DUKKHA: BẤT TOẠI NGUYỆN - SYLVIA BOORSTEIN - ĐƠN GIẢN HƠN TA NGHĨ

DUKKHA: BẤT TOẠI NGUYỆN

SYLVIA BOORSTEIN - ĐƠN GIẢN HƠN TA NGHĨ

-------o0o-------

Khi ta ý thức được sự mỏng manh và tạm bợ của mọi hiện tượng, sự thật là sớm muộn gì chúng ta rồi cũng sẽ mất nhau, ta sẽ cảm thấy mình cần phải biết thương yêu nhau, hiểu biết nhau nhiều hơn.
DUKKHA: BẤT TOẠI NGUYỆN - SYLVIA BOORSTEIN - ĐƠN GIẢN HƠN TA NGHĨ

Khi ta nói: “Cuộc đời này không toại nguyện”, việc ấy có vẻ hơi thiếu lịch sự, như là chúng ta đang phàn nàn về một cái gì. Tôi nhớ khi lên lớp Ba, tôi bị cô giáo phê “Không vừa ý” trong mục “Làm việc và chơi đùa với bạn”. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn cảm thấy hơi bất mãn. Tôi nghĩ, có lẽ tôi bị điểm xấu vì khi so sánh với những người khác, họ đã làm việc và chơi với nhau hay hơn tôi. Nhưng làm sao mà cuộc sống lại có thể là “không toại nguyện” được? Ta so sánh nó với cái gì đây?

Con dấu thứ hai của những kinh nghiệm trong cuộc sống là sự bất toại nguyện, tức dukkha. Đức Phật dạy rằng sự bất toại nguyện cơ bản nhất của ta phát sinh từ một ý thức về sự vô thường. Đáng lẽ điều ấy phải khai phóng ta mới phải! Vì khi ta “hiểu” được tính cách tạm bợ của mọi vật, ta cũng sẽ “hiểu” là nếu mình bám víu vào bất cứ một cái gì, chẳng những hành động ấy hoàn toàn vô ích mà còn sẽ mang lại cho ta nhiều khổ đau nữa.

Không một việc gì mà có thể tồn tại mãi được. Có lần tôi hướng dẫn một khóa tu một tuần cho toàn những thiền sinh mới. Đa số những phương pháp thiền tập, kể cả phương pháp thiền quán mà tôi hướng dẫn, đều bắt đầu bằng cách yêu cầu mỗi người chú ý đến cảm thọ của hơi thở. Lý do là vì chúng ta ai cũng thở, hơi thở rất bình dị và ai cũng có thể cảm nhận được nó rất dễ dàng. Biết chú ý vào kinh nghiệm của sự thở sẽ đem lại cho ta sự tĩnh lặng và một khả năng tập trung sáng tỏ.

Tôi cố diễn đạt những lời hướng dẫn của tôi sao cho mọi người có thể chú ý và kinh nghiệm được sự biến đổi liên tục đang xảy ra bên trong và chung quanh họ. Tôi cố ý làm việc ấy, vì hy vọng của tôi khi hướng dẫn mọi người là không những họ sẽ được trở nên tĩnh lặng, mà còn phát sinh được tuệ giác, và sẽ tự chúng nghiệm được những chân lý giải thoát mà đức Phật đã dạy. Tôi nói những lời như: “Khi bạn đặt sự chú ý của mình vào kinh nghiệm của sự thở, bạn hãy nhớ ghi nhận sự sinh lên và diệt đi của chúng. Cái gì có sinh ắt sẽ có diệt”.

