KẾT NÓI VỚI NGƯỜI NGHE - DALE CARNEGIE – 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

Diễn giả chuyên nghiệp luôn nghiên cứu đối tượng khán thính giả của mình trước khi lên kế hoạch trình bày. Một trong những thách thức đối với diễn giả thành công là bảo đảm chúng ta không trình bày cao hơn hoặc thấp hơn trình độ và chuyên môn của người theo dõi. Trên thực tế, trong một số trường hợp, mức độ kinh nghiệm của họ rất khác nhau nên khiến việc trình  bày của chúng...
KẾT NÓI VỚI NGƯỜI NGHE - DALE CARNEGIE – 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

KẾT NÓI VỚI NGƯỜI NGHE

DALE CARNEGIE – 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

---o0o---

Diễn giả chuyên nghiệp luôn nghiên cứu đối tượng khán thính giả của mình trước khi lên kế hoạch trình bày. Một trong những thách thức đối với diễn giả thành công là bảo đảm chúng ta không trình bày cao hơn hoặc thấp hơn trình độ và chuyên môn của người theo dõi. Trên thực tế, trong một số trường hợp, mức độ kinh nghiệm của họ rất khác nhau nên khiến việc trình  bày của chúng ta thậm chí khó khăn hơn.

Tìm hiểu đối tượng tham dự

Khi lên kế hoạch diễn thuyết, chúng ta nên cố gắng tối đa để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về mức độ hiểu biết của người tham dự đối với đề tài được trình bày. Đừng cho rằng người theo dõi đã quen với những biệt ngữ, từ viết tắt hoặc tiếng lóng trong ngành nghề hoặc lĩnh vực của chúng ta. Khi trình bày, cần một chút thời gian để định nghĩa hay giải thích ngắn gọn các thuật ngữ. Và nếu chúng ta sử dụng những từ thật sự, tức là không phải từ viết tắt, cần bảo đảm rằng người tham dự sẽ hiểu được chúng.

Cần nhớ rằng trừ phi chúng ta đang tiến hành buổi huấn luyện cần những hướng dẫn chi tiết, nói chung, người tham dự không cần tất cả sự kiện và số liệu chung chung, mà chúng cần vừa phải và thích hợp để không làm họ bị rối. Thách thức ở đây là tìm cách nào tập trung vào  trọng tâm của vấn đề, cung cấp cho họ vừa đủ thông tin, không nhiều không ít, và vừa vặn với thời lượng cho phép.

Khi chuẩn bị bài diễn thuyết, chúng ta nên trả lời những câu hỏi sau đây để tìm hiểu mức độ hiểu biết của người tham dự đối với đề tài được trình bày.

  • Họ hiểu biết về đề tài ở mức độ nào?
  • Chẳng hạn, tôi sắp trình bày cho các kỹ sư hoặc người sử dụng, hoặc cả hai?
  • Tôi có cần giới thiệu lại kiến thức cơ bản của phần trình bày để người tham dự tiện theo dõi, hoặc họ đã có kiến thức về nó rồi?
  • Trình độ hoặc kinh nghiệm trước đây của người tham dự đối với đề tài là gì?
  • Đề tài này là vấn đề họ đang tiếp xúc hàng ngày hay hàng tuần, hoặc nó hoàn toàn mới đối với họ?
  • Nếu đã có kinh nghiệm đối với đề tài này, thì họ quan tâm tới những vấn đề hoặc sự việc nào từng phát sinh trong quá khứ?
  • Chúng ta có lý do nào để tin rằng người tham dự có cảm giác mạnh với đề tài sắp trình bày?
  • Nếu vậy, họ sẽ có thái độ như thế nào?
  • Với đối tượng tham dự quan tâm tới đề tài như vậy, có thể phát sinh vấn đề hoặc vấp phải sự chỉ trích nào?
  • Những lời phê bình nào có thể mang thành kiến cá nhân hoặc phản bác đối với phần trình bày của mình?
  • Người theo dõi có cần mình trình bày tất cả chi tiết hoặc họ chỉ cần phần tóm lược của đề tài là đủ?
  • Đề tài sẽ tác động vào người tham dự tới mức nào? Chúng ta sẽ yêu cầu họ thay đổi điều họ đang làm nhiều hay ít?
  • Có phải những vấn đề liên quan tới chính sách hoặc pháp luật trong phần trình bày cần có thông tin chi tiết hơn cho người tham dự?

12 cách làm thu hút người nghe

Nhằm hấp dẫn người tham dự, chúng ta cần khiến họ yêu thích chúng ta. Sau đây là 12 nguyên tắc đã được kiểm chứng để thu hút người nghe.

  1. Hãy xem như niềm vinh dự khi được người nghe đặt câu hỏi. Bất chấp số lượng và loại đối tượng theo dõi, khi họ đặt câu hỏi, điều đó chứng tỏ họ quan tâm tới phần trình bày và đây là dịp chúng ta nhắm vào một người theo dõi cụ thể. Việc nhận thức được vinh dự này là một cách giúp người nghe yêu thích chúng ta.
  2. Thành thật đánh giá cao người nghe. Đừng bao giờ nói trước bất cứ nhóm khán thính giả nào mà không tìm hiểu về họ. Sau đó, hãy dành vài giây để nêu ra một số phẩm chất tốt đẹp hoặc đặc biệt của người theo dõi khiến chúng ta cảm thấy hãnh diện khi có dịp trình bày trước họ.
  3. Khi có thể, hãy nhắc tới tên một số người theo dõi. Điều đó chứng tỏ chúng ta quan tâm và nhớ tới họ. Do đó, khi có thể, hãy nhắc tới tên họ. Hãy chú ý rằng khi trình bày trong một buổi họp tại địa phương, các chính trị gia thường nhắc tới tên của những quan chức địa phương đang có mặt tại đó.
  4. Hãy khiêm nhường. Sự khiêm tốn truyền cảm hứng cho sự tin tưởng và thiện chí. Chẳng hạn, Abraham Lincoln là bậc thầy về tính khiêm tốn. Một đêm nọ vào năm 1858, tại cuộc tranh luận giữa Lincoln và Douglas, ban nhạc kèn đồng đã trình diễn một dạ khúc cho Lincoln. Khi ông bước tới cổng khách sạn trong ánh sáng lờ mờ để nói chuyện với ban nhạc, một người đã cầm lồng đèn tới để đám đông có thể thấy được gương mặt vốn không điển trai của Lincoln. Ông nói: “Những người bạn của tôi ơi, càng ít thấy tôi bao nhiêu, các bạn sẽ thích tôi nhiều hơn.” Lincoln hiểu sự uyên thâm của lời dạy trong kinh Thánh: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
  5. Hãy dùng danh xưng “chúng ta”, mà không phải “bạn”. Đừng xem người theo dõi là đối tượng riêng biệt. Hãy gộp chung tất cả họ vào buổi nói chuyện bằng cách dùng danh xưng “chúng ta”, thay vì “bạn”. Chẳng hạn, khi nói: “Lúc cảm thấy lo lắng, bạn nên bận rộn làm việc để không còn thời gian nghĩ tới chuyện phiền muộn”, nó có vẻ tạo ấn tưởng rằng diễn giả đang “dạy đời” thiên hạ.

Thay vì vậy, hãy nói: “Lúc cảm thấy lo lắng, chúng ta nên bận rộn làm việc để không còn thời gian nghĩ tới chuyện phiền muộn”.

Có sự khác biệt ở đây không? Khi dùng từ “bạn”, chúng ta ngầm tạo khoảng cách giữa mình và người nghe và có thể được hiểu như chúng ta tỏ thái độ của “bề trên”.

  1. Đừng nói chuyện với sắc mặt giận dữ và giọng nói quở trách. Xin nhớ rằng biểu cảm trên gương mặt và giọng điệu thể hiện rõ ràng hơn lời nói. Bất chấp đang nói chuyện riêng hoặc trước công chúng, chúng ta không thể nào chiếm cảm tình với gương mặt… ngầu và giọng nói cộc lốc.
  2. Hãy nói trúng mối quan tâm của người theo dõi. Tất cả người nghe thường quan tâm mãnh liệt tới những vấn đề về họ và cách giải quyết các vấn đề đó. Vì vậy, nếu chúng ta có thể cho họ thấy làm sao để được khỏe mạnh hơn, kiếm nhiều tiền hơn, làm sao không lo âu nữa và làm thế nào để đạt được điều mình mong muốn, thì họ sẽ nhiệt tình lắng nghe.

Chẳng hạn, khi được hỏi làm sao dễ dàng có bạn và có tài nói chuyện, một nhà nghiên cứu y khoa nói rằng cô chỉ đơn thuần hỏi người ta: “Bạn đã bắt đầu việc làm như thế nào?” Sau đó, dựa vào câu trả lời, cô sẽ hướng buổi nói chuyện vào đó. Cô chia sẻ rằng câu hỏi đơn giản này lại có tác dụng rất đặc biệt, nhất là đối với người lạ. Trước khi nói chuyện trước một nhóm người, hãy tìm hiểu mối quan tâm chính của họ là gì và khéo léo đề cập tới nó trong buổi trình bày.

  1. Hãy vui vẻ trong lúc nói chuyện. Trừ phi thích nói chuyện và chẳng quan tâm tới người khác, làm sao chúng ta có thể mong mọi người đều thích lắng nghe? Cho dù tinh thần và cảm xúc của chúng ta ra sao, chắc chắn rằng nó sẽ lan truyền tới người khác. Nếu chúng ta đang vui vẻ nói chuyện, ca hát hoặc trượt băng, những người xem hoặc nghe cũng vui vẻ theo. Cảm xúc rất dễ lan truyền.

Người ta có thể đặt câu hỏi: “Làm thế nào tôi có được buổi nói chuyện đầy hào hứng?” Bí mật rất đơn giản: nói về những gì chúng ta có quyền nói và nó làm chúng ta rạng rỡ trong ánh mắt và đầy cảm xúc trong giọng nói.

  1. Đừng biện hộ hay xin lỗi. Chúng ta từng nghe có những người nói đại loại như: “Cách đây hai tuần tôi mới biết cần có buổi nói chuyện khi vị chủ tịch nói tôi sẽ tiếp quản chức vụ này” hoặc “Tôi không quen với việc diễn thuyết…” Câu nói mở đầu này tạo ấn tượng như thế nào? Những người này đang biện hô trước khi họ bắt đầu trình bày. Chúng ta đừng bao giờ nhận lời mời diễn thuyết trừ phi có thể chuẩn bị kỹ càng. Nếu chúng ta trình bày tốt, không cần phải nói lời biện hộ. Ngược lại, nếu không trình bày tốt, dù có xin lỗi đi nữa, người ta cũng không chấp nhận. Việc biện hộ thường làm mất thời gian của người nghe.

Tuy nhiên, nếu bị trễ do máy bay hạ cánh hoặc một số lý do hợp lý khác, chúng ta có thể giải thích tình hình một cách ngắn gọn và nhã nhặn xin lỗi, sau đó bắt đầu phần diễn thuyết nhằm tránh mất thời gian cho khán thính giả.

  1. Hãy lôi cuốn cảm xúc cao thượng của người nghe. Truyền cảm hứng cho người nghe bằng cách chạm tới trái tim của họ không hề dễ dàng. Trước tiên, chúng ta cần xúc động thật sự. Để thuyết phục người khác, hãy cho họ thấy trong lời đề nghị, kêu gọi của chúng ta, họ có thể tham gia bao nhiêu phần và cho họ một ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, khi Susan Earl kêu gọi mọi người đóng góp vào quỹ Heifer International – một tổ chức thiện nguyện do bà ủng hộ - bà nói với họ rằng khoản đóng góp nhỏ sẽ giúp cho tổ chức này tặng một con dê cho một gia đình ở Ấn Độ. Nó sẽ cung cấp sữa cho trẻ em trong gia đình đó và một khoản thu nhập nhỏ từ việc bán sữa còn dư.
  2. Hãy thành thật. Người ta không thể trình bày lôi cuốn nếu thiếu tính chân thật và tính chính trực. Để thu hút người nghe, chúng ta cần truyền cảm hứng cho họ với niềm tin tưởng vào tính chân thật của mục đích trình bày. Người ta có thể không đồng tình với ý tưởng của chúng ta, nhưng họ phải tôn trọng niềm vui của chúng ta đối với ý tưởng đó.

Hãy hoan nghênh ý kiến phản biện và đáp lại đó với thái độ tôn trọng và khiêm nhường. Thái độ của chúng ta còn quan trọng hơn lời nói của mình. Tính ngay thẳng, chính trực, thái độ khiêm nhường và lòng vị tha của diễn giả ảnh hưởng sâu sắc tới người theo dõi.

Trên thực tế, chúng ta thích một người nói chân thành và vị tha, tuy còn lóng ngóng và vụng về, hơn một diễn giả bảnh bao và có vẻ giả tạo đang cố tạo ấn tượng bằng tài hùng biện.

  1. Chuẩn bị kỹ càng bài diễn thuyết. Có lẽ mọi người từng gặp phải người nói chuyện chưa chuẩn bị tài liệu cẩn thận, trình bày lộn xộn từ ý này sang ý khác, nên làm người nghe bối rối và chán nản. Hãy dành thời gian chuẩn bị bài diễn thuyết để nó hợp lý và dễ hiểu. Việc này không những giúp người nghe hiểu được ý nghĩa của chúng ta, mà còn giúp người nghe hiểu được ý của chúng ta, mà còn giúp chúng ta dễ dàng nhớ trọn vẹn những gì muốn nói.

Những thứ nên suy nghĩ, nên suy nghĩ thấu đáo.

Những điều nên nói, nên nói rõ ràng.

Ludwig Wittgenstein, triết gia.

---o0o---

Trích “10 Bước để có cuộc sống trọn vẹn”

Tác giả: Dale Carnegie

Người dịch: Hoàng Huấn

NXB Lao Động, 2018

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan