MUỐN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG - PHẢI THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH - Jim Rohn

MUỐN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG - PHẢI THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH

Jim Rohn

-----o0o-----

“Hãy học loài kiến, kiến không bao giờ từ bỏ. Kiến nghĩ tới mùa đông khi đang là mùa hè và luôn Làm Việc Chăm Chỉ. Hãy cẩn thận vào mùa hè và đừng dựng xây cái gì trên cát.”Đo lường thành quảCó nhiều cách đo lường thành quả của những nỗ lực trong quá khứ. Cách thứ nhất là nhìn vào những gì chúng ta đang có. Nhà cửa, xe cộ, tài khoản ngân hàng, tài sản đầu tư, và tất cả...
MUỐN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG - PHẢI THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH - Jim Rohn

“Hãy học loài kiến, kiến không bao giờ từ bỏ. Kiến nghĩ tới mùa đông khi đang là mùa hè và luôn Làm Việc Chăm Chỉ. Hãy cẩn thận vào mùa hè và đừng dựng xây cái gì trên cát.”

Đo lường thành quả

Có nhiều cách đo lường thành quả của những nỗ lực trong quá khứ. Cách thứ nhất là nhìn vào những gì chúng ta đang có. Nhà cửa, xe cộ, tài khoản ngân hàng, tài sản đầu tư, và tất cả những tài sản hữu hình khác đều là thước đo hiệu quả cho sự tiến bộ về vật chất.

Tài sản phản ánh một khía cạnh trong giá trị hiện tại của chúng ta. Để đo lường giá trị của mình, chúng ta chỉ cần “kiểm kê” tài sản. Nói như thế không có nghĩa là tôi xui các bạn rằng cách duy nhất để đo lường giá trị một con người là nhìn vào danh mục kiểm kê các tài sản vật chất của họ. Có rất nhiều loại tài sản, và những loại tài sản giá trị nhất trong cuộc sống – niềm vui, sức khỏe, tình yêu, gia đình, trải nghiệm, bạn bè – sẽ luôn có trọng lượng hơn so với bất kỳ tài sản vật chất nào chúng ta có thể có. Dẫu vậy, những gì chúng ta tích lũy được qua nhiều năm dưới hình thức các tài sản vật chất vẫn có thể là một thông số hữu ích cho thấy mức độ của những nỗ lực trong quá khứ và những thành quả khả dĩ đạt được trong tương lai.

Nếu hiện tại chúng ta tích lũy được một lượng tiền và tài sản vật chất lớn, vậy thì hẳn là chúng ta đang trên đường chạm tay tới giấc mơ có tên là sự độc lập về tài chính. Tương tự, nếu danh sách các tài sản của chúng ta khá nhỏ bé bất chấp những nỗ lực đã bỏ ra trong 10, 20 hoặc 30 năm lao động, điều này cũng là một thông số cho thấy cần phải thay đổi điều gì đó. Có thể chúng ta phải có những thay đổi lớn về cường độ hoạt động để có thể gia tăng thành quả. Có thể chúng ta phải nâng cao kỹ năng, kiến thức hoặc nhận thức để tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội của cuộc sống. Hoặc có thể chúng ta cần điều chỉnh một vài chỗ trong triết lý của bản thân về tiền bạc và thái độ chi tiêu.

Nếu chúng ta không cảm thấy mãn nguyện với những gì đã đạt được vào thời điểm này trong cuộc đời, vậy thì bây giờ chính là thời điểm thích hợp để sửa chữa tương lai. Nếu không thay đổi con người hiện tại, chúng ta vẫn mãi sẽ chỉ thu về những thành quả tương tự nhau. Người gieo hạt không thay đổi, hạt giống không thay đổi thì những gì gặt hái được cũng vẫn chỉ thế mà thôi. Để thay đổi thành quả gặt hái, cần phải thay đổi hạt giống, đất gieo trồng, hoặc thậm chí là cả người gieo hạt. Có lẽ người gieo hạt cứ khăng khăng muốn sử dụng một kế hoạch không hiệu quả. Có lẽ người gieo hạt đinh ninh rằng có thể lùi việc gieo hạt vào mùa hè thay vì bắt đầu từ mùa xuân. Khi mùa đông tới và cũng là lúc giáp hạt, người gieo hạt đứng trước cánh đồng cằn cỗi, đổ lỗi cho hoàn cảnh đã khiến đất đai không mang lại vụ mùa như hứa hẹn. Đây là thời điểm lý tưởng để người gieo hạt đo lường – tức đánh giá những lý do tại sao đất đai lại không chịu hợp tác trong một kế hoạch được hoạch định kém cỏi. Nhưng thay vì đo lường và đánh giá, người gieo hạt lại than van và vẽ ra một danh sách các lý do đã đẩy họ vào tình cảnh kém may mắn này.

Những gì chúng ta đạt được cho tới nay là kết quả của những nỗ lực và suy nghĩ trong quá khứ. Chúng ta đã thu thập được trí thông minh hay sự ngu dốt, và tương lai sẽ tạo ra những phần thưởng tương xứng với những gì chúng ta đã làm trong quá khứ. Chúng ta phải sử dụng thời gian của mình để lập kế hoạch, lao động, đánh giá, đầu tư, chia sẻ, và điều chỉnh những hành động trong quá khứ, đồng thời để bổ sung vào kho tàng kiến thức của mình. Đây là những hạt giống cần phải thu hoạch dọc đường đi để có thể cải thiện chất lượng những thành quả của chúng ta.

Một phương pháp quan trọng giúp đo lường các kết quả thu được là nghiên cứu kỹ về con người mà chúng ta đã trở thành. Chúng ta đã thu hút những người như thế nào đến với cuộc sống của mình? Chúng ta có được đồng nghiệp và hàng xóm tôn trọng không? Chúng ta có đề cao những niềm tin không? Chúng ta có cố gắng nhìn nhận sự việc thông qua lăng kính của người khác không? Chúng ta có lắng nghe con trẻ nói không? Chúng ta có thể hiện lòng tri ân chân thành đối với bố mẹ, bạn đời, và bạn bè của mình không? Chúng ta có trung thực và đạo đức trong các giao dịch kinh doanh không? Bạn bè/đồng nghiệp có nhìn nhận chúng ta là người có lòng trung thực không gì lay chuyển nổi không? Chúng ta có nhảy được điệu nhạc của người khác đánh không? Chúng ta có hài lòng với con người mà mình đã trở thành không? Những gì chúng ta đang có là kết quả của những trải nghiệm quá khứ và cách chúng ta xử lý chúng. Con người hiện tại của chúng ta cũng là kết quả của những thay đổi cá nhân mà chúng ta đã tình nguyện hoặc không tình nguyện thực hiện trong nhiều năm qua. Nếu không hài lòng với con người hiện tại, vậy thì chúng ta phải thay đổi nó. Muốn thay đổi cuộc sống, chúng ta phải thay đổi chính mình. Đó là một trong những điều cơ bản của cuộc sống.

-----o0o-----

Trích: “Những Mảnh Ghép Cuộc Đời – Cẩm Nang Kiến Tạo Thành Công Cá Nhân”

Tác Giả: Jim Rohn

Người dịch: Quỳnh Ca

Nhà Xuất Bản Lao Động, 2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan