SUY NGHĨ TÍCH CỰC LÀ GÌ? - Nguyễn Công Thái - Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên

SUY NGHĨ TÍCH CỰC LÀ GÌ?

Nguyễn Công Thái - Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên

---o0o---

Thạc sĩ Nguyễn Công Thái, nhà sáng lập và điều hành Starup Education (SE) - đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học, công nghệ trong giáo dục và khởi nghiệp thông qua các hệ thống triết lý, quy trình, mô hình vận hành thuận theo quy luật tự nhiên, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, đào tạo giáo dục và phát triển con người, lãnh đạo, xây dựng hệ thống kinh doanh & Coaching doanh...
SUY NGHĨ TÍCH CỰC LÀ GÌ? - Nguyễn Công Thái - Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên

Thạc sĩ Nguyễn Công Thái, nhà sáng lập và điều hành Starup Education (SE) - đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học, công nghệ trong giáo dục và khởi nghiệp thông qua các hệ thống triết lý, quy trình, mô hình vận hành thuận theo quy luật tự nhiên, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, đào tạo giáo dục và phát triển con người, lãnh đạo, xây dựng hệ thống kinh doanh & Coaching doanh nghiệp tự động hóa. Trực tiếp huấn luyện và đào tạo cho hơn 50.000 cá nhân & doanh nghiệp tại Việt Nam.

---o0o---

Chúng ta hãy cùng nhau chơi một mini game, bằng việc trả lời nhanh các câu hỏi, để đi đến kết luận xem bạn có phải là một người có suy nghĩ tích cực không, trước khi chúng ta đi vào tìm hiểu suy nghĩ tích cực là gì bạn nhé!

Tình huống 1: Hôm nay bạn thức dậy như mọi người, vệ sinh, tắm rửa, soạn sửa, ăn sáng và chuẩn bị đến trường. Bạn vẫn canh đúng thời gian ra khỏi nhà như mọi ngày. Nhưng hôm nay, chiếc xe máy của bạn lại bị thủng lốp. Bạn suy nghĩ trời ơi, thật là xui xẻo, vì bạn không còn bao nhiêu thời gian để đến lớp nữa, trong khi không có tiệm vá xe nào gần đây. Bạn phải đi bộ ra trạm xe buýt, trên đường đi, bạn suy nghĩ “Không sao đâu. Rồi sẽ kịp giờ thôi!”. Hỏi: Bạn có phải là người có suy nghĩ tích cực trong hoàn cảnh nêu trên hay không?

Tình huống 2: Gia đình của bạn có tiền sử bệnh ung thư. Bạn luôn lo lắng không biết mình có bị ung thư hay không. Và bạn luôn cố gắng tự nhủ “Chắc nó sẽ không đến với mình đâu”. Hỏi: Bạn có phải là người có suy nghĩ tích cực trong hoàn cảnh nêu trên hay không?

Tình huống 3: Bạn là giáo viên chủ nhiệm, và sắp có một tiết dạy dự giờ vô cùng quan trọng. Bạn suy nghĩ và lo lắng cho tiết dạy đó rất nhiều. Bạn tự trấn an mình rằng “Mình sẽ làm tốt thôi”. Và bạn cứ bận tâm với câu hỏi đó suốt cả tuần dài. Hỏi: Bạn có phải là người có suy nghĩ tích cực trong hoàn cảnh nêu trên hay không?

Nếu câu trả lời của bạn là “Có” cho cả ba trường hợp, thì chắc chắn một điều rằng: Bạn chưa phải là một người có suy nghĩ tích cực!

Bạn có bất ngờ không? Đây là những trường hợp thực tế rất phổ biến trong đời sống của chúng ta. Đứng trước những sự bất như ý, đứng trước những sự thật hiển nhiên, đứng trước những nỗi sợ... chúng ta thường tìm cách tự trấn an mình. Và chúng ta cho rằng đó là cách suy nghĩ tích cực. Nhưng, nếu bạn hiểu như vậy, thì bạn chỉ hiểu được “phần nổi của tảng băng chìm”.

Để hiểu sâu về suy nghĩ tích cực, ta phải tìm hiểu và đào bới đến phần ý thức và tiềm thức của mỗi người.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian ra quyết định của ý thức là 25/1000 giây. Thời gian ra quyết định của tiềm thức là 7/1000 giây. Ta có thể thấy tiềm thức quyết định nhanh gấp 4 lần ý thức và nó chiếm 80% quyết định của chúng ta hằng ngày. Suy nghĩ tích cực thật sự, không phải nằm ở việc thay đổi ý thức, mà nó nằm ở việc chúng ta phải thay đổi tiềm thức.

Trở lại ví dụ của tình huống 1, tiềm thức hoạt động dẫn dắt bạn thực hiện các công việc như thường lệ. Và rồi khi điều bất như ý xảy đến, tiềm thức ngay lập tức nói cho bạn rằng “thật là xui xẻo”. Như vậy, trong tiềm thức của bạn là nếu gặp chuyện bất như ý thì đó sẽ là một sự xui xẻo, bất kể đó là thời gian nào, hoàn cảnh nào, với ai, tình huống nào... Như vậy, bạn đã để tiềm thức vận hành trong tình huống quá nhiều và ý thức chợt lóe lên chỉ trong một khoảnh khắc bằng câu nói “tự an ủi” của chính bạn “Không sao đâu. Rồi sẽ kịp giờ thôi!”. Vấn đề không phải là bạn sẽ điều khiển ý thức tích cực đó, mà vấn đề là bạn phải CHUYỂN HÓA TIỀM THỨC của mình tận gốc, ở chỗ, nếu gặp chuyện bất như ý thì bạn HOAN HỈ với nó thay vì nghĩ nó là ĐIỀU XUI XẺO. Bạn phải lập trình lại tiềm thức của mình ở chỗ này. Và như vậy, suy nghĩ tích cực không phải là dùng ý thức một cách hời hợt bằng một vài câu nói, điều đó sẽ không giúp bạn “tích cực lên” được, mà suy nghĩ tích cực thực chất là dùng tiềm thức để thấu hiểu hoàn cảnh và chấp nhận hoàn cảnh như nó vốn có với một tâm thể không tiêu cực.

Tương tự như vậy, ở tình huống 2, bạn cần phải chuyển hóa được tiềm thức của mình. Tiềm thức của bạn đang có một niềm tin cố hữu rằng: “Gia đình có tiền sử bệnh ung thư sẽ khiến mình mắc bệnh ung thư”. Đó là một niềm tin sai lệch. Bởi vì không phải trong mọi trường hợp nếu gia đình có tiền sử bệnh thì những người trong gia đình cũng sẽ bị bệnh. Do đó, bạn cần lập trình lại tiềm thức của mình rằng: “Mình tin rằng căn bệnh ung thư sẽ không đến với mình dù rằng tiền sử gia đình mình có căn bệnh đó” Và nếu bạn lập trình được như vậy, niềm tin sẽ dẫn lối cho bạn. Sẽ cho bạn năng lượng tích cực để bạn quên đi “tiền sử bệnh”. Nếu bạn chỉ nói bề ngoài rằng “Chắc nó sẽ không đến với mình đâu”, thì bạn chưa từ bỏ được hoàn toàn niềm tin “bệnh ung thư sẽ đến với mình”. Và tiềm thức suy nghĩ như vậy thì cho dù bạn có “cố gắng” hay “tự an ủi” chính mình bao nhiều lần đi chăng nữa, trong sâu thẳm tư duy của bạn, ung thư vẫn còn có cửa để ghé thăm bạn nếu tiềm thức của bạn chưa loại bỏ được hoàn toàn mệnh đề đó.

Ở ví dụ tình huống thứ ba. Bạn đã để tiềm thức lo lắng của mình dẫn dắt, bạn mất rất nhiều thời gian, bạn để tâm thật nhiều vào một sự kiện mà theo bạn là quan trọng với bạn. Bạn dành phần lớn thời gian của hiện tại để có thể nghĩ về tình huống ở tương lai. Bạn không sống ở phút giây hiện tại. Như vậy thì cho dù bạn nói “mình sẽ làm tốt thôi” thì chưa chắc bạn sẽ làm tốt được với những nỗi lo lắng dài lê thê của bạn. Trong hoàn cảnh này, bạn phải chuyển hóa tiềm thức của mình. Chuyển hóa những nỗi lo lắng đó thành hành động. Bạn sẽ lập trình tiềm thức rằng “đây là một cơ hội tốt để mình thể hiện năng lực của mình với đồng nghiệp và cấp trên”. Thật hiếm khi có cơ hội để thử thách bản thân mình như thế. Và thật hiếm khi có nhiều người có chuyên môn cao hơn mình lại ngồi lắng nghe mình giảng bài như thế. Và cho dù họ nhìn nhận hay đánh giá kết quả như thế nào, bạn sẽ làm tốt nhất với khả năng của bạn. Và tâm lý lo lắng phải được thay thế bằng tâm lý hào hứng, tự tin, bất chấp kết quả nhưng chắc chắn về kiến thức chuyên môn của mình.

Vậy suy nghĩ tích cực là gì?

Suy nghĩ tích cực tức là cách nhìn của bản thân qua một vấn đề, hiện tượng theo một chiều hướng khách quan và tốt đẹp, hay tôi thường gọi nó là phương pháp giúp mọi người quản trị cảm xúc. Để bạn dễ hiểu hơn, khi có một biến cố ập đến người có suy nghĩ tích cực sẽ nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau và từ đó họ tìm ra giải pháp phù hợp. Nhưng nền tảng của suy nghĩ tích cực nó phải đến từ tiềm thức tích cực chứ không phải từ ý thức tích cực.

Bản thân tôi nhờ có tư duy này đã tạo động lực giúp mình kiến tạo sứ mệnh cộng đồng giáo viên hạnh phúc và cũng nhờ nó mà mình thoát khỏi mọi biến cố đã xảy ra. Bởi trong thân tâm tôi luôn muốn bản thân có thể làm đẹp cho đời cho đất nước, qua đó tôi nỗ lực bằng cách luôn suy nghĩ tích cực, đóng góp toàn bộ công sức, tâm trí lực và trí tuệ để xây dựng cộng đồng nhà giáo này.

Tôi ý thức được mọi việc đều xảy ra theo quy luật của vũ trụ: Có ngày sẽ có đêm, có ánh sáng sẽ có bóng tối và mọi việc đều có hai mặt như bàn tay của chúng ta, mặt trái và mặt phải. Khi đó nhờ vào tư duy tích cực này, bạn sẽ đủ dũng cảm để đương đầu với những chông gai và biết đâu nó không thật sự khó khăn như bạn tưởng. Norman Vincent Peale đã khái quát điều này thông qua cuốn sách “Sức mạnh của suy nghĩ tích cực” của mình: “Hãy dám đối mặt và vượt qua những sự trở ngại, bạn sẽ phát hiện ra chúng không thực sự đáng ngại như bạn nghĩ”.

Hơn ai hết, đối với những người làm nhà giáo, suy nghĩ tích cực giúp bản thân tăng giá trị cho bản thân, thậm chí là tăng giá trị cho xã hội. Đây là một trong những phương pháp để tôi phụng sự cho xã hội và nâng tầm giá trị của mình.

Tôi xây dựng suy nghĩ tích cực thông qua một phương pháp cụ thể, nó không những giúp tôi có cái nhìn tổng quan về sứ mệnh của mình mà còn rất bài bản và chi tiết. Mỗi ngày tôi luôn áp dụng hệ thống bảy thói quen thịnh vượng, bình an: nâng tầm trí tuệ; gia tăng giá trị; phụng sự xã hội; suy nghĩ tích cực; quản trị cảm xúc; hành động chính trực; lựa chọn kết quả cuối cùng của cuộc đời. Đặc biệt là cam kết phụng sự và chính trực.

Trong đó, tôi khuyến khích mọi người hãy lấy ba giá trị cốt lõi “Tâm – Trí – Lực” để làm kim chỉ nam. Bởi nó không những giúp bạn giải phóng đi những năng lượng tiêu cực mà còn là bước đột phá tiến đến thành công, hoàn thành tốt sứ mệnh. Đã là những người làm trong ngành giáo dục càng phải áp dụng hệ thống bảy thói quen này, nó không chỉ giúp bản thân thầy cô tăng giá trị cho chính mình mà còn góp phần nâng cao trí tuệ cho những “mầm non” của đất nước.

Suy nghĩ tích cực như một liều thuốc bổ, giúp đội ngũ giáo viên cảm thấy hạnh phúc và bình an. Chỉ có khi đó đất nước mới thật sự phát triển giàu mạnh và văn minh. Qua đó, tôi luôn hy vọng mọi người cùng chung tay góp sức để chúng ta kiến tạo nên sứ mệnh một cộng hạnh phúc, thịnh vượng và bình an.

Suy nghĩ tích cực vô cùng quan trọng với nghề nhà giáo. Trong sự phân công lao động của xã hội, có những ngành nghề chúng ta phải làm việc với máy móc nhiều hơn làm việc với con người, như công nhân, kỹ sư, lập trình viên ... Có những ngành nghề vừa làm việc với con người vừa kết hợp với máy móc như nghề bác sĩ, tài xế, giám sát... Có những ngành nghề đặc biệt chỉ làm việc với con người, như nghề luật sư, hướng dẫn viên, nghề nhà giáo... Không nghề nghiệp nào có nhiều “đặc ân” như nghề nhà giáo của chúng ta. Đó là được sống và làm việc trong một môi trường nơi mà con người sống với nhau bằng nền tảng đạo đức và giáo dục. Thật hiếm có nghề nào cao quý như nghề giáo viên – nơi chúng ta có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ và dạy dỗ một con người trong một khoảng thời gian rất dài, thường tính bằng tháng hoặc năm. Nơi mà ta đến lớp, ta được “biết mặt, điểm tên” rất nhiều học trò, thấu hiểu được hoàn cảnh, tính cách và những phần sâu nhất trong mỗi con người, ta được đồng hành với học trò đó, và gieo vào tâm hồn các em những điều mà ta muốn. Không phải ngẫu nhiên mà Comenxki đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Đồng thời với sự cao quý đó, chính là rất nhiều điều chúng ta cần phải làm. Chẳng hạn như, chúng ta phải sống làm gương, sống làm mẫu, sống làm tiêu chuẩn và hình ảnh để học trò có thể nhìn vào mà noi theo. Đối với tôi, thầy cô là những người đội mũ đỏ, họ đảm nhận trách nhiệm rất lớn để kiến tạo nên tâm hồn của trẻ con, giúp chúng phát triển trí thông minh. Vì thế những người trong vai trò này càng phải chú trọng vào lối tư duy, suy nghĩ và hành động của bản thân. Nếu không chính những điều tiêu cực len lỏi trong đầu họ sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của những mầm non đất nước mà nhiều khi chính ta cũng không thể nào hay biết.

Suy nghĩ tích cực chính là một trong những phẩm chất quan trọng của người nhà giáo để góp phần vào sự nghiệp trồng người. Một người luôn mang suy nghĩ tích cực góp phần làm đẹp cho đời và một người làm nhà giáo hướng đến những giá trị này, tức là phụng sự cho xã hội, làm giàu cho đất nước. Đó là lý do vì sao dù mỗi đất nước mỗi phong tục tập quán nhưng nghề nhà giáo vẫn luôn được mọi xã hội tôn vinh và kính trọng.

---o0o---

Trích: Hành Trình Trở Thành Người Giáo Viên

Tác Giả: Nguyễn Công Thái

NXB. Dân Trí

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan