KHAI THÁC SỰ ĐA DẠNG - DALE CARNEGIE - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

KHAI THÁC SỰ ĐA DẠNG

TỦ SÁCH THÀNH CÔNG CỦA DALE CARNEGIE - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

---o0o---

Việc khai thác sự đa dạng về văn hóa đòi hỏi sự cam kết của tất cả mọi người. Thay đổi quan điểm và định kiến vốn đang thịnh hành là điều không dễ dàng. Thường thì chúng ta chỉ có thể hy vọng thay đổi hành vi hơn là quan niệm đã ăn sâu trong suy nghĩ.
KHAI THÁC SỰ ĐA DẠNG - DALE CARNEGIE - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

Một khi hiểu và muốn vượt qua thành kiến, chúng ta nên xem xét toàn bộ vấn đề làm việc, cộng tác với những người có gốc gác khác nhau. Chúng ta cần coi đây là mục tiêu quan trọng nhằm đạt được mối quan hệ tốt đẹp với những người khác biệt chúng ta.

 Để khai thác sự đa dạng, bước đầu tiên là cần nỗ lực nhận thức về sự đa dạng văn hóa tồn tại trong cơ quan, cơ sở tôn giáo, cộng đồng của chúng ta hoặc những nơi khác.

Bước thứ hai là hãy tạo điều kiện để mọi người nói chuyện, trao đổi ý kiến với nhau về sự khác biệt văn hóa. Có hai vấn đề cần nhớ liên quan tới sự đa dạng về văn hóa:

Mọi người nên nhớ rằng sẽ khó để nói về sự khác biệt văn hóa mà không đề cập tới các khuôn mẫu hay tiêu chuẩn chung. Ở mức độ cơ bản nhất, sẽ không có cái gọi là “người tiêu biểu” bởi vì không có ai hoàn toàn giống người khác và không có người nào là bản sao của thành viên khác trong nhóm.

Khi sự đa dạng gia tăng, việc thảo luận, trao đổi ý kiến trở nên phức tạp hơn (do bất đồng ngôn ngữ, quan điểm) và cần nỗ lực cải thiện kӻ năng truyền thông, giao tiếp.

Sự nhận thức và thảo luận với nhau có thể tạo nên bức tranh rõ ràng hơn về sự đa dạng văn hóa. Việc đánh giá cao và hiểu biết đối với sự đa dạng này đòi hỏi nhiều hơn so với việc chỉ thông cảm, chấp nhận sự khác biệt giữa những cá nhân hoặc nhóm – đó là cần ủng hộ và bồi dưỡng tính đa dạng văn hóa. Sự phong phú về ý tưởng, kӻ năng, kiến thức và tài năng là điều đáng mong ước trong bất cứ cơ quan, tổ chức nào.

Khi tạo ra môi trường khuyến khích, ủng hộ và tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm đóng góp ý tưởng, sáng kiến, thông tin và văn hóa, điều đó giúp nâng cao cơ hội phát triển và thành công. Nó cũng tạo cơ hội để phát triển nhân cách bằng cách huấn luyện cho nhân viên về sự bao dung, cũng như tôn trọng mọi người và bằng cách khuyến khích mọi người quan tâm tới tính công bằng. Một cơ quan, tổ chức đa dạng về văn hóa sẽ ủng hộ, cũng như đánh giá cao những người có gốc gác, xuất xứ khác nhau và điều đó càng khuyến khích, thu hút nhiều người ở khắp nơi tới tham gia cộng tác, làm việc tại nơi này.

Việc khai thác sự đa dạng về văn hóa đòi hỏi sự cam kết của tất cả mọi người. Thay đổi quan điểm và định kiến vốn đang thịnh hành là điều không dễ dàng. Thường thì chúng ta chỉ có thể hy vọng thay đổi hành vi hơn là quan niệm đã ăn sâu trong suy nghĩ. Các thành viên trong một cơ quan, tổ chức phong phú, đa dạng phải cam kết tuân theo sự đa văn hóa và hướng tới những vấn đề liên quan tới sự khác biệt về văn hóa.

Nguồn gốc của sự đa văn hóa

Khi làm việc với những nhóm nhân viên khác biệt về văn hóa, người dân của hầu hết các quốc gia ngày nay đều gặp phải những vấn đề cố hữu. Từ giữa thế kӹ 20, các công ty ở Âu châu và Á châu đã “nhập khẩu” những nhân viên từ các quốc gia kém phát triển hơn để làm việc cho họ. Chúng ta đã chứng kiến những cuộc di cư khổng lồ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức, Algeria tới Pháp, Indonesia và Đông Nam Á tới Ả Rập Saudi, Hàn Quốc tới Nhật Bản…

Trước đây trong lịch sử Mӻ, thực tiễn tại đây hoàn toàn khác với những nước khác bởi vì những người nhập cư đầu tiên tới vùng đất này đã đồng hóa tương đối nhanh với phong cách sống của Mӻ. Tuy nhiên, điều đó không còn xảy ra trong thời gian gần đây nữa.

Dưới lý thuyết về nơi tụ cư truyền thống, những người nhập cư vào Mӻ đã từ bỏ cách sinh hoạt của nước họ và hòa nhập một cách vui vẻ vào văn hóa bản địa. Nhưng cách đây không lâu, kiểu đồng hóa này dần được thay thế bằng khái niệm đa văn hóa. Đó là có nhiều người nhập cư tới Mӻ có khuynh hướng vẫn giữ văn hóa bản xứ của họ mà không bỏ đi và tích hợp chúng vào văn hóa của môi trường mới.

Thật vậy, kể từ thập niên 1960, ý tưởng về đơn văn hóa đã bắt đầu phai mờ. Nó hướng tới một xã hội đa nguyên hơn, tiếp tục tiến hóa thông qua sự tích hợp và sự ảnh hưởng về văn hóa. Những thay đổi này thể hiện rõ nét trong thời trang, thói quen ẩm thực, giải trí, âm nhạc, văn chương và thể thao.

Sự đa dạng như vậy tạo điều kiện cho tất cả chúng ta tận dụng được những kӻ năng và chuyên môn độc đáo của những người đến từ các nền văn hóa khác. Chúng ta có thể học hỏi nhiều bởi sự thấu hiểu lẫn nhau và việc đánh giá cao sự khác biệt giữa những cá nhân. Việc củng cố ý nghĩa tích cực của đặc tính văn hóa là một khía cạnh quan trọng nhằm thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa những người có liên quan. Các cá nhân có thể đưa vào cách ứng xử của nhóm (một cách có ý thức hoặc vô thức) những giá trị, thái độ, hoặc hành vi mang tính dân tộc đặc thù của mình.

Thấu hiểu là bước đầu tiên để có thể chấp nhận.

J. K. Rowling, tiểu thuyết gia

Vấn đề đa văn hóa ở góc độ quản lý

Để khai thác sự đa văn hóa, hãy xem xét các vấn đề sau đây:

1. Tuyển dụng. Cố gắng có những người đại diện cho cộng đồng của họ trong cơ quan hay tổ chức của mình.

2. Huấn luyện về sự đa dạng. Hãy nhận thức sự đa dạng về văn hóa của nhóm. Cố gắng hiểu tất cả khía cạnh và tìm kiếm sự cam kết, quyết tâm của những người liên quan nhằm bồi dưỡng sự da đạng về văn hóa. Hãy chú ý tới những quan niệm sai lầm, tư duy rập khuôn và sự khác biệt về văn hóa gây cản trở đối với sự đóng góp trọn vẹn của các thành viên.

3. Truyền đạt thông tin. Hãy gạt bỏ chướng ngại vật vốn cản trở những người đến từ các nền văn hóa khác nhau có thể phối hợp cùng nhau. Phương pháp tốt nhất để làm điều này là hiểu được và thực hành các kӻ năng sau:

Học lắng nghe. Lắng nghe điều người ta đang nói, mà không phải điều chúng ta muốn nghe.

Mời những người khác tham gia vào buổi thảo luận để có ý kiến đa chiều.

Học cách truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và thẳng thắn. Đừng đánh giá sai người khác bởi vì giọng điệu hoặc cách nói của họ.

Kiểm tra việc hiểu của mình. Hãy đặt câu hỏi để chắc chắn chúng ta đã hiểu rõ ràng điều người ta đang nói.

Điều chỉnh cách nói chuyện của chúng ta cho phù hợp với tình hình. Hãy rõ ràng, dứt khoát. Trước một tình huống, những người đến từ các nền văn hóa khác nhau có thể phản ứng hoàn toàn khác nhau. Cần hiểu về người chúng ta đang nói chuyện.

Hãy sử dụng ngôn ngữ sao cho vừa ủng hộ sự thật vừa thúc đẩy tinh thần hợp tác. Mọi người đều muốn thành công trong công việc. Hãy bình tĩnh và có thái độ tích cực.

Khi xung đột nổ ra, vấn đề có thể bắt nguồn từ hình thức hơn là nội dung. Hãy cố gắng tìm hiểu cốt lõi của vấn đề. Cần xem xét, cân nhắc, nghiên cứu lại mục tiêu chính của chúng ta để chắc chắn rằng nội dung đã rõ ràng, không gây hiểu lầm. Cách nói chuyện có thể quan trọng hơn nội dung mà chúng ta trình bày.

4. Tuy có khác biệt nhưng tương đồng nhiều hơn. Nam giới và phụ nữ, người da trắng và người da màu, quản trị viên và nhân viên… là những cặp phạm trù khác nhau, nhưng những điểm tương đồng thì vượt trội hơn so với sự khác biệt. Việc chấp nhận và đánh giá cao những điểm tương đồng và dị biệt là rất cần thiết cho mối quan hệ hữu hiệu trong công việc.

5. Duy trì sự cam kết, quyết tâm. Hãy liên tục hoạt động nhằm bảo đảm sự nhận thức, thấu hiểu, truyền đạt thông tin và bồi dưỡng cho tính đa dạng về văn hóa trong cơ quan, tổ chức.

6. Tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ:

Trong từng lĩnh vực mà chúng ta tham gia trong hoặc ngoài công việc, hãy tuyên bố rõ ràng về tầm nhìn và các giá trị đa nguyên cho cơ quan, tổ chức. Hãy thể hiện và thúc đẩy sao cho mọi người đều hòa nhập trong tầm nhìn và sứ mạng của cơ quan, tổ chức.

Khuyến khích và ủng hộ việc thảo luận xuyên suốt giữa mọi người trong cơ quan, tổ chức về ý nghĩa của sự đa dạng hay đa nguyên. Hãy chứng tỏ làm thế nào để thực hiện các chương trình nhằm hoàn tất những mục tiêu này.

Chứng minh sự cam kết, thái độ quyết tâm nhằm bảo đảm tính công bằng và xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong mối quan hệ với những người, nhóm và cơ quan, tổ chức khác.

Hiểu nhiều khía cạnh về sự đa dạng, sử dụng cách diễn đạt đánh giá cao về tính đa nguyên, trích dẫn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sẵn sàng điều chỉnh cách truyền đạt thông tin sao cho phù hợp với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau, thể hiện sự tôn trọng đối với sự khác biệt về văn hóa, có nhận thức và dễ chịu, thoải mái khi xử lý những vấn đề về đa dạng văn hóa.

Hãy đánh giá cao việc học tập và thay đổi của cá nhân, thu hút quan điểm, ý kiến của những người đến từ các nền văn hóa khác nhau, mời họ đóng góp về hành vi cá nhân, cũng như những vấn đề khác trong công ty và hoan nghênh bất cứ hành động, sự thay đổi nào dựa trên sự phản hồi, góp ý.

Dìu dắt, hướng dẫn và đề bạt cho những cá nhân thuộc những nền văn hóa khác nhau và khuyến khích người khác cũng làm như vậy.

Cách để làm việc với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau

Hầu hết mọi người đều đánh giá cao nỗ lực để giao tiếp. Hãy vui vẻ chào mừng bằng ngôn ngữ của chính họ, cần hiểu và tôn trọng niềm tin của họ.

Cần khoảng thời gian dài để xây dựng niềm tin và mối quan hệ tốt với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Hãy kiên nhẫn.

Đừng quá lo lắng vì sợ phạm lỗi lầm trong khi giao tiếp. Hãy cởi mở yêu cầu mọi người cho biết bất cứ lúc nào chúng ta vô tình có cử chỉ hoặc lời nói xúc phạm đối với văn hóa của họ. Hãy giải thích rõ ràng những thủ tục, quy trình mà chúng ta đề nghị tiến hành và lý do thực hiện để người ta dễ hiểu và chấp nhận.

Khi nói chuyện với nhân viên không thành thạo về mặt ngôn ngữ:

Nếu tài liệu mang tính chuyên môn hoặc phức tạp, hãy nhờ một thông dịch viên có trình độ.

Với những vấn đề đơn giản hơn, hãy nhờ một cộng sự nào đó hiểu biết cả ngôn ngữ của chúng ta và của người đó để thông dịch, giải thích.

Hãy sử dụng lời nói (mà không phải là cử chỉ) để diễn tả điều muốn nói. Cử chỉ hay điệu bộ của chúng ta có thể làm người đến từ nền văn hóa khác không hiểu, hiểu khác đi hoặc hiểu ngược lại.

Hãy tìm hiểu đối phương có thể hiểu như thế nào về vấn đề đang thảo luận.

Tóm tắt

Cư xử khéo léo với người khác bắt đầu bằng sự công nhận mỗi người là một cá thể riêng biệt.

Chúng ta cần cố gắng đáp ứng nhu cầu khác nhau của những người khác nhau và đối xử với mọi người một cách công bằng và ngay thẳng.

Bằng cách truyền cho các thành viên niềm hãnh diện trong công việc, chúng ta giúp cho nhóm vui vẻ và làm việc đạt năng suất cao.

Nhân viên của chúng ta sẽ tận tụy hơn với cơ quan, tổ chức nếu chúng ta chủ động đón nhận ý tưởng và sự sáng tạo của họ.

Trong môi trường công sở và ở nơi khác, cần nhớ rằng chúng ta không phải là trung tâm của mọi người.

Hãy nỗ lực xem xét, đáp ứng nhu cầu của các nhân viên. Hãy nỗ lực hướng dẫn và khen ngợi người khác ở công sở. Chúng ta dễ có thành kiến với những người khác biệt chúng ta. Cần thận trọng xem xét hành vi của mình đối với người khác để có thể phát hiện và hạn chế thành kiến của mình.

Khi tính đa văn hóa ngày càng gia tăng trên thế giới, chúng ta cần tận dụng lợi thế của những người đến từ những nền văn hóa khác. Trong môi trường công sở, chúng ta cần có những cách thức để hoan nghênh và đón nhận những người từ nhiều quốc gia và tín ngưỡng khác nhau.

---o0o---

Trích: “10 Bước Để Có Cuộc Sống Trọn Vẹn”

Tủ Sách Thành Công Của Dale Carnegie

Tác giả: Dale Carnegie

Người dịch: Hoàng Huấn

Nhà Xuất Bản Lao Động, 2018

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan