HỌC NGOẠI NGỮ NGHĨA LÀ HỌC VĂN HÓA - Lê Nguyễn Nhật Linh

Điều mà tôi tự nhận ra ở trường là: sự hiểu biết chính là món quà mà mình tự tặng mình. Cảm thấy so với ngày đầu tiên ở đây, hoàn toàn không thể nghe nói đọc hiểu, giờ có thể nghe và suy luận, đọc một ít nhưng nói thì kha khá, vài ba tiếng cũng chưa kể hết chuyện, ở lớp tập tành “hóng hớt” và hùa vào tham gia đùa vui với mọi người. Cảm thấy hành trình bắt đầu có chút...
HỌC NGOẠI NGỮ NGHĨA LÀ HỌC VĂN HÓA - Lê Nguyễn Nhật Linh

HỌC NGOẠI NGỮ NGHĨA LÀ HỌC VĂN HÓA

Lê Nguyễn Nhật Linh

-----o0o-----

Hôm nay ngày mùng bảy tháng Bảy, Thất tịch, là lễ hội Tanabata ở Nhật – chính là ngày Ngưu Lang Chức Nữ. Từ tuần trước, trong một tiết học tôi đã được giới thiệu về lịch sử và ý nghĩa của ngày này, còn được học cả cách gấp giấy origami. Hôm qua, trong tiết học ngữ pháp tình cờ nhắc đến, giảng viên cũng vẽ minh họa trên bảng và giải thích thêm lần nữa. Nhật bản chịu ảnh hưởng và lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc – nhưng hãy xem cách mà người Nhật trân trọng những giá trị văn hóa đó. Như một giáo sư người Nhật từng nói với tôi: “Em có biết vì sao mà đến tận bây giờ dù Kanji (Hán tự) khó như thế mà người nhật vẫn không thay đổi? Vì hệ thống Hán tự cổ đó là nguyên lý. Là nguyên lý, là gốc rễ em ạ. Cái cây văn hóa làm sao mà lớn mà xanh khi gốc rễ không có, hoặc có mà tệ?” Phương pháp dạy và học ngoại ngữ mà tôi đang được tiếp cận ở trường dựa trên triết lý: Học một thứ gì mới là với tới thêm một bầu trời. Cả một thế giới sẽ mở ra khi bạn nắm giữ một ngôn ngữ khác như chìa khóa. Học dạy tiếng Nhật, nhưng không dạy theo kiểu học thuộc, tập tô, tập chép, tập đọc, tập phát âm, hay bắt chước ngữ điệu. Họ dạy bài bản như sách vở nhưng sự thoải mái và tự nhiên được ưu tiên hàng đầu. Họ khéo léo xâu chỉ luồn kim những nét đẹp văn hóa, những thông tin về địa lý, lịch sử, cảnh quan, những đặc điểm tâm lý con người, những nguyên tắc ứng xử, những quy luật bên trong của xã hội. Họ tự hào về những lễ hội, nghi thức, tín ngưỡng. họ lan truyền tất cả các yếu tố văn hóa đó bất cứ lúc nào có thể trong mỗi tiết học. Để người học cảm thấy, càng đi sâu hành trình càng khó nhưng đường đi càng kì vĩ tầm nhìn.

Điều mà tôi tự nhận ra ở trường là: sự hiểu biết chính là món quà mà mình tự tặng mình. Cảm thấy so với ngày đầu tiên ở đây, hoàn toàn không thể nghe nói đọc hiểu, giờ có thể nghe và suy luận, đọc một ít nhưng nói thì kha khá, vài ba tiếng cũng chưa kể hết chuyện, ở lớp tập tành “hóng hớt” và hùa vào tham gia đùa vui với mọi người. Cảm thấy hành trình bắt đầu có chút kết quả. Và luôn vui vẻ nhờ vậy.

Đấy cũng là lí do vì sao có những ngày như hôm nay, tôi ở trường từ 9h sáng đến 9 rưỡi tối. Từ 4 giờ 20 đến 6 giờ tối là một tiết ngoại khóa giao lưu hàng tuần với sinh viên Nhật (có điểm danh), sau đó có ba bạn sinh viên tình nguyện ở lại lớp giúp tôi học thêm. Lúc thì chỉ nói chuyện luyện tập giao tiếp, lúc thì học tiếng Việt bằng tiếng Nhật, lúc thì ăn tối cùng nhau, lúc thì học Hán tự. Thật là khó phải nói thế nào, khi người ta đã vui vẻ về nhà muộn để giúp mình học (có một bạn nữ nhà ở tỉnh khác, đi tàu về nhà từ trường là hai tiếng rưỡi, trường đại học của tôi là đại học toàn vùng nên số lượng sinh viên các tỉnh xung quanh ngày ngày đi tàu bốn đến sáu tiếng đi học là bình thường). Vậy mà lúc ra về các bạn cũng vẫy tay chào tạm biệt và cảm ơn bằng giọng nói và ánh mắt chân thành nhất có thể: “Cảm ơn Linh Chan, bạn thật là nhiệt tình quá!” Thật là người Nhật, đã ôm bụng đói dạy giúp người khác học, còn cảm ơn đối phương vì đã quá nhiệt tình!

-----o0o-----

Trích: “Đến Nhật Bản Học Về Cuộc Đời”

NXB Trẻ, 2018

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan