QUẢN LÝ THỜI GIAN - SHARON SALZBERG - AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ

QUẢN LÝ THỜI GIAN

SHARON SALZBERG -AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ

-------o0o-------

Luyện tập tính bình thản sẽ giúp cải thiện kĩ năng quản lí thời gian.
QUẢN LÝ THỜI GIAN - SHARON SALZBERG - AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ

Thời gian có vẻ như là kẻ thù của chúng ta tại nơi làm việc. Thường thì ta cảm thấy có quá ít thời gian khi đang bị quá tải công việc; hoặc lại quá thừa thãi khi chúng ta canh giờ, đợi ngày làm việc kết thúc. Chánh niệm có thể giúp chúng ta thoát khỏi chiếc đồng hồ bấm giờ, ngay cả khi bầu không khí làm việc đang điên cuồng, bằng cách ổn định lại hơi thở của ta. Khi làm gián đoạn chu kì căng thẳng của việc hối thúc, gấp rút và nhồi nhét, ta nhận ra ảo tưởng của việc không đủ thời gian thực sự chỉ là như thế: một ảo tưởng. Trong khi mô hình khan hiếm, chẳng khác nào cái máy chấm công của việc “chỉ có bấy nhiêu đó giờ trong một ngày” khiến chúng ta bị áp lực và nhụt chí, một cách tiếp cận rộng mở, thư thái hơn với thời gian cho ta thấy phần nhiều căng thẳng là do tự mình gây ra. Một nghiên cứu thú vị gần đây đã kiểm tra bản chất ảo tưởng của áp lực về thời gian ở những người rất bận rộn. Các nhà nghiên cứu của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, trường Kinh doanh Hardvard và trường Quản lý Yale đã phát hiện ra rằng khi những người làm việc quá nhiều tình nguyện dành thời gian của họ để giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ, họ cho biết mình cảm thấy ít áp lực hơn so với trước đây. Nói cách khác, “khi một người tình nguyện cho đi thời gian của bản thân, (trớ trêu thay) nó lại khiến họ cảm thấy có năng suất hơn và nhờ vậy ít căng thẳng, vội vã hơn.

Luyện tập tính bình thản sẽ giúp cải thiện kĩ năng quản lí thời gian. Mary Mudd, một nhà quản lí dự án, đã học được điều này một cách hào hứng. “Tôi lên kế hoạch và suy nghĩ rất nhiều về tương lai. Nó là một phần của công việc,” Mary nói. “Những nó cũng có thể khiến một người phát điên. Khi tôi bắt đầu ngồi thiền, tôi nghĩ mình không đời nào có thể tập trung vào ‘bây giờ’ được. Nhưng tôi đã học được rằng tập trung vào hiện tại luôn là điều tốt lành – cho dù điều ấy có nghĩa là dành toàn bộ sự chú ý của tôi cho một cuộc họp bàn dự án hoặc cập nhật một kế hoạch trên máy tính.

Trên thực tế, nhiều người cảm thấy việc mang những phẩm chất như chánh niệm và sự bình thản vào trong công việc của họ không phải là phần khó nhất; phần thực sự khó chính là nhớ được mình muốn làm thế, đặc biệt trong những khoảng thời gian hỗn loạn, không chắc chắn, điên cuồng và áp lực. Ghi nhớ là chìa khóa để mang các giá trị của chúng ta vào cuộc sống. Một khi ta ghi nhớ, chúng ta thường thấy mình có thể tiếp cận được sự bình thản hoặc chánh niệm hay lòng trắc ẩn.

Một số người được trợ giúp bởi những vật nhắc nhở đơn giản: Mary giờ đã có hai chữ “EQ” dán vào bàn phím máy tính để nhắc cô về “tính bình thản” giữa những khoảng thời gian điên cuồng trong công việc. Joan cài đặt điện thoại đổ chuông 30 phút một lần để có thể mang ý thức quay về lại hiện tại. Kathleen huấn luyện cho các nhân viên ở bệnh viện “không đưa bệnh nhân cuối cùng vào phòng của bệnh nhân tiếp theo (về mặt tinh thần),” để họ có thể chủ động lắng nghe từng bệnh nhân. Để làm được việc này, cô hướng dẫn họ có chánh niệm khi chạm vào tay nắm cửa trước khi họ bước vào bất kì căn phòng nào. Để những lời nhắc nhở này có hiệu quả thì tần suất dường như quan trọng hơn thời lượng, vì vậy có một quan điểm hay là hãy chọn thứ gì đó không khiến bạn mất nhiều thời gian để làm, nhưng bạn sẽ phải làm nhiều lần trong suốt ngày làm việc.

Việc đặt ra các ưu tiên là tối quan trọng trong việc duy trì tính cân bằng và dành sự chú ý phù hợp cho mỗi nhiệm vụ. Khi xác định xem một nhiệm vụ có phải là khẩn cấp hay không, chúng ta có thể tự hỏi mình vài câu đơn giản. Tôi có cần làm việc này bây giờ không? Có bao nhiêu người đang phụ thuộc vào việc này để làm công việc của họ? Phần thưởng của việc làm nó ngay bây giờ so với những bất lợi của việc trì hoãn nó là gì? Nếu bạn buộc phải làm nhiều việc cùng một lúc thì làm điều đó với những nhiệm vụ không khẩn cấp là điều khôn ngoan. Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng hoặc khẩn cấp sẽ không mang lại đủ sự chú ý mà từng công việc yêu cầu.

Có một niềm tin xảo quyệt tồn tại trong nền văn hóa của chúng ta, đó là “nhiều hơn tương đương với nhiều hơn”: Nhiều áp lực làm con người sáng tạo hơn, làm việc hiệu quả hơn, từ đó kiếm được nhiều tiền hơn. Không may thay, hạnh phúc của người lao động thường không có phương trình này. Dù hầu hết chúng ta đều thích được bận rộn với công việc, chúng ta không đáp ứng tốt khi bị dội xuống đầu những yêu cầu hoặc kì hạn không hợp lí. Nghiên cứu đã chỉ ra một mối quan hệ trực tiếp giữa thách thức cá nhân và sự thỏa mãn trong công việc, cũng như một mối quan hệ ngược lại giữa bất hạnh và năng suất. Theo nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard, Dan Gilber, tác giả của cuốn sách Stumbling on Happiness (tạm dịch: Tình cờ gặp hạnh phúc), thì: “Con người hạnh phúc nhất khi họ được thách thức một cách phù hợp để hoàn thành các mục tiêu khó khăn nhưng có thể đạt được”. Nhưng một thách thức và một mối đe dọa là không giống nhau. Chẳng hạn, các ông chủ có thể khiến nhân viên làm việc bằng cách đe dọa họ, nhưng họ cũng tạo ra sự bất mãn nơi người lao động, sự thiếu trung thành và xu hướng nhân viên chỉ làm những gì họ bắt buộc phải làm. Mô hình lỗi thời của việc dùng hình phạt với nhân viên như một phương tiện để kiểm soát họ dẫn đến sự không hạnh phúc tăng cao ở nhân viên, những người bị xúc phạm bởi sự thiếu tôn trọng từ cấp trên.

-------o0o-------

Tác giả: SHARON SALZBERG

Trích: AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ

Người dịch: Thanh Hằng

NXB Thanh Niên, 2020.

Ảnh: nguồn internet.

Bài viết liên quan