HỘI THỨ BẢY - CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ - ĐIỀU NGỰ GIÁC HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

HỘI THỨ BẢY - CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ - ĐIỀU NGỰ GIÁC HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

ĐƯƠNG ĐẠO NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Chú giảng

-------o0o-------

Hội thứ bảy này nói về sự tu hành, mà người ta thường nói là Tu Tâm. Đó là Trí Huệ, Từ Bi và Nguyện Hạnh, ba cái này bổ túc cho nhau để người tu có thể đi trên con đường Bồ tát ngay tại giữa thế gian này.
HỘI THỨ BẢY - CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ - ĐIỀU NGỰ GIÁC HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
 

Vậy mới hay:

Phép Bụt trọng thay, rèn mới cóc hay.

Pháp Phật rất là quý báu, tối tôn, tối thượng, vì đáp ứng được mọi nhu cầu của con người. Người tu rèn được Pháp Phật thì từng giây từng phút tiến trên con đường tự hoàn thiện và hoàn thiện cho người. Đó là hạnh phúc lớn nhất, có làm mới biết, "rèn mới cóc hay”.

Vô minh hết Bồ đề thêm sáng

Phiền não rồi đạo đức càng say.

Vô minh là bóng tối che bản tâm. Hai cái che chướng bản tâm là phiền não chướng và sở tri chướng. Che chướng hết đến đầu thì gương tâm xưa nay thanh tịnh sáng đến đó.

Phiền não rồi, rồi là rỗi rảnh, giải thoát, thong dong. Phiền não hết trói buộc thì tâm càng say, say đạo, say tánh Không, say quang minh, say năng lực từ bi, say Bồ tát hạnh. Thực hành mà càng say thì chắc cũng có ngày bất thối chuyển.

Say là một biểu hiện của Lạc. Tánh Không đi liền với Đại Lạc.

Xem phỏng lòng kinh,

Lời Bụt thốt dễ cho thấy dấu.

Học đòi cơ Tổ,

Sá thiền Không khôn chút biết nay (nơi).

Xem phỏng là xem, phỏng theo, bắt chước theo. Lòng kinh là tâm, tinh túy của kinh. Sá thiền là con đường thiền. Sá thiền Không là con đường thiền là con đường của tánh Không. Khôn chút biết nay là khó mà biết nơi.

Xem và làm theo tinh túy của kinh, lời Phật nói đâu dễ thấy dấu. Con đường thiền có nền tảng là tánh Không thật không dễ biết lối.

Nhưng thân cận với những vị thầy đã thấy đạo thì "cái khó có ngày ló cái khôn”.

Cùng căn bản, rữa (rã) trần duyên,

Mựa (chớ) để mấy hào ly đương mặt.

Ngã thắng tràng, viên tri kiến,

Chớ cho còn họa trữ cong tay. 

Thấu cùng nền tảng, rã tiêu trần duyên, chớ để còn chút gì trước mặt. Tham thiền cho đến cùng tột căn bản, nền tảng, thì bụi bặm rã tiêu, chớ để còn chút nhỏ như sợi lông trước mặt. Nếu không còn chút bụi bặm, sợi lông nào trước mặt thì trước mặt là gì? Là toàn thể Chân Như. Hay nói theo kinh Pháp Hoa, là "toàn thân Đa Bảo Như Lai”, toàn thân Phật xưa.

Để cùng căn bản, phải tham thiền liên tục, an trụ liên tục, như một miếng ngói thả xuống hồ, liên tục chìm cho đến khi tới đáy.

Tột cùng nền tảng, thì chính nền tảng ấy là Quả. Tột cùng tâm chúng sanh thì chính tâm chúng sanh ấy là tâm Phật.

Ngã thắng tràng, cờ chiến thắng cũng hạ xuống. Nơi đây đâu còn chiến thắng hay thất bại. Viên tri kiến, cái thấy biết vốn có từ xưa nay, trí huệ bổn nguyên, đã viên mãn, không còn chút tai họa ta - người, chủ thể - đối tượng, ngã – pháp nào còn sót lại trong tay. Dẹp đi lá cờ chiến thắng vì chưa từng có chút khói bụi chiến tranh "Không có vô minh cũng không có hết vô minh” (Bát Nhã Tâm Kinh).

Buông lửa giác ngộ,

Đốt hoại thảy rừng tà ngày trước.

Cầm kiếm trí huệ,

Quét cho không tính thức thuở nay.

Buông lửa giác ngộ, đốt cháy tiêu rừng tà chấp ngã chấp pháp đã tạo ra sanh tử ngày trước. Rừng tà đã cháy hết thì thế gian này được trả về cho căn bản, cho nền tảng của nó là Tịnh độ, bổn nguyên thanh tịnh.

Cầm kiếm trí huệ tánh Không huơ quét cho tính thức phân biệt từ trước tới giờ sạch không. Muốn cho tính thức sạch không thì thức vừa khởi liền đưa về, hay nhận biết, bản tánh của thức khởi ấy là tánh Không. Chính nền tảng tánh Không giải quyết các khởi niệm của thức như đại dương giải quyết các sóng do chính nó sinh ra. Giải quyết các tướng bằng chính bản tánh của các tướng, đó là tu y cứ trên căn bản, trên nền tảng.

Nhưng tính thức từ căn bản vốn là tính Giác, tính Trí huệ bổn nguyên. Thấy tính thức là sự hiện hành của Trí huệ bổn nguyên, đó là tu:

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha,

Thờ thầy học đạo.

Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt,

Cầm giới ăn chay.

Đi theo con đường giải thoát giác ngộ là vâng ơn thánh. Khi thấy sự cao cả, hiệu quả diệt khổ của con đường, bèn thương xót cho cha mẹ và người thân, rộng ra là chúng sanh còn lao đao lận đận trong những nẻo sanh tử không dứt, đó là lòng bi.

Cồ đây là Cồ Đàm, tức Đức Phật Thích Ca. Kinh Lăng Nghiêm nói về Bồ tát Quán Thế Âm: "Một là trên hợp với Bản giác diệu tâm của mười phương chư Phật, cùng với chư Phật đồng một sức Từ. Hai là dưới hợp với tất cả mười phương chúng sanh sáu nẻo đồng một Bi ngưỡng.”

Chúng ta thấy bản tánh của tâm hay Nền tảng là Trí Huệ và Từ Bi hợp nhất. Và Nền tảng là nền tảng của thế giới và chúng sanh nên khi thấu cùng căn bản hay nền tảng thì thế giới và chúng sanh hiện ra trong trí huệ và từ bi. Thế giới và chúng sanh là sự xuất hiện, hiện tướng của trí huệ và từ bi.

Cảm đức từ bi,

Để nhiều kiếp nguyền cho thân cận.

Thân cận, gần gũi với Phật là gần gũi Trí Huệ, Từ Bi và Nguyện Hạnh của Phật. Câu trên nói đến tu trí huệ ("Cầm kiếm trí huệ”) câu này nói từ bi ("Cảm đức từ bi”).

Từ bi của Phật phải làm cho người tu cảm động, cảm xúc, đó là động lực để đi trên con đường thành Phật, "để nhiều kiếp nguyền cho thân cận”.

Chỉ một đoạn này chúng ta thấy có đầy đủ những yếu tố của con đường Bồ tát: Trí Huệ, Từ Bi và Nguyện Hạnh.

Đội ơn cứu độ,

Nát muôn thân thà chịu đắng cay.

Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên,

Hương hoa cúng xem còn nên thảo.

Miệng rằng tin, lòng lại lỗi,

Vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.

Ơn cứu độ ra khỏi sanh tử bao đời dù nát muôn thân, dù chịu đắng cay cũng chẳng thể nào so sánh, đền đáp được. Vì ơn cứu độ ra khỏi sanh tử thì lớn hơn tất cả sanh tử, lớn hơn muôn thân, lớn hơn khổ đau cay đắng của tất cả các đời. Với ơn cứu độ ấy, ta chỉ trả lại được bằng cách cứu độ người khác trải qua muôn thân, nhiều đời của chính chúng ta.

Nghĩa là nghĩa với chư Bồ tát, chư Phật ở trên và nghĩa với chúng sanh ở dưới. Nghĩa là nghĩa vụ Bồ tát, nghĩa ấy hãy nhớ. Đạo là chân lý, là Pháp thân của chư Phật chẳng nên quên dù trong một niệm. Hương hoa cúng dường là lòng hiếu thảo với chư Phật trong Báo thân và Hóa thân. Chẳng phải Pháp thân tánh Không là không có gì hết, là đoạn diệt, mà phải cúng dường, đảnh lễ:

Đảnh lễ Như Không, vô sở y.

(Kinh Duy Ma Cật)

Đảnh lễ Pháp thân tánh Không của tất cả chư Phật bèn hợp nhất với Pháp thân tánh Không của tất cả chư Phật.

Khi nhớ nghĩa, đạo chẳng quên, thì cúng hương hoa đơn sơ cũng là hiếu thảo.

Nhiều khi chúng ta nói rằng tin, nhưng lòng lại có lỗi lầm, lại khởi lỗi lầm, tâm không còn thẳng (ngay) và chính lỗi lầm ấy che chướng cái thấy thực tại của chúng ta. Cho nên tu là dứt hết lỗi lầm, dứt hết che chướng, làm cho tâm không cong queo (siểm khúc) mà thẳng ngay. Kinh Duy Ma Cật nói: "Tâm thẳng là đạo tràng”.

Dù có cúng dường, thờ cúng bằng vàng ngọc mà lòng lại lỗi thì chẳng được xem là "nên thảo” và tâm còn chẳng "ngay thẳng”. Chính cái tâm "thảo, ngay” này mới tương ưng được với bản tâm, bản tánh của tâm.

Hội thứ bảy này nói về sự tu hành, mà người ta thường nói là Tu Tâm. Đó là Trí Huệ, Từ Bi và Nguyện Hạnh, ba cái này bổ túc cho nhau để người tu có thể đi trên con đường Bồ tát ngay tại giữa thế gian này.

 

Bài viết liên quan