NÔ LỆ CHO CỦA CẢI VẬT CHẤT - LAMA DUDJOM DORJEE - LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH CỦA ĐẠO SƯ

NÔ LỆ CHO CỦA CẢI VẬT CHẤT

LAMA DUDJOM DORJEE - LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH CỦA ĐẠO SƯ

-------o0o-------

Một khi ý niệm mê lầm về tự ngã đã dừng, mọi hành động đều là tu tập theo đạo pháp để làm lợi lạc cho chúng sinh, không chừa một ai, điều đó gọi là giác ngộ.
NÔ LỆ CHO CỦA CẢI VẬT CHẤT - LAMA DUDJOM DORJEE - LỜI KHUYÊN CHÂN THÀNH CỦA ĐẠO SƯ

Chúng ta nên ý thức về nhiều sai lầm có thể xảy ra khi bắt đầu con đường tu tập. Chúng ta phải có tham vọng và tập trung vào mục tiêu lớn hơn, đó là đem lại lợi ích rốt ráo cho bản thân và người khác thay vì bị xao nhãng bởi nhiều dự tính và quan tâm nhỏ bé vô nghĩa của đời sống trần tục. Đừng rơi vào con đường theo đuổi các pháp thế gian, chẳng hạn tích luỹ của cải, bồi đắp danh tiếng, bởi cho đến cuối cùng, những thứ này sẽ không đem lại lợi ích rốt ráo cho chúng ta và những chúng sinh khác.

Chúng ta không được để lòng tham hay sự bủn xỉn dẫn vào con đường sai lầm, bởi lẽ sự thực hành bố thí tuy được áp dụng cho cả bản thân lẫn người khác, nhưng nó chỉ dựa vào những tài nguyên mà chúng ta có sẵn ở một thời điểm nhất định. Nếu bạn bắt gặp một người đáng giúp nhưng không có nguồn lực nằm trong khả năng để thực hiện sự giúp đỡ ấy, bạn nên duy trì ý định thuần khiết là sẽ giúp ngay khi có thể. Nếu giữ ý định này cũng như cầu nguyện chân thành rằng mong một ngày nào đó mình có khả năng giúp, bạn đã đẩy mạnh nguyện bố thí.

Chúng ta phải tránh cạm bẫy khi chú trọng tích trữ và dành dụm của cải vật chất, bởi lẽ những nguồn lực này không bao giờ được sử dụng cho hạnh phúc hay ích lợi của bản thân và người khác nếu không có nguyện bố thí.

Bởi vậy, thay vì đặt sự tin tưởng và trông cậy vào những pháp thế gian và sa vào những ngã rẽ sai lầm, chẳng hạn nương tựa vào của cải vật chất tích luỹ được, chúng ta phải dành sự tin tưởng và trông cậy vào Phật pháp, bởi nếu không có sự tin tưởng và trông cậy ấy thì dù có thấy đôi chút lợi ích từ sự tu tập, chúng ta sẽ không bao giờ nhận được phúc lạc tối hậu, vốn chỉ đến cùng sự nương tựa đúng đắn, nương tựa vào Tam bảo.

3.3 TỰ NGÃ VÀ VÔ NGÃ

Là người tu tập chân thực, chúng ta kết hợp bồ đề tâm và những lời phát nguyện để tạo thành thực hành thường ngày. Thiếu một trong hai chất liệu này, chúng ta giống như một con chim một cánh cố tập bay. Để đem lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh thông qua bồ đề tâm hay tâm từ bi lớn lao, chúng ta phải hoàn toàn từ bỏ thói ích kỷ, nguyện hy sinh bản thân. Một khi đặt bước trên con đường đạo pháp, mức độ tu tập đích thực của chúng ta tỉ lệ thuận với mức độ từ bỏ ý tưởng về tự ngã và đề cao sự hy sinh bản thân vì lợi ích của người khác.

Một khi ý niệm mê lầm về tự ngã đã dừng, mọi hành động đều là tu tập theo đạo pháp để làm lợi lạc cho chúng sinh, không chừa một ai, điều đó gọi là giác ngộ.

Chúng ta sẽ không thực chứng giác ngộ chỉ bằng cách trốn tránh xã hội, náu mình ở một nơi ẩn cư cô độc. Tâm trí chúng ta phải thay đổi để sự xem trọng bản ngã bị tiêu tan, sự hy sinh bản thân được phát nguyện. Thực chứng hoàn hảo không thể xảy ra nếu tâm hành giả chưa hoàn toàn được tịnh hoá khỏi ba độc tham, sân, si.

Sau cùng, chúng ta phải dùng sức mạnh của tín tâm và sự tịnh hoá để cầu nguyện rằng mình sẽ được tắm mát trong cơn mưa phúc lành, thành quả của sự trao truyền Phật pháp.

3.4 HẠNH NHẪN NHỤC

Điều cốt yếu cho người tu tập Phật pháp là phát triển hạnh nhẫn nhục để giải thoát bản thân và người khác. Chúng ta thực hành hạnh nhẫn nhục bằng cách rèn luyện không để cảm xúc nghiêng ngả theo những khen ngợi hay chê bai của người khác, mà thấy những lời ấy chỉ như chúng là, không có bản chất đích thực, giống như một tiếng vọng trong rỗng không.

Để gieo hạt giống nhẫn nhục, chúng ta thực hành bằng cách không để lời khen ngợi hay sự công kích của người khác tác động tới trạng thái cảm xúc của mình. Chúng ta có thể gieo hạt giống nhẫn nhục quý báu bằng cách không ngừng khảo sát tư tưởng và hành động, đảm bảo chúng không bao giờ mâu thuẫn với giáo lý. Để gieo hạt giống nhẫn nhục quý báu, chúng ta còn phải phát triển bồ đề tâm bằng cách thực hành bố thí. Thay vì tích luỹ của cải vật chất cho bản thân một cách ích kỷ, chúng ta phải chia sẻ tài vật với những người thiếu thốn mà không do dự. Điều này sẽ đưa chúng ta tới cấp độ cao nhất của thực hành nhẫn nhục.

Là những người tu tập, để sự nhẫn nhục trở nên hoàn hảo, chúng ta phải đón nhận và trải nghiệm mọi chướng ngại, mọi đau đớn và khổ ải - hay nói ngắn gọn, toàn bộ nghiệp của mình. Chúng ta phải thấy nghiệp như nó là, chấp nhận nó một cách trọn vẹn, sử dụng nó như sức mạnh cho tu tập, như một cơ hội chuyển hoá bản thân.

Sau cùng, để sự nhẫn nhục trở nên hoàn hảo, chúng ta phải không ngừng rèn luyện nhằm nâng cao tín tâm và sự sùng mộ Phật pháp, cho đến khi chúng ta cũng trở thành những bồ tát có khả năng hoạt dụng không mệt mỏi vì lợi ích của mọi chúng sinh.

3.5 HOẠT ĐỘNG CÓ LỢI ÍCH TỐI HẬU

Điều cực kỳ quan trọng đối với người tu tập là biết rằng từ một tầm nhìn tối hậu, hành động nào đem lại lợi ích, hành động nào gây hại. Theo giáo pháp, đời sống con người của chúng ta thực ra vô cùng ngắn ngủi. Chúng ta sống không quá một thế kỷ, nhưng còn vô số kiếp sống ở đằng trước - nhiều chu kỳ sinh ra, sống và chết đi hơn khả năng hình dung của chúng ta. Chúng ta phải sử dụng nhận thức này về sự ngắn ngủi của cuộc đời để tiếp sức cho tu tập, có như vậy mới mong đem lại lợi ích tối hậu cho bản thân và người khác. Ví dụ, nếu là người ích kỷ, tham lam, bủn xỉn trong đời này, chúng ta chắc chắn phải trải qua sự nghèo nàn cả về vật chất lẫn tâm linh trong các kiếp sống tương lai. Nhưng nếu chúng ta quan tâm hơn đến việc thực hiện những hoạt động có lợi ích tối hậu, chẳng hạn thực hành ba la mật đầu tiên trong sáu ba la mật, không ngừng cải thiện hạnh bố thí đối với người khác, có thể nói chắc chắn rằng cả ở mức độ vật chất và tâm linh, chúng ta sẽ tiếp tục có sự giàu có và sung túc trong suốt những kiếp sống tương lai.

Để đưa bản thân tới những cấp độ tồn tại cao hơn, chúng ta phải tiếp tục dấn thân vào những hoạt động có lợi ích tối hậu, cụ thể là thực hành ba la mật thứ hai - sự trì giới hoàn hảo. Sự trì giới giống như một cái thang, cho phép chúng ta leo lên những cấp độ hiện hữu ngày càng cao. Tuyệt đối không có cơ chế nào khác để chúng ta đi tới Phật quả.

Sau đó, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động có lợi ích tối hậu bằng cách chuyển sang ba la mật thứ ba - sự nhẫn nhục hoàn hảo. Khi thực hành nhẫn nhục, chúng ta giống như đang đứng giữa một chiến trường hỗn loạn, nhưng dù chiến tranh diễn ra ác liệt ở xung quanh, chúng ta hoàn toàn được bảo vệ bởi tấm áo giáp không thể xuyên thấu là sự nhẫn nhục hoàn hảo.

Ba la mật thứ tư là sự tinh tấn hoàn hảo, sự bền bỉ. Thông qua tinh tấn, chúng ta tích luỹ một vốn lớn trí huệ. Tinh tấn giống như học một ngôn ngữ mới - bắt đầu với mỗi từ một lúc cho đến khi chúng ta có khả năng ghép thành câu, cuối cùng tạo nên cả đoạn văn và thực hiện đối thoại.

Kinh nghiệm của chúng ta với những hoạt động đem lại lợi ích tối hậu sẽ sâu sắc hơn nữa khi bắt đầu thực hành ba la mật thứ năm - thiền định hoàn hảo. Sự thiền định hoàn hảo cần đạt đến độ nhất tâm, khi chúng ta không còn những vận động hay chao đảo trong dòng tâm thức bất kể chuyện gì xảy ra, giống như một ngọn lửa cháy rực, không dao động, thậm chí không rung rinh trước những cơn gió.

Sau cùng, để thực hiện những hoạt động có lợi ích tối hậu và đáp ứng mọi ước muốn của bản thân cũng như của người khác, chúng ta phải thực hành ba la mật thứ sáu - trí huệ. Khi trí huệ trở nên hoàn hảo, chúng ta giống như mặt trời và mặt trăng, soi sáng con đường cho tất cả mà không cần dụng công hay gắng sức.

-------o0o-------

Trích: Lời Khuyên Chân Thành Từ Đạo Sư

Tác giả: Lama Dudjom Dorjee

Dịch: Hân Nhi

NXB Hồng Đức, 2016

Ảnh nguồn internet

Bài viết liên quan