13 CÁCH ĐỂ GIẢM THIỂU LO ÂU - DALE CARNEGIE - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

13 CÁCH ĐỂ GIẢM THIỂU LO ÂU

DALE CARNEGIE - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

---o0o---

“Khi gặp trục trặc, đầu tiên hãy tự hỏi: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận nó. Sau đó, tìm cách cải thiện điều tồi tệ này.
13 CÁCH ĐỂ GIẢM THIỂU LO ÂU - DALE CARNEGIE - 10 BƯỚC ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TRỌN VẸN

Khuyên ai đó đừng lo lắng thì rất dễ dàng, nhưng thực hành điều đó lại là một vấn đề khác. Sau đây là một số cách giúp giảm thiểu lo âu:

*1 Đừng ngập ngừng, mà hãy quyết định dứt khoát

Khi gặp vấn đề làm lo lắng, đừng cứ suy nghĩ miên man, không dứt. Cuối cùng, hãy đối mặt với nó và đưa ra quyết định. Khi đã có quyết định, hãy kiên trì theo đó. Có thể quyết định sẽ có lúc không đúng, nhưng phương pháp này thường tốt hơn là cứ ngập ngừng, dao động không ngớt.

*2. Đừng lo âu, hãy suy nghĩ tích cực

Hãy nhớ rằng lo âu hoàn toàn không giống với suy nghĩ bình thường. Tư duy trong sáng mang tính tích cực và xây dựng, còn lo âu gây ra tổn hại.

*3. Nếu có thể giải quyết vấn đề đang làm chúng ta nhức đầu, ãy tiến hành

Chúng ta nên từng bước thực hiện vấn đề vượt qua nó nhằm không còn lo lắng nữa. Một số thành viên của Viện dưỡng lão ở New York, Mỹ, lo lắng bị cướp khi trên đường đi tới hoặc rời khỏi nơi đây. Nỗi sợ dai dẳng này làm nhiều người cứ ở trong phòng và khi phải ra ngoài, họ rất hoang mang. Tuy nhiên, một người đàn ông ở đây nhận thấy rằng họ cứ mãi lo sợ mà chẳng có hành động gì cả. Ông ấy quyết định phải có hành động gì đó. Kết quả là họ tổ chức, bố thí mỗi ngày nhiều người đàn ông và phụ nữ cùng đi với nhau qua “địa điểm dữ dội trong khu lân cận” vào một giờ nào đó. Thay vì cứ ngồi lo âu, chính lối suy nghĩ tích cực này đã giải quyết được vấn đề.

*4. Quan tâm tới việc của chính mình

Nhiều người trong chúng ta thường tạo ra rắc rối cho mình do thích can thiệp vào chuyện của…người khác. Sở dĩ làm như vậy là vì chúng ta tin rằng giải pháp của mình là tốt nhất và những ai không theo ý của chúng ta là đáng trách nên kéo họ theo hướng đi đúng – tức là hướng giải quyết của chúng ta. Nếu chỉ suy nghĩ tới việc của mình và chỉ cho lời khuyên khi được người khác yêu cầu, chúng ta bớt làm mình lo lắng hơn.

*5. Đừng hận thù

Mặc dù “đắm chìm trong suy nghĩ” có thể khác với “lo lắng”, nhưng chúng đều là hành vi lặp đi lặp lại và thói quen không tốt. Chúng ta có thể bị đắm chìm trong suy nghĩ vào những sự việc mà mình cho rằng gây ra đau khổ, phiền muộn. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành người cao thượng, chúng ta cần học cách tha thứ và quên đi. Cuộc đời quá ngắn nên đừng lãng phí thời gian vào những chuyện lặt vặt. Hãy tha thứ, quên đi và tiến bước.

*6. Tin vào chính mình

Chúng ta thường lo lắng rằng người khác không công nhận thành tựu của mình. Sếp hoặc cộng sự hiếm khi hoặc không bao giờ khen ngợi chúng ta. Họ có thể phê bình chúng ta và không đề cập tới những gì chúng ta đạt được. Như vậy, chúng ta đã quá quan tâm tới việc người khác nhìn chúng ta như thế nào. Chúng ta cần hiểu rằng trên thực tế, có nhiều người hiếm khi khen ngợi người khác dù họ không ích kỷ. Và nếu tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng cũng như sức mạnh của mình, chúng ta sẽ bớt lo nghĩ về thái độ của người khác đối với mình.

“Chúng ta có lẽ sẽ không bận tâm về điều người khác nghĩ về mình nếu nhận ra rằng họ ít khi làm như vậy.

--Olin Miller, nhà văn trào phúng”

*7. Đừng đố kỵ

Tất cả cúng ta đều biết ganh tị làm mình bất an. Chúng ta có thể làm việc siêng năng hơn cộng sự của mình, nhưng họ được thăng chức còn chúng ta thì không. Việc kinh doanh của chúng ta đang gặp khó khăn trong khi đối thủ lại làm ăn phát đạt. Chúng ta ganh tị với người hàng xóm vì họ có chiếc xe hơi mới và đắt tiền hơn nhiều. Sự đố kỵ  không giải quyết được vấn đề, nhưng dẫn tới bất an và lo âu. Chúng ta cần học cách chấp nhận những gì mình có và làm việc hết sức mình để cải thiện nó bằng thái độ không đố kỵ, ganh tị.

*8. Hoan nghênh sự thay đổi

Thay đổi là không thể tránh khỏi. Nếu không thay đổi thì không có tiến bộ. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta sợ thay đổi bởi vì nó kéo chúng ta ra khỏi vùng an toàn. Nếu bắt buộc phải thay đổi, thay vì cứ lo lắng và có thái độ tiêu cực, hãy tập trung để sự thay đổi diễn ra tốt hơn.

Jack cứ trằn trọc không ngủ được vì đang lo lắng. Một tuần nữa thì sếp mới sẽ nhậm chức. Anh đã làm việc ăn ý với sếp cũ và khi vị sếp này từ chức, thay vì chọn một nhân viên kỳ cựu lên thay, công ty lại tuyển dụng một người hoàn toàn mới từ bên ngoài vào. Jack nghĩ: “Có thể sếp mới sẽ rất khó chịu và cũng có thể không thích mình.” Anh cứ lo lắng như vậy trong vài ngày và bị khó ngủ. Ngược lại, Jack thấy Tony, bạn của anh và cũng là cộng sự, lại rất bình thản.

Jack thắc mắc: “Tony, bạn không lo lắng về sếp mới sao?”

Tony lắc đầu: “Dĩ nhiên tôi cũng có quan tâm chứ. Sếp mới sẽ có những thay đổi, nhưng tôi không quá lo lắng. Liệu có chuyện không hay sắp xảy ra sao?”

Jack đáp: “Ừ, sếp mới có thể sẽ sa thải mình.”

Tony đáp: “Đối với tôi, nếu bị sếp mới sa thải, thì thời gian qua, tôi đã học hỏi được một số kỹ năng ở đây nên có thể tìm việc khác. Nhưng trên thực tế, không có lý do gì mà sếp sa thải tôi. Tôi đã làm việc tốt và sẽ tiếp tục như vậy. Nếu sếp mới đưa ra thay đổi, tôi sẽ chấp nhận thôi. Còn nếu tôi không phù hợp, thì vẫn còn nhiều công việc khác ở đây mà. Vậy thì tại sao  lại phải lo lắng?”

Nhận thấy suy nghĩ của Tony rất hợp lý, Jack đã tiếp thu điều đó nên có thể làm việc mà không còn lo lắng và mất ngủ nữa. Chắc chắn, anh ấy vẫn còn lo lắng, nhưng thay vì ngồi mơ màng viễn vông những thứ tiêu cực chưa xảy ra, anh ấy nên cố gắng thoải mái và chấp nhận tình hình.

Hãy nhớ rằng sự thay đổi không chỉ giới hạn trong việc người khác yêu cầu, bắt buộc chúng ta thay đổi. Trên thực tế, chúng ta có thể tự thay đổi bằng cách nghiên cứu cách làm việc của mình và tìm cách cải tiến phương pháp thực hiện sao cho hiệu quả hơn. Yêu cầu thay đổi có thể dẫn tới rủi ro và quá trình thay đổi có thể thất bại, nhưng người tự tin biết cách chấp nhận rủi ro, nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tiến bước mà không lo lắng.

*9. Học cách chấp nhận điều không thể tránh khỏi

Sau 20 năm làm việc ở công ty, Elizabeth mong chờ tám năm nữa bà sẽ về hưu. Tuy nhiên, Elizabeth không thể nào ngờ được công ty lại tuyên bố phá sản.

Tất cả kế hoạch của Elizabeth đều dựa trên tình hình đang có công ăn việc làm. Bà đã khóc mỗi đêm trước khi ngủ. Trước đó, Elizabeth thường tự hào về khả năng tự chủ của mình và giờ đây, bà trở nên lệ thuộc vào con cái. Trong vài tuần, từ người rất tự tin và vui vẻ, Elizabeth trở thành người lo âu với những cơn nhức đầu và thường xuyên rối loạn dạ dày. Bác sĩ nhận thấy đây là tâm bệnh và cần trị liệu bằng liệu pháp tâm lý. Ông ấy đã đề nghị bà nghiên cứu “Lời nguyện an tĩnh” của Reinhold Niebuhr.

Lạy chúa, xin ban cho con sự bình thản,

Để chấp nhận những điều con không thể thay đổi được, cho con lòng can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi, và cho con sự khôn ngoan, để biết phân biệt chúng.

Cuối cùng, Elizabeth đã có thể tách biệt điều có thể thay đổi (thái độ của bà) và điều không thể thay đổi (công ty đóng cửa). Với sự trợ giúp của gia đình và bạn bè, Elizabeth đã chấp nhận điều không thể tránh khỏi và bắt đầu tìm công việc mới. Cuối cùng, bà có những bước đi mới và hào hứng trong giai đoạn mới của đời mình.

*10. Đừng cố gắng quá khả năng

Chúng ta thường đảm đương nhiều công việc hơn khả năng của mình. Do muốn người khác khâm phục, chúng ta nhận lãnh nhiều việc vượt quá khả năng giải quyết. Chúng ta cần nhận công việc trong khi mình đang quá tải, chúng ta hãy khéo léo từ chối.

*11. Suy nghĩ điều tích cực

Khi tâm trí không suy nghĩ những điều tích cực, thường chúng ta sẽ bận tâm, lo lắng về những việc tầm thường và thậm chí có thể không xảy ra. Do đó, chúng ta cần để tâm trí mình bận rộn với những điều hữu ích và đáng giá. Hãy đọc cuốn sách bổ ích, nghe nhạc hay, tập trung vào dự án của cộng đồng, chơi với những thú vui tao nhã, nghĩ về niềm vui và điều may mắn trong cuộc sống hoặc tọa thiền. Khi đó, chúng ta sẽ loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, phiền muộn.

*12. Đừng trì hoãn

Trong công việc và trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải làm những việc mà mình không thích. Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng tránh né những công việc mình không ưa và chỉ làm những gì mình thích. Nếu ban đầu làm những việc mình không ưa. Đây là thất sách. Nếu làm trước những việc khó khăn, đầy thách thức, sau đó chúng ta có thể mong đợi những việc đầy hứng thú.

*13. Học hỏi từ sai lầm của mình

Tất cả chúng ta đều sai lầm. Như đã đề cập ở trên, chúng ta cần chấp nhận rủi ro để có thể tiến bộ và trong bất cứ rủi ro nào cũng đều có khả năng dẫn tới thất bại. Người thành công chấp nhận rủi ro với từng quyết  định của mình. Tuy không thể loại trừ được rủi ro, nhưng họ có thể giảm thiểu bằng phân tích và hoạch định cẩn thận. Nếu không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con.

Khi đương đầu với thất bại, thay vì cứ lo lắng và đắm chìm trong suy nghĩ, chúng ta cần tìm hiểu cẩn thận nguyên do của sự cố và tiến hành khắc phục, nếu có thể. Chính là sau khi phân tích nguyên nhân của trục trặc và tìm kiếm giải pháp khả dĩ, chúng ta sẽ không phạm sai lầm tương tự trong tương lai.

“Khi gặp trục trặc, đầu tiên hãy tự hỏi: Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? Hãy chuẩn bị tinh thần để chấp nhận nó. Sau đó, tìm cách cải thiện điều tồi tệ này.

--Dale Carnegie, diễn giả và tác giả

---o0o---

Trích: “ 10 Bước Để Có Cuộc Sống Trọn Vẹn”

Dale Carnegie

Dịch: Hoàng Huấn

Nhà Xuất Bản Lao Động -2018

Bài viết liên quan