Mỗi ngày qua trong khóa tu, và tôi tiếp tục đưa ra những lời hướng dẫn tương tự, với hy vọng sẽ giúp mọi người chú ý đến tính cách tạm bợ của mọi hiện tượng. “Khi đi, hãy ghi nhận mỗi bước chân đặt xuống của ta sinh lên và diệt đi như thế nào”, “Khi ăn trưa, hãy ghi nhận cơn đói bụng của ta lúc ban đầu, nó dần mất đi khi ta tiếp tục ăn”. Cuối cùng, một buổi chiều, dường như không còn chịu đựng được nữa, một thiền sinh cắt ngang lời tôi: “Sao bà cứ nói như thế hoài vậy?” anh ta kêu lên. “Tôi không chịu nổi khi bà cứ nói như vậy mãi”.

“Tôi nói như vậy”, tôi đáp, “vì đó là sự thật”. 

Tôi rất cảm thông với sự bất mãn của anh. Tôi có thể chia sẻ được điều ấy vì tôi cũng đã từng trải qua một thời gian dài tương tự. Trên con đường tu tập, cũng đã từng có những lúc mà tôi chỉ ý thức được duy có sự sanh diệt của các hiện tượng mà thôi. Cuộc sống đối với tôi dường như chỉ là những bài toán khó khăn, đau đớn, và vô lý trên con đường đi đến cái chết.

Trong một buổi trình pháp, tôi kể cho vị thầy tôi nghe là tôi cảm thấy mọi chuyện bây giờ đối với tôi dường như rất trống vắng và vô nghĩa.

“Cẩn thận nhé Sylvia”, ông bảo, “đừng để cho cái tuệ giác về tính chất bất toại nguyện này làm khổ đến kinh nghiệm sống của chị”.

“Cám ơn thầy nhiều lắm”, tôi lịch sự trả lời, như học trò đối với một vị thầy mình kính mến, tin là ông hiểu rõ những gì ông nói, và tôi chào ông bước ra ngoài. Khi cánh cửa khép lại phía sau lưng, tôi nghĩ: “Nhưng biết phải làm sao đây?”.

Không lâu sao đó, vẫn còn bị dính mắc với quan niệm rằng Đời vô nghĩa vì bất toại nguyện, tôi cùng với chồng tôi đi nghỉ mát ở Hawaii vào một dịp nghỉ lễ. Kinh nghiệm lần ấy mới thật là kỳ cục! Hawaii phải là một nơi của tình yêu và thơ mộng. Hai vợ chồng tôi cùng ngồi với nhau ngoài vỉa hè của một nhà hàng, ngắm mặt trời hoàng hôn lặn cuối chân trời. Chung quanh tôi là những cặp tình nhân nắm tay nhau, nhìn hoàng hôn mỉm cười. Chắc chắn là họ đang thì thầm với nhau những lời tình tứ, trong khi chỉ có mình tôi là đang khóc thầm trong lòng! “Lại một buổi chiều tàn, một ngày lại trôi qua! Mọi việc đang đi qua. Cuộc đời sao thấy trống vắng và vô nghĩa quá!”. Tôi đoán có lẽ lần ấy tôi đã không là một người bạn đồng hành vui tươi lắm đối với chồng tôi.

Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể ý thức được tính chất bất toại nguyện của cuộc sống mà không cần phải chán bỏ tất cả. Khi ta ý thức được sự mỏng manh và tạm bợ của mọi hiện tượng, sự thật là sớm muộn gì chúng ta rồi cũng sẽ mất nhau, ta sẽ cảm thấy mình cần phải biết thương yêu nhau, hiểu biết nhau nhiều hơn.

Đối với một người bị bệnh nan y, chúng ta thường nói: “Bà ấy không còn được bao nhiêu ngày nữa”. Thật ra thì tất cả chúng ta cũng sẽ còn có được bao nhiêu ngày nữa? Nào ai có thể biết chắc được con số ấy là bao nhiêu. Chúng ta không có một giây phút nào để lãng phí cả!

-------o0o-------

Tác giả:Sylvia Boorstein

Trích: Đơn Giản Hơn Ta Nghĩ

Nguyễn Duy Nhiên dịch

Nhà xuất bản:NXB Phương Đông

Ảnh nguồn internet.

 

Bài viết liên quan