NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA BỐN THÁNH NHÂN VĨ ĐẠI CỦA THẾ GIỚI - Tiến Sĩ Kang Sung Ryul

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA BỐN THÁNH NHÂN VĨ ĐẠI CỦA THẾ GIỚI

Tiến Sĩ Kang Sung Ryul

-----o0o-----

Về thời gian sống và hoạt động. Ngoài Jesus, ba vị còn lại đều sống vào khoảng thế kỷ 5 t.CN. Khổng Tử sinh năm 551 t.CN và mất năm 479 t.CN, Thích Ca Mâu Ni sinh năm 566 t.CN và mất năm 486 t.CN, Socrates sinh năm 469 t.CN và mất năm 399 t.CN. Chỉ có Jesus là sống và hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 4~5 t.CN cho đến năm 30. Do đó các nhà nghiên cứu nhân học hết sức chú ý đến thời kỳ thế...
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA BỐN THÁNH NHÂN VĨ ĐẠI CỦA THẾ GIỚI - Tiến Sĩ Kang Sung Ryul

Các đệ tử xuất sắc, và cuộc đời khổ nạn

Jesus-Khổng Tử-Thích Ca- Socrates, nếu xem xét những điểm chung và khác biệt giữa những vĩ nhân này thì có thể thấy như sau.

Thứ nhất, về thời gian sống và hoạt động. Ngoài Jesus, ba vị còn lại đều sống vào khoảng thế kỷ 5 t.CN. Khổng Tử sinh năm 551 t.CN và mất năm 479 t.CN, Thích Ca Mâu Ni sinh năm 566 t.CN và mất năm 486 t.CN, Socrates sinh năm 469 t.CN và mất năm 399 t.CN. Chỉ có Jesus là sống và hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 4~5 t.CN cho đến năm 30. Do đó các nhà nghiên cứu nhân học hết sức chú ý đến thời kỳ thế kỷ 5 tr.CN, và cho rằng đó là thế kỷ đặc biệt mà nền văn hóa tinh thần phát triển mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

Có thể thấy không chỉ có ba vị trên mà những đệ tử xuất sắc của học cũng sinh sống và hoạt động trong khoảng thế kỷ đó. Khổng Tử có các đệ tử như Nhan Uyên, Tử Lộ, Tử Cống, Tử Trương v.v., Thích Ca Mâu Ni có mười đại đệ tử là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Na Luật, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, Ưu Ba Li, La Hầu La, A Nan. Socrates có các đệ tử kiệt xuất như Plato hay Crito, về Jesus thì người ta có thể kể đến 12 sứ đồ, gồm có Peter, John, James lớn, Andrew, Philip, Thomas, Bartholomew, Matthew, James nhỏ, Simon, Judas, Matthias.

Thứ hai, nếu xem xét nơi xuất thân thì ngoài Socrates, ba vị còn lại đều có điểm chung là sinh ra và lớn lên ở nơi phát sinh những nền đại văn minh của thế giới. Khổng Tử ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Quốc, Thích Ca Mâu Ni ở vùng lưu vực sông Ấn và sông Hằng của Ấn Độ, Jesus xuất thân từ nền văn minh Lưỡng Hà thuộc lưu vực sông Tigre và sông Euphrates, chỉ có Socrates xuất thân từ Athen của Hy Lạp chứ không phải vùng sông Nil của Ai Cập (là nền văn minh thứ tư trong bốn nền đại văn minh của thế giới Cổ đại). Tuy nhiên cả hai khu vực trên – Hy Lạp và Ai Cập – được nối kết bằng Đại Trung Hải nên vẫn có thể coi là có một khu vực văn hóa thống nhất.

Thứ ba, khi xem xét hoàn cảnh gia đình của cả bốn vị, thì ngoài Thích Ca Mâu Ni, ba vị còn lại đều có cuộc đời nghèo khổ. Đầu tiên Khổng Tử thì cha là Thúc Lương Ngột sinh con mà không chính thức kết hôn, năm 3 tuổi thì cha qua đời, Khổng Tử do một tay mẹ nuôi lớn. Do vậy mà hoàn cảnh nghèo khó là đương nhiên, dù ông có ra làm quan trong một thời gian dài và thi hành các đường lối chính trị hiện thực, nhưng đã thất bại, trong những năm cuối đời thì chu du thiên hạ, và kết thúc cuộc đời trong nước mắt và hối hận. Đến nỗi Tư Mã Thiên trong sách Sử ký đã diễn tả Khổng Tử như là “con chó không nhà”, lời này có nghĩa là “dù có đồ ăn nhưng không có nhà để về”.

Socrates thì vốn sinh ra là con trai của một ông thợ khắc nghèo khổ nên cũng sống một cuộc đời nghèo khổ, đến nghề nghiệp cũng không có. Hơn nữa ông chỉ dạy học trò, được một bữa ăn tối đã đủ thỏa mãn, không bao giờ nhận thù lao, nên chỉ có thể tiếp tục sống với gánh nặng nghèo đói trên lưng. Dường như ông chẳng hề để tâm chút nào đến các vấn đề tiền bạc. Chính vì thế mà vợ ông là Xanthippe mới mắng nhiếc ông và câu chuyện này đã trở nên rất nổi tiếng.

Jesus thì là con trai trưởng của một ông thợ mộc nghèo, cha lại mất sớm, nên phải có trách nhiệm phụ giúp mẹ nuôi dưỡng đàn em đông đúc, do vậy cũng có thời gian ngắn làm thợ mộc. Nhưng cộng cả thời gian đó và thời gian đi truyền đạo thì ông sống cả cuộc đời trong nghèo khổ. Ông nói: “Đến con cáo cũng có hang, chim trên trời cũng còn có tổ, mà người thì nơi chui đầu vào cũng không có.” Như vậy có thể đoán được ông đã phải trải nghiệm đời sống nghèo nàn đến mức nào. Nên có thể thấy trong thời khắc bị đóng đinh lên cây thập giá, việc Jesus không còn cách nào khác phải nhờ cậy người em họ Johannes trông nom giúp mẹ mình là thánh mẫu Maria đã thể hiện rõ tình cảnh bi thảm và tấm lòng đau đớn của ông.

Còn Thích Ca Mâu Ni là con của quốc vương thành Kapilavastu nên thời niên thiếu có cuộc sống đầy đủ sung sướng hơn, nhưng rốt cuộc ông cũng xuất gia và cũng trải qua những thời gian dài khốn khó như vậy.

Bị bài xích ngay tại quê hương tổ quốc

Thứ tư, bốn vị đều bị bài xích ngay tại quê hương tổ quốc mình. Khổng Tử phải rời nước.

Lỗ để đi chu du qua các nước khác (trong Trung Quốc) trong vòng 14 năm, đến tận những năm cuối đời vẫn chẳng nhìn thấy tia hy vọng nào. Sau phong trào Ngũ Tứ (ngày 4 tháng 5 năm 1919) thậm chí ở Trung Quốc còn có thời kỳ dài phê phán Khổng Tử. Thích Ca Mâu Ni cũng ở trong hoàn cảnh không khác gì. Phật giáo tuy hiện là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng thực sự ở Ấn Độ nơi mà vị giáo chủ Thích Ca Mâu Ni ra đời thì so với lượng tín đồ Phật giáo, những người tin theo Hindu giáo đông hơn rất nhiều. Còn Socrates, xuất thân từ thành Athen, Hy Lạp, thì ngay từ thời trẻ đã không ngừng bị ghét bỏ bởi các chính trị gia có dã tâm, và cuối cùng đã bị chính những người Athen đồng tộc kiện cáo và phải bị án tử hình.

Jesus thì phải chịu sự bức hại của những người Do Thái đồng tộc (trưởng tế, những người theo phái Phari, trưởng lão phái Do Thái), và cuối cùng đã phải chết trên cây thập giá do những lời buộc tội của họ. Đương nhiên về mặt hình thức thì Jesus bị tổng đốc Pilate của La Mã hạ lệnh treo lên cây thập giá, nhưng thực sự những người lớn tiếng kêu gào đòi Jesus phải chết chính là những đồng bào ông. Lấy lý do này, Hitler đã ra lệnh tàn sát không biết bao nhiêu người Do Thái, và sự kích động của hắn mà những người Đức bị mê hoặc, giống như phát điên phát cuồng, đã tham gia vào việc thảm sát ấy. Do đó giáo hội Vatican – trước đó phải im lặng đồng tình – đã phải ra tuyên bố đính chính rằng “chúa Jesus là người Do Thái” như một lời xem xét lại đối với những sai lầm của quá khứ. Nhưng điều này cũng không thể rửa sạch được lịch sử đẫm máu đã qua. Ngay trong thời hiện tại, tại Israel tổ quốc của Jesus, ông cũng không được công nhận là Messiah (đấng Cứu thế), nên đại bộ phận dân chúng ở đó vẫn chờ đợi sự giáng lâm của Messiah và tin vào Do Thái giáo truyền thống chứ không phải Cơ Đốc giáo.

Thứ năm, chúng ta hãy thử xem xét dung mạo của bốn vị này. Đầu tiên, miêu tả về Khổng Tử nghe có vẻ giống như truyền thuyết.

“Mắt của ông to và dài, trán cao giống như dáng vẻ của đế vương, tay dài, lưng giống như con rùa, ông cao 9 thước 6 tấc. Vòng quanh thân dài 9 gang tay, ngồi xuống thì giống như rồng phủ phục, đứng lên thì như nhìn thẳng vào sao Ngưu Lang.”

Còn nếu quan sát tượng Phật hiện nay thì có thể nghĩ rằng Thích Ca Mâu Ni có một khuôn mặt rất nhân từ và tư thế đường bệ. Nhưng đến Socrates thì sự tình lại không giống như thế nữa. Khuôn mặt ông to tròn, trán hói, mắt lồi, mũi to, môi dày, người thấp lùn, bụng phình ra, dáng đi lạch bạch như con vịt, nhìn toàn thể thì ông đúng là một người xấu xí.

Về Jesus thì có hai thuyết khác nhau. Một thuyết thì cho rằng ông có thân hình nhỏ nhắn và yếu ớt, khuôn mặt không thể gọi là điển trai. Nói cách khác điều này nghĩa là ông là người không có thứ gì trong tay, nghèo khó và cũng không được học tập gì nhiều. Nhưng lại có thuyết khác cho rằng, dù dáng vóc nhỏ nhắn và thân hình yếu ớt, nhưng ông lại có một khuôn mặt rất đẹp.

Thứ sáu, ngoài Khổng Tử thì ba vị thánh nhân kia đều không có trước tác nào để lại. Phải thấy rằng việc hậu thế biết rộng rãi về họ và công của các đệ tử, ví dụ tất cả những lời của Socrates trong các sách Đối thoại đều là do Plato đệ tử của ông ghi chép lại, chứ không phải là sách do Socrates tự tay viết ra. Thích Ca Mâu Ni cũng như vậy, Jesus cũng không để lại sách vở gì. Chỉ có trong các sách Phúc âm (Phúc âm Matthew, Phúc âm Mark, Phúc âm Luke, Phúc âm John) mà trong đó Jesus là nhân vật chính, thì những lời nói và hành động của ông mới được ghi chép lại, và đó cũng không phải những ghi chép tự ông làm ra. Do vậy nói rằng sách Thánh kinh do Jesus viết ra hay kinh Phật do Thích Ca Mâu Ni viết ra là những cách nói thiếu logic.

Chỉ có Khổng Tử là ngoại lệ trong số bốn thánh nhân này, ông đã tự mình viết các tác phẩm “Dịch kinh, Thi kinh, Thư kinh” các sách ấy hợp với “Xuân Thu sử ký và Lễ ký” làm thành Ngũ kinh. Các sách “Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử” tức Tứ thư thì sau đó mới xuất hiện.

Thứ bảy, mặc dù có những khác biệt đa dạng như thế, nhưng lời dạy của bốn vị thánh nhân trên có thể nói là “đại đồng tiểu dị” (cái giống thì nhiều, cái khác biệt thì ít). Khổng Tử thì dạy rằng con người ta phải từ bi, Socrates dạy con người nắm bắt chân lý, Jesus thì dạy con người về tình yêu thương. Có thể thấy ý nghĩa căn bản của những điều đó là đồng nhất với nhau. Hơn nữa, có thể thấy nội dung của ngũ giới mà Phật giáo nhấn mạnh cũng được bao hàm trong mười điều răn của Cơ Đốc giáo, nghĩa là những việc sát nhân, gian dâm, trộm cắp, nói dối v.v… thì trong luân lý cả Đông và Tây, cổ và kim đều là những điều bị cấm.

Thứ tám, cuối cùng nếu xem xét hoàn cảnh cái chết của các vị thánh nhân này, thì hai vị thánh ở phương Đông lại hoàn toàn đối lập với hai vị thánh ở phương Tây. Khổng Tử và Thích Ca Mâu Ni đều thọ hết tuổi trời, ngược lại Socrates và Jesus đều không được sống hết tuổi trời mà phải chịu án tử hình. Socrates thì phải uống thuốc độc, Jesus thì bị đóng đinh lên cây thánh giá.

Có người từ những hoàn cảnh mà các vị thánh nhân này qua đời đã nói đến sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Nghĩa là, cũng giống như có thể thấy dòng thác chảy từ trên xuống dưới trong một bức họa phương Đông, văn hóa phương Đông cố gắng không đi ngược lại tự nhiên; trong khi đó, giống như những hình ảnh các đài phun nước có mặt khắp nơi ở Roma, văn hóa phương Tây luôn hướng tới việc đi ngược lại, chảy ngược chiều với tự nhiên.

-----o0o-----

 Trích "Lịch Sử Triết Học Phương Đông Viết Cho Thanh Thiếu Niên"

Kang Sung-Ryul

Lương Mỹ Vân - Kim Sang Ho dịch

NXB Thế Giới, 2018

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan