận thấy mình có giá trị, hãy thử hành động như thể bạn có giá trị thật sự. Hãy tự hỏi: “Nếu mình là người có giá trị, mình sẽ làm gì trong tình huống đó? Mình sẽ hành xử như thế nào?”. Điều này sẽ rất hiệu quả đấy.

 Do đó, hãy nhận thức giá trị của bạn, hoặc hành xử như thể bạn là một người có giá trị và biết cho đi thời gian của mình. Đó là một món quà ngoài sức tưởng tượng!

Cho Đi Tiền Bạc

 Hầu như ai cũng lo lắng về vấn đề tiền nong. Cho dù có thành đạt mấy đi nữa cũng có lúc tôi tưởng tượng ra cảnh mình cầm cái ca trong tay đứng xin tiền ở góc phố vào tuổi tám mươi hai. Và tôi nhận thấy rất nhiều người cũng có cùng suy nghĩ đó. Chẳng hiểu vì sao tôi lại có ý nghĩ quái gở đó chứ. Cho dù không hề muốn, nhưng nỗi sợ đó vẫn ngự trị trong tôi.

 Nỗi sợ hãi liên quan đến tiền bạc thường xuyên hiện hữu, bất kể chúng ta giàu có cỡ nào. Mới đây tôi đọc được bài báo viết về một người giàu nứt đố đổ vách, ấy vậy mà ông ta vẫn gặp ác mộng mất hết của cải. Đối với ông ta, chẳng bao nhiêu là đủ.

Để thoát khỏi nỗi ám ảnh về tiền bạc, bạn hãy thư giãn và buông bỏ. Trong chừng mực hợp lý, hãy tập cho đi với niềm tin là mỗi khi cần, bạn sẽ có cách để kiếm được bất kỳ thứ gì mình muốn. Một trong những người bạn của tôi đã viết chữ “cảm ơn” lên những tấm séc mà cô ấydùng để thanh toán các hóa đơn chi tiêu. Với thái độ đó, bạn sẽ có được sự tự do trong cuộc sống: tự do tận hưởng, tự do đầu tư vào bản thân lẫn người khác và trở thành một phần sáng tạo trong dòng chảy cuộc sống. Cho đi tiền bạc có thể mang lại cho bạn những món tiền lớn hơn rất nhiều, và quan trọng hơn cả là sự thanh thản trong tâm hồn. Nói vậy không có nghĩa là bạn nên lãng phí tiền bạc, vì chi tiêu hợp lý vẫn là điều cốt lõi.

Cho Đi Tình Yêu Thương

 Tất cả những điều cho đi mà tôi đã đề cập đều chính là cho đi tình yêu. Tuy nhiên, trong tình yêu còn có những yếu tố khác mà chúng ta cần xem xét. Ví dụ, khi chúng ta để ai đó được là chính mình mà không cố thay đổi họ tức là chúng ta đang cho đi tình yêu. Khi chúng ta tin rằng một ai đó có thể tự giải quyết chính cuộc đời của họ và có cách hành xử phù hợp, tức là chúng ta đang cho đi tình yêu. Khi chúng ta cho phép người khác học hỏi, trưởng thành mà không hề cảm thấy sự hiện diện của chúng ta là mối đe dọa thì đó chính là cho đi tình yêu. Thế bạn đã từng thấy bao nhiêu mối quan hệ tình cảm giống như vậy?

 Có một thứ tựa như tình yêu nhưng không phải, đó là nhu cầu. Như nhà tâm lý học Rollo May đã viết trong “Man’s Search for Himself” (Người tìm kiếm chính mình): “Nhìn chung, tình yêu dễ bị lầm lẫn với sự lệ thuộc; nhưng ở một góc độ thực tế, bạn chỉ có thể yêu thương ở mức tương ứng với khả năng độc lập của bản thân”.

---o0o---

Trích: “Xuyên Qua Nỗi Sợ”

“Bí Quyết Của Người Chiến Thắng”

Tác giả: Susan Jeffers, Ph.D.

Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh         

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan