KHOA HỌC SÁNG TẠO CÓ CHỦ Ý - LUẬT HẤP DẪN – NHỮNG BÀI GIẢNG CƠ BẢN CỦA ABRAHAM - TÁC GIẢ: ESTHER VÀ JERRY HICKS

KHOA HỌC SÁNG TẠO CÓ CHỦ Ý

LUẬT HẤP DẪN – NHỮNG BÀI GIẢNG CƠ BẢN CỦA ABRAHAM

–––––o0o–––––

Dù bạn đang nghĩ về điều gì đó đang xảy ra ngay hiện tại, hoặc điều gì đó xảy ra trong quá khứ, hoặc điều gì đó bạn muốn xảy ra trong tương lai của bạn, thì việc bạn nghĩ vẫn là ở hiện tại. Bạn khởi xuất sự rung động của ý nghĩ trong hiện tại của bạn và Luật hấp dẫn luôn ứng đáp chính sự rung động của ý nghĩ hiện tại, cho nên sức mạnh sáng tạo của bạn tồn tại ngay...
KHOA HỌC SÁNG TẠO CÓ CHỦ Ý - LUẬT HẤP DẪN – NHỮNG BÀI GIẢNG CƠ BẢN CỦA ABRAHAM - TÁC GIẢ: ESTHER VÀ JERRY HICKS

Khoa học sáng tạo có chủ ý: Định nghĩa

Jerry: Abraham, thầy đã nói với chúng tôi về Sự sáng tạo có chủ ý. Thầy có thể nói rõ hơn về giá trị của điều đó và giải thích giúp chúng tôi ngụ ý của các thầy khi nói Sự sáng tạo có chủ ý?

Abraham: Chúng tôi gọi là Khoa học sáng tạo có chủ ý vì chúng tôi cho rằng bạn muốn sáng tạo có mục đích. Nhưng thực ra nên gọi là Luật Sáng tạo thì hợp lí hơn, vì nó phát huy hiệu quả cho dù bạn đang nghĩ về những điều mình muốn hay những điều mình không muốn. Dù bạn đang nghĩ về những gì bạn mong muốn, hay về sự thiếu vắng điều bạn mong muốn (hướng suy nghĩ là do bạn chọn), Luật Sáng tạo vẫn luôn hoạt động bất kể là bạn nghĩ về điều gì.Từ quan điểm vật chất của bạn, phương trình sáng tạo này gồm hai vế quan trọng: khởi phát của ý nghĩ và kỳ vọng vào ý nghĩ - khát khao sáng tạo và cho phép sáng tạo. Từ quan điểm phi vật chất của chúng tôi, chúng tôi cùng lúc trải nghiệm cả hai vế của phương trình này vì không có khoảng cách giữa những gì chúng tôi khao khát và những gì chúng tôi hoàn toàn có thể chờ đợi (chúng xảy đến).

Hầu hết mọi người không nhận thức được sức mạnh ý nghĩ của chính họ, bản chất rung động của thực thể con người họ, hay Luật Hấp dẫn quyền năng, cho nên họ hướng tới hành động để khiến cho mọi chuyện xảy ra. Mặc dù chúng tôi đồng ý rằng hành động là một yếu tố cấu thành quan trọng trong thế giới vật chất mà bạn chú trọng, nhưng không phải thông qua hành động mà bạn sáng tạo trải nghiệm vật chất của mình.Khi hiểu được sức mạnh của ý nghĩ và thực hành nó một cách có chủ ý, bạn sẽ phát hiện ra đòn bẩy mạnh mẽ (trong sáng tạo) chỉ xuất phát từ sự mong muốn và cho phép. Khi bạn chuẩn bị trước, tức là bạn tiên liệu một cách tích cực bằng ý nghĩ của bạn, thì số lượng những hành động cần làm sẽ ít đi nhiều và hành động sẽ mang lại sự thỏa mãn nhiều hơn. Nếu không dành thời gian sắp xếp ý nghĩ, bạn sẽ phải hành động nhiều hơn mà kết quả thì không như mong muốn.

 

Các bệnh viện nhan nhản những người đang phải hành động để trả giá cho những ý nghĩ không thích hợp. Họ không cố ý nhưng đã tạo ra bệnh tật, thông qua ý nghĩ và kỳ vọng, và rồi họ tới bệnh viện thực hiện những hành động vật lý để trả giá cho ý nghĩ. Chúng tôi thấy nhiều người ngày qua ngày phải hành động vì tiền bởi tiền rất quan trọng đối với tự do của đời sống trong xã hội này.

Nhưng trong hầu hết trường hợp thì hành động đó chẳng thú vị gì. Đó chỉ là nỗ lực để trả giá cho ý nghĩ chệch hướng. Bạn có một hành động có chủ ý; đó là phần tươi vui của thế giới vật chất mà bạn đang sống. Nhưng bạn không chủ định sáng tạo thông qua một hành động vật lý - bạn chủ định dùng cơ thể mình để hưởng thụ những gì bạn sáng tạo thông qua ý nghĩ. Khi bạn khởi phát một ý nghĩ, có cảm xúc tích cực, tức là bạn đã bắt đầu sáng tạo, và khi bạn đi qua không gian và thời gian hướng tới điều bạn nghĩ sẽ xảy ra trong tương lai, trông đợi là nó sẽ xảy ra... thì từ sự sáng tạo đầy thích thú mà bạn đã bắt đầu cho tương lai đó, bạn sẽ được truyền cảm hứng để thực hiện hành động mà bạn thích thú. Khi bạn hành động trong hiện tại, mà đó không phải là hành động bạn thích thú, thì chúng tôi cam đoan rằng nó sẽ không dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Điều đó không thể xảy ra vì nó trái với Luật.

Thay vì nhảy bổ vào hành động để có những điều bạn mong muốn, chúng tôi khuyên bạn hãy nghĩ để những điều đó xảy ra; nhìn ra những điều đó, hình dung ra chúng, trông đợi chúng, rồi chúng sẽ xảy ra. Và bạn sẽ được dẫn dắt, được truyền cảm hứng, hay được dẫn tới hành động hoàn hảo để đưa tới những gì bạn tìm kiếm... và có sự khác biệt lớn giữa những gì chúng ta vừa nói và cách thức mà phần lớn thế giới này đang thực hiện.

Tôi mời gọi nó đến bằng cách nghĩ tới nó

Thường thì khi bắt đầu truyền thụ những kiến thức về Phương thức sáng tạo có chủ ý cho các bạn bè vật chất của mình, chúng tôi vấp phải sự phản đối từ những người đã gặp phải những điều không mong muốn trong trải nghiệm sống của họ. Khi nghe chúng tôi nói “Mọi điều là do bạn mời gọi,” họ phản đối và nói “Abraham, tôi chẳng bao giờ mời gọi điều đó vì tôi không mong muốn nó.”Vì vậy, chúng tôi rất muốn cung cấp cho bạn thông tin này để giúp bạn hiểu được vì sao bạn lại nhận được những gì bạn đang nhận, để bạn có thể chủ định hơn khi thu hút chúng đến, để bạn có thể thu hút một cách tự giác những gì bạn muốn và tránh thu hút những gì bạn không mong muốn.

Chúng tôi biết rằng bạn không chủ ý mời chào, thu hút hoặc tạo ra nó. Nhưng chúng tôi muốn nói với bạn rằng bạn là người mời gọi, người thu hút và là người tạo ra nó... bạn làm được như vậy là do bạn nghĩ tới nó. Theo mặc định, bạn khởi phát ý nghĩ của mình và rồi các quy luật mà bạn không hiểu phản ứng với ý nghĩ của bạn, dẫn tới kết quả mà bạn chẳng hiểu nổi. Và đó là lý do chúng tôi xuất hiện để nói với bạn về Luật Vũ trụ, để giúp bạn hiểu làm thế nào có được những gì bạn muốn, để bạn hiểu được cách giành quyền kiểm soát một cách có chủ ý cuộc sống của bạn.

Hầu hết những cái Tôi vật chất hội nhập hoàn toàn vào thế giới vật chất của họ đến nỗi họ chẳng nhận thức được mấy về quan hệ của họ với thế giới Phi vật chất. Ví dụ, bạn muốn có ánh sáng trong phòng ngủ, nên bạn đi tới chỗ cái đèn ở đầu giường ngủ, bật công tắc và thấy ánh sáng tràn ngập căn phòng. Rồi bạn có thể giải thích với người khác rằng “Công tắc này làm sáng đèn.” Nhưng không cần chúng tôi giải thích, bạn vẫn hiểu rằng còn nhiều thứ phải bổ sung vào câu chuyện do đâu mà có điện. Tất cả những gì bạn đang trải nghiệm trong chiều kích vật chất của bạn đều giống như vậy. Bạn chỉ giải thích được một phần nhỏ của lý do khiến sự việc xảy ra. Bởi vậy chúng tôi có mặt để giải thích cho bạn phần còn lại.

Bạn vừa nhập vào chiều kích vật chất từ một chiều kích rộng lớn hơn, đó là chiều kích phi vật chất, với một chủ ý và mục đích lớn. Bạn xuất hiện (trong chiều kích vật chất) vì bạn rất muốn trải nghiệm vật chất này. Đây không phải là trải nghiệm đầu tiên của bạn. Bạn đã có rất nhiều trải nghiệm sống vật chất cũng như phi vật chất. Và bạn đã nhập vào trải nghiệm lần này vì bạn muốn bổ sung vào cái Tôi thực sự của bạn đang tiếp tục biến chuyển - cái Tôi mà qua cơ thể và các giác quan vật chất bạn có thể còn chưa biết vào lúc này, nhưng đó lại là phần rộng lớn hơn, năng động hơn, phát triển hơn, và vui thú hơn.

Nội thể của tôi đang giao tiếp với tôi

Chúng tôi muốn giúp bạn nhớ rằng bạn là người sáng tạo ra trải nghiệm của mình và thật vui sướng khi chủ ý tạo ra nó. Chúng tôi muốn giúp bạn nhớ về quan hệ của bạn với phần phi vật chất, Nội thể của bạn, là cái biết rõ về bạn và liên quan tới bạn trong mọi việc bạn làm. Bạn không nhớ chi tiết mình đã sống như thế nào trước khi xuất hiện trong hình hài vật chất này, nhưng Nội thể nhận thức rõ bạn từng là người như thế nào và không ngừng cung cấp những thông tin để hỗ trợ bạn sống theo cách vui thích nhất có thể trong mọi khoảnh khắc của thời gian.

Khi bạn nhập vào trải nghiệm sống này, bạn không mang theo ký ức đời sống trước đây vì những chi tiết đó sẽ chỉ làm bạn sao nhãng khỏi sức mạnh hiện tại bạn đang có. Tuy nhiên, do mối quan hệ với Nội thể, bạn có thể tiếp cận tri thức của chiều kích rộng lớn hơn hay Tổng thể con người bạn. Phần phi vật chất rộng lớn hơn giao tiếp với bạn và đã làm như vậy từ cái ngày bạn xuất hiện trong hình hài vật chất này. Sự giao tiếp đó diễn ra theo nhiều cách, nhưng toàn bộ con người bạn đang tiếp nhận sự giao tiếp cơ bản xuất hiện dưới dạng cảm xúc của bạn.

Mọi cảm xúc đều là tốt hoặc xấu

Mọi xúc cảm mà bạn nhận thấy, không có ngoại lệ, là sự giao tiếp từ Nội thể, cho biết sự thích hợp của những gì bạn đang nghĩ, đang nói hoặc hành động vào thời điểm đó. Nói cách khác, khi bạn nghĩ một ý nghĩ, mà ý nghĩ ấy không rung động hài hòa với ý định tổng thể của bạn, Nội thể mang tới cho bạn một cảm xúc tiêu cực. Khi bạn làm hay nói gì đó không rung động hài hòa với con người bạn và những gì bạn muốn, Nội thể của bạn sẽ khởi xuất một cảm xúc tiêu cực. Và theo cách này, khi bạn nói, nghĩ hoặc hành động theo hướng hài hòa với ý định của bạn, Nội thể sẽ khởi phát một cảm xúc tích cực.

Chỉ có hai loại cảm xúc: một là dễ chịu và hai là khó chịu. Bạn gọi chúng bằng đủ các loại sự việc khác nhau, tùy thuộc vào tình huống làm chúng phát sinh. Nhưng khi thừa nhận rằng Hệ thống dẫn dắt này (xuất hiện từ bên trong bạn dưới dạng cảm xúc) nói với bạn từ chiều kích bao trọn tổng thể và rộng lớn hơn, bạn sẽ hiểu được rằng bạn thu lợi từ tất thảy những dự định bạn đang có hôm nay và những dự định bạn có khi xuất hiện trong cơ thể vật chất này, và rằng bạn có khả năng kiểm soát mọi chi tiết của tất cả những ham muốn và niềm tin của bản thân, để có thể có quyết định hoàn toàn thích hợp ở mỗi thời điểm.

Tôi có thể tin tưởng những chỉ dẫn từ bên trong tôi

Nhiều người không đoái hoài đến những chỉ dẫn từ linh cảm của chính bản thân mình, mà cứ đi theo những chỉ đạo của cha mẹ, thầy cô, các chuyên gia và lãnh đạo ở các ngành khác nhau. Nhưng càng tìm kiếm sự chỉ dẫn ở người khác thì bạn lại càng bị rời xa khỏi người tư vấn sáng suốt của chính mình. Bởi vậy, thường khi chúng tôi bắt đầu nhắc nhở những người bạn vật chất của mình về việc họ thực sự là ai, giúp họ tái kết nối với Hệ dẫn dắt đã có bên trong họ, thì họ cảm thấy do dự.

Họ thường nghĩ là họ không xứng đáng, họ sai, cho nên họ sợ phải tiến lên phía trước, đặt niềm tin vào sự dẫn dắt hay lương tâm (conscience) của chính bản thân mình, vì họ tin rằng có thể có ai đó biết rõ hơn cái gì là thích hợp cho họ.

Nhưng chúng tôi muốn giúp các bạn nhớ đến cái Tôi mạnh mẽ, đáng giá của chính bạn, và nguyên nhân khiến bạn xuất hiện ở hiện thực không gian - thời gian này. Chúng tôi muốn bạn nhớ đến dự định của bạn là khám phá sự tương phản của môi trường tuyệt diệu này, biết rằng điều đó sẽ làm nảy sinh dòng chảy liên tục những dự định mới, và chúng tôi muốn bạn nhớ rằng con-người-bạn-thực-sự-là - Nội thể của bạn, Tổng thể bạn, hay Nguồn - luôn cảm thấy vui sướng trong quá trình tăng trưởng sắp diễn ra. Chúng tôi muốn bạn nhớ rằng bạn có thể cảm nhận, bằng sức mạnh của cảm xúc ở mỗi thời điểm, cho dù bạn nhìn tình cảnh hiện thời của mình qua nhãn quan của chiều kích rộng lớn hay bạn tự cắt bớt từ Nguồn bằng cách chọn những ý nghĩ có bản chất khác biệt. Nói cách khác, khi bạn cảm thấy yêu thích, nghĩa là cách mà bạn chú ý đối tượng trùng khớp với cách mà cái Tôi bên trong của bạn nhìn đối tượng đó. Khi bạn cảm thấy ghét, tức là bạn nhìn đối tượng mà không có sự kết nối với cái Tôi bên trong.

Các bạn đã biết tất cả những điều này theo linh cảm, đặc biệt là khi bạn còn trẻ, nhưng dần dần, hầu hết các bạn bị lấn át bởi sự kiên quyết của những người khác ở bên cạnh, già hơn, tự cho mình là “thông thái” hơn, khi họ đã rất cố gắng để thuyết phục bạn tin rằng bạn không thể tin cậy những xung lực của chính bạn. Và bởi vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy hầu hết các bạn, những thực thể vật chất, không tin cậy vào bản thân mình, vì những gì xuất phát từ bên trong bạn là tất cả những gì bạn có thể tin cậy. Thế mà các bạn lại dành hầu hết cuộc đời vật chất của mình cho việc tìm kiếm một bộ quy tắc hoặc một nhóm người (tùy theo ý bạn, có thể là nhóm tôn giáo, có thể là nhóm chính trị) nào đó sẽ bảo bạn rằng cái gì đúng, cái gì sai. Và sau đó, bạn dành phần còn lại của cuộc đời vật chất cố gắng gò cái tôi “vuông” của bạn theo cái lỗ “tròn” của ai đó, ráng làm cho những quy tắc cũ kỹ đó, thường là được viết hàng nghìn năm trước khi có bạn, phù hợp với trải nghiệm sống mới mẻ này.

Và hệ quả là như những gì ta chứng kiến, đa phần là bạn thất vọng, hay khá lắm thì cũng bối rối. Và chúng tôi cũng phát hiện thấy rằng mỗi năm có nhiều người trong số các bạn đã chết trong khi vẫn còn cãi vã là bộ quy tắc của ai mới là thích hợp nhất. Chúng tôi nói với các bạn thế này: Không hề có bộ quy tắc chung, bao trùm tất cả và bất biến nào cả, vì chúng ta là những thực thể luôn thay đổi, luôn tìm kiếm sự trưởng thành. Nếu nhà bạn bốc cháy và lính cứu hỏa mang xe cứu hỏa tới - cái thiết bị diệu kỳ có gắn đường ống to, dài, chứa đầy nước - rồi phun vòi nước vào ngôi nhà của bạn, dập tắt ngọn lửa, thì bạn có thể nói “đó thực sự là hành vi thích hợp nhất.” Nhưng nếu vào một ngày không hề có cháy mà những người lính cứu hỏa cùng với vòi nước tương tự như thế xông vào nhà bạn mà phun nước xung quanh thì bạn sẽ nói “đó thực sự là điều không thích hợp.”

Điều này cũng đúng với những đạo luật mà các bạn đang tuân theo:

Hầu hết các đạo luật và quy định của các bạn trong quá khứ không phù hợp với những gì mà các bạn đang sống hiện nay. Nếu bạn không định trưởng thành, bạn đã không hiện diện ở trải nghiệm sống vật chất này. Bạn đang hiện diện như một thực thể đang trưởng thành, luôn thay đổi, tìm kiếm sự tăng trưởng, bởi bạn muốn bổ sung vào điều mà bạn tìm hiểu. Và bạn muốn bổ sung vào tất thảy... Nếu cái được nghĩ ra từ xa xưa lại là cái chung cuộc, thì chẳng có lý do gì để bạn tồn tại ngày hôm nay.

Làm thế nào để tôi nhận được những gì mình đang nhận?

Trước hết, chúng tôi khẳng định rằng các bạn là người sáng tạo nên thực tế của chính mình, và điều này được chấp nhận nồng nhiệt, vì hầu hết mọi người đều mong mỏi kiểm soát trải nghiệm của chính mình. Nhưng khi đã hiểu ra rằng mọi thứ đến với bạn là do bị hấp dẫn bởi ý nghĩ của chính bạn (bạn nhận được cái mà bạn nghĩ dù bạn muốn hay không), thì một số người lại cảm thấy khó chịu khi phải thực hiện một công việc có vẻ khó nhọc là theo dõi ý nghĩ, chọn lọc, rồi chỉ đề xuất những ý nghĩ có thể mang lại những điều mà bạn mong muốn.

Chúng tôi không cổ vũ bạn giám sát ý nghĩ vì chúng tôi đồng ý rằng đó là việc tốn thời gian và phiền phức không thể tưởng tượng nổi; thay vào đó, chúng tôi đề nghị tận dụng một cách có ý thức Hệ dẫn dắt cảm xúc của bạn.

Nếu bạn chú ý đến cách bạn cảm nhận, thì việc giám sát ý nghĩ sẽ không cần thiết. Bất kỳ khi nào bạn cảm thấy dễ chịu, thì hãy hiểu rằng ở thời điểm đó, bạn đang nói, nghĩ, hoặc hành động phù hợp với dự định của mình - và hãy hiểu rằng bất kỳ khi nào bạn cảm thấy khó chịu, tức là bạn đang không hòa hợp với ý định của mình. Nói ngắn gọn là bất kỳ khi nào có cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong bạn thì lúc đó bạn đang sáng tạo sai, dù là thông qua ý nghĩ, thông qua lời nói, hay thông qua hành động. Và như vậy, toàn bộ Phương thức sáng tạo có chủ ý là sự kết hợp của việc chủ động hơn về điều bạn mong muốn, rõ ràng hơn về điều bạn dự định, và nhạy cảm hơn về cách bạn cảm nhận.

Tôi là người sáng tạo duy nhất trải nghiệm của mình

Một câu hỏi quan trọng thường được đặt ra vào thời điểm này của cuộc thảo luận: “Abraham, làm sao tôi biết được rằng những gì xuất phát từ bên trong tôi là đáng tin cậy? Liệu có ai đó lớn mạnh hơn tôi tạo ra mọi quy tắc và muốn tôi theo những quy tắc đó hoặc làm những việc cụ thể không?” Chúng tôi xin trả lời rằng bạn là người sáng tạo trải nghiệm của chính bạn, bạn xuất hiện trong cơ thể vật chất này thông qua sức mạnh của lòng ham muốn của bạn. Bạn không có mặt trong thế giới này để chứng tỏ rằng mình xứng với một điều gì khác, bạn ở đây không phải để tìm kiếm sự cứu rỗi ở nơi khác. Bạn ở đây vì bạn có mục đích cụ thể khi hiện diện nơi đây. Bạn muốn trở thành một Người sáng tạo có chủ ý, và bạn chọn chiều kích vật chất này, nơi có không gian và thời gian, để bạn có thể điều chỉnh những hiểu biết của mình, từ đó thấy được lợi ích của bất kỳ điều gì bạn đã tạo nên trong ý nghĩ bằng cách để nó đến với trải nghiệm vật chất của mình. Bằng cách nhúng bản thân mình vào trải nghiệm của chính mình và bằng việc mở rộng bản thân, bạn đang bổ sung vào sự mở rộng của Vũ trụ, và Tất thảy hưởng lợi từ sự tồn tại của bạn.

Tất cả những gì bạn làm là nhằm đạt tới những gì bạn muốn. Không có danh sách những thứ đúng và danh sách những thứ sai, mà chỉ có những gì hài hòa và không hài hòa với dự định và mục đích thực sự của bạn. Bạn có thể tin cậy vào sự dẫn dắt xuất phát từ bên trong con người bạn, giúp bạn biết được rằng bạn có hòa hợp với trạng thái Hạnh phúc tự nhiên của bạn hay không.

Như nam châm, tôi thu hút ý nghĩ trong sự rung động hài hòa

Luật hấp dẫn chịu trách nhiệm về nhiều thứ hiển hiện rõ rệt trong trải nghiệm sống của các bạn. Các bạn đúc kết nhiều câu châm ngôn vì đã hiểu được một phần của Luật. Các bạn nói “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, hay “Đã tốt lại càng tốt hơn, đã xấu lại càng xấu thêm”, hoặc “Sáng sớm đã xui xẻo thì cả ngày chẳng ra gì”. Nhưng dù các bạn có nói thế thì hầu hết các bạn vẫn không thực sự hiểu được Luật hấp dẫn trên thực tế mạnh đến mức nào. Người ta xích lại gần nhau là vì Luật hấp dẫn. Mỗi tình huống, sự kiện xảy ra đều là hệ quả của Luật này... Những ý nghĩ có đặc tính rung động tương tự nhau sẽ được hút lại gần nhau giống như nam châm thông qua Luật hấp dẫn mạnh mẽ, những người có chung cảm nhận theo cách nào đó cũng bị hút lại gần nhau như nam châm thông qua Luật này; trên thực tế, chừng nào một ý nghĩ nào đó từng rất nhỏ và không đáng kể, không mạnh lắm, lại trở nên rất mạnh vì sự chú ý của bạn vào ý nghĩ đó, chừng đó những ý nghĩ mà các bạn đang nghĩ được hút lại với nhau.

Nhờ Luật hấp dẫn, mỗi người trong các bạn giống như một thỏi nam châm cực mạnh, hút về phía bạn những gì bạn cảm nhận vào bất kỳ thời điểm nào.

Khi chúng ta nghĩ và nói là chúng ta đang sáng tạo

Không ai khác ngoài bạn sáng tạo trong trải nghiệm của bạn. Bạn làm tất cả mọi việc, và bạn nhận lãnh tất cả mọi thứ từ đó. Khi bạn quan sát trải nghiệm sống của bản thân và của những người khác xung quanh, chúng tôi muốn bạn hiểu rằng không hề có bằng chứng nào mâu thuẫn với những Luật mạnh mẽ mà chúng tôi đang diễn tả. Khi bạn bắt đầu nhận thấy mối quan hệ tương hỗ tuyệt đối giữa những gì bạn nghĩ và bạn nói - với những gì bạn nhận được, thì bạn sẽ tiếp tục hiểu thêm về Luật hấp dẫn, và càng thêm mong muốn tận dụng Hệ dẫn dắt để điều khiển ý nghĩ một cách có chủ ý. Và đương nhiên, bạn sẽ hiểu cuộc sống của những người quanh bạn nhiều hơn. (Trên thực tế, đôi khi nhìn thấy điều đó ở người khác dễ hơn là ở chính mình.)

Bạn có nhận thấy là người nào chỉ hay nói về bệnh tật thì hay bị bệnh không? Bạn có thấy rằng người nào chỉ hay nói về nghèo khó thì thường phải sống nghèo khổ, còn người nào nói nhiều về sự thịnh vượng thì lại phát đạt? Khi bạn hiểu rằng ý nghĩ của bạn giống như nam châm, và sự chú ý của bạn đến những ý nghĩ đó sẽ khiến chúng mạnh hơn, cho tới lúc đối tượng của ý nghĩ trở thành đối tượng của trải nghiệm nơi bạn, thì việc bạn sẵn sàng chú ý tới cách bạn cảm nhận sẽ giúp bạn chủ động hơn trong lựa chọn phương hướng cho ý nghĩ của mình.

Dễ nhận thấy Luật hấp dẫn vận hành khi bạn trò chuyện với người khác. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng rằng người bạn của bạn đang nói về một điều gì đó mà cô ta đang trải nghiệm, còn bạn thì muốn chứng tỏ là một người bạn tốt, cho nên bạn tập trung vào lời nói của cô ấy và lắng nghe những ví dụ mà cô ấy nêu ra để diễn tả những gì đã xảy ra với cô. Khi bạn tập trung lâu hơn, ví dụ về những tình huống tương tự từng xảy đến với chính bạn xuất hiện trong tâm trí bạn. Và khi bạn tham gia cuộc trò chuyện bằng cách bổ sung thêm những câu chuyện trong trải nghiệm của bản thân, sự rung động của ý nghĩ lại trở nên lớn mạnh hơn. Sự chú ý đối với các đối tượng đó đủ mạnh, và chuyện trò về những gì bạn đã trải nghiệm đủ lâu thì lại có thêm những trải nghiệm tương tự xảy đến với bạn. Và càng có nhiều ý nghĩ xuất hiện, liên quan tới những gì bạn không mong muốn, thì rốt cuộc bạn sẽ thấy mình hoàn toàn bị bao bọc bởi ý nghĩ, lời nói, và trải nghiệm theo hướng của những gì bạn không mong muốn. (Bạn và người bạn của bạn thậm chí sẽ còn có nhiều hơn những tình huống khó chịu để mà trò chuyện.)

Bây giờ, nếu bạn nhạy cảm với cách thức cảm nhận thì khi cuộc trò chuyện bắt đầu ngả theo hướng mình không mong muốn, bạn sẽ thấy có cảm giác khó chịu trong lòng. Bạn sẽ nhận ra Hệ dẫn dắt của mình mách bảo bạn rằng bạn đang nghĩ và nói về điều mà bạn không mong muốn. Và lí do xuất hiện tín hiệu cảnh báo, hay “tiếng chuông cảnh báo”này, là sự thiếu hài hòa giữa con người thực của bạn, điều bạn thực sự mong muốn, với những gì bạn đang tập trung nghĩ vào thời điểm đó. Cảm xúc của bạn chỉ ra sự bất hòa này. Hệ dẫn dắt của bạn cảnh báo bạn về thực tế là khi bạn nghĩ và nói về những điều không mong muốn đó, bạn là thỏi nam châm hút những tình huống, sự kiện và những người khác đến với mình, và chẳng mấy chốc mà bạn sẽ có trong trải nghiệm của mình thực chất của chính điều mà bạn đã nói tới, và là cái bạn không mong muốn.

Theo cách tương tự, nếu bạn nói về điều bạn mong muốn, ý nghĩ của bạn sẽ bị hút về điều đó. Bạn sẽ hút nhiều người về phía bạn, những người muốn nói về điều bạn mong muốn. Và trong suốt quá trình bạn nói về điều mình mong muốn,Nội thể của bạn sẽ phát ra cảm xúc tích cực để thông báo là bạn, và cả cái mà bạn đang thu hút đến với mình, hài hòa với bản chất của sự cân bằng những dự định mà bạn có.

Sự cân bằng tinh tế giữa Mong muốn và Cho phép

Khoa học sáng tạo có chủ ý là một Luật cân bằng tinh tế, gồm hai phần: một mặt là có ý nghĩ về thứ bạn mong muốn,và mặt khác là có kỳ vọng hay niềm tin vào trải nghiệm của bạn, hoặc cho phép xuất hiện trong trải nghiệm của bạn thứ mà bạn đang tạo nên thông qua ý nghĩ của bạn.Và như vậy, nếu bạn nói “Mình muốn có một chiếc xe mới màu đỏ” thì thông qua ý nghĩ thành lời đó, bạn đã khởi sự tạo nên chiếc xe đỏ mới đó trong trải nghiệm của mình. Bây giờ, nếu bạn chú ý càng nhiều tới ý nghĩ đó, và càng tưởng tượng nhiều hơn và thuần nhất hơn về chiếc xe đỏ đó trong trải nghiệm của bạn, thì bạn lại càng trở nên hưng phấn về nó. Và càng hưng phấn về nó, hay càng có cảm xúc tích cực khi nghĩ tới chiếc xe đỏ của bạn, thì chiếc xe đỏ đó sẽ nhanh đến với trải nghiệm của bạn hơn. Một khi bạn đã sáng tạo nó bằng ý nghĩ, có cảm xúc tích cực mạnh mẽ khi nghĩ tới nó thì chiếc xe sẽ nhanh chóng đến với trải nghiệm của bạn. Nó đã được tạo nên, nó đang tồn tại, và bây giờ để có nó trong trải nghiệm của bạn, bạn chỉ cần cho phép điều đó là xong. Và bạn cho phép điều đó bằng cách kỳ vọng, tin tưởng và để cho sự việc xảy ra. Khi bạn nghi ngờ mình không có khả năng có được chiếc xe đỏ, bạn đã kiềm chế sự sáng tạo của mình. Nếu bạn nói “Tôi muốn một chiếc xe mới màu đỏ”, bạn bắt đầu tạo nên chiếc xe đó, nhưng sau đó bạn lại thêm “nhưng mà nó quá đắt”, thì bạn đang ngăn cản chính bạn khỏi sự sáng tạo. Nói cách khác, bạn đã làm xong phần đầu của việc sáng tạo bằng cách mong muốn, nhưng rồi bạn lại cản trở việc sáng tạo nên thứ mà bạn mong muốn bằng cách không tin tưởng, không kỳ vọng, và không cho phép điều đó xảy ra - vì để mang sự sáng tạo đến với trải nghiệm vật chất của bạn, cần có cả hai phần của quá trình.

Chỉ đơn giản là vì khi bạn nói đến đối tượng của sự sáng tạo thì không nhất thiết có nghĩa là bạn cho phép điều đó xảy ra. Khi bạn nghĩ tới chiếc xe hơi mới màu đỏ và cảm thấy hưng phấn với nó, bạn cho phép điều đó xảy ra, nhưng khi bạn nghĩ tới chiếc xe mới màu đỏ với nỗi lo lắng là bạn sẽ không có được nó (hoặc chán nản vì nó chưa tới) thì thực ra là bạn đang chú ý tới sự thiếu vắng của chiếc xe, và bạn không cho phép nó đến với trải nghiệm của mình.

Đôi khi trong giai đoạn đầu của việc sáng tạo điều gì đó bạn mong muốn, bạn đang đi đúng hướng để có thể nhận được nó vì bạn đang cảm thấy hưng phấn về nó, kỳ vọng về nó một cách tích cực, nhưng sau đó bạn bày tỏ mong muốn này với một người khác, người này sẽ bắt đầu nói với bạn đủ mọi nguyên nhân khiến điều đó không thể xảy ra, hoặc vì sao điều đó không nên xảy ra. Ảnh hưởng tiêu cực của người bạn này sẽ không tác động tới bạn khi bạn đã tập trung vào bản chất ham muốn, và bạn thu hút nó đến với bản thân, nhưng khi bạn tập trung vào sự thiếu vắng ham muốn, bạn đẩy chính điều mà mình mong muốn ra xa khỏi bạn.

Bạn cảm thấy thế nào, tốt hay xấu?

Và như vậy, khi bạn nói “Mình muốn một chiếc xe mới màu đỏ, và mình biết là mình sẽ có nó” thì chiếc xe sẽ đến với bạn. Nhưng khi bạn nói “Nhưng nó ở đâu? Tôi muốn có nó từ rất lâu rồi. Tôi tin Abraham nhưng những thứ tôi mong muốn vẫn không đến với tôi” thì bạn lại không tập trung vào cái bạn mong muốn. Lúc này bạn lại tập trung vào sự thiếu vắng cái mà bạn mong muốn và thông qua Luật hấp dẫn, bạn lại nhận được cái mà bạn tập trung vào.

Nếu bạn tập trung vào bất kỳ thứ gì bạn mong muốn, bạn sẽ thu hút bất kỳ thứ gì mà bạn mong muốn. Nếu bạn tập trung vào sự thiếu vắng bất kỳ thứ gì bạn mong muốn, bạn sẽ thu hút thêm sự thiếu vắng đó. (Mỗi một đối tượng thực ra lại là hai đối tượng: thứ bạn mong muốn và sự thiếu vắng thứ mà bạn mong muốn.) Nếu bạn chú ý tới cách bạn cảm nhận, bạn sẽ luôn biết bạn đang tập trung vào thứ bạn mong muốn hay sự thiếu vắng thứ bạn mong muốn, vì khi bạn nghĩ về thứ bạn mong muốn, bạn cảm thấy dễ chịu, và khi bạn nghĩ tới sự thiếu vắng thứ bạn mong muốn, bạn cảm thấy khó chịu.

Khi bạn nói: “Tôi muốn có tiền để sống theo cách của mình,” bạn sẽ thu hút tiền đến với mình, nhưng khi bạn tập trung vào những thứ bạn muốn mà bạn không có, và bạn nhận thấy sự thiếu vắng đó, bạn đẩy sự dư dả xa khỏi bạn.

Một bài tập trợ giúp quá trình sáng tạo có chủ ý

Đây là một bài tập giúp bạn trong quá trình sáng tạo có chủ ý:

Hãy lấy ba tờ giấy, trên đầu mỗi trang giấy hãy viết một điều mà bạn mong muốn. Bây giờ lấy trang đầu tiên, ở dưới chủ đề mà bạn vừa viết, hãy viết: “Đây là lý do khiến mình muốn điều đó...” Hãy viết bất kỳ điều gì xuất hiện trong đầu - viết bất kỳ những gì tuôn trào ra một cách tự nhiên; đừng cố gắng nặn ra. Và khi không còn gì tuôn trào nữa thì tạm coi như xong.

Rồi bạn hãy quay mặt sau của tờ giấy lại và viết vào đầu trang ở mặt sau đó: “Đây là những lý do khiến mình tin rằng mình sẽ có được điều đó...”

Mặt đầu tiên của trang giấy củng cố điều bạn mong muốn (vế đầu của phương trình Sáng tạo có chủ ý). Mặt thứ hai của trang giấy củng cố niềm tin rằng bạn sẽ có được điều đó (vế thứ hai của phương trình Sáng tạo có chủ ý). Và khi bạn đã tập trung và kích hoạt sự rung động của cả hai vế phương trình, bạn ở trong trạng thái tiếp nhận sự hiển thị mong muốn của bạn, vì bạn đã hoàn thành cả hai vế của quá trình sáng tạo. Tất cả việc cần làm bây giờ chỉ là mong muốn điều đó, và tiếp tục kỳ vọng cho tới khi có được nó, và nó sẽ là của bạn.

Không hề có giới hạn cho số lượng những thứ mà bạn có thể sáng tạo đồng thời, vì không khó để nắm giữ một ham muốn và cùng lúc nắm giữ kỳ vọng đạt được ham muốn đó. Nhưng lúc đầu, khi bạn vẫn đang học cách tập trung ý nghĩ thì việc tập trung một cách có chủ ý vào chỉ hai hoặc ba mong muốn một lúc có lẽ tốt hơn, vì danh sách những điều mong muốn càng dài thì sự nghi ngờ sẽ hằn sâu thêm khi bạn nhìn vào tất cả những điều bạn không đạt được. Càng chơi trò chơi nhiều hơn bạn sẽ càng tập trung ý nghĩ tốt hơn và cuối cùng thì chẳng có lý do gì để hạn chế danh sách những điều mong muốn của bạn theo bất cứ hình thức nào.Trước khi có thể trải nghiệm điều gì đó trong cuộc sống vật chất của bạn, bạn phải nghĩ tới nó trước đã. Ý nghĩ của bạn là lời mời gọi, và thiếu nó thì điều bạn mong muốn sẽ không thể đến được. Chúng tôi khuyến khích bạn quyết định một cách có chủ ý về điều bạn mong muốn, rồi sau đó nghĩ tới điều đó một cách có chủ ý, đồng thời cố tình không nghĩ tới những điều không mong muốn. Chúng tôi cũng khuyến khích các bạn bỏ ra một khoảng thời gian mỗi ngày để ngồi và chủ ý gom ý nghĩ của mình lại thành một dạng hình ảnh (vision) của điều mà bạn muốn trải nghiệm trong cuộc sống của mình, và chúng tôi gọi khoảng thời gian này là Xưởng sáng tạo có chủ ý.

Khi bạn dịch chuyển trong trải nghiệm sống hằng ngày, hãy định sẵn là bạn sẽ nhận ra những điều bạn thích: Hôm nay, dù tôi làm gì, làm việc đó với ai, chủ định lớn nhất của tôi là chỉ kiếm tìm những điều mình thích. Và khi bạn thu thập những thông tin như thế một cách có chủ ý, bạn sẽ có được nguồn lực để sáng tạo hiệu quả khi bạn tới Xưởng sáng tạo của mình.

Những ý nghĩ gây cảm xúc mạnh sẽ biểu lộ nhanh chóng

Chúng tôi đã nói với các bạn rằng ý nghĩ của các bạn có tính nam châm. Nhưng chúng tôi cũng muốn làm rõ hơn ở đây: Mặc dù mỗi ý nghĩ đều có tiềm năng sáng tạo, nhưng những ý nghĩ nào không gây ra cảm xúc mạnh sẽ không thể mang đối tượng mà bạn đang nghĩ đến với trải nghiệm của bạn một cách nhanh chóng. Ngược lại, những ý nghĩ làm bạn có cảm xúc mạnh - dù là tích cực hay tiêu cực - sẽ nhanh chóng biểu lộ bản chất ở trải nghiệm vật chất của bạn. Và cảm xúc mà bạn cảm nhận là sự giao tiếp giữa bạn với Nội thể, khiến bạn biết được mình đang tiếp cận sức mạnh của Vũ trụ.

Nếu bạn đi xem phim kinh dị, và ngồi trong rạp cùng một người bạn, nhìn lên màn ảnh và dõi theo mọi chi tiết gây kinh sợ được trình chiếu cùng với màu sắc và âm thanh, lúc đó bạn đang ở trong Xưởng tiêu cực. Vì khi bạn hình dung tất cả những thứ mình không muốn thấy, cảm xúc mà bạn cảm nhận thấy là cái Nội thể đang nói với bạn, Bạn đang thấy một điều gì đó sống động đến mức mà Vũ trụ truyền sức mạnh cho nó.

Nhưng khi rời rạp chiếu phim, rất may là bạn sẽ nói “Đó chỉ là phim thôi mà”, cho nên bạn sẽ không trông đợi điều đó xảy ra. Bạn không tin là điều đó sẽ xảy đến với bạn, cho nên bạn không hoàn thành vế thứ hai của phương trình. Bạn nghĩ tới điều đó với cảm xúc, cho nên bạn sáng tạo nên nó, nhưng bạn không cho phép nó xảy đến với trải nghiệm của mình vì bạn không thực sự trông đợi nó. Tuy nhiên, nếu khi ra khỏi rạp, người bạn của bạn nói với bạn rằng “Đó có thể chỉ là phim,nhưng đã có lần xảy ra với tôi rồi” thì bạn có thể suy xét ý nghĩ đó, và khi làm như thế, bạn có thể tự đưa mình đến chỗ tin hay trông đợi rằng điều đó cũng xảy đến với mình - và rồi nó sẽ xảy đến. Một mặt là nghĩ, và mặt khác là trông đợi hay tin tưởng, chính sự cân bằng giữa hai điều đó mang đến cho bạn thứ mà bạn nhận được.

Nếu bạn mong muốn và trông đợi điều đó thì điều đó sẽ sớm xảy ra với bạn. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng đạt được sự cân bằng, tức là lúc mong muốn và trông đợi là ngang bằng nhau. Đôi khi mong muốn của bạn rất mạnh,nhưng bạn lại hoàn toàn không có niềm tin. Chẳng hạn như trong câu chuyện người mẹ có đứa con bị mắc kẹt dưới chiếc xe hơi, bà ta không tin là mình có thể nâng chiếc xe nặng ra khỏi đứa con của mình, nhưng nỗi mong muốn mạnh đến mức bà ta có thể làm được việc đó. Mặt khác, có nhiều trường hợp khi niềm tin của bạn rất mạnh, nhưng bạn lại không có mong muốn. Sự sáng tạo nên bệnh tật, chẳng hạn như bệnh ung thư, là loại ví dụ mà khi niềm tin thì rất mạnh nhưng mong muốn thì lại không như thế.

Nhiều người trong các bạn nhiều lần trong một ngày tự thấy mình ở trong cái mà chúng tôi gọi là Xưởng tiêu cực. Khi ngồi bên bàn cùng với một tập hóa đơn, cảm thấy căng thẳng, thậm chí là sợ hãi vì không có đủ tiền để thanh toán, lúc đó bạn đang ở trong Xưởng tiêu cực. Vì khi bạn ngồi đó với ý nghĩ không có đủ tiền, bạn đang ở trong trạng thái hoàn hảo để tạo nên thêm những điều bạn không mong muốn. Cách bạn cảm nhận về điều đó là dấu hiệu từ Nội thể của bạn nói với bạn rằng điều mà bạn đang nghĩ không hài hòa với cái mà bạn mong muốn.

Tóm tắt Quá trình sáng tạo có chủ ý

Bây giờ chúng ta hãy cùng tóm tắt tất cả những điều đã nói ở đây để các bạn có thể có kế hoạch rõ ràng và dứt khoát nhằm kiểm soát có chủ ý trải nghiệm sống của mình: thứ nhất, thừa nhận rằng bạn là những gì hơn cả bạn trong cơ thể vật chất này, và có một phần khác rộng lớn hơn, sáng suốt hơn, chắc chắn là già dặn hơn trong con người bạn, ghi nhớ tất cả những gì bạn đã sống qua, và quan trọng hơn, biết bạn bây giờ như thế nào. Và từ chiều kích bao quát đó, phần khác đó của con người bạn có thể cho bạn thông tin rõ ràng và đầy đủ về sự phù hợp của những gì bạn đang làm, đang nói, đang nghĩ, hoặc của những gì bạn chuẩn bị làm hay chuẩn bị nói.

Bây giờ nếu bạn vạch rõ ý định của bạn vào lúc này, Hệ dẫn dắt của bạn thậm chí còn hoạt động hiệu quả hơn, vì nó có khả năng bao hàm tất cả các dữ liệu, tập hợp từ mọi trải nghiệm của bạn (mọi mong muốn, dự định, niềm tin của bạn), và so sánh dữ liệu đó với thứ mà bạn đang làm hoặc chuẩn bị làm, nhằm cung cấp cho bạn những chỉ dẫn đầy đủ tuyệt đối.

Sau đó, khi bạn di chuyển trong ngày, hãy nhạy bén với cách mà bạn cảm nhận. Và cứ khi nào bạn thấy mình có cảm xúc tiêu cực, hãy dừng bất kỳ việc gì đang làm khiến bạn có cảm xúc đó, vì cảm xúc tiêu cực có nghĩa là trong thời điểm đó, bạn đang sáng tạo một cách tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực tồn tại chỉ khi bạn sáng tạo lầm. Và như thế, khi bạn thừa nhận rằng bạn đang có cảm xúc tiêu cực, không quan trọng là vì sao, bạn đã có cảm xúc đó theo cách nào, không quan trọng tình thế ra sao, hãy dừng bất kỳ việc gì bạn đang làm và tập trung ý nghĩ về điều gì đó làm bạn thấy dễ chịu hơn.

Hãy thực hành Quá trình sáng tạo có chủ ý chừng 15 đến 20 phút mỗi ngày bằng cách ngồi im lặng, không bị quấy rầy hay phân tâm bởi những gì xung quanh, mơ ngay giữa ban ngày về cuộc sống của bạn, nhìn thấy bạn như chính bạn muốn, và bao quanh bạn là những thứ làm bạn dễ chịu.

Chú ý đến những gì đang tồn tại chỉ tạo thêm những gì đang tồn tại

Luật hấp dẫn đáp trả bạn, đáp trả điểm hấp dẫn của bạn, và điểm hấp dẫn của bạn do ý nghĩ của bạn tạo nên. Cách bạn cảm nhận là do ý nghĩ của bạn gây ra. Cho nên cách bạn cảm nhận về bản thân là điểm hấp dẫn mạnh và cuốn hút như nam châm của bạn. Khi bạn cảm thấy nghèo nàn, bạn không thể thu hút sự thịnh vượng. Khi bạn cảm thấy béo, bạn không thể thu hút sự thanh mảnh. Khi bạn cảm thấy cô đơn, bạn không thể thu hút sự đồng điệu - vì điều đó sẽ thách thức Luật. Nhiều người quanh bạn chỉ ra “thực tế” cho bạn. Họ nói rằng “Hãy đối mặt với sự thật. Hãy nhìn vào những gì tồn tại.” Và chúng tôi nói với bạn rằng nếu bạn chỉ có thể nhìn vào những gì tồn tại thì theo Luật hấp dẫn bạn sẽ chỉ sáng tạo thêm những gì đang tồn tại. Bạn cần phải có khả năng đặt ý nghĩ của bạn vượt quá những gì đang tồn tại để có thể thu hút những điều khác biệt hoặc những gì nhiều hơn thế.

Sự chú ý mang tính xúc cảm của bạn đối với những gì đang tồn tại sẽ cột chặt bạn như cái cây bén rễ vào một chỗ, nhưng những tưởng tượng mang tính xúc cảm (hạnh phúc) về thứ mà bạn muốn thu hút đến với trải nghiệm của mình sẽ mang lại những thay đổi đó. Phần nhiều những gì đang có trong cuộc sống của bạn, nếu bạn muốn tiếp tục, thì tiếp tục chú ý tới những thứ đó, và bạn sẽ tiếp tục giữ được những thứ đó trong trải nghiệm của mình. Nếu có bất kỳ điều gì bạn không muốn, bạn cần phải thôi chú ý tới nó.

Đánh giá cao điều gì đó sẽ thu hút điều đó đến với mình

Những ý nghĩ làm nảy sinh cảm xúc của bạn là thứ làm thay đổi cuộc sống của bạn nhanh hơn cả. Những ý nghĩ mà bạn nghĩ khi không có cảm xúc gì sẽ chỉ duy trì những gì đang có. Và như thế, những thứ mà bạn đã sáng tạo nên và đang hưởng thụ có thể giữ gìn bằng cách tiếp tục hưởng thụ chúng. Nhưng với những thứ bạn chưa có và rất mong muốn có ngay thì cần phải có ý nghĩ rõ ràng, có ý thức, có chủ ý, làm nảy sinh cảm xúc về chúng.

Một cách cực kỳ hiệu quả để sử dụng Xưởng sáng tạo là suy xét các khía cạnh mà bạn đánh giá cao ở những đối tượng được bạn cho là quan trọng nhất. Mỗi lần bạn nghĩ tới một đối tượng nào đó, sự chú ý tới tiểu tiết sẽ lớn thêm lên, và càng thêm nhiều lần và thêm nhiều tiểu tiết thì cảm xúc của bạn về đối tượng đó cũng sẽ tăng lên. Khi tận dụng Xưởng sáng tạo theo cách đó, bạn có thể hoàn thành mọi thứ cần thiết cho sự sáng tạo có chủ ý, vì bạn đang nghĩ tới điều bạn mong muốn, và trong cảm xúc hưởng thụ của bạn, bạn đang cho phép điều bạn mong muốn hiển hiện trong trải nghiệm sống của mình. Khi bạn thường xuyên ghé vào Xưởng sáng tạo của mình, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy mối quan hệ tương hỗ giữa những thứ bạn suy ngẫm trong Xưởng của bạn và sự hiển thị của những thứ đó diễn ra trong trải nghiệm sống của bạn.

Liệu Luật vũ trụ có hoạt động khi tôi không có niềm tin?

Jerry: Abraham, làm ơn cho tôi biết, những luật mà thầy nói tới, những luật vũ trụ ấy, chúng có hoạt động ngay cả khi chúng ta không tin là chúng hoạt động không?

Abraham: Thực sự là có. Bạn gây nên rung động ngay cả khi bạn không biết là mình đang làm điều đó; đó là lý do có sự sáng tạo mặc định. Bạn không thể tắt cơ chế sáng tạo của bạn; nó luôn hoạt động, và các Luật luôn đáp trả. Đó là lý do khiến việc hiểu được các luật vũ trụ có giá trị lớn đến vậy. Không hiểu những luật này hơi giống với việc tham gia một trò chơi mà không biết luật chơi. Và thế là khi chơi, bạn không hiểu vì sao mình nhận được cái mà mình nhận được. Kiểu chơi như thế sẽ khiến người chơi thấy chán nản, và hầu hết đều muốn bỏ cuộc.

Làm sao để không phải nhận thứ mình không muốn?

Jerry: Abraham, vậy chúng ta nên làm thế nào để không phải nhận điều mình không mong muốn?

Abraham: Đừng nghĩ tới cái mà bạn không mong muốn. Đừng hướng ý nghĩ tới điều mà bạn không mong muốn, vì sự chú ý của bạn tới điều đó sẽ thu hút nó đến với bạn. Bạn càng nghĩ tới nó, ý nghĩ của bạn càng trở nên mạnh hơn thì cảm xúc trào dâng càng nhiều. Tuy nhiên, khi bạn nói “Tôi sẽ không nghĩ tới đối tượng đó nữa” thì vào thời điểm đó, bạn vẫn còn nghĩ tới nó. Cho nên chìa khóa để giải quyết vấn đề là hãy nghĩ về điều gì đó khác, điều gì đó mà bạn mong muốn. Bằng thực hành, bạn có thể biết được bạn đang nghĩ về thứ bạn mong muốn hoặc không mong muốn thông qua cách cảm nhận về nó.

Xã hội văn minh hiện nay có vẻ thiếu niềm vui

Jerry: Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tôi cho là rất văn minh, và về khía cạnh kinh tế và vật chất thì chúng ta tương đối tốt, nhưng tôi không nhận thấy nhiều niềm vui ở mọi người xung quanh mà tôi gặp ngoài đường hoặc trong công việc. Có phải đó là vì những yếu tố mà thầy đã nói tới... rằng họ có rất ít mong muốn mà chỉ có niềm tin thì mạnh.

Abraham: Hầu hết mọi người kích hoạt sự rung động khi đáp lại những gì họ quan sát thấy. Và như vậy, khi họ quan sát thấy điều gì đó làm họ dễ chịu, họ cảm thấy vui, nhưng khi họ thấy điều gì đó làm họ cảm thấy khó chịu, đơn giản là họ không thấy vui. Và hầu hết mọi người không tin rằng họ có thể kiểm soát dù là chút ít cái cách họ cảm nhận, vì họ không thể kiểm soát được tình thế mà họ đang có những cảm xúc đáp ứng lại. Chính việc họ tin rằng mình thiếu khả năng kiểm soát trải nghiệm của bản thân là nguyên nhân khiến họ thiếu niềm vui như bạn nhận thấy. Và chúng tôi phải nhắc nhở các bạn rằng nếu bạn tiếp tục nhận thấy họ thiếu niềm vui thì rồi niềm vui của bạn cũng sẽ biến mất.

Tôi muốn có ham muốn mãnh liệt

Jerry: Thầy cũng nói rằng nếu ham muốn của bạn rất mãnh liệt thì niềm tin của bạn cũng không cần phải mạnh lắm. Vậy làm thế nào để gây dựng được ham muốn mãnh liệt trong cái Xưởng sáng tạo mà thầy đã nói tới?

Abraham: Phải có một chỗ bắt đầu cho mọi thứ. Nói cách khác, nhiều người giao tiếp với chúng tôi nói rằng “Abraham, tôi nghe những điều thầy nói rồi, nhưng tôi không biết mình muốn gì”. Và chúng tôi nói, bắt đầu bằng cách khẳng định: Tôi muốn biết tôi muốn gì. Vì khi khẳng định như thế, bạn sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút mọi loại dữ liệu mà từ đó bạn có thể đưa ra các quyết định. Bắt đầu từ một chỗ nào đó, và để Luật hấp dẫn cung cấp cho bạn các ví dụ và những lựa chọn, rồi bạn càng nghĩ đến những sự lựa chọn đó, thì bạn càng trở nên ham muốn mãnh liệt hơn.

Sự chú ý tới bất kỳ đối tượng nào cũng sẽ khiến nó lớn dần lên, và vì thế cảm xúc cũng mạnh lên. Khi bạn nghĩ về điều bạn muốn và bạn tiếp tục bổ sung chi tiết vào bức tranh, những ý nghĩ sẽ trở nên mạnh hơn. Nhưng khi bạn nghĩ về điều gì đó bạn mong muốn rồi sau đó lại nghĩ là nó vẫn chưa tới với bạn... rồi bạn lại nghĩ lúc có được điều đó thì thật sung sướng, nhưng sau lại nhớ là cái đó quá đắt và bạn không đủ điều kiện để có nó... cứ nghĩ tới nghĩ lui như thế sẽ làm yếu dần ham muốn của bạn và làm chậm lại sự lớn mạnh của ý nghĩ.

Tôi có thể gạt bỏ niềm tin phản tác dụng được không?

Jerry: Liệu người ta có thể sáng tạo theo một hướng mong muốn cụ thể nào đó ngay cả khi người ta đã bị dẫn dắt (bởi những người khác) đến chỗ tin rằng số phận của họ được sáng tạo theo một hướng khác?

Abraham: Nếu mong muốn của họ đủ mạnh thì họ có thể. Nói cách khác, người mẹ mà chúng ta đã nhắc tới trong câu chuyện ở phần trước được xã hội và chính trải nghiệm sống của bà dạy cho bà tin rằng bà không thể nhấc nổi chiếc xe nặng đến thế, nhưng khi mong muốn của bà đủ mãnh liệt (vào lúc đứa con bị nguy hiểm) thì bà có thể làm được việc đó.Và như thế nếu mong muốn đủ mạnh thì niềm tin có thể bị lấn át.

Niềm tin thường rất mạnh và chậm thay đổi, nhưng chúng có thể thay đổi. Khi bạn tiếp tục vươn tới những ý nghĩ mang lại cảm xúc dễ chịu và dễ chịu hơn nữa, bạn sẽ tìm thấy chúng và kích hoạt chúng, và rồi Luật hấp dẫn sẽ đáp ứng, rồi sẽ đến lúc cuộc sống mới của bạn thể hiện những thay đổi (niềm tin) đó trong ý nghĩ. Nếu bạn cứ giữ ý nghĩ là bạn chỉ có thể tin vào những thứ có căn cứ là “bằng chứng thực tế” thì đối với bạn sẽ chẳng có gì thay đổi, nhưng khi bạn hiểu rằng việc thay đổi sự tập trung ý nghĩ, và sự ứng đáp của Luật hấp dẫn đối với ý nghĩ mới, sẽ mang lại bằng chứng mới, thì bạn sẽ hiểu sức mạnh của sự sáng tạo có chủ ý.

Niềm tin của kiếp trước có ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của tôi hay không?

Jerry: Có ý nghĩ (hoặc niềm tin) nào từ một trong những kiếp trước vẫn còn sáng tạo, hoặc có khả năng sáng tạo nên những tình huống trong trải nghiệm sống vật chất hiện tại của chúng ta không?

Abraham: Bạn là thực thể liên tiếp được khuếch đại và cái Nội thể của bạn là đỉnh điểm của tất cả những gì bạn đã sống qua. Nội thể không chỉ tin mà nhận thức được sự xứng đáng và giá trị của con người bạn, vì vậy khi bạn chọn ý nghĩ đồng điệu với ý nghĩ của Nội thể, bạn cảm nhận được rõ ràng nhận thức đó.

Tuy nhiên, các chi tiết của bất kỳ trải nghiệm vật chất nào ở kiếp trước không ảnh hưởng đến bạn trong trải nghiệm vật chất hiện nay. Có rất nhiều sự nhầm lẫn về chuyện này và nó xuất hiện vì có những người không muốn chấp nhận rằng họ là người sáng tạo nên trải nghiệm của chính bản thân họ. Họ nói rằng “Ở kiếp này tôi béo vì tôi đã đói đến chết ở kiếp trước.” Và chúng tôi nói thế này: Không hề có gì từ trải nghiệm ở kiếp trước ảnh hưởng tới những gì các bạn đang làm hiện nay, trừ khi bạn, theo một cách nào đó, nhận thức được nó và từ đó chú ý tới nó.

Liệu kỳ vọng tiêu cực của tôi có ảnh hưởng tới hạnh phúc của người khác không?

Jerry: Nếu trong khi lo lắng đến hạnh phúc của những người mà chúng ta thực sự quan tâm, chúng ta thấy ý nghĩ của mình trôi về hướng tiêu cực và có liên quan tới họ, thì liệu chỉ bằng việc suy xét một vấn đề xảy ra trong cuộc sống của họ ta cũng có thể gây hại cho họ không?

Abraham: Bạn không thể sáng tạo trong trải nghiệm của người khác vì bạn không thể thay họ khởi xuất sự rung động - chính là điểm hấp dẫn của họ. Nhưng khi bạn tập trung vào điều gì đó đủ lâu để ý nghĩ của bạn trở nên mạnh mẽ và bạn cảm thấy một cảm xúc mãnh liệt về nó, thì bạn có thể gây ảnh hưởng tới ý nghĩ mà họ đang nghĩ về một đối tượng nào đó.

Hãy nhớ hầu hết mọi người khởi xuất sự rung động để ứng đáp với những gì họ quan sát thấy, cho nên nếu họ quan sát bạn và thấy vẻ âu lo trên khuôn mặt của bạn hoặc quan sát những nhận xét âu lo của bạn, họ có thể ngả về hướng của điều không mong muốn.

Nếu bạn muốn có giá trị lớn đối với người khác, hãy nhìn nhận họ như cách họ muốn là. Đó là ảnh hưởng mà bạnmuốn mang đến cho họ.

Liệu tôi có thể xóa những gì đã được người khác lập trình trước?

Jerry: Nếu trí óc của một người nào đó được người khác lập trình để có một niềm tin nào đó và người này thấy rằng niềm tin này không còn đáng mong muốn trong cuộc đời họ, thì làm thế nào để anh ta xóa bỏ đi những niềm tin đó?

Abraham:Các bạn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hai trở ngại chính: một là ảnh hưởng của người khác, và hai là ảnh hưởng của những thói quen cũ của chính bạn... Bạn đã phát triển các khuôn mẫu cho ý nghĩ cho nên bạn có thể dễ dàng rơi vào những khuôn mẫu cũ đã quen thuộc hơn là có những ý nghĩ mới phù hợp với ham muốn mới. Vấn đề là cần vận dụng có chủ ý một chút sức mạnh, hay như các bạn nói, sức mạnh của ý chí, và chuyển sự tập trung chú ý vào hướng mới.

Việc “lập trình” mà bạn nói tới chỉ là kết quả của việc bạn đã tập trung vào điều gì đó và sau đó là vào sự ứng đáp của Luật hấp dẫn đối với sự tập trung đó, cho nên bất kỳ điều gì bạn tập trung vào cũng sẽ lớn mạnh lên. Trong số những cái mà bạn gọi là “lập trình”, một số thứ đơn giản chỉ là sự liên kết lành mạnh với xã hội hiện tại bạn đang sống, nhưng một số thứ thực sự cản trở sự phát triển của cá nhân bạn. Qua thời gian và bằng thực hành, bạn sẽ có khả năng chỉ ra sự khác biệt,và dẫn dắt ý nghĩ của bạn theo hướng những lựa chọn của chính cá nhân bạn. Và đó đích thực là sự Sáng tạo có chủ ý.

Điểm năng lượng của tôi tồn tại ngay bây giờ phải không?

Jerry: Abraham, trong những cuốn sách của Seth có một câu là: Điểm năng lượng của bạn nằm trong hiện tại. Theo thầy, câu đó muốn nói gì?

Abraham: Dù bạn đang nghĩ về điều gì đó đang xảy ra ngay hiện tại, hoặc điều gì đó xảy ra trong quá khứ, hoặc điều gì đó bạn muốn xảy ra trong tương lai của bạn, thì việc bạn nghĩ vẫn là ở hiện tại. Bạn khởi xuất sự rung động của ý nghĩ trong hiện tại của bạn và Luật hấp dẫn luôn ứng đáp chính sự rung động của ý nghĩ hiện tại, cho nên sức mạnh sáng tạo của bạn tồn tại ngay bây giờ.

Cũng rất có ích khi biết rằng cảm xúc của bạn xuất hiện là để đáp lại ý nghĩ hiện tại của bạn, dù là ý nghĩ đó liên quan tới quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Cảm xúc của bạn càng mạnh thì ý nghĩ của bạn càng mạnh, và bạn càng nhanh thu hút đến với trải nghiệm của mình những điều khớp với bản chất của ý nghĩ đó.

Bạn có thể nhớ lại một cuộc cãi vã với ai đó nhiều năm về trước, hoặc với ai đó có thể đã qua đời được 10 năm, nhưng khi bạn nhớ lại cuộc cãi vã vào thời điểm hiện tại, bạn kích hoạt sự rung động của nó vào chính lúc này, và điểm hấp dẫn hiện tại bị ảnh hưởng ngay bây giờ.

–––––o0o–––––

Trích: Luật Hấp Dẫn

Tác Giả: Esther và Jerry Hicks

Dịch Giả: Đức Tĩnh

NXB: Thế giới in năm 2015

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan