HỌC THÁI ĐỘ SỐNG BIẾT ƠN - LA BÀN HẠNH PHÚC – DONALD ALTMAN, MA, LPC

HỌC THÁI ĐỘ SỐNG BIẾT ƠN

LA BÀN HẠNH PHÚC – DONALD ALTMAN, MA, LPC

–––––o0o–––––

Đâu là loại tiên dược có thể biến nỗi buồn và bất mãn thành kho báu cảm xúc? Đó chính là lòng biết ơn, trong tiếng Anh là gratitude, bắt nguồn là từ cổ gratitudo, có nghĩa là đi tìm sự hài lòng hoặc gửi lời cảm ơn.
HỌC THÁI ĐỘ SỐNG BIẾT ƠN - LA BÀN HẠNH PHÚC – DONALD ALTMAN, MA, LPC

Đâu là loại tiên dược có thể biến nỗi buồn và bất mãn thành kho báu cảm xúc? Đó chính là lòng biết ơn, trong tiếng Anh là gratitude, bắt nguồn là từ cổ gratitudo, có nghĩa là đi tìm sự hài lòng hoặc gửi lời cảm ơn. Lòng biết ơn khích lệ thái độ trân trọng những gì ta đang có, cởi mở, sự tử tế, lòng vị tha và nhớ ơn người khác, vốn sẽ giúp bạn thoát khỏi lối mòn cuộc sống. Nó điều khiển chiếc kim chỉ nam trong la bàn hạnh phúc của bạn hướng đến cái nhìn rộng mở hơn, phong phú hơn về mọi thứ bạn sẽ gặp trong đời. Với lòng biết ơn, bạn có thể khám phá những quà tặng vô giá trước nay bạn không nhìn thấy. Lòng biết ơn còn giúp bạn biết trân trọng những điều hiện hữu, thay vì dằn vặt về những gì mình chưa có. Hẳn cũng nhờ lòng biết ơn mà một nhà thông thái đã nhắn nhủ chúng ta: “Hãy nguyện cầu cho những điều bạn đang có, vậy là bạn cầu được ước thấy rồi đấy.”

Lợi ích của lòng biết ơn.

Lòng biết ơn không đơn thuần là một cảm giác ấm áp mơ hồ. Nghiên cứu cho thấy thái độ trân trọng có tác động mạnh mẽ đến cả tâm trạng lẫn hành vi con người. Trong bốn nghiên cứu về chủ đề này (McCullough, Emmons và Tsang thực hiện năm 2002), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lòng biết ơn có mối tương quan tích cực đến cảm giác hài lòng trong cuộc sống, lạc quan và lối hành xử vì người khác, (Hành xử vì người khác được xem là phản ứng tích cực đối với người khác, bao gồm cư xử đúng mực, thể hiện thái độ trân trọng, sẵn lòng giúp đỡ, luôn chân thật, có đạo đức, và thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ của mình). Các đối tượng tham gia nghiên cứu khi học thái độ sống biết ơn còn cho biết họ thấy đời sống tâm linh, tôn giáo của mình được cải thiện. Thú vị hơn, những nghiên cứu này còn cho thấy lòng biết ơn có tỉ lệ nghịch với tâm trạng tiêu cực, như ghen tị và chủ nghĩa vật chất. Các nghiên cứu này chỉ ra rằng các hành động thể hiện lòng biết ơn có tác dụng như thuốc giải cho chúng hẹp hồi về mặt cảm xúc. Chỉ cần la bàn của bạn hướng về niềm hạnh phúc đích thực – như tiếng cười mà ta bàn trong chương trước - thì mục đích sống của bạn không có chỗ cho những suy nghĩ và tâm trạng tiêu cực nữa.

Bài tập: Cải thiện tâm trạng nhờ lòng biết ơn

Hãy thử một thí nghiệm sau để xem lòng biết ơn có tác dụng chuyển biến tính thần bạn ra sao. Lấy ra một tờ giấy, cho điểm tâm trạng hiện thời của bạn theo thang từ 1 đến 10 (với 1 là hết sức tiêu cực, không vui hay cảm thấy tách biệt, còn 10 là hết sức tích cực, vui vẻ, hài lòng, hoặc bình an). Viết số điểm lên đầu trang.

Tiếp theo, nghĩ về mọi thứ bạn cảm thấy trân trọng và biết ơn. Không riêng gì những điều to tát - như sức khỏe, chỗ ở, công ăn việc làm - mà còn vô vàn những điều nhỏ nhặt mà bạn muốn nói lời cảm ơn. Đó có thể là cảm giác ấm áp khi ánh nắng ôm lấy bạn, mùi vị thơm tho của món ngũ cốc trong bữa sáng, và làn nước mắt tuôn trào khi bạn mở vòi. Đừng keo kiệt khi lập danh sách này. Hãy động não, động não, nghĩ về mọi thứ bạn có được trong cuộc sống thường nhật. Hãy đắm mình vào những gì bạn đang sở hữu. Bạn chỉ cần nhìn quanh, thậm chí nhìn vào tủ lạnh, tủ quần áo hay phòng làm việc của mình. Ngay cả khi bạn cảm thấy còn có điều gì đó thiếu sót, liệu có cách nào để xem đây là một phước lành? Bạn đã học được gì từ những thử thách trong cuộc sống?

Hãy nhớ, lòng biết ơn cũng bao hàm những vật dụng mà bạn coi trọng hoặc cảm thấy yêu mến – như chiếc áo kiểu, áo sơ-mi quen thuộc bạn giữ gìn, những vật lưu niệm được đặt trên bàn làm việc. Viết tất cả những điều ấy, và chỉ dừng bút, đến khi bạn có tối thiểu 10 mục mà bạn biết ơn, trân trọng, cảm thấy chúng dễ thương, đáng yêu. Sau khi viết được 10 mục, hãy thử nâng nó lên 15! Bạn nhắm 20 được không? Hãy tận hưởng quá trình liệt kê mọi thứ. Mấu chốt của vấn đề là: bạn biết ơn những gì bạn đang có, nhờ đó bạn không bao giờ thất vọng! Khi đã hoàn thành, hãy dành thời gian nghiền ngẫm cho đến khi thấm nhuần.

Bây giờ bạn có thể đánh giá lại số điểm tâm trạng hiện thời của mình, vẫn với thang từ 1 đến 10. Viết ra số điểm mới, và so sánh nó với số điểm ban đầu.

Suy ngẫm về bài tập: Cải thiện tâm trạng nhờ lòng biết ơn

Tâm trạng của bạn chuyển biến ra sao? Bạn có thấy mình hài lòng và bình yên hơn không khi chú trọng vào lòng biết ơn? Bạn có ngạc nhiên khi nhận ra biết bao nhiêu thứ bạn thường bỏ qua? Bạn cảm giác ra sao khi thấy mình có vô vàn điều phải biết ơn? Nếu bạn vẫn chưa thể chạm đến trạng thái này, hãy nghĩ về những người bất hạnh hơn bạn, sức khỏe không được tốt như bạn, hoặc khả năng tài chính yếu kém và ít cơ hội hơn. Hoặc thử hình dung viễn cảnh tiêu cực một chút, rằng đời bạn sẽ ra sao nếu đột nhiên bạn mất hết những thứ bạn đang có, hoặc có nhưng không được dồi dào như hiện tại. Mục đích của bài tập này không phải là nhìn vào hoàn cảnh kém may mắn của người khác và thấy mình hơn người, mà ngược lại, để bạn nhìn thấy những điều tốt đẹp đang hiển hiện trong cuộc sống của bạn mỗi ngày.

Bằng cách nào bài tập về lòng biết ơn có thể giúp bạn thay đổi quan niệm về những yếu tố cần thiết để có được hạnh phúc? Một lần nữa, mục đích của bài tập này không buộc bạn phải hạnh phúc trong điều kiện thiếu thốn, mà là thấy vui với những yếu tố nhất định. Bạn vẫn mang trong lòng những ước mơ và mục tiêu để vươn tới, nhưng nếu niềm vui của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào những cái phải đạt được trong tương lai thì xem như nó đã tước đi của bạn niềm hạnh phúc trong hiện tại đầy quý giá.

Hãy trân trọng thế mạnh của bản thân

Một trong những biểu hiện cần thiết và cốt lõi nhất về lòng biết ơn - dù nó thường bị lãng quên - là trân trọng những ưu điểm và phẩm chất tốt đẹp của chính bản thân mình. Bạn có thấy mình dễ dàng chỉ ra điểm mạnh của người khác, nhưng rất khó xác định được các ưu điểm của bản thân? Là một nhà tâm lý học trị liệu, công việc chính của tôi là giúp người khác xác định và trân trọng sở trường của họ. Khi người ta chịu nhiều áp lực, họ thường có xu hướng quên đi sức mạnh và khả năng chịu đựng nội tại.

Rất nhiều câu chuyện dành cho thiếu nhi tập trung vào đề tài định hướng và trân trọng thế mạnh cá nhân. The Wonderful Wizard of Oz (Phù Thủy Xứ Oz), tác phẩm bất hủ được yêu thích của văn hào L. Frank Baum (1900) cho thấy nỗi sợ hãi và nghi ngại - dưới hình ảnh của các phù thủy nữ hắc ám và thầy bùa phép - có thể khiến ta quên đi và xem nhẹ những điểm mạnh của chính mình. Bù nhìn chẳng hề nhận ra trí khôn của nó dù nó cũng bộc lộ sự khôn lanh khi cần; chú sư tử mang tiếng nhát gan liên tục thể hiện lòng quả cảm trong suốt cuộc hành trình đầy nguy hiểm; người thiếc bày tỏ đủ cảm xúc cho thấy chú mang trong người một trái tim. Đến cuối câu chuyện, tất cả nhân vật đều trân trọng và biết ơn thế mạnh của chính mình, vốn vẫn luôn tồn tại, chẳng qua chưa được đánh giá đúng mức mà thôi.

Chúng ta không những phải biết ơn ưu điểm của mình, mà còn phải tìm cách nhắc nhở người khác về thế mạnh của họ. Ai - Con cái, cha mẹ, bạn đời, bằng hữu, hay đồng nghiệp – có các điểm mạnh mà bạn trân trọng và đánh giá cao? Lần gần nhất bạn nhắn đến ưu điểm của người ấy là khi nào? Giúp người khác hiểu rõ hơn những giá trị, sức mạnh và phẩm chất tốt đẹp của chính họ là phương pháp xây dựng mối quan hệ hiệu quả. Khi tôi yêu cầu các cặp vợ chồng ngồi lại cùng nhau, chia sẻ ưu điểm họ nhìn thấy ở nhau, thì kết quả nhận được thật cảm động và thấm thía. Những câu như: “Anh không biết em cảm nhận về anh như vậy” hay “Lâu lắm rồi anh mới nói điều đó với em” rất thường gặp, bởi đó là cách thể hiện sự hài lòng, trân trọng và quan tâm dành cho nhau.

Bài tập: Xác định những thế mạnh tiềm ẩn.

Nếu phải liệt kê các ưu điểm của chính mình, những cụm từ nào sẽ xuất hiện ngay trong đầu bạn? Trong quyển The Strenghts Book: Be Confident, Be successful, and Enjoy Better Relationships by Realising the Best of You, tác giả Alex Linley, Janet Willars và Robert Biswas – Diener (xuất bản năm 2010) liệt kê 60 thế mạnh đặc trưng mà bạn có thể ứng dụng để cải thiện chất lượng sống và các mối quan hệ. Danh sách rất đa dạng, bao gồm: hành động, sự phiêu lưu, sống đúng bản chất, lòng trắc ẩn, sự gắn bó, lòng dũng cảm, quan tâm đến tiểu tiết, khiêm nhường, sáng tạo, biết lắng nghe, kiên trì, có kế hoạch, ý thức về bản thân, làm vì người khác, và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài 15 thế mạnh kể trên, chúng ta hãy cùng thêm vào một số đặc điểm chưa được nhắc đến: chấp nhận người khác, dễ gần, thu hút, dễ cộng tác, điềm đạm, nhiệt huyết, chung thủy, hào phóng, hiếu khách, trung thành, đam mê, láu lỉnh, thực tế, ham tìm hiểu, và có niềm tin vào tâm linh. Bạn hãy bắt đầu với danh sách 30 ưu điểm này trước. (Tôi hy vọng lòng biết ơn hoặc trân trọng trong bạn sẽ giúp bạn hoàn thành danh sách.) Hãy bắt đầu ngay bây giờ.

Xác định thế mạnh tiềm ẩn, Phần 1

Bài tập này gồm hai phần. Trong phần 1, bạn hãy liệt kê ra một số thế mạnh của mình.

1. Lấy một tờ giấy, ở đầu trang viết “Thế mạnh của tôi”. Trong vòng 5 phút, hãy liệt kê càng nhiều ưu điểm của bạn càng tốt. Trong quá trình thực hiện, bạn cần nhớ, đây không phải là lúc để khiêm tốn (dù khiêm tốn là một trong những ưu điểm của bạn!) Đừng quên niềm kiêu hãnh cũng là một điểm mạnh, bởi nó khích lệ bạn vươn đến cái tốt đẹp nhất, ngoài chức năng cải thiện chất lượng trong mọi việc bạn làm. Hãy hào phóng và chân thật (lại là một ưu điểm khác chăng) khi bạn cân nhắc nên đưa đặc điểm nào vào danh sách.

2. Nghĩ xem các bạn của mình có những thế mạnh gì, và liệu bạn có sở hữu cái tương tự.

3. Nếu bạn thấy bí và không nghĩ ra thêm được điểm mạnh nào, hãy đặt mục tiêu tìm thêm 5 ưu điểm nữa.

Hãy tự thưởng cho mình điểm 10 vì đã nỗ lực hoàn thành bài tập này.

Xác định thế mạnh tiềm ẩn, Phần 2

Trong phần 2, bạn sẽ gọi tên những ưu điểm của một nhân vật quan trọng đối với bạn. Đó có thể là bằng hữu, họ hàng, hay bạn đời của bạn. Thậm chí là một người bạn không thật sự quý mến, hoặc đang có vấn đề với họ! Nhiệm vụ của bạn là tìm ra thế mạnh tiềm ẩn của nhân vật này. Sẽ thử thách hơn nếu bạn chọn người luôn khiến bạn nổi nóng mỗi khi tiếp xúc, nhưng bạn cũng có thể xem những khuyết điểm của họ là thế mạnh. Chẳng hạn, những đặc tính như ngang bướng và thích chống đối, sẽ là điểm mạnh khi cần khắc phục nghịch cảnh – đặc biệt là những nghịch cảnh cá nhân, nỗi đớn đau, thống khổ, và bị lạm dụng.

1. Lấy một tờ giấy khác, viết tên người có những thế mạnh mà bạn nhắm đến. Tiếp theo, dành ra 5 phút liệt kê các thế mạnh này.

2. Để hoàn thành phần 2 của bài tập này, bạn cần bày tỏ với người ấy rằng bạn ngưỡng mộ và trân trọng các ưu điểm của họ. Bạn cần biết rằng, khi thực hiện điều này, bạn vừa trao cho người ta món quà của lòng biết ơn.

Suy ngẫm về bài tập: Xác định thế mạnh tiềm ẩn

Bạn cảm nhận ra sao khi xác định được thế mạnh tiềm ẩn của chính mình? Bạn có gặp trở ngại nào trong quá trình thực hiện không? Điều bất ngờ nhất là gì? Bạn có nhận ra mình trân trọng - nhiều giá trị tốt đẹp của bản thân hơn bạn tưởng không? Nhờ đâu mà việc chú ý và trân trọng ưu điểm của chính mình mang đến cho bạn cảm giác tự tin, bình an và hạnh phúc hơn? Việc chấp nhận thế mạnh bản thân đã ảnh hưởng ra sao đến tắm trạng của bạn? Hãy cho phép mình chìm đắm trong niềm hạnh phúc khi nhận ra được sức mạnh nội tại.

Bạn cảm thấy thế nào khi liệt kê điểm mạnh của người khác: Dễ hơn hay khó hơn so với khi lập danh sách ưu điểm của chính bạn? Bạn nghĩ sao về việc chia sẻ danh sách đó với đối tượng mà bạn chọn? Khi bạn công khai ngợi khen những đặc điểm này, nhớ lưu ý cảm xúc bạn có trong lúc ấy cũng như tác động của nó đến mối quan hệ. Cuối cùng, hãy thường xuyên thực hiện bài tập này, như một cách chia sẻ cảm xúc tích cực.

Biết ơn và lòng trắc ẩn: động lực để giúp đỡ người khác

Biết ơn thường được định nghĩa là cảm xúc nội tại khi cảm thấy mình mang ơn một ai đó, hoặc trân trọng những gì người khác làm cho mình. Chịu ơn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, bởi nó khơi dậy những hành động vì lòng trắc ẩn giữa người với người trong cuộc sống. Một nghiên cứu Psychological Science (Bartlett và DeSteno, năm 2006) cho thấy lòng biết ơn thật sự có thể kích thích hành động giúp đỡ người khác, cả trong trường hợp người dang tay giúp đỡ phải trả giá - mất thêm ba mươi phút vì phải giúp người kia chẳng hạn. Khám phá này hé lộ tiềm năng thay đổi thế giới của hành động hào hiệp giúp đỡ vì tình yêu thương.

Nếu bạn nhận ra mình gặp khó khăn trong quá trình trải nghiệm - cảm giác trân trọng hoặc biết ơn những gì xảy ra ở hiện tại, hãy thử nhớ lại ký ức cũ, lúc bạn có cảm giác ấm áp này. Bạn có nhớ khi nhận được sự giúp đỡ từ người hàng xóm, hoặc một người bạn, thậm chí người lạ trên phố? Bạn cảm thấy ra sao? Bạn có còn nhớ, vì chịu ơn ai đó mà bạn đền đáp cho họ về sau? Có thể vì điều đó đã tác động đến bạn, và bạn trả ơn lại cho người đã giúp mình, hoặc đáp đền tiếp nối bằng cách giúp đỡ người khác nữa.

Theo nội dung một bài viết đăng trên tạp chí Parade (tác giả | Wolf, xuất bản năm 2007, trang 5), Oprah Winfrey đã nhận ra sức mạnh trường tồn của thái độ biết ơn khi bà còn rất nhỏ. Trong một lần kể chuyện thời thơ ấu, Oprah miêu tả giáo viên dạy lớp 4 của bà là “người đã khen tôi là bé gái sáng dạ nhất cô từng dạy. Tôi thấy mình thật tốt đẹp trong mắt cô. Vậy nên, mỗi khi tôi gặp một bé gái nhỏ, tôi luôn dừng lại để ngợi khen một điều gì đó nơi cô bé. Lúc nào tôi cũng muốn mang đến cho người khác một phút giây huy hoàng như thế.”

Câu chuyện của Oprah cho thấy một điều, chính những người từng mang ơn người khác sẽ có xu hướng thích giúp đỡ nhiều người khác nữa. Theo ý kiến cá nhân, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác biết ơn sâu sắc lòng tốt và sự cảm thông của người thầy chủ nhiệm lớp 8, thầy Wilhelm. Thời điểm đó tôi thấy mình tách biệt với bè bạn, và lạc lõng ở mái trường mới, sau khi tôi chuyển từ trung tâm thành phố lớn ra ngoại ô Chicago. Món quà về lòng tự trọng thầy tặng cho tôi cách đây 40 năm vẫn sống mãi đến hôm nay, và trong tôi luôn ngập tràn lòng biết ơn cũng như niềm thôi thúc muốn dành sự thương yêu ấy cho nhiều người khác.

Những hành động vì tình yêu thương sẽ khơi dậy lòng biết ơn, bởi nó là cách chúng ta tự khẳng định mình trên mọi phương diện, và nó còn có khả năng biến nỗi đau của con người thành hạnh phúc. Khi ta biến sự hàm ơn thành hành động, nó sẽ mang đến cho ta niềm tin vào khả năng lan tỏa và sự hào phóng của tâm hồn. Biết ơn vì được yêu thương thật đáng trân trọng vì nó giúp ta thấy mình được sống, được hiện diện trên thế gian. Với đại đa số, sự hàm ơn ấy là điều đáng quý vì nó để lại trong chúng ta một ký ức và một câu chuyện, ở đó ta thấy mình bình an, được tin tưởng, và sống xứng đáng. Cũng giống như câu chuyện Oprah chia sẻ về cảm giác ấm áp mà bà mang theo trọn đời, bạn cũng có thể bồi đắp cho mình một kho tàng ký ức đẹp như thế, thông qua những gì bạn làm bắt nguồn từ sự thấu cảm dành cho mọi người chung quanh. Đây chính là viên đá đầu tiên xây nền hạnh phúc. Bạn hãy khởi công từ bây giờ.

Bài tập: Hành động đền đáp yêu thương

Để bắt đầu bài tập này, bạn cần tạo ra “Kho Tàng Yêu Thương Từ Người Khác” bằng cách liệt kê tất cả những gì người khác đã làm mà bạn biết ơn. Nó sẽ giúp bạn nhớ lại những ai đã đi qua cuộc đời mình. Hãy nghĩ đến mẹ của bạn – người đã nuôi nấng bạn khôn lớn – đó hẳn là một cách hay để bắt đầu. Cha mẹ bạn đã thể hiện tình yêu thương như thế nào? Cách cha mẹ dạy dỗ có giúp bạn chuyên tâm học hành không? Điều đó có giúp bạn biết sống trách nhiệm không? Nếu có, hãy thêm những ví dụ như vậy vào kho tàng của bạn. Bạn còn nhớ thầy giáo hoặc cô giáo nào vừa dạy giỏi vừa tốt bụng, người đã truyền cảm hứng cho bạn trong quá trình học tập không? Nếu bạn nhớ được một lời động viên nào đó trong suốt thời gian qua, hãy thêm vào danh sách. Ngoài ra, hãy nghĩ đến những nhân vật đóng vai trò cố vấn trong cuộc đời bạn và cẩn thận ghi chép lại những hành động hào hiệp mà bạn nhận được từ họ.

Sau khi hoàn thành danh sách, hãy tổng hợp lại những cách bạn. có thể làm giàu lòng biết ơn của mình bằng việc đền đáp lại họ.

Có thể đặt tên cho danh sách đó là “Hành Động Đền Đáp Yêu Thương”. Hãy hoàn tất danh sách này bằng việc suy nghĩ xem bạn có thể nỗ lực làm gì để bày tỏ lòng biết ơn đến mọi người. Nếu bạn đã thể hiện lòng biết ơn, bằng cách giúp đỡ người khác, hoặc thông qua công tác tình nguyện, thì xin chúc mừng bởi bạn vừa tạo ra sự khác biệt. Bài tập này chỉ nhằm mục đích khám phá – vậy nên bạn đừng quá lo lắng về việc phải thực hiện tất cả những việc ghi trong danh sách này! Bạn càng sẵn sàng đón nhận các cơ hội trước mắt bao nhiêu, bạn càng hành động vì tình yêu thương nhiều bấy nhiêu.

Hãy vận dụng trí sáng tạo của bạn khi thực hiện danh sách này. Đừng gạn lọc bất kỳ ý tưởng nào. Nào ai biết cơ hội gì đang chờ đợi bạn!

Suy ngẫm về bài tập: Hành động đền đáp yêu thương

Bạn cảm nhận ra sao khi hồi tưởng lại những lần bạn được người khác giúp đỡ hoặc bày tỏ sự cảm thông khi bạn cần? Bạn có nhớ lại những ký ức cũ trong lúc thực hiện bài tập này? Bạn có để ý những giây phút như thế khơi dậy cảm giác biết ơn và trân trọng trong bạn?

Bạn cảm giác ra sao khi hoàn thành bảng danh sách thứ hai “Hành Động Đền Đáp Yêu Thương”? Bạn có tìm được cách nào mới mẻ để bày tỏ lòng biết ơn? Bạn sẽ bắt đầu bằng cách nào? Hãy nhớ, đền đáp yêu thương có thể là một hành động nhỏ. Mẹ Teresa là một minh chứng, bà làm nhiều việc nhỏ nhưng chan chứa tình yêu thương, trong suốt cuộc đời - đó là điều khiến bà trở nên phi thường. Việc bà làm thật ra rất bình dị, nhưng sự tận tâm, kiên nhẫn bà thể hiện mỗi ngày thì vô cùng vĩ đại. Khi bạn đền đáp yêu thương, hãy cho đi hết khả năng của mình. Bạn nên biết rằng ngay cả hành động nhỏ bé nhất khi xuất phát từ lòng biết ơn cũng đóng vai trò to lớn đối với người nhận.

Lòng biết do là kỹ năng hiệu quả để giải quyết vấn đề

Biết ơn sẽ đưa con người đến với hạnh phúc, bởi nó giúp cân bằng một cách hiệu quả tình trạng căng thẳng, xoa dịu những đau khổ trong cuộc sống và dẹp bỏ thói so đo. Lòng biết ơn là phương pháp linh động và hữu hiệu để chuyển hóa ý nghĩa hoặc thấu hiểu gần như mọi tình huống nan giải và bế tắc. Như trường hợp của Fred, người đàn ông 53 tuổi, đến văn phòng tôi sau khi ly thân với người vợ đã ở cạnh ông suốt 28 năm. Ông chán nản khi nghĩ đến chuyện ly hôn. Ông thấy mình thất bại hoàn toàn và thầm so sánh với cuộc hôn nhân bền vững hơn 50 năm của cha mẹ. Khi chúng tôi tập trung giải quyết vấn đề trên tinh thần của lòng biết ơn, Fred dần nhận ra mình may mắn khi thoát khỏi một mối quan hệ lỏng lẻo, độc đoán và thiếu tình yêu. Thay vì so sánh với cha mẹ, hay một ai khác, ông hiểu rõ hơn về điều mình thật sự mong chờ ở người bạn đời. Cuối cùng cảm giác cô đơn trong ông được chuyển hóa thành biết ơn vì mình được tự do, được theo đuổi những hoạt động thú vị và mới mẻ.

Lòng biết ơn còn giúp chúng ta đương đầu với những thói quen và cảm xúc thiếu lành mạnh, bắt nguồn từ lòng tham lam, mê đắm, sùng bái vật chất, và chủ nghĩa hưởng thụ. Ai cũng thích. cảm giác sung sướng khi nghĩ đến việc tậu xe mới, có người yêu, hay mê trò chơi điện tử, dù tất cả đều là thứ niềm vui tạm bợ.

Đây là khuynh hướng xóa đi cảm giác thiếu thốn bằng những cái “mới”, hết món này đến món khác. Chẳng hạn nhiều người có xu hướng vướng vào các “mối quan hệ để khỏa lấp khoảng trống” sau nhiều lần chia tay hoặc ly hôn. Không may là mọi mối quan hệ đơn thuần dựa trên khoái lạc, hay nhằm tránh né thương đau, đều dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Lòng biết ơn sẽ xóa bỏ nhu cầu tìm vui nhất thời, bởi nó giúp bạn tránh sa vào tình trạng xem thường những gì mình đang có. Lòng biết ơn cho phép bạn quan tâm đến những điều tích cực trong cuộc sống. Và quan trọng hơn hết, bạn gần như không còn bận tâm đến tài sản hay thành công của người khác, bởi niềm an lạc trong bạn không còn phụ thuộc vào vật chất bên ngoài. Đó chính là cái hay của việc ứng dụng chiếc la bàn hạnh phúc đầy hiệu nghiệm này.

Bài tập: Nhật ký của lòng biết ơn

Một cách để hình thành thói quen lưu ý đến lòng biết ơn là viết nhật ký, ghi lại những điều bạn hàm ơn và trân trọng. Bạn có thể viết mỗi ngày, hoặc ba, bốn ngày một lần. Quan trọng là bạn tập thói quen biết ơn người khác, và quý trọng họ. Như thể bạn đang vây dựng một thư viện cho riêng mình về những điều đáng hàm ơn, để mai đây khi cần được nâng đỡ tinh thần, bạn có thể quay lại và tra cứu. Hãy bắt đầu viết nhật ký lòng biết ơn ngay bây giờ, bắt đầu bằng việc viết ra 3 điều mà bạn biết ơn đã xảy ra trong tuần trước.

Ngoài ra, hãy dành ít phút mỗi tuần để nhớ lại một người đã giúp đỡ bạn, hoặc có lòng với bạn, hoặc quan tâm đến bạn trong tuần qua. Viết lại cảm giác biết ơn và trân trọng mà bạn có được khi nhận sự giúp đỡ. Nếu muốn, bạn có thể tỏ bày suy nghĩ của bạn với người ấy.

Suy ngẫm về bài tập Nhật ký lòng biết ơn

Bạn cảm nhận ra sao khi nhớ lại những gì cần biết ơn trong tuần qua? Theo bạn, thử thách lớn nhất của bài tập này là gì? Khía cạnh nào của bài tập này mang đến cho bạn cảm giác mãn nguyện và hài lòng nhất? Bạn có nghĩ mình sẽ để ý đến lòng biết ơn mỗi ngày hơn không? Bạn đã bao giờ bày tỏ sự trân trọng với người khác như thế này chưa? Bạn cảm thấy thế nào khi thực hiện điều này thường xuyên? Trong quá trình ghi lại những điều bạn hàm ơn, hẳn bạn sẽ tò mò muốn hỏi người khác cảm nhận ra sao về lòng biết ơn. Hãy lắng nghe câu chuyện của họ và khám phá xem nhờ đâu phương pháp đi tìm hạnh phúc này lại có tác dụng kỳ lạ và đẹp đẽ đến thế.

–––––o0o–––––

Trích “La Bàn Hạnh Phúc”.

Tác giả: Donald Altman, MA, LPC.

Người dịch: Xuân Vy - Thanh Dung - Đan Linh.

NXB Phụ Nữ – 2014.

Ảnh nguồn Internet.

Bài viết liên quan