QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN - DALE CARNEGIE

QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ

10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN - DALE CARNEGIE

Người dịch: Hoàng Huấn

-----o0o-----

Cho tới nay, có một số người cố gắng viết những “cuốn từ điển” như vậy. Họ liệt kê nhiều “tín hiệu” khác nhau và xác định ý nghĩa của chúng. Chẳng hạn, một người đưa tay chống cằm. Điều đó có ý nghĩa gì? Anh ta đang suy nghĩ về một vấn đề. Thật vậy, anh ta có thể đang nghiền ngẫm vấn đề, nhưng cũng có thể sáng nay anh ta chưa cạo râu nên cằm… ngứa ngáy.
QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN - DALE CARNEGIE

Tất cả chúng ta truyền đạt thông tin không chỉ bằng lời nói. Trên thực tế, lời nói thường được bổ sung bằng cách sử dụng cơ thể, nét mặt, điệu bộ, thậm chí cách chúng ta ngồi hoặc đứng cũng đều có ý nghĩa. Không hữu ích hay sao nếu chúng ta có thể mua một cuốn từ điển về ngôn ngữ cơ thể để tra cứu một cử chỉ hay cách diễn đạt có ý nghĩa là gì? Khi đó, chúng ta có thể hiểu người ta thật sự đang muốn nói gì.

Cho tới nay, có một số người cố gắng viết những “cuốn từ điển” như vậy. Họ liệt kê nhiều “tín hiệu” khác nhau và xác định ý nghĩa của chúng. Chẳng hạn, một người đưa tay chống cằm. Điều đó có ý nghĩa gì? Anh ta đang suy nghĩ về một vấn đề. Thật vậy, anh ta có thể đang nghiền ngẫm vấn đề, nhưng cũng có thể sáng nay anh ta chưa cạo râu nên cằm… ngứa ngáy.

Một người đang ngồi bên kia với điệu bộ khoanh tay. Một số “chuyên gia” có thể cho rằng anh ấy đang thu mình lại và không muốn tiếp xúc với người khác. Không phải vậy! Hãy nhìn vào những người trong một lớp học, buổi thuyết trình hoặc buổi trình diễn nghệ thuật, chúng ta cũng thấy có một số người đang khoanh tay. Không lẽ họ đang từ chối… giảng viên hoặc diễn viên hay sao? Thật ra, đó cũng là một kiểu ngồi nếu chúng ta đang cảm thấy lạnh, cử chỉ khoanh tay này giúp chúng ta cảm thấy ấm hơn. Mặt khác, trong cuộc trò chuyện, nếu đối phương bất ngờ khoanh tay, điều đó có thể cho thấy họ đang bất đồng ý kiến với chúng ta.

Không có ngôn ngữ cơ thể chung

Mặc dù không có ngôn ngữ cơ thể chung nhất, điều này không có nghĩa là người ta không thể hiểu được nó. Mỗi người trong chúng ta đều có cách bày tỏ cảm xúc và ý tưởng khác nhau thông qua ngôn ngữ cơ thể. Tại sao lại như vậy? Ngôn ngữ cơ thể chủ yếu là sự phỏng theo. Chúng ta có khuynh hướng bắt chước người khác và thường là bắt nguồn từ cha mẹ. Ngoài ra, ngôn ngữ cơ thể có quan hệ mật thiết với đặc tính dân tộc.

Chẳng hạn, hai bé trai sinh ra ở Detroit, Michigan (Mỹ) nhưng cha mẹ chúng nhập cư tới xứ sở này từ hai quốc gia khác nhau. Một gia đình đến từ một nước có truyền thống khoa tay múa chân khi nói chuyện. Họ không thể nói chuyện mà không sử dụng bàn tay để ra hiệu. Và gia đình kia đến từ quốc gia ít sử dụng ngôn ngữ cơ thể, ngoại trừ trường hợp bộc lộ cảm xúc cao độ. Hai cậu bé lần đầu gặp nhau ở trường trung học. Cậu bé thứ nhất đang kể một câu chuyện theo cách bình thường, tức là diễn tả hai tay một cách cuồng nhiệt. Cậu bé thứ hai nghĩ: “Trời đất, nó rất hào hứng về chuyện này đây!”, và đáp lại theo cách bình thản như thông thường. Nhưng cậu bé thứ nhất lại nghĩ: “Nó chẳng quan tâm chút nào tới câu chuyện mình kể!”

Tương tự như vậy, điệu bộ trong ngôn ngữ cơ thể có thể bắt nguồn từ thói quen của gia đình. Khi bất cứ ai nói chuyện với một thành viên trong gia đình của Chelsea, họ đều được đáp lại bằng những cái gật đầu thường xuyên. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều hiểu người nào đó gật đầu tức là họ đồng tình với chúng ta. Nhưng khi được hỏi về vấn đề này, Chelsea giải thích rằng đối với gia đình mình, cử chỉ gật đầu khi có người khác đang nói nhằm bày tỏ mình đang… chú ý lắng nghe.

Hãy nghiên cứu cử chỉ của mỗi người

Nếu như ngôn ngữ cơ thể là quan trọng trong việc giao tiếp, thì có cách nào để chúng ta học nó không? Trên thực tế, không có cách nào hiểu được chính xác 100% ngôn ngữ cơ thể. Nhưng chúng ta có thể hiểu được cử chỉ và phản ứng không bằng lời khi đã quen thuộc với người nào đó. Khi thường xuyên tiếp xúc với ai và bằng cách cẩn thận quan sát, chúng ta có thể học được ngôn ngữ cơ thể của họ. Chẳng hạn, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy khi đồng ý, Claudia có khuynh hướng nghiêng người về phía trước, còn Paul thì sẽ nghiêng đầu sang phải.
Và như vừa nêu ở trên, chúng ta thấy Chelsea cứ gật đầu bất chấp chúng ta nói gì, nhưng khi không hiểu điều nào đó, cô ấy có cái nhìn lúng túng trên gương mặt dù vẫn đang… gật đầu.

Bằng cách cẩn thận chú ý cử chỉ của mỗi người, chúng ta sẽ có thể hiểu được điệu bộ của họ. Sau một thời gian, chúng ta có thể thấy rằng với những người này, một số cử chỉ hoặc điệu bộ diễn tả thường được sử dụng hơn ở những người khác. Từ đó, chúng ta có thể suy rộng ra khi tiếp xúc với những người mới. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận và đừng tin tưởng tuyệt đối đối với cách hiểu của mình cho tới khi chúng ta thật sự hiểu họ.

Khi ngôn ngữ cơ thể dường như mâu thuẫn hay ngược lại với lời nói hoặc khi không chắc chắn tín hiệu phát ra có nghĩa là gì, chúng ta hãy hỏi lại. Đừng ngần ngại hỏi đối phương khi có bất cứ điều gì chưa rõ ràng. Khi đó, chúng ta có thể vượt qua những nghi ngờ do cử chỉ gây ra nhằm có thể hiểu rõ ý nghĩa của nó.

Ngôn ngữ cơ thể là công cụ rất mạnh. Chúng ta diễn tả điệu bộ, cử chỉ trước khi nói và rõ ràng, 80% điều bạn hiểu trong cuộc nói chuyện là bắt nguồn từ ngôn ngữ cơ thể, mà không phải lời nói.

Deborah Bull, vũ công và tác giả

Trích “10 Bước Để Có Cuộc Sống Trọn Vẹn”

Tác giả: Dale Carnegie

Người dịch: Hoàng Huấn

NXB Lao Động – Phương Nam Book

Bài viết liên quan