GIẢI TRÍ - MỘT TƯ DUY HOÀN TOÀN MỚI - DANIEL H.PINK

GIẢI TRÍ

MỘT TƯ DUY HOÀN TOÀN MỚI - DANIEL H.PINK

–––––o0o–––––

Với chủ đề trò chơi vẫn còn mới mẻ trong suy nghĩ của chúng ta, hãy cùng chơi một trò chơi mà tôi gọi là “Chọn điểm nút của câu chuyện”.
GIẢI TRÍ - MỘT TƯ DUY HOÀN TOÀN MỚI - DANIEL H.PINK

Sự hài hước

Với chủ đề trò chơi vẫn còn mới mẻ trong suy nghĩ của chúng ta, hãy cùng chơi một trò chơi mà tôi gọi là “Chọn điểm nút của câu chuyện”. Cách chơi như sau: Tôi sẽ đưa cho bạn phần đầu của một chuyện cười, sau đó, bạn hãy chọn điểm nút chính xác trong bốn gợi ý được đưa ra. Bạn sẵn sàng rồi chứ? Chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện.

Vào một sáng thứ Bảy của tháng 6, ông Jones nhìn thấy người hàng xóm, ông Smith, đang ở ngoài đường và bước lại phía mình. Jones hỏi: “Smith này, chiều nay anh có dùng tới máy xén cỏ không?” Ông Smith trả lời cảnh giác: “Ừ, có chứ!” Và Jones nói:

(a) “Ồ, thế à! Liệu tôi có thể mượn nó khi anh làm xong không?”

(b) “Tuyệt! Như vậy là anh sẽ không dùng tới gậy đánh gôn. Tôi mượn nó được chứ?”

(c) “Ối!” khi ông dẫm lên chiếc cào cỏ, nó suýt bật vào mặt ông.

(d) “Lũ chim luôn ăn mất những hạt cỏ của tôi.”

Điểm chốt đúng của câu chuyện trên, tất nhiên là đáp án (b). Đáp án (a) hợp lý nhưng không khiến người đọc ngạc nhiên hay buồn cười. Đáp án (c) quả thật đáng ngạc nhiên, và nét hài hước trong đó có thể khiến bạn bật cười nhưng nó không liền mạch với đoạn mở đầu. Đáp án (d) thì hoàn toàn không liên quan.

Tôi không hề nghe mẩu chuyện cười này tại câu lạc bộ đêm hay từ một bộ phim hài đặc biệt nào trên kênh HBO. Tôi lấy nó từ một nghiên cứu về thần kinh học năm 1999, được xuất bản trên tập san Brain (Bộ não) (điều này cũng giải thích lý do tại sao câu chuyện trên đây không phân biệt hai phần của não). Để kiểm tra tầm quan trọng của hai bán cầu não trong việc tạo ra sự hài hước, hai nhà thần kinh học Prabitha Shammi và Donald Stuss đã tiến hành một cuộc thí nghiệm, trong đó họ thực hiện bài kiểm tra “Chọn điểm chốt cho câu chuyện” giống như ở trên với hàng loạt các đề tài. Nhóm đối chứng, là những người không bị tổn thương não, chọn đáp án (b), có lẽ bạn cũng đã chọn điểm chốt này. Nhưng nhóm thực nghiệm, gồm những người bị tổn thương bán cầu não phải (cụ thể là thùy trước của bán cầu não), lại có rất ít người chọn đáp án đó. Thay vào đó, họ thường chọn một trong những đáp án còn lại, và có vẻ như thiên về đáp án (c) nhiều hơn, trong đó ông Jones bị cái cào cỏ đập vào mũi

Từ nghiên cứu của mình, hai nhà thần kinh học đã kết luận bán cầu não phải đóng một vai trò thiết yếu trong việc hiểu và đánh giá đúng sự hài hước. Khi bán cầu não đó bị tổn thương, khả năng xử lý chuyện cười của não bị ảnh hưởng, thậm chí ngay cả khi đã giảm đi một nửa sự phức tạp. Lý do phải đi từ bản chất của sự hài hước và những đặc tính của bán cầu não phải. Sự hài hước thường bao hàm những yếu tố phi lý. Một câu chuyện thường diễn biến đến khi đột nhiên có một điều gì đó ngạc nhiên và phi lý xuất hiện. Bán cầu não trái lại không thích sự ngạc nhiên hay phi lý này. (Nó kêu lên: “Gậy đánh gôn? Nó liên quan quái gì đến việc cắt cỏ chứ? Chúng chẳng có ý nghĩa gì cả”). Do đó, cũng giống ẩn dụ và biểu hiện phi ngôn ngữ, nó quay sang người bạn bên cạnh, bán cầu não phải, kêu gọi sự giúp đỡ. Trong trường hợp này, bán cầu não phải giải thích điểm không hợp lý này bằng cách hướng lời chú thích sang một hướng mới. (Nó giải thích: “Bạn thấy không, ông Jones đang trêu ông Smith đấy! Ha ha ha!”). Nhưng nếu bán cầu não phải - kẻ thích hài hước, chuyên giải quyết những phi lý, bị tổn thương thì não của chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc hiểu được sự hài hước. Thay cho sự liền mạch đi ngay sau sự ngạc nhiên – chuỗi hành vi thông thường đối với một chuyện cười hiệu quả – phần não bộ vừa kêu thét lên đó sẽ chững lại, làm đảo lộn chuỗi sự kiện.

Tầm quan trọng của khả năng chuyên môn hóa việc hiểu chuyện hài vượt lên khỏi sự thoải mái, nhờ đó mà chúng ta có thể chọn lựa đúng điểm chốt của câu chuyện*. Shammi và Stuss thừa nhận sự hài hước còn đại diện cho một trong những hình thức cao nhất của trí tuệ con người. Họ viết: “Toàn bộ câu chuyện này đã có một hàm ý sâu sắc. Thùy trước của bán cầu não phải từng được xem như phần thầm lặng nhất trong bộ não (trong một số trường hợp, nó đúng là như vậy). Ngược lại, nó đại diện cho một trong những vùng quan trọng nhất của bộ não con người... và quyết định những chức năng nhận thức cao nhất cũng như tiến hóa nhất của con người.”

“Không nghi ngờ gì nữa, thái độ sống vui vẻ là đặc trưng của những người sáng tạo”

- MIHALYI SIKSZENTMIHALYT

Sự hài hước thể hiện nhiều thuộc tính mạnh nhất của bán cầu não phải – khả năng đặt các tình huống vào hoàn cảnh cụ thể, thấy được bức tranh toàn cảnh và kết hợp những khía cạnh khác nhau trong một liên kết mới. Nó khiến khía cạnh này của giải trí trở nên có giá trị hơn trong thế giới của công việc. Fabio Sala viết trên tờ Harvard Business Review: “Qua hơn bốn thập kỷ tìm tòi, rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định được một số hiểu biết hết sức thông thường: Sự hài hước, khi được sử dụng rất khéo léo, giúp cho bộ máy quản lý hoạt động trơn tru. Nó giúp giảm bớt thái độ thù địch, làm hạ thấp sự chỉ trích, làm dịu đi sự căng thẳng, cải thiện tinh thần và giúp truyền đạt những thông điệp khó nói.” Theo nghiên cứu, những nhà quản lý cấp cao hiệu quả nhất thể hiện sự hài hước thường xuyên gấp hai lần những nhà quản lý cấp trung. Sala nói: “Khả năng hài hước tự nhiên thường đi kèm, và có thể là nơi tạo ra, nét đặc trưng rộng hơn của người quản lý: trí tuệ xúc cảm ở mức độ cao.”

Tất nhiên, sự hài hước có lẽ là một sự vật dễ thay đổi trong các tổ chức. David Collinson, người liên quan tới câu chuyện kỷ luật nghiêm ngặt tại nhà máy sản xuất của Ford, cũng là người nghiên cứu sự hài hước trong các tổ chức, cho biết: “Cố gắng tạo ra sự hài hước, trên thực tế có thể ngăn chặn sự hài hước, trong khi việc ngăn chặn sự hài hước lại có thể dẫn đến sự hồi sinh của nó.” Và nó tỏ ra khác biệt về cường độ với rất nhiều khía cạnh tác động khác nhau. Ví dụ, hài hước tiêu cực có thể dẫn đến sự phản ứng tiêu cực. Nó có thể phá vỡ cơ cấu tổ chức, tạo nên những sự chia cách khó vượt qua. Collinson viết: “Ngược lại với vai trò luôn là nguồn cố kết xã hội, sự hài hước có thể phản ánh và tăng cường, khớp nối với nhau và làm nổi bật những chia rẽ, căng thẳng, xung đột, sự không cân xứng trong quan hệ và bất bình đẳng tại nơi làm việc.”

Nhưng khi được sử dụng tinh tế hơn, sự hài hước có thể là một thứ thần dược. Collinson cho biết: “Các câu chuyện cười mọi người kể cho nhau tại nơi làm việc có thể bộc lộ nhiều về tổ chức, cách quản lý, văn hóa và những mâu thuẫn của nó, thậm chí chúng còn bộc lộ nhiều hơn cả việc cẩn thận trả lời các bài khảo sát mang tính hành chính.” Thomas A. Stewart, tổng biên tập tờ Harvard Business Review, đã gợi ý cách khai thác các bài văn, thơ châm biếm trong công ty để tìm kiếm manh mối về linh hồn của tổ chức. Sau khi khám phá ra vô số giao dịch mờ ám của Enron, ông đã bị đả kích ngay tại cuộc thi tài năng của hãng trước khi những kiểm toán viên có bất cứ nghi ngờ nào về việc làm sai trái của công ty năng lượng tai tiếng này. Và sự hài hước có thể trở thành một công cụ gắn kết trong các tổ chức, công ty vì bất cứ ai từng đứng tán dóc với nhau tại chiếc máy làm lạnh nước hoặc cười đùa với các đồng nghiệp trong giờ ăn trưa cũng hiểu điều này. Thay vì áp dụng kỷ luật với những người thích đùa – như Công ty Ford đã từng làm ở thế kỷ trước – các tổ chức nên tìm kiếm và đối xử với sự hài hước như với một tài sản quý giá của công ty. Đã đến lúc chúng ta phải đưa sự hài hước thoát khỏi tình trạng bị coi như một thứ giải trí rẻ tiền và trả nó về đúng vị trí mà nó đáng được nhận – một dạng trí tuệ tinh tế và riêng biệt của con người. Nó không thể bị bất cứ loại máy móc nào sao chép, bắt chước và ngày càng trở nên có giá trị trong một thế giới nhận thức tốt, cảm thụ cao.

Niềm vui

Tại Ấn Độ, mọi thứ luôn khởi đầu muộn hơn một chút so với thế giới, ngoại trừ các câu lạc bộ những người thích cười, chúng luôn bắt đầu đúng giờ. Vào 6h30 sáng, Kiri Agarawal thổi còi và 43 người – trong đó có bác sĩ Kataria, vợ ông, Maduri, và tôi – tụ tập lại thành nửa vòng tròn khá lộn xộn. Agarawal dừng lại và sau đó tất cả 44 người chúng tôi bắt đầu đi lại, vừa cùng nhau vỗ tay đều vừa hô to: “Ho-ho, ha-ha-ha... Ho-ho, ha-ha-ha”, cứ thế lặp đi lặp lại.

Chúng tôi đang ở Khu liên hợp thể thao Prabodhan, cách nhà của Kataria trong khu vực dân cư phía tây bắc Bombay, vài dặm. Nơi được gọi là “khu liên hợp thể thao” là một bức tường bê tông dễ sụp lở bao quanh một sân bóng đá lầy lội và một đường chạy bị rạn nứt. Trong vòng 40 phút, tôi làm những điều – tại nơi công cộng, với những người xa lạ – tôi chưa bao giờ làm. Với những thành viên khác của câu lạc bộ những người thích cười, tôi chuyển sang một loạt các bài tập kết hợp yoga và môn thể dục mềm dẻo – xen vào một chút phương pháp diễn xuất để có phương pháp luyện tập tốt. Một trong những bài tập đầu tiên của chúng tôi là “Nụ cười Namate ”. Chúng tôi chắp tay lại, đưa tay lên mặt theo tư thế chào hỏi truyền thống của người Hin-đu, nhìn chằm chằm vào một thành viên khác, sau đó cười. Tôi cảm thấy hơi khó khăn khi thực hiện việc này. Làm mình cười khó hơn nhiều so với những nụ cười giả tạo mà tôi đã nhắc tới ở Chương7 . Do đó, tôi bắt đầu thốt ra những âm đơn giản như “Ha, ha, ha, ha, ha, ha”. Có một điều gì đó rất lạ đã xảy ra, tiếng cười bị gượng ép của tôi đã bắt đầu trở nên tự nhiên hơn và tiếng cười của những người khác dường như kêu gọi tôi ra khỏi nơi ẩn náu.

Một lát sau, chúng tôi thực hiện bài tập tiếp theo có tên “Chỉ cười”. Tôi thực hiện theo hướng dẫn của Kataria. Ông mặc chiếc quần jeans, đeo một chiếc hoa tai nạm kim cương và mặc chiếc áo phông màu đỏ có dòng chữ: NGHĨ TỔNG THỂ, CƯỜI CỤC BỘ. Ông để ngửa bàn tay, đi theo vòng tròn và hô to, lặp đi lặp lại: “Tôi không biết tại sao tôi đang cười.” Tôi làm giống như thế. Nụ cười của Kataria – ông thường nhắm chặt mắt lại khi cười – dường như đưa ông đến một thế giới khác. Sau mỗi lần cười, chúng tôi dành thêm một phút đi vòng quanh, vỗ tay theo nhịp 1-2, 1-2-3 và lặp đi lặp lại tiếng “Ho-ho, ha-ha-ha”.

Những gì tôi trải qua là không bình thường nhưng nó giúp con người cảm thấy khỏe mạnh. Việc không bình thường là khi chứng kiến 43 người – hầu hết trong số họ là phụ nữ có tuổi, mặc sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Hin-đu), thực hiện “nụ cười sư tử”, họ đưa lưỡi ra ngoài, giơ bàn tay lên như thể đang cào xé và kêu lên như đang bị ám ảnh. Nhưng nó làm mọi người cảm thấy khỏe mạnh khi được ở ngoài trời và cười không vì lý do gì cả, vì – mặc cho thái độ hoài nghi của tôi – nó mang lại cảm giác rất tốt.

“Người nở nụ cười cuối cùng thường không thấy được tác dụng của nó”

– HELEN GIANGREGORIO

Sau đó, khi chúng tôi trở về văn phòng của Kataria, ông kể cho tôi nghe nụ cười đã giúp định hình cuộc sống của ông như thế nào. Là con út trong một gia đình có tám anh chị em, ông sinh ra tại một làng quê nhỏ của bang Punjab. Cha mẹ ông không được học hành tử tế nhưng người mẹ muốn ông trở thành bác sĩ. Kataria vào học trường y và trong những năm 1980, ông bắt đầu hành nghề bác sĩ nội khoa trên một phương tiện lưu động. Ông đã đi khắp Bombay để khám chữa bệnh. Đầu những năm 1990, ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân, ông bắt đầu biên tập cho một tạp chí sức khỏe mang tên My Doctor (Bác sĩ của tôi). Sau khi để ý thấy các bệnh nhân có xu hướng  phục hồi nhanh hơn khi họ cười, năm 1995, ông đã viết một bài báo mang tên: “Nụ cười: Phương thuốc tốt nhất”. Kataria kể lại: “Nếu nụ cười tốt như vậy thì tại sao không thành lập một câu lạc bộ cười? (Khoảng 1⁄4 các câu nói của các bác sĩ giỏi dường như đều theo nhiều dạng khác nhau của câu “Tại sao không?”) Ý tưởng lóe lên trong đầu tôi, lúc đó là 4h sáng, ngày 13/3/1995. Trong ba tiếng đồng hồ, tôi đến một công viên công cộng và bắt đầu hỏi mọi người xem họ có muốn cười cùng tôi trong câu lạc bộ cười hay không.” Chỉ có bốn người nhận lời tham gia. Ông giải thích lợi ích mà nụ cười mang lại, sau đó năm người họ đã kể một loạt những chuyện cười và về sau, mọi người cảm thấy rất tốt. Họ tiếp tục mỗi ngày sau đó, nhưng đến ngày thứ mười, họ gặp phải một trở ngại: không còn chuyện cười để kể nữa. Kataria bế tắc. Ngay sau đó, ông nhận ra rằng họ có thể không cần tới chuyện cười để có thể cười. Ông nói với vợ mình, một giáo viên dạy yoga, về việc tạo ra một loạt các bài tập cười và kết luận: “Tại sao không kết hợp nhịp thở của yoga với nụ cười để tạo nên nụ cười yoga?” Và theo đó, một trào lưu mới đã ra đời. Ông nói: “Nếu tôi không phải là một bác sĩ, hẳn mọi người đã cười nhạo tôi.” ”Phòng tuyến” đó luôn bảo vệ cho ông. Ông nhắm đôi mắt lại, nghiêng đầu về phía sau và cười.

Với Kataria, sự hài hước không phải là điều kiện tiên quyết cho nụ cười. Mục tiêu của câu lạc bộ mà ông thành lập là nụ cười “không suy nghĩ”. “Khi đang cười, bạn không thể suy nghĩ. Đó là mục tiêu mà chúng ta đạt được khi thiền định.” Một tâm trí thiền định chính là con đường tiến tới niềm vui. Kataria nói, niềm vui khác với hạnh phúc. Hạnh phúc cần có điều kiện nhưng niềm vui thì không. “Khi bạn phải phụ thuộc vào một điều gì đó để khiến mình cười, nụ cười đó không thuộc về bạn. Đó là một nụ cười có điều kiện. Nhưng trong câu lạc bộ những người thích cười, nguồn gốc của nụ cười không nằm ngoài cơ thể của chúng ta nó nằm trong mỗi người.” Kataria đã chỉ ra rằng trẻ em không thật sự thấu hiểu sự hài hước khi chúng còn bé, nhưng chúng lại cười từ khi là trẻ sơ sinh. Thực tế, các nghiên cứu truyền thống cho thấy, trẻ em cười hàng trăm lần mỗi ngày và người lớn chỉ cười khoảng hơn mười lần. Ông nói, nụ cười yoga trong một nhóm có thể giúp mọi người chuyển từ niềm hạnh phúc có điều kiện của người lớn sang niềm vui vô điều kiện của trẻ con. Ông nói: “Tôi muốn giúp mọi người tìm lại sự vui đùa như lúc trẻ thơ.”

Hiện tại, trong tiềm thức tôi thường xuyên có những lời gợi ý nhỏ rằng tôi cần phải tìm lại tinh thần trẻ thơ khiến tôi phải đảo mắt giấu vội ví của mình. Nhưng khoa học dường như ủng hộ cho khẳng định của Kataria về tác dụng của nụ cười. Nụ cười không thể chữa khỏi bệnh lao nhưng hành động lạ lùng này của con người – những rung động đều đặn của không khí và âm thanh phát ra qua cổ họng – lại rất tốt đối với chúng ta, đó là điều không thể phủ nhận. Ví như những nghiên cứu của bác sĩ Lee Berk, Trung tâm nghiên cứu Miễn dịch Thần kinh học tại trường Y Loma Linda, đã cho thấy nụ cười có thể giúp giảm lượng hormone gây căng thẳng và tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong cuốn sách Laughter A Scientifie Investigation (Nụ cười: Một nghiên cứu khoa học) có cung cấp một bản kê khai chi tiết về tính nhân loại học và sinh vật học của nụ cười. Tác giả cuốn sách, nhà thần kinh học Robert Provine viết: “Ghi chép khoa học đã chỉ ra những nhận định giản dị nhưng ngày càng rõ ràng về khả năng làm giảm đau đớn của sự hài hước và nụ cười.” Hơn nữa, nụ cười còn có những tác dụng như khi chúng ta tập thể dục nhịp điệu. Nó làm hệ thống tim mạch hoạt động, làm tăng nhịp tim và bơm nhiều máu tới các bộ phận trong cơ thể hơn. Provine trích dẫn lời nhà nghiên cứu nụ cười William Fry: “phải mất mười phút chèo thuyền bằng máy tập ở nhà để có thể đạt được nhịp tim bằng nhịp tim có được nhờ nụ cười vui vẻ trong vòng một phút”. Có lẽ quan trọng hơn cả, nụ cười là một hoạt động mang tính xã hội. Rất nhiều bằng chứng đã chứng minh rằng những người có mối quan hệ thường xuyên và thoải mái với người khác thì khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Provine nói: “Nụ cười có tác động tới các mối quan hệ nhiều hơn là những câu chuyện hài hước.” Chúng ta hiếm khi cười một mình. Nhưng chúng ta thường không thể không cười khi những người khác bắt đầu cười một mình. Nụ cười là một dạng giao tiếp phi ngôn ngữ, nó truyền tải sự đồng cảm, thậm chí còn dễ lây lan hơn việc ngáp ngủ mà chúng ta đã nhắc tới ở Chương 7. Các câu lạc bộ những người thích cười – giống như bản thân nụ cười, luôn luôn thoải mái, tự do và bạn không phải trả một khoản phí nào – chúng kết hợp những yếu tố của bốn hoạt động rất hữu ích (yoga, thiền, thể dục nhịp điệu và giao tiếp xã hội) thành hoạt động thứ năm.

Đó là lý do tại sao Kataria tin tưởng rằng trận tuyến tiếp theo của các câu lạc bộ những người thích cười là nơi sự căng thẳng luôn xuất hiện với cường độ mạnh: nơi làm việc. Ông nói: “Nụ cười có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng ở nơi làm việc.” Ông cho biết các doanh nghiệp tin tưởng rằng “những người nghiêm nghị có tinh thần trách nhiệm hơn. Điều đó không đúng. Đó chỉ là những thông tin của ngày-hôm-qua. Những người thích cười là người sáng tạo hơn. Họ là những người làm việc hiệu quả hơn và những người có thể cười nói cùng nhau thì sẽ có thể làm việc cùng nhau”. Các công ty như Glaxo và Volvo đã nắm bắt được thông điệp này. Họ đã tổ chức các câu lạc bộ những người thích cười ngay tại công ty. Steve Wilson, học trò của Kataria, người tự coi mình là “nhà nghiên cứu niềm vui” tại Ohio, đang dùng thông điệp này để liên kết châu Mỹ. Kataria nói: “Chúng ta nên có các phòng để cười tại mỗi công ty. Nếu có thể có một phòng hút thuốc ở công ty thì tại sao không thể có một phòng cười?”

Tôi cho rằng công ty máy tính IBM sẽ thành lập một phòng cười trong thời gian tới (dù có thể có những người nghi ngờ chắc gì 500 hệ thống giữ chức năng chạy chương trình của Fortune có chịu bỏ tiền ra để chơi với những khối Legos). Nhưng rõ ràng trong một thời kỳ dư thừa như hiện nay, nụ cười tạo ra những điều mà bán cầu não trái không thể làm được. Nói một cách khái quát hơn, ngày nay, giải trí thật sự có thể giúp tăng cường và làm công việc trở nên có giá trị hơn. Các trò chơi đem lại cho một thế hệ lao động mới rất nhiều bài học về tư duy toàn diện và làm trỗi dậy một ngành công nghiệp đòi hỏi một số kỹ năng quan trọng của Thời đại Nhận thức. Sự hài hước đại diện cho nhiều khía cạnh của tư duy tinh tế mà thời kỳ tự động hóa, xuất khẩu việc làm đang đòi hỏi. Chỉ có nụ cười thuần túy mới có thể đem đến niềm vui, từ đó dẫn tới những sáng tạo lớn hơn, hiệu quả công việc cao hơn và sự hợp tác ăn ý hơn.

Kataria nói với tôi: “Bộ não bị giới hạn là một công nghệ. Bạn làm cái này, bạn có cái này. Bạn làm cái kia, bạn có cái kia. Đó là logic toán học. Tôi lại coi nụ cười là toán học siêu nhiên. Nó không có nghĩa là 2 cộng 2 phải bằng 4, 2 cộng 2 có thể bằng 64.” Sau đó, ông nở nụ cười.

–––––o0o–––––

Trích: “Một Tư Duy Hoàn Toàn Mới”

Tác giả: Daniel H.Pink

Việt dịch: Lotus

NXB Lao Động – Xã Hội, 2008

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan