NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ - LEONARD DHLAIN - NGHỆ THUẬT & VẬT LÝ

NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ

LEONARD DHLAIN - NGHỆ THUẬT & VẬT LÝ

-------o0o-------

Không gian không còn là một sân khấu rỗng mà trên đó họa sĩ chỉ thuần túy đưa các vật thể ra trình bày; giờ đây nó chịu ảnh hưởng của khối lượng các vật thể ấy. Và đến lượt mình, các vật thể cũng bị thay đổi bởi không gian bao quanh chúng.
NGHỆ THUẬT VÀ VẬT LÝ - LEONARD DHLAIN - NGHỆ THUẬT & VẬT LÝ

Nếu Manet và Monet mở lại ra câu hỏi về lực hấp dẫn, thì Paul Cezanne mới chính là người đề cập đến nó một cách đích thực nhất. Chúng ta đã thấy Cezanne bỏ ra cả đời mình để cố hiểu mối quan hệ giữa khối lượng, không gian và ánh sáng. Ông khuyên các họa sĩ trẻ hãy “vẽ như đang cầm nắm, chứ không phải nhìn thấy các vật thể”, và mối quan tâm của ông đối với các nguyên lí cơ bản của không gian đã dẫn đến việc ông giảm tất cả các hình dạng tự nhiên xuống còn ba dạng cơ bản: hình trụ, hình cầu và hình nón. Rất thú vị là Cezanne đã không tính đến khối lập phương trong châm ngôn của mình về các dạng cơ bản, mặc dù ông dường như dùng nó cũng nhiều không kém ba hình kia. Sau khi tuyên bố rằng hình học là cơ sở của tất cả các hình dạng, Cezanne bóp méo những hình dạng ấy để nhằm làm cho sự tương tác của chúng thỏa mãn được những yêu cầu hình học trong các bố cục của ông. Trước đó, đối với các nghệ sĩ phương Tây, trật tự lớp lang của các đối tượng trong một bố cục được coi là sáng tạo ra giá trị của một tác phẩm hội họa. Nhưng Cezanne, bất chấp sự tán thành hiển nhiên của mình đối với những giả định của nó, và đem đến cho không gian rõ ràng là trống rỗng một phẩm chất mang tính kiến trúc, có khả năng tác động đến các vật thể mà nó bao quanh.

Còn hình ảnh nào thể hiện sự đồ sộ, tính chắc chắn mà độ đậm đặc tốt hơn một trái núi? Khối đá ở eo Gibralta và El Capital là biểu tượng cho căn cốt của tính vật chất. Thế nhưng, theo thời gian Cezanne vẽ loạt tranh về đỉnh Sainte Victoire, núi cũng bắt đầu mất đi tính vật chất của nó: nó bắt đầu mềm đi, bắt đầu mất dần sự cứng rắn, thậm chí dường như đang chảy nhão ra. Trong đôi tay của Cezanne, ngọn núi uy nghi bắt đầu giống dung nham hơn là đá tảng, khi tương tác với không gian xung quanh nó. Ngược lại, không gian bao quanh ngọn núi dường như đặc thêm lên, giống như một thứ cháo, gần như có thể sờ thấy được. Cezanne đã nén chính không gian lại, bóp chặt nó, biến đổi hình dạng của nó, để nó trở thành thể nghịch đảo với khối lượng của trái núi. Trong những bức sau cùng của loạt tranh này, không gian ấy được khối lượng, còn ngọn núi thì đánh mất nó (Đỉnh Sainte Victoire 1904- 1906)

Newton đã khám phá ra định luật về lực hấp dẫn do một quả táo rơi; nhưng trong bức tranh Táo và bánh bích quy (1882), Cezanne đã đưa ra khả năng rằng khái niệm của Newton có thể còn chưa đầy đủ, bằng việc vẽ những quả táo lẽ ra phải rơi nhưng lại không rơi. Hơn bất kì một họa sĩ nào khác, Cezanne đã nghiên cứu tường tận bản chất của “táo”. Người ta nói rằng ông đã vẽ một số lượng táo nhiều hơn tổng số táo mà cả đời ông có thể ăn được. Những mô tả về táo của Cezanne đã kín đáo bác bỏ các định luật của Newton về lực hấp dẫn. Nhiều bức tĩnh vật có chứa một cái bàn đầy táo.

Các quả táo nằm chênh vênh trên một mặt phẳng rõ ràng là nghiêng. Thế nhưng tại sao táo lại không lăn hết xuống? Ngấm ngầm đưa vào trong các nền toan của mình những ngọn núi mất đi khối lượng và các quả táo không rơi xuống đất, Cezanne đã phá vỡ các khái niệm cổ điển về khối lượng và không gian. Và ông đã làm như vậy sớm hơn cả một thế hệ, trước khi cộng đồng khoa học nhận ra rằng cần phải xem xét lại tình hình mẫu về khối lượng, vật chất và lực hấp dẫn.

Có thể phong cho Cezanne là người đã có công thay đổi cách thức mà người nghệ sĩ hình dung về mối quan hệ giữa không gian và khối lượng. Tầm nhìn xa ngày càng lớn lao của ông đã tách rời khỏi một cách cơ bản những giới luật của truyền thống kinh viện. Không gian không còn là một sân khấu rỗng mà trên đó họa sĩ chỉ thuần túy đưa các vật thể ra trình bày; giờ đây nó chịu ảnh hưởng của khối lượng các vật thể ấy. Và đến lượt mình, các vật thể cũng bị thay đổi bởi không gian bao quanh chúng. Nhiều tác phẩm của Cezanne không vạch ra được đường phân giới rõ ràng giữa khối lượng và không gian, bởi vì đường biên ấy là một giao diện tương tác và căng dãn.

Để có thể hiểu rõ hơn những hình ảnh của Manet, Monet và Cezanne về lực hấp dẫn, cần phải nhảy vượt thời gian đến cuộc cách mạng nổ ra trong vật lí ở đầu thế kỉ hai mươi. Các nghệ sĩ trên đã khởi xướng một cuộc điều tra vào cuối thế kỉ mười chín về mối quan hệ giữa không gian và khối lượng. Chính câu hỏi này giờ đây đang nung nấu Albert Eistein, Homo mirabilis, Con người Kì diệu của thế kỉ hai mươi.

-------o0o-------

Trích "Nghệ Thuật & Vật Lý, Những Cái Nhìn Tương Đồng Về Không Gian, Thời Gian và Ánh Sáng"

Trần Văn Hà, Phạm Văn Thiều dịch

Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2010

Ảnh: 2 bức họa của Paul Cezanne (1839 - 1906) - nguồn internet

 

Bài viết liên quan