MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI - BÀN TAY GIÚP ĐỠ - ANTHONY YEO - Người dịch: Lan Khuê - NXB Trẻ

MI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI

BÀN TAY GIÚP ĐỠ - ANTHONY YEO

Người dịch: Lan Khuê

---o0o---

Nhà phân tâm học Harry Stack Sullivan có lần nói rằng “nhân cách của mỗi người được định đoạt phần lớn bởi phẩm chất của những mối quan hệ giữa cá nhân đó với người khác.” Khái niệm này về sự phát triển nhân cách cung ứng thêm một chiều kích quan trọng khác nữa để hiểu hành vi của con người. Bản chất của con người như hiện có, đến từ những kẻ yêu thương hoặc không...
MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI - BÀN TAY GIÚP ĐỠ - ANTHONY YEO - Người dịch: Lan Khuê - NXB Trẻ

Nhà phân tâm học Harry Stack Sullivan có lần nói rằng “nhân cách của mỗi người được định đoạt phần lớn bởi phẩm chất của những mối quan hệ giữa cá nhân đó với người khác.” Khái niệm này về sự phát triển nhân cách cung ứng thêm một chiều kích quan trọng khác nữa để hiểu hành vi của con người. Bản chất của con người như hiện có, đến từ những kẻ yêu thương hoặc không yêu thương họ. Trên một phương diện, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi nhiều mối quan hệ khác nhau với những con người có ý nghĩa trong cuộc đời mình.

Trong tiến trình tăng trưởng, chúng ta tương tác không ngừng với người khác và tạo nên những mối quan hệ với họ. Thường thì bắt đầu với mẹ, rồi cha, sau là những người khác trong gia đình. Khi trẻ lớn lên, phạm vi quan hệ mở rộng và trẻ bắt đầu quan hệ với bạn bè, thầy cô, cấp lãnh đạo tôn giáo và người khác. Điều quan trọng là chúng ta phải xem xét loại quan hệ giữa thân chủ với những người khác. Thân chủ càng quan trọng thì mối quan hệ càng tạo nhiều ảnh hưởng.

Abraham Maslow, nhà tâm lý học nhân bản, nếu ra năm nhu cầu cơ bản trong việc phát triển một nhân cách lành mạnh. Ông liệt kê chúng theo dạng cấp bậc nhu cầu như sau:

  1. nhu cầu thể hiện bản thân (thỏa mãn, v.v)
  2. nhu cầu giá trị bản thân (đánh giá tích cực bản thân)
  3. nhu cầu yêu thương và gắn bó (tình thương, sự ấm áp)
  4. nhu cầu an toàn và an tâm (cảm thấy quen thuộc với môi trường chung quanh)
  5. nhu cầu sinh lý, sinh tồn

Maslow cho rằng những nhu cầu thấp phải được đáp ứng trước những nhu cầu cao. Và nhu cầu này dẫn tới nhu cầu kia, nhờ vậy góp phần tạo nên một nhân cách lành mạnh với năm nhu cầu cơ bản được đáp ứng đáng kể.

Thứ tự này về nhu cầu dường như cho thấy con người sẽ lành mạnh khi các nhu cầu về mối quan hệ của mình được đáp ứng. Có được những quan hệ tích cực thật tốt, chính là phương tiện đầu tiên để thỏa mãn những nhu cầu yêu thương cùng sự gắn bó và giá trị bản thân. Nhờ kinh nghiệm được chấp nhận, yêu thương, tin cậy cùng những quan hệ nồng ấm, con người sẽ lớn lên với thái độ yêu thương, chấp nhận và nồng hậu. Ngược lại, con người có thể thấy khó yêu thương và chăm sóc người khác bởi chính mình chưa kinh nghiệm được những mối quan hệ như vậy trong đời mình.

Sự nhất quán và an toàn trong mối quan hệ cũng thật quan trọng. Một bà mẹ phản ứng đầy yêu thương với đứa con lúc này rồi lại lạnh nhạt với nó lúc khác, có thể khiến trẻ sau này không tin tưởng người khác trong cuộc sống. Vì ít kinh nghiệm được mối quan hệ tin cậy, an toàn, nên nó có thể trở thành hoang mang và sợ sệt người khác.

Có nhiều nghiên cứu được thực hiện và sách được viết về ảnh hưởng của mối quan hệ đầu tiên giữa cha mẹ và con cái trong đời sống con người. Vì thường người mẹ gần gũi với con nhiều nhất, nên đa số các nghiên cứu hay tập trung vào mối quan hệ mẹ-con. Người ta thấy rằng trẻ nào kinh nghiệm được mối quan hệ yêu thương, nhất quán, tốt đẹp với mẹ thì lớn lên vững vàng hơn về tình cảm và tinh thần. Ngược lại, trẻ nào bị xa cách mẹ hoặc bị mẹ đối xử thiếu nhất quán, thì lớn lên sống co rút và có tiềm năng rắc rối về tình cảm. Một số trẻ phản ứng thù địch đối với mối quan hệ thiếu nồng ấm yêu thương của cha mẹ đến nỗi trở thành thụ động, co rút và sợ sệt. Chúng lớn lên không chỉ thấy khó giao tiếp với người khác mà còn bị rối loạn tinh thần và tình cảm nữa. Những nghiên cứu này cho thấy trẻ nào kinh nghiệm những mối quan hệ tốt đẹp hơn, thì lớn lên với nhân cách ổn định hơn.

Những mối quan hệ với người khác mà chúng ta có được trong cuộc sống cũng trở thành gương soi cho chúng ta. Chúng ta thấy chính mình trong người khác. Nếu đã kinh nghiệm những thái độ tiêu cực và bị chỉ trích về thái độ cùng cư xử của mình, chúng ta có thể lớn lên với những nghi ngờ nghiêm trọng về bản thân. Chúng ta thấy chẳng ai cần mình và yêu thương mình khi người khác phản ứng với chúng ta theo cách như vậy. Cách chúng ta nhìn chính mình chịu ảnh hưởng phần lớn bởi cách người khác cư xử với chúng ta.

Tôi có thể nghĩ tới một số người đến gặp tôi với những nan đề như tự ti mặc cảm và đánh giá thấp về bản thân mình. Hầu hết những người này đều có thể nhớ lại mối quan hệ lạnh nhạt, hất hủi nào đó với những người quan trọng trong cuộc đời mình. Một người nói, chị luôn luôn cảm thấy mình như là đứa con không được mong muốn trong gia đình. Cha mẹ chị muốn có con trai khi sinh ra chị, và họ khiến chị cảm thấy mình là một lầm lỗi và thất vọng. Khi đến gặp tôi, chị chẳng thấy được điều gì tốt nơi bản thân và tự ti mặc cảm rất nặng, thấy mình chẳng ra gì. Một người khác nói, lúc nào anh cũng phải nghe là lẽ ra anh có thể học giỏi hơn. Dù anh có cố gắng bao nhiêu, cha anh cũng chẳng tán thưởng anh. Ngược lại, ông hỏi tại sao anh không học giỏi hơn các bạn cùng lớp. Tuy cuối cùng anh đã đứng đầu lớp, cha anh vẫn bảo, ‘Cũng chưa giỏi lắm đâu. Cha muốn thấy con tiến tới kỳ thi Chứng Chỉ Giáo dục Phổ thông Loại ‘O’ kia’. Mối quan hệ này với cha tạo cho anh ấn tượng mình chẳng bao giờ giỏi về cái gì cả, và dù có cố gắng bao nhiêu, anh cũng không xứng đáng được cha khen.

Khi chúng ta muốn tìm hiểu ai đó cùng cách hình thành những nan đề trong đời sống họ thì việc xem xét phẩm chất những mối quan hệ của họ là rất hữu ích. Vì là một hữu thể tương quan với nhau, con người có nhân cách hiện tại như thế nào là dựa vào phần lớn sự tương tác giữa mình với người khác. Tha nhân có thể ảnh hưởng trên con người theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều quan trọng.

Những Biến Cố Trong Cuộc Sống

Khi viết về những biến cố quan trọng diễn ra trong đời người, tôi nghĩ tới nhiều người tôi đã gặp, họ có thể nhận ra một hoặc nhiều sự việc đã để lại ấn tượng dài lâu trong đời mình. Một thanh niên tôi trò chuyện cách đây vài năm, nói với tôi rằng cái chết của cha anh lúc anh mười một tuổi đã khiến anh bàng hoàng tới mức trở thành con người giận dữ kể từ đó. Anh cho rằng Đức Chúa Trời bất công khi lấy mất cha anh, bởi lẽ anh cũng chẳng có mẹ. Con người duy nhất có ý nghĩa đối với anh suốt thời thơ ấu chính là cha anh. Sự việc thay đổi vài năm sau, khi anh bắt đầu nhận ra rằng không phải Đức Chúa Trời đã lấy mất cha anh. Ông chết vì hút quá độ và bị ung thư phổi. Điều đó cũng giải quyết nan đề phần nào, nhưng anh vẫn còn thấy giận dữ vì cha anh đã bỏ anh lúc anh cần ông ấy hơn cả. Sự kiện đó trong cuộc đời trở thành hàng rào ngăn cản anh có được những mối quan hệ sâu đậm với người khác, bởi lẽ anh lớn lên trong nỗi sợ có những mối quan hệ, e rằng mình sẽ bị tổn thương khi các mối quan hệ đó bị đổ vỡ.

Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bằng cách này hoặc cách khác do những sự kiện xảy ra trong đời mình. Những sự việc này có thể là vui, buồn, đau thương hoặc như thế nào đó. Chúng ảnh hưởng chúng ta cách tích cực hoặc tiêu cực, tùy vào cường độ của sự kiện hoặc loạt sự kiện ảnh hưởng trên chúng ta.

Trong số những sự kiện phổ biến thường ảnh hưởng sự phát triển nhân cách, có những sự kiện liên quan với các điều sau đây:

  1. thành công
  2. mất mát (chết chóc, ly hôn, tai nạn)
  3. thất bại
  4. thay đổi (địa vị, mối quan hệ, nơi chốn, niềm tin)
  5. di chuyển (di cư)
  6. xa cách (con nằm bệnh viện, người thân xa vắng một thời gian)
  7. những quyết định quan trọng trong cuộc đời (hôn nhân, nghề nghiệp, v.v.)

Về mặt phát triển nhân cách, những sự kiện này phần lớn liên quan với quá khứ, đặc biệt những sự kiện thời thơ ấu. Dĩ nhiên, những sự kiện hiện tại cũng ảnh hưởng con người, nhưng theo cách khác. Thường thì những sự kiện quá khứ góp phần tạo thành nhân cách và ảnh hưởng cách con người phản ứng những tình huống hiện tại. Hãy suy nghĩ trong giây lát, những loại sợ hãi trong chúng ta. Đôi lúc chúng ta có thể bị què quặt vì chúng. Mà do đâu như vậy? Nếu suy nghĩ, có thể thấy những nỗi sợ đó gắn liền với sự kiện nào đó trong quá khứ.

Một bé trai nọ sợ bơi lội. Nó ghét đi tới hồ bơi và tránh né ra bờ biển. Vào những dịp phải ra biển, thì nó tránh xa nước, bất chấp bạn bè có thuyết phục và bảo đảm là nó sẽ được an toàn. Một số người cho rằng nó hơi kỳ lạ, trong khi kẻ khác thì nghĩ là nó lớn lên trong nỗi sợ. Nó không sợ, và nếu xem xét kỹ sẽ thấy là nó có một kinh nghiệm khó chịu lúc tám tuổi. Nó tới hồ bơi với người chú, ông này ném nó xuống hồ, nghĩ là nó biết bơi. Nó suýt chết đuối và thực sự sợ hãi. Rõ ràng là nó chưa được chuẩn bị cho một kinh nghiệm như vậy vào lần đầu tới hồ bơi, và kể từ đó, nó tránh né hồ bơi lẫn bãi biển.

Đôi khi những biến cố trong cuộc sống tạo cho chúng ta nan đề. Lúc khác, có thể chúng chỉ ảnh hưởng cách nhìn đời của chúng ta mà thôi. Chẳng hạn, một người sùng đạo sẽ gán những niềm xác tín cùng việc làm hiện tại của mình cho kinh nghiệm quan trọng khi trở lại đạo. Đây thường là một kinh nghiệm mạnh mẽ có thể thay đổi niềm tin tôn giáo suốt phần còn lại của đời người.

Đối với một số người, những sự kiện trong cuộc sống mang tính tích cực hơn. Một người biết tự tin và có hình ảnh mạnh mẽ về bản thân, có thể gán điều đó cho vài hoặc một sự kiện đơn độc trong đời mình. Có thể là anh ta đã làm bài thi thật giỏi và điều đó giúp anh nhận ra năng lực mình và về sau đã trau dồi tới mức tối đa. Hoặc có thể anh đã sang ở một nước khác, vì có nhu cầu tự kiếm sống, nên đã bắt đầu làm việc chăm chỉ trau dồi nghề nghiệp và về sau được ổn định.

Những thí dụ này cho chúng ta thấy mấu chốt của việc con người mình được uốn nắn bởi những biến cố xảy ra trong cuộc đời mình. Chúng cũng giúp chúng ta nhận thức được sự phát triển của nan đề.

Thân Chủ

Cá nhân với mọi đặc điểm sẵn có và tài năng thiên phú, tiếp xúc với môi trường, với những mối quan hệ với cá nhân khác cùng những sự kiện trong cuộc sống, trở thành con người hiện có ngày nay. Nói cách khác, tôi là con người như ngày nay chính là kết quả của tiến trình tăng trưởng và phát triển, của việc tôi tiếp xúc với môi trường, với những mối quan hệ với người khác và với những sự kiện trong cuộc sống.

Con người này - tức là tôi - có cái tôi bên trong và cái tôi bên ngoài. Cái tôi bên trong gồm tư tưởng cùng tình cảm; còn cái tôi bên ngoài thì tự biểu lộ qua hành động của tôi (xem Chương 3). Và cách tôi suy nghĩ, cảm nhận cùng ứng xử đều là sự biểu lộ những yếu tố khác nhau tạo thành nhân cách của tôi.

Giám đốc của Viện Tâm thần quốc gia Hoa Kỳ là Tiến sĩ Bertram Brown, nói, “Hành vi của một cá nhân là kết quả của những tương tác phức tạp bao gồm những cơ sở sinh học và sinh lý của hành vi, những quan hệ giữa các cá nhân và môi trường xã hội.” Tôi đã cố gắng giải thích cách hình thành bản chất con người trên cơ sở này. Hi vọng bạn sẽ có được một cấu trúc để tìm hiểu sự phát triển nan đề dựa trên hiểu biết này về nhân cách.

---o0o---

Trích: Bàn Tay Giúp Đỡ

Tác giả: Anthony Yeo

Dịch: Lan Khuê

NXB Trẻ

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan