MỌI NGƯỜI THÍCH CẢM GIÁC QUEN THUỘC VÀ NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG - TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG - PATRICK KING

MỌI NGƯỜI THÍCH CẢM GIÁC QUEN THUỘC VÀ NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG - PATRICK KING

“Thuật Đọc Tâm Trí Để Nuôi Dưỡng Mối Quan Hệ Và Rèn Luyện Trí Tuệ Xúc Cảm”

Việt dịch: Minh Trang

-----o0o-----

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Morell, Twillman và Sullaway vào năm 1989 đã chỉ ra rằng, chúng ta dễ bị hấp dẫn bởi những người có cùng kiểu tính cách với mình.
MỌI NGƯỜI THÍCH CẢM GIÁC QUEN THUỘC VÀ NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG - TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG - PATRICK KING

MỌI NGƯỜI THÍCH CẢM GIÁC QUEN THUỘC VÀ NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG

TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG - PATRICK KING

“Thuật Đọc Tâm Trí Để Nuôi Dưỡng Mối Quan Hệ Và Rèn Luyện Trí Tuệ Xúc Cảm”

Việt dịch: Minh Trang

-----o0o-----

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Morell, Twillman và Sullaway vào năm 1989 đã chỉ ra rằng, chúng ta dễ bị hấp dẫn bởi những người có cùng kiểu tính cách với mình. Một người có tính cách loại A (tham vọng, thích cạnh tranh, có ý thức về thời gian...) có khả năng sẽ thích hẹn hò với một người cũng có tính cách loại A. Những người có tính cách loại B (thoải mái, ít căng thẳng, hay chiêm nghiệm...) sẽ thích những người loại B hơn trong mối quan hệ lãng mạn.

Và xu hướng này không chỉ đúng ở ấn tượng thu hút ban đầu, nó cũng đúng khi bạn quyết định tiến vào một mối quan hệ lâu dài. Một nghiên cứu của Caspi và Herbener vào năm 1990, và một nghiên cứu khác của Lazarus vào năm 2001, cho biết: trong các mối quan hệ lâu dài và các cuộc hôn nhân, những đặc điểm tính cách giống nhau là một yếu tố dự đoán chính xác về sự ổn định và hạnh phúc của một cặp vợ chồng.

Chắc chắn là chúng ta đều đã nghe tới quan điểm “trái dấu thì hút nhau”. Ta đặc biệt hay gặp phải hiện tượng này trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, bằng chứng từ các nghiên cứu tâm lý học lại đưa ra kết luận hoàn toàn mâu thuẫn với quan điểm đó. Nếu bạn đang muốn xây dựng một mối quan hệ thành công hơn, thì con đường đúng đắn là tìm kiếm một đối tác có những đặc điểm tương tự như bạn.

Đây là kết luận rất hợp lý. Một ai đó quá giàu tham vọng và coi trọng nghề nghiệp nhiều khả năng sẽ phán xét một người có tính cách thoải mái là một kẻ lười biếng, trong khi một người có tính cách thoải mái sẽ muốn người bạn đời của họ bớt căng thẳng hơn và dành thêm nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống. Không có ai là đúng hay sai đây cả, nhưng nếu hai bên càng phải thỏa hiệp nhiều để ở bên nhau thì mối quan hệ của họ càng có nguy cơ trở nên phức tạp.

Nói chung, bạn càng khác biệt với bạn đời, các bạn càng phải nỗ lực và giao tiếp nhiều hơn để có một mối quan hệ tốt đẹp. Nếu cả hai bạn đều luôn duy trì được sự cởi mở và kiên trì vượt qua những khác biệt, các bạn vẫn có thể xây dựng một mối quan hệ tuyệt vời như ý, khi những điểm khác biệt của hai bạn bổ khuyết cho nhau. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một người yêu có tính cách trái ngược với mình để “cân bằng lẫn nhau thì có lẽ bạn sẽ cần cân nhắc lại suy nghĩ đó.

Nhưng còn những mối quan hệ không lãng mạn thì sao? Liệu bạn bè có thể hòa thuận với nhau không nếu họ có đặc điểm tính cách và hệ giá trị trái ngược nhau?

Vào năm 2004, một nhóm năm nhà tâm lý học đã tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của sự tương đồng trong các mối quan hệ không phải quan hệ yêu đương, bao gồm tình bạn và tình thân. Các đối tượng nghiên cứu cơ bản sẽ dành thời gian giao lưu với những người có đặc điểm tính cách giống với họ (theo Nangle, Erdley,Zeff, Stanchfield và Gold). Ví dụ: nếu bạn là một cá nhân sống có mục tiêu và làm việc chăm chỉ, nhiều khả năng bạn sẽ bị thu hút bởi những người bạn tương tự như vậy.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, xu hướng này không chỉ xoay quanh sự hòa hợp trong tính cách mà vượt ra cả giới hạn đó. Donn Byrne và các cộng sự của ông đã thực hiện hai nghiên cứu, một vào năm 1968 và một vào năm 1971, chứng minh rằng chúng ta thường bị thu hút bởi những người tương tự mình, từ xu hướng tính cách cho tới những yếu tố như quan điểm chính trị, niềm tin tôn giáo, cũng như thái độ hay có cùng người quen.

Trên thực tế, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, thái độ tương đồng và mức độ dễ mến có liên quan trực tiếp tới nhau theo mối quan hệ tỷ lệ thuận, có nghĩa là thái độ và niềm tin của bạn càng giống với ai đó thì bạn càng thích họ. Do đó, khả năng chúng ta thích một người có chung 8/10 ý kiến với mình sẽ nhiều gấp đôi khả năng chúng ta thích một người chỉ có chung 4/10 ý kiến.

Tất nhiên, hiện tượng này không chỉ áp dụng cho những niềm tin và thái độ tích cực. Nó vẫn chính xác khi bạn ghét một thứ giống như người khác. Cùng thù ghét một điều gì đó cũng có thể gắn kết mọi người lại với nhau, như câu nói “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”.

Sự cuồng tín trong thể thao là một ví dụ hoàn hảo cho triết lý này. Rất dễ thấy những người hâm mộ của các đội khác nhau tập hợp lại để “gây hấn” những nhà vô địch lâu năm trong một môn thể thao nhất định. Và mặc dù việc hình thành tình bạn do có chung “kẻ thù” trong thể thao là khá vô hại, nhưng thật không may, xu hướng đoàn kết lại với nhau vì cùng căm ghét gì đó có thể gây ra những điều tiêu cực nghiêm trọng hơn, như những chuyện thường xảy ra trong các cuộc xung đột chính trị và tôn giáo. Tuy nhiên, lý thuyết thu hút do tương đồng không chỉ dừng lại ở đây. Thực tế cho thấy việc có tên gần giống ai đó cũng làm tăng khả năng được yêu mến của bạn. Trong trường hợp này, bạn có thể thử đặt cho mình một biệt danh tương tự với những người xung quanh để được mọi người yêu mến hơn.

Cuối cùng, tất cả những nghiên cứu trên đều ngầm xác nhận rằng, câu nói “nồi nào úp vung nấy” chính xác hơn nhiều khẳng định “trái dấu thì hút nhau” khi bàn về các mối quan hệ của con người. Bạn sẽ thấy đây là một thực tế khi nhìn lại trải nghiệm xã hội đã qua và các mối quan hệ hiện tại của mình. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một số người mà bạn thân nhất và chơi cùng lâu nhất cũng là những người có nhiều điểm chung nhất với bạn, trong khi những mối quan hệ không thành hoặc những người mà bạn mất liên lạc từ lâu là những cá nhân có ít điểm chung hơn, và do đó ít phù hợp với bạn hơn.

-----o0o-----

Trích: “Tâm Lý Học Ứng Dụng”

“Thuật đọc tâm trí để nuôi dưỡng mối quan hệ và rèn luyện trí tuệ xúc cảm”

Tác giả: Patrick King

Việt dịch: Minh Trang

NXB Lao Động, 2021

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan