Lesley Lyle - YOGA CƯỜI – CƯỜI ĐỂ SỐNG AN VUI VÀ KHỎE MẠNH - SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI

SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI

TRÍCH: YOGA CƯỜI – CƯỜI ĐỂ SỐNG AN VUI VÀ KHỎE MẠNH - Tác giả: Lesley Lyle

Vũ Bình Minh dịch - NXB Trẻ, in lần hai 2020

--o0o--

Bất cứ hành vi nào của con người cũng có thể đột nhiên khó hiểu và kỳ lạ nếu bạn quan sát kỹ, ví dụ như cười. Để mỉm cười, bạn cần làm những biểu cảm khuôn mặt bao gồm uốn cong các cơ quanh miệng và có thể kéo theo các cơ quanh mắt hoạt động.
Lesley Lyle - YOGA CƯỜI – CƯỜI ĐỂ SỐNG AN VUI VÀ KHỎE MẠNH - SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI

SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI

TRÍCH: YOGA CƯỜI – CƯỜI ĐỂ SỐNG AN VUI VÀ KHỎE MẠNH - Tác giả: Lesley Lyle

Vũ Bình Minh dịch - NXB Trẻ, in lần hai 2020

--o0o--

 

Sức Mạnh Của Nụ Cười

Nụ cười là một đường cong

làm cho mọi thứ đều thẳng lại.

Phyllis Diller

 

Tôi rất biết ơn Lyn, một người thường xuyên tham gia các buổi học cười của chúng tôi, vì đã chỉ ra rằng không ai cười thành tiếng mà không nở nụ cười trước. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng cô ấy hoàn toàn đúng. Nếu bạn muốn có nhiều tiếng cười hơn trong cuộc sống, có thể bước đầu tiên là bạn nên kiểm tra xem mình mỉm cười thường xuyên đến mức nào. Bạn có thể thích xem việc mỉm cười là bước quan trọng cần luyện tập trước nhất, giống như việc học bò trước khi tập đi.

 

Sau khi cười, mọi người có xu hướng giữ nụ cười trên khuôn mặt, và điều này có thể là minh chứng trực quan cho hiệu quả tích cực lâu dài của tiếng cười lên tâm trạng. Nụ cười dường như vẫn hiện diện trên khuôn mặt mọi người sau khi họ nghe chuyện đùa, nếu họ xem chương trình hài trên tivi hoặc khi họ làm điều gì mà họ thấy vui. Dường như nụ cười là khởi đầu tuyệt vời cho tiếng cười, và tôi ngờ rằng những ai mỉm cười sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều để cất tiếng cười.

 

Nguồn gốc của nụ cười

Bất cứ hành vi nào của con người cũng có thể đột nhiên khó hiểu và kỳ lạ nếu bạn quan sát kỹ, ví dụ như cười. Để mỉm cười, bạn cần làm những biểu cảm khuôn mặt bao gồm uốn cong các cơ quanh miệng và có thể kéo theo các cơ quanh mắt hoạt động. Mỉm cười là biểu cảm dùng để thể hiện sự sung sướng, hạnh phúc và thích thú, nhưng ta cũng có thể cười khi đang lo lắng, nỗi lo có thể biến nụ cười thành nét nhăn nhó. Nụ cười là thứ ta có thể kiểm soát một cách có ý thức tuy nhiên đôi lúc ta cười mà không hề nhận ra.

 

Khi mỉm cười, ta thể hiện cho người khác thấy mình thân thiện và dễ tiếp cận. Bằng việc mỉm cười, tổ tiên chúng ta chứng minh một cách trực quan rằng họ không gây nguy hiểm cho người lạ, và điều này giúp họ không bị tấn công. Tôi hình dung nhiều người trong chúng ta ngày nay cũng tìm kiếm gương mặt thân thiện nhất khi cần giúp đỡ ở nơi công cộng hoặc trong nhà hàng và cửa hiệu.

 

Sinh ra với nụ cười có sẵn trên mặt?

Có nhiều bất đồng ý kiến về việc liệu chúng ta học mỉm cười hay sinh ra đã có khả năng này. Quan điểm truyền thống cho rằng trẻ sơ sinh học mỉm cười vào khoảng tuần tuổi thứ năm hoặc bảy, và bất cứ nụ cười nào trước thời điểm này đều được xem là thoáng qua. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, máy scan 4 chiều đã được sử dụng để chụp ảnh trẻ mỉm cười trong tử cung vào tuần thứ 28. Những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục dấy lên xung quanh việc mỉm cười có liên quan đến cảm xúc sung sướng hay chỉ đơn thuần là phản xạ tự nhiên. Dù có lập luận vững chắc cho rằng trẻ sơ sinh học cười bằng cách bắt chước hành vi của mọi người xung quanh, điều này không hoàn toàn giải thích được làm thế nào trẻ em khiếm thị học cười.

 

Chúng ta quý trọng nụ cười của trẻ sơ sinh, và cũng như nhiều người khác, tôi đầu tư rất nhiều thời gian thủ thỉ với trẻ và tạo ra những tiếng động ngớ ngẩn để có được nụ cười – và nếu chúng cười, tôi thấy thật hài lòng. Vài năm trước, tôi tham gia một chuyến đi đến Calcutta và thăm trại trẻ mồ côi của Mẹ Teresa, nơi tôi dành một ngày để làm tình nguyện viên. Tôi sớm nhận ra rằng một trong những công việc quan trọng nhất chỉ là dành thời gian cho bọn trẻ dường như khao khát được tiếp xúc cơ thể. Những nữ tu đã chăm sóc rất tốt các nhu cầu cơ bản của các bé, nhưng nhiều như vậy, xem ra không có thời gian dù chỉ để âu yếm chúng. Không có nơi nào thể hiện điều này rõ hơn ở các nhà trẻ với hàng loạt dãy nôi của trẻ sơ sinh dưới một tuổi. Tôi phát hiện ra rằng ngay khi bạn nhìn vào nôi, đứa trẻ sẽ lập tức đáp lại bằng một nụ cười tuyệt vời, và những trẻ lớn hơn còn giơ hai tay lên, mong muốn được bế.

 

Tôi tin là những đứa bé này biết rằng nụ cười khiến chúng trở nên đáng yêu hơn vì thế chúng có nhiều khả năng được bế và ôm ấp hơn. Điều này còn phản ánh sự sung sướng mà bọn trẻ có được từ việc tiếp xúc cơ thể trực tiếp. Những nhu cầu căn bản về thể chất của trẻ được đáp ứng, nhưng về mặt cảm xúc thì chúng thiếu tình thương và sự quan tâm mà mọi trẻ sơ sinh và trẻ em đều xứng đáng nhận. Tôi chưa bao giờ quên những gì mình đã học được vào ngày hôm ấy. Độ tuổi, giới tính, quốc tịch, tôn giáo, chính trị, sức khỏe, hay bất cứ thứ gì khác bạn có thể nghĩ đến, đều không liên quan – tất cả chúng ta đều muốn được yêu thương và được chấp nhận một cách vô điều kiện, và chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Thật xấu hổ khi chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào những điểm khác biệt đã chia cách ta, trong khi thay vào đó ta có thể nhìn vào những điểm giống nhau khiến ta đoàn kết.

 

Mỉm cười như một thói quen

Mỉm cười là một thói quen. Tôi biết điều này vì mỉm cười là phần quan trọng của dịch vụ khách hàng tốt, câu nói đã được khoan vào đầu tôi hơn 30 năm trước khi tôi gia nhập Laker Airways. Kể từ đó tôi luôn mỉm cười, không chỉ trong khi làm việc, mà còn trong khi tôi đi đây đi đó. Có rất nhiều cách mỉm cười khác nhau mà bạn có thể làm và đều có hiệu quả tích cực.

 

Máy ảnh không bao giờ nói dối

Với một thí nghiệm thú vị, hãy chụp vài bức ảnh bằng điện thoại hoặc máy ảnh của bạn. Trong một tấm, hãy giữ vẻ mặt trung lập và, trong tấm còn lại, hãy nhếch nhẹ khóe môi lên.

Bạn có thể không tự mình nói lên được sự khác biệt giữa hai bức ảnh, nên hãy ghi chú lại đâu là tấm nào. Tiếp theo hãy hỏi ai đó xem họ thích tấm nào hơn. Đừng ngạc nhiên nếu họ trả lời rằng hai tấm đều như nhau, nhưng họ vẫn thích tấm bạn mỉm cười nhẹ.

Một điều đơn giản như chọn cách nở nụ cười nhẹ lại có hiệu quả tích cực đáng kinh ngạc lên cả cuộc sống của bạn, thay đổi cách bạn cảm nhận và cách người khác nhìn nhận và tương tác với bạn.

 

Một nụ cười chỉ là nụ cười, phải không?

Theo nhà tâm lý học người Mỹ Paul Ekman, một chuyên gia nghiên cứu những cảm xúc và mối liên quan giữa chúng với nét mặt, có rất nhiều loại nụ cười khác nhau. Chúng có thể được chia thành hai loại: nụ cười xã giao hoặc lịch sự và nụ cười chân thật, hạnh phúc. Nụ cười thật sự gồm có các cơ quanh miệng và mắt và được kiểm soát bởi khu vực não bộ khác với phần kiểm soát các nụ cười giả tạo. Chúng ta có thể nở nụ cười giả tạo như ý muốn vì phần não có ý thức của chúng ta kiểm soát chúng; tuy nhiên, nụ cười chân thật thì tự phát và do não bộ tự sinh ra, nằm ngoài ý thức của ta.

 

Các nhà khoa học thường đề cập đến hai dạng nụ cười bao gồm Duchenne (chân thật) và non- Duchenne (giả tạo). Đó là vào năm 1862 khi nhà thần kinh học người Pháp Guillaume Duchenne nghiên cứu sinh lý học của nụ cười và ghi chú lại những cơ nào được sử dụng ở cả hai loại nụ cười. Nụ cười Duchenne, nụ cười chân thật, liên quan đến các cơ quanh mắt, tạo ra đường râu rồng khi cười. Sinh lý học của nụ cười này là dựa vào sự co thắt các cơ chính giúp nâng khóe miệng lên, và cơ orbicularis oculi, cơ nâng hai gò má.

 

Hồi nhỏ, tôi nhớ bà mình sẽ nghi ngờ người khác nếu, theo bà nói, nụ cười của họ không hiện lên trong ánh mắt, tức là theo bản năng bà biết nụ cười chân thành trông thế nào. Tôi mong bạn đã từng thấy ai đó trưng bày nụ cười giả tạo, và có thể, cũng như tôi, bạn thà không có nụ cười còn hơn là cười thiếu chân thật một cách lộ liễu. Dù chúng ta có thể nhận biết những nụ cười giả tạo rõ rệt này, nhưng có người nói rằng, nhìn chung, ta khó mà chỉ ra sự khác biệt. Tôi thấy điều này đáng ngạc nhiên vì tôi luôn nghĩ mình có thể chỉ ra được, nhưng cũng có thể vài nụ cười mà tôi nghĩ là chân thật, thực ra lại là giả tạo. Nếu bạn muốn kiểm tra khả năng chỉ ra sự khác biệt, có một bài kiểm tra trực tuyến trên trang web khoa học của BBC: http://www. bbc.co.uk/science/humanbody/mind/surveys/smiles

Kết quả của tôi cho thấy tôi khá giỏi khi phân biệt hai loại nụ cười, nhưng không tốt như tôi đã nghĩ.

 

Bạn không thể đánh lừa người khác, nhưng có thể lừa bản thân

Mặc dù nụ cười giả tạo không thể đánh lừa người khác, khoa học chứng minh rằng mô phỏng biểu cảm gương mặt lúc cười có thể khiến bạn thấy hạnh phúc hơn. Một nghiên cứu do nhà tâm lý học xã hội Robert Zajonc chỉ ra rằng tạo ra các nguyên âm khác nhau có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của mọi người. Khi người tham gia tạo ra âm ể dài, miệng họ tạo ra hình dáng như đang cười và tâm trạng họ được cải thiện. Tuy nhiên, khi được yêu cầu tạo ra âm u dài, miệng phải mô phỏng vẻ mặt phụng phịu gây ra hiệu ứng trái ngược lên cảm giác của họ.

 

Dù làm theo cách nào, tạo ra nụ cười cũng được chứng minh là khiến chúng ta thấy tâm trạng tốt hơn. Khi bạn tạo ra các thay đổi trên gương mặt có liên quan đến nụ cười, điều này kích hoạt các hoạt động trong não bộ có liên quan đến sự hạnh phúc. Chúng ta cười khi hạnh phúc, và ta hạnh phúc khi cười. Đặt nụ cười lên gương mặt và giữ nó ở đó khiến bạn thấy ổn hơn. Tuy vậy, thật hợp lý là điều ngược lại cũng đúng. Chúng ta cau có khi tâm trạng ta không tốt, và tâm trạng ta không tốt khi ta cau có. Lần tới khi bạn thấy hơi xuống tinh thần, hãy thử nhìn vào gương và xem tâm trạng bạn đang thế nào, vì minh chứng cho thấy tạo ra nụ cười cho kết quả là bạn thấy khá hơn gần như ngay lập tức.

--o0o--

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan