Kể Chuyện Khiến Mọi Người Cảm Động

KỂ CHUYỆN KHIẾN MỌI NGƯỜI CẢM ĐỘNG

HAVARD BUSINESS REVIEW PRESS – EMOTIONAL INTELLIGENCE

GÂY ẢNH HƯỞNG & THUYẾT PHỤC

---o0o---

Thuyết phục được người khác là phần quan trọng nhất của hoạt động kinh doanh. Bạn phải thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn, bạn phải thuyết phục được nhân viên và đồng nghiệp đồng hành với kế hoạch chiến lược mới hoặc tái tổ chức, bạn phải thuyết phục được các nhà đầu tư mua (hoặc không bán) cổ phiếu của bạn, bạn phải thuyết...
Kể Chuyện Khiến Mọi Người Cảm Động

Thuyết phục được người khác là phần quan trọng nhất của hoạt động kinh doanh. Bạn phải thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn, bạn phải thuyết phục được nhân viên và đồng nghiệp đồng hành với kế hoạch chiến lược mới hoặc tái tổ chức, bạn phải thuyết phục được các nhà đầu tư mua (hoặc không bán) cổ phiếu của bạn, bạn phải thuyết phục được các đối tác ký kết giao dịch tiếp theo... Nhưng bất chấp tầm quan trọng của việc thuyết phục, hầu hết các giám đốc điều hành đều gặp khó khăn trong giao tiếp, chưa nói đến việc truyền cảm hứng. Họ thường xuyên bị lạc trong những trang bị cho việc thuyết trình tại công ty: các slide PowerPoint, những bản ghi nhớ khô khan và các công văn cường điệu từ bộ phận truyền thông. Ngay cả những nỗ lực được nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng nhất cũng thường được đón nhận bằng thái độ hoài nghi, uể oải, hoặc thẳng thừng gạt bỏ.

Tại sao việc thuyết phục lại khó khăn đến thế và bạn có thể làm gì để khiến mọi người tin tưởng? Để tìm kiếm câu trả lời, biên tập viên cấp cao của HBR. Bronwyn Fryer, đã đến thăm Robert McKee, giảng viên biên kịch nổi tiếng và được kính trọng nhất trên thế giới, tại nhà riêng của ông ở Los Angeles. Là một cây viết và đạo diễn từng đoạt giải thưởng, McKee chuyển đến California sau khi học tiến sĩ về nghệ thuật điện ảnh tại Đại học Michigan. Sau đó, ông giảng dạy tại Trường Điện ảnh và Truyền hình thuộc Đại học Nam California trước khi thành lập công ty riêng Two Arts để đưa các bài giảng về nghệ thuật kể chuyện của mình ra toàn thế giới, tới với khán giả bao gồm các nhà văn, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên và giám đốc điều hành công ty giải trí.

Các sinh viên của McKee đã viết, đạo diễn và sản xuất hàng trăm bộ phim đình đám, bao gồm Forrest Gump, Erin Brockovich, The Color Purple, Gandhi, Monty Python and the Holy Grail, Sleepless in Seattle, Toy Story và Nixon. Họ đã giành được 18 giải Oscar, 109 giải Emmy, 19 giải Writers Guild và 16 giải Directors Guild of America. Người đoạt giải Emmy Brian CoX đóng vai McKee trong bộ phim Adaptation năm 2002, kể về cuộc đời của một nhà biên kịch cố gắng chuyển thể cuốn sách The Orchid Thief (tạm dịch: Kẻ trộm Lan). McKee cũng đóng vai trò tư vấn dự án cho các công ty sản xuất phim và truyền hình như Disney, Pixar và Paramount cũng như các tập đoàn lớn (bao gồm cả Microsoft), những nơi thường xuyên cử toàn bộ nhân viên sáng tạo của mình đến tham dự các bài giảng của ông.

McKee tin rằng các giám đốc điều hành có thể thu hút người nghe ở một cấp độ hoàn toàn mới nếu họ chịu bỏ các slide PowerPoint đi và học cách kể những câu chuyện hay. Trong cuốn sách bán chạy Story: Substance, Structure, Style, and the Principles of Screenwriting (tạm dịch: Câu chuyện: Nội dung, cấu trúc, phong cách và nguyên tắc viết kịch bản) của mình, được HarperCollins xuất bản năm 1997, McKee lập luận rằng những câu chuyện “đáp ứng một nhu cầu sâu sắc của con người: nắm bắt các khuôn mẫu sống - không chỉ đơn thuần là một bài tập trí tuệ, nhưng trong một trải nghiệm rất riêng tư, đầy cảm xúc”.

Nội dung tiếp theo là bản ghi đã được chỉnh sửa " rút gọn về cuộc trao đổi của McKee với HBR.

 

Tại sao một CEO hoặc nhà quản lý nên chú ý đến một nhà biên kịch?

Một phần quan trọng trong công việc của CEO là thúc đẩy mọi người đạt được những mục tiêu nhất định. Để làm được điều này, người đó phải gắn kết cảm xúc của họ và chìa khóa mở cửa trái tim chính là câu chuyện. Có hai cách để thuyết phục mọi người. Cách đầu tiên là hùng biện theo lối cũ, như hầu hết giám đốc điều hành được đào tạo. Đó là một quá trình trí tuệ và trong thế giới kinh doanh, nó thường bao gồm một bản trình bày PowerPoint mà trong đó bạn nói: “Đây là thách thức lớn nhất của công ty chúng ta và đây cũng là những gì chúng ta cần làm để phát triển thịnh vượng”. Bạn đưa ra số liệu thống kê, dữ kiện cũng như trích dẫn từ những người có thẩm quyền. Nhưng cách hùng biện này có hai vấn đề. Đầu tiên, những người mà bạn đang trò chuyện cùng đã có những căn cứ, số liệu thống kê và kinh nghiệm của riêng họ. Khi bạn cố gắng thuyết phục họ, trong đầu họ đang tranh cãi với bạn. Thứ hai, nếu thành công trong việc thuyết phục họ, bạn cũng chỉ thành công trên cơ sở trí óc. Thế là chưa đủ, bởi hành động của mọi người không chỉ được truyền cảm hứng dựa trên lý trí.

Một cách khác mạnh mẽ hơn nhiều để thuyết phục mọi người là hợp nhất ý tưởng với cảm xúc. Cách tốt nhất để làm việc này là kể một câu chuyện hấp dẫn. Trong một câu chuyện, bạn không chỉ truyền tải nhiều thông tin vào câu chuyện mà còn khơi dậy cảm xúc và năng lượng của người nghe. Việc thuyết phục bằng câu chuyện không dễ. Bất kỳ người thông minh nào cũng có thể ngồi xuống và lập danh sách. Việc xây dựng lý luận bằng phép hùng biện kiểu cũ thường đòi hỏi sự hợp lý nhưng không quá sáng tạo. Nhưng việc trình bày một ý tưởng chứa đủ sức mạnh cảm xúc để trở nên đáng nhớ thì đòi hỏi hiểu biết sâu sắc và kỹ năng kể chuyện sống động. Nếu có thể khai thác trí tưởng tượng và các nguyên tắc của một câu chuyện được kể khéo léo, bạn sẽ khiến mọi người phải đứng lên vỗ tay thay vì ngáp dài và phớt lờ bạn.

 

Vậy một câu chuyện là gì?

Về cơ bản, một câu chuyện thể hiện cuộc sống thay đổi thế nào và tại sao. Nó bắt đầu bằng tình huống cuộc sống tương đối cân bằng: Bạn đi làm ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, mọi thứ đều ổn. Bạn mong đợi nó sẽ cứ diễn ra như thế. Nhưng có một sự kiện - trong lĩnh vực viết kịch bản, chúng tôi gọi là “biến cố thúc đẩy” – khiến cuộc sống mất cân bằng. Bạn nhận được một công việc mới, hoặc ông chủ chết vì đau tim, hoặc một khách hàng lớn đe dọa rời đi. Câu chuyện tiếp tục mô tả làm thế nào, trong nỗ lực khôi phục sự cân bằng, những kỳ vọng chủ quan của nhân vật chính va phải thực tế khách quan bất hợp tác. Một người kể chuyện giỏi mô tả việc đối phó với những thế lực chống đối này, kêu gọi nhân vật chính đào sâu hơn, làm việc với các nguồn tài nguyên khan hiếm, đưa ra những quyết định khó khăn, hành động bất chấp rủi ro và cuối cùng khám phá ra sự thật. Tất cả những người kể chuyện tuyệt vời kể từ buổi bình minh của thời đại - từ người Hy Lạp cổ đại đến thời Shakespeare và cho tới ngày nay - đều đã giải quyết vấn đề cơ bản này giữa kỳ vọng chủ quan và thực tế tàn khốc.

 

Một giám đốc điều hành học cách kể chuyện như thế nào?

Những câu chuyện đã thấm nhuần vào bạn hàng nghìn lần kể từ khi mẹ bế bạn vào lòng. Bạn đã đọc những cuốn sách hay, xem phim, kịch. Hơn nữa, bản tính tự nhiên của con người là muốn giải quyết các câu chuyện. Các nhà tâm lý học nhận thức mô tả cách tâm trí con người, trong nỗ lực hiểu và ghi nhớ, tập hợp các mảnh ghép của kinh nghiệm thành một câu chuyện, bắt đầu với mong muốn cá nhân, mục tiêu cuộc sống, sau đó miêu tả cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ngăn cản mong muốn đó. Những câu chuyện là cách chúng ta nhớ; chúng ta có xu hướng quên các danh sách và gạch đầu dòng.

Các doanh nhân không chỉ phải hiểu quá khứ của công ty mình mà còn phải dự tính tương lai. Và bạn hình dung tương lai như thế nào? Như một câu chuyện. Bạn tạo ra kịch bản trong đầu về các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai để cố gắng đoán trước sinh mệnh của công ty hoặc cuộc sống cá nhân của chính mình. Vì vậy, nếu một doanh nhân hiểu rằng tâm trí của họ tự nhiên muốn lồng ghép trải nghiệm vào một câu chuyện, thì chìa khóa để thu hút khán giả không phải là chống lại thôi thúc này mà là đón nhận nó bằng cách kể một câu chuyện hay.

 

Điều gì tạo nên một câu chuyện hay?

Bạn thực sự sẽ không muốn kể một câu chuyện từ đầu đến cuối mô tả kết quả đáp ứng kỳ vọng như thế nào. Việc này sẽ rất nhàm chán và vô vị. Thay vào đó, bạn muốn thể hiện cuộc đấu tranh giữa kỳ vọng và thực tế cùng tất cả sự khó chịu của nó.

Chẳng hạn, hãy hình dung câu chuyện về một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học mà chúng ta sẽ gọi là Chemcorp, giám đốc điều hành của công ty phải thuyết phục một số chủ ngân hàng ở Phố Wall đầu tư vào. Anh ta có thể nói với họ rằng Chemcorp đã phát hiện ra một hợp chất hóa học ngăn ngừa các cơn đau tim và đưa ra rất nhiều trang trình bày quy mô thị trường, kế hoạch kinh doanh, sơ đồ tổ chức... Các chủ ngân hàng sẽ gật đầu một cách lịch sự và ngáp ngắn ngáp dài trong khi nghĩ về tất cả các công ty khác có vị trí tốt hơn trong thị trường của Chemcorp.

Hoặc thay vào đó, giám đốc điều hành có thể biến màn thuyết phục của mình thành một câu chuyện, bắt đầu với việc một người gần gũi với anh ta - chẳng hạn như cha anh ta - đã chết vì đau tim. Như thế, chính trạng thái tự nhiên trở thành nhân vật phản diện đầu tiên mà giám đốc điều hành - với tư cách là nhân vật chính - phải vượt qua. Câu chuyện có thể diễn ra như thế này: Trong cơn đau buồn, anh nhận ra nếu bệnh tim có chất chỉ thị hóa học thì cái chết của cha anh có thể đã được ngăn chặn. Công ty của anh đã phát hiện ra một loại protein xuất hiện trong máu ngay trước cơn đau tim và phát triển một thử nghiệm dễ thực hiện với chi phí thấp.

Nhưng bây giờ, họ phải đối mặt với một đối thủ mới: FDA. Quá trình phê duyệt đầy rủi ro và nguy hiểm. FDA từ chối đơn đăng ký đầu tiên, những nghiên cứu mới cho thấy thử nghiệm này thậm chí còn hoạt động tốt hơn mong đợi của bất kỳ ai, vì vậy cơ quan chấp thuận đơn đăng ký thứ hai. Trong khi đó, tiền của Chemcorp đang cạn kiệt dần, một đối tác quan trọng rời đi và bắt đầu thành lập công ty của riêng mình. Giờ đây, Chemcorp đang trong một cuộc đua nước rút để có được tấm bằng sáng chế đáng kinh ngạc.

Việc các tác nhân đối kháng dồn lại thế này tạo ra sự hồi hộp. Nhân vật chính đã khơi lên trong đầu các ông chủ ngân hàng ý nghĩ rằng câu chuyện có thể Không có kết thúc có hậu. Anh đã kích thích, khiến họ phải nhấp nhổm vì hồi hộp và anh nói: “Chúng tôi đã thắng cuộc đua, chúng tôi đã có bằng sáng chế, chúng tôi đã sẵn sàng để ra mắt công chúng và cứu sống 1/4 triệu người mỗi năm.” Rồi các ông chủ ngân hàng cứ thế tung tiền ra.

 

Phải chăng anh đang nói về việc phóng đại và lôi kéo?

Không. Mặc dù doanh nhân thường nghi ngờ những câu chuyện vì các lý do bạn đề xuất, thực tế là số liệu thống kê được sử dụng để nói dối và nói dối thậm tệ, trong khi các báo cáo kế toán thường trình bày bóng bẩy nhưng nội dung vớ vẩn - hãy cứ nhìn Enron và WorldCom.

Khi mọi người yêu cầu tôi giúp biến bài thuyết trình của họ thành câu chuyện, tôi bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi. Tôi phân tích tâm lý các công ty của họ và cả loạt sự việc đầy kịch tính xuất hiện. Nhưng hầu hết các công ty và giám đốc điều hành đều giấu hết những chuyện chẳng mấy hay ho, các khó khăn, những địch thủ và sự vật lộn của mình. Họ thích trưng ra một bức tranh màu hồng - và buồn tẻ - cho thế giới. Nhưng với tư cách là một người kể chuyện, bạn sẽ muốn đặt các vấn đề ra trước mắt, sau đó cho thấy mình đã vượt qua chúng như thế nào. Khi bạn kể câu chuyện về cuộc đấu tranh chống lại những địch thủ thực sự, khán giả sẽ thấy bạn là một người năng động, thú vị. Và tôi biết phương pháp kể chuyện có hiệu quả, bởi sau khi tư vấn cho hàng chục công ty để người đứng đầu kể những câu chuyện thú vị cho Phố Wall, họ đều đã nhận được tiền.

 

Vẽ một bức tranh tích cực thì có gì sai?

Nó không đúng. Bạn có thể gửi một thông cáo báo chí nói về doanh số bán hàng tăng lên và một tương lai tươi sáng, nhưng khán giả của bạn biết rằng việc chưa bao giờ dễ dàng như vậy. Họ biết bạn không hoàn hảo; họ biết đối thủ cạnh tranh của bạn không hẳn là kẻ xấu. Họ biết bạn đã xuyên tạc tuyên bố để khiến công ty mình có vẻ tốt đẹp. Những hình ảnh tích cực, mang tính giả định và thông cáo báo chí soạn sẵn thực sự chống lại bạn, vì chúng khiến những người mà bạn đang cố gắng thuyết phục mất lòng tin. Tôi ngờ rằng hầu hết các CEO đều không tin chính người đưa ra ý tưởng cho họ – và nếu họ đã không tin những lời thổi phồng, thì tại sao công chúng phải tin?

Điều trớ trêu vĩ đại của sự tồn tại là những điều khiến cuộc sống trở nên đáng sống lại không đến từ khía cạnh “màu hồng”. Tất cả chúng ta thèm là kẻ hài lòng với cuộc sống hiện tại, biếng lười, vô lo vô nghĩ, nhưng cuộc đời không cho phép như vậy. Nghị lực sống đến từ mặt tối. Nó đến từ mọi thứ khiến chúng ta khổ sở. Khi đấu tranh chống lại những sức mạnh tiêu cực này, chúng ta buộc phải sống sâu sắc hơn, đầy đủ hơn.

 

Vậy việc thừa nhận mặt tối này giúp chúng ta có sức thuyết phục hơn?

Tất nhiên. Bởi bạn thành thực hơn. Một trong những nguyên tắc kể chuyện hay là hiểu được rằng tất cả chúng ta đều phải sống trong nỗi khiếp sợ. Sợ hãi là khi bạn không biết điều gì sẽ xảy ra. Khiếp sợ là khi bạn biết điều gì sẽ xảy ra và không thể làm gì để ngăn lại. Cái chết là nỗi khiếp sợ lớn; tất cả chúng ta đều sống trong bóng tối không ngừng thu hẹp của thời gian, và từ bây giờ đến lúc đó, mọi điều tồi tệ đều có thể xảy ra.

Hầu hết chúng ta kìm nén nỗi khiếp sợ này. Chúng ta loại bỏ nó bằng cách truyền nó vào người khác thông qua sự mỉa mai, lừa dối, ngược đãi, thờ ơ - những hành động tàn ác lớn và nhỏ. Tất cả chúng ta đều phạm vào những điều xấu xa nho nhỏ đó để giảm bớt áp lực và khiến mình cảm thấy tốt hơn. Sau đó, chúng ta hợp lý hóa hành vi xấu của mình và tự thuyết phục bản thân và người tốt. Các tổ chức cũng làm điều tương tự: Họ phủ nhận sự tồn tại của điều tiêu cực trong khi gây khiếp sợ cho các tổ chức khác hoặc nhân viên của mình.

Nếu là người thực tế, bạn biết rằng đây là bản chất của con người; bạn nhận ra hành vi này là nền tảng của tất cả bản chất. Mệnh lệnh trong tự nhiên là tuân theo quy tắc vàng của sự sống còn: Đối xử với người khác theo cách bạn muốn bản thân được đối xử. Theo lẽ tự nhiên, nếu bạn đề nghị hợp tác và nhận lại sự hợp tác, mối quan hệ của bạn sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng nếu bạn đề nghị hợp tác và nhận lại sự chống đối, bạn cũng sẽ đáp lại bằng sự chống đối – Ở cấp độ cao hơn.

Kể từ khi còn ngồi quanh đống lửa trong hang động, con người đã kể những câu chuyện để giúp mình đối phó với nỗi kinh hoàng của cuộc sống và cuộc đấu tranh để tồn tại. Tất cả những câu chuyện tuyệt vời đều soi sáng mặt tối. Tôi không nói về điều gọi là cái ác “thuần túy”, bởi nó không tồn tại. Tất cả chúng ta đều có mặt xấu và tốt và chúng liên tục chiến đấu với nhau. Kenneth Layo nói rằng việc xóa sổ công ăn việc làm và các khoản tiết kiệm của người khác là không chủ ý. Hannibal Lecter* hóm hỉnh, duyên dáng, thông minh và anh ta ăn gan của người khác. Khán giả đánh giá cao tính trung thực của một người kể chuyện dám thừa nhận mặt tối của con người và thành thật về các sự kiện đối nghịch. Câu chuyện tạo ra năng lượng tích cực nhưng thực tế cho những người nghe.

 

Điều này có nghĩa anh phải là một kẻ bi quan?

Vấn đề không phải ở chỗ bạn lạc quan hay bi quan. Tôi thấy dường như con người văn minh là con người đa nghi - người không tin những giá trị bề mặt. Chủ nghĩa hoài nghi là một nguyên tắc khác của người kể chuyện. Người hoài nghi hiểu sự khác biệt giữa văn bản với những điều bất thành văn ẩn đằng sau, và luôn tìm hiểu điều gì đang thực sự diễn ra. Người hoài nghi tìm kiếm sự thật bên dưới bề mặt của cuộc sống, biết rằng suy nghĩ và cảm xúc thực sự của các tổ chức hoặc cá nhân là vô thức và không được bộc lộ. Người hoài nghi luôn nhìn sau lớp mặt nạ. Ví dụ, những đứa trẻ đường phố với hình xăm, khuyên tai, dây xích và áo da, đeo những chiếc mặt nạ tuyệt vời, nhưng người hoài nghi biết chiếc mặt nạ chỉ là một nhân vật. Bên trong bất cứ ai đang cố tỏ ra nổi loạn như vậy là một con người mềm mỏng. Những người thực sự cứng rắn thì không cần cố.

 

Vậy thì một câu chuyện bao hàm cả mặt tối sẽ tạo ra năng lượng tích cực ở người nghe?

Chắc chắn rồi. Chúng ta nghe theo những người mà mình tin tưởng. Các lãnh đạo giỏi nhất mà tôi từng tiếp xúc - những nhà sản xuất và đạo diễn - đã phải chấp nhận thực tế có phần u tối. Thay vì giao tiếp thông qua người soạn vở cho mình, họ dẫn dắt diễn viên và đội ngũ vượt qua sự đối nghịch của một thế giới mà trong đó cơ hội để một bộ phim được sản xuất, phân phối và bán cho hàng triệu người xem là 1/1.000. Họ hiểu rõ những người làm việc cho họ yêu thích công việc và sống vì những thành tựu nhỏ góp phần vào chiến thắng cuối cùng.

Tương tự, các CEO phải ngồi ở đầu bàn hoặc trước micro, lèo lái công ty vượt qua những cơn bão của nền kinh tế tồi tệ và sự cạnh tranh gay gắt. Nếu bạn nhìn thẳng vào mắt khán giả, bày ra những thử thách thực sự đáng sợ của mình và nói: “Chúng ta sẽ gặp may mắn nếu vượt qua được điều này, nhưng đây là điều tôi nghĩ chúng ta nên làm” họ sẽ lắng nghe bạn.

Để khiến mọi người ủng hộ mình, bạn có thể kể một câu chuyện trung thực. Câu chuyện về General Electric thật tuyệt vời và không liên quan đến việc cựu Chủ tịch Jack Welch sùng bái sự nổi tiếng. Nếu có cái nhìn rộng lớn về cuộc sống, bạn có thể nhìn thấy tất cả các cấp độ phức tạp của nó và tôn vinh nó trong một câu chuyện. Một giám đốc điều hành vĩ đại là người hiểu và chấp nhận bản thân với tất cả những điểm tốt lẫn xấu, vì thế họ cũng có lòng trắc ẩn với người khác. Lòng trắc ẩn này được thể hiện trong các câu chuyện.

Lấy ví dụ về tình yêu công việc. Nhiều năm trước, khi còn học cao học, tôi đã làm công việc điều tra gian lận bảo hiểm. Người yêu cầu bồi thường trong trường hợp nọ là một người nhập cư đã bị chấn thương nặng ở đầu trên một dây chuyền lắp ráp ô tô. Anh là người lắp ráp cửa sổ nhanh nhất dây chuyền và rất tự hào về công việc của mình. Anh nói chuyện với tôi khi đang đợi để được lắp một tấm lưới titanium vào đầu.

Người đàn ông này đã bị thương nặng, nhưng công ty cho rằng anh là một kẻ lừa đảo. Bất chấp điều đó, anh vẫn vô cùng tận tâm. Tất cả những gì anh muốn là trở lại làm việc. Anh biết giá trị của công việc, bất kể nó lặp đi lặp lại nhàm chán đến thế nào. Anh tự hào về điều đó và thậm chí về công ty đã buộc tội mình gian dối. Thật tuyệt vời cho CEO của công ty xe hơi đó khi kể về việc các nhà quản lý đã nhận ra sự sai trái trong lời buộc tội của họ và sau đó thưởng cho nhân viên kia vì sự cống hiến của anh. Đổi lại, công ty được đền đáp bằng nỗ lực gấp đôi từ tất cả các nhân viên đã nghe chuyện.

 

Làm thế nào để người kể chuyện khám phá và khai quật những câu chuyện muốn được kể?

Người kể chuyện khám phá câu chuyện bằng cách đặt một số câu hỏi chính. Đầu tiên, nhân vật chính của tôi muốn gì để khôi phục sự cân bằng trong cuộc sống? Khao khát là “máu” của một câu chuyện. Khao khát không phải là một danh sách mua sắm mà là một nhu cầu cốt lõi, nếu được thỏa mãn, câu chuyện sẽ dừng lại. Tiếp theo, điều gì đang ngăn cản nhân vật chính đạt được mong muốn của mình? Các sức mạnh bên trong? Sự nghi ngờ? Nỗi sợ? Sự rối rắm? Xung đột cá nhân với bạn bè, gia đình, người yêu? Xung đột xã hội nảy sinh tại các thể chế khác nhau trong xã hội? Xung đột về thể chất? Các thế lực của Mẹ Thiên nhiên? Các bệnh gây chết người trong không khí? Không đủ thời gian để hoàn thành công việc? Cái ô tô chết tiệt không nổ máy? Những sự đối kháng đến từ con người, xã hội, thời gian, không gian và mọi đối tượng trong đó, hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của các lực lượng ấy cùng một lúc. Khi đó, nhân vật chính quyết định hành động thế nào để đạt được mong muốn khi đối mặt với những thế lực ấy? Trả lời cho câu hỏi này, người kể chuyện khám phá ra sự thật về các nhân vật của họ, bởi trái tim của một người được bộc lộ qua lựa chọn mà họ đưa ra khi bị áp lực. Cuối cùng, người kể chuyện dựa vào thiết kế của các sự kiện mà họ đã tạo ra và hỏi: “Tôi có tin điều này không? Tôi không thổi phồng, cũng không phải đang tìm cách giảm nhẹ thực tế của cuộc đấu tranh chứ? Đây có phải là lời kể trung thực, dù trời có thể sụp không?”

 

Việc trở thành một người kể chuyện giỏi có khiến anh ta trở thành một nhà lãnh đạo giỏi không?

Không nhất thiết, nhưng bạn nắm được các nguyên tắc kể chuyện, bạn có thể hiểu rõ hơn về bản thân cùng bản chất con người và điều đó sẽ khiến cơ hội nghiêng về phía bạn. Tôi có thể dạy các nguyên tắc chính thức của câu chuyện, nhưng không thể dạy cho một người chưa thực sự sống một cách đúng đắn. Nghệ thuật kể chuyện đòi hỏi trí thông minh, nhưng cũng đòi hỏi kinh nghiệm sống mà tôi đã ghi nhận ở các đạo diễn tài năng: nỗi đau của tuổi thơ. Chấn thương thời thơ ấu đẩy bạn vào một dạng tâm thần phân liệt nhẹ khiến bạn nhìn cuộc sống đồng thời theo hai cách: Thứ nhất, đó là trải nghiệm trực tiếp, theo thời gian thực, nhưng đồng thời não của bạn ghi lại nó như dưới dạng nguyên liệu mà từ đó bạn sẽ tạo ra ý tưởng kinh doanh, khoa học hoặc nghệ thuật. Giống như một con dao hai lưỡi, trí óc sáng tạo sẽ xuyên vào sự thật của bản thân và nhân tính của người khác.

Hiểu biết về bản thân là gốc rễ của mọi câu chuyện tuyệt vời. Một người kể chuyện tạo ra tất cả nhân vật từ chính bản thân bằng cách đặt câu hỏi: “Nếu là nhân vật. này trong những hoàn cảnh này, tôi sẽ làm gì?” Càng hiểu rõ về con người mình, bạn càng có thể đánh giá đúng con người của người khác trong tất cả cuộc đấu tranh thiện-ác của họ. Tôi lập luận rằng những nhà lãnh đạo vĩ đại mà Jim Collins mô tả là những người hiểu rất rõ về bản thân. Họ cân bằng hiểu biết sâu sắc về bản thân và lòng tự trọng với thái độ hoài nghi. Những người kể chuyện vĩ đại – và tôi ngờ rằng, cả những nhà lãnh đạo vĩ đại – là những người hoài nghi hiểu rõ mặt nạ của chính họ cũng như các mặt nạ của cuộc sống và sự hiểu biết này khiến họ trở nên khiêm tốn. Họ nhìn thấy nhân tính của người khác và đối xử với những người này bằng lòng thương nhưng thực tế. Tính hai mặt đó tạo nên một nhà lãnh đạo tuyệt vời.

---o0o---

Trích: “Emotional Intelligence - Gây Ảnh Hưởng & Thuyết Phục”

Tác giả: Nhiều tác giả

Người dịch: Trịnh Ngọc Minh

Nhà phát hành Alpha Books

Nhà xuất bản Công Thương - 2021

Ảnh nguồn Internet

Bài viết liên quan