TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM – NGUYỄN VĂN HUYÊN - HỘI HÈ LỄ TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT

TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN HUYÊN

Trích: HỘI HÈ LỄ TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT; Người dịch: Đỗ Trọng Quang - Trần Đình; NXB Thế Giới.

-------o0o-------

ngày Tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi cá nhân ở xứ sở mà tình cảm về sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa trật tự thiên nhiên với trật tự con người là yếu tố cơ bản của mọi tín ngưỡng dân gian
TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM – NGUYỄN VĂN HUYÊN - HỘI HÈ LỄ TẾT CỦA NGƯỜI VIỆT

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1926, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp học tập, năm 1927 đỗ tú tài, năm 1928 đỗ cử nhân văn chương, ba năm sau, 1931, lại đỗ thêm một bằng cử nhân luật. Năm 1934, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne. Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam và luận án phụ. Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á của ông được đánh giá là xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp. Năm 1935, ông quyết định về nước làm việc, lúc đầu dạy Sử-Địa ở trường Bưởi, rồi sau đó, từ tháng 8 năm 1938, ông được Toàn quyền Đông Dương điều sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), trở thành “thành viên khoa học” ngang hàng với các học giả người Pháp ở viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học này. Cũng từ năm 1938, ông bắt đầu tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia Giáo dục. Tháng 11 năm 1946, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất (19/10/1975). Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội và nhân văn.

Tên tuổi và sự nghiệp Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người có những đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

---o0o---

Tết hay ngày đầu năm của vùng châu Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa là một ngày lễ mà mọi người Việt Nam đều cử hành vô cùng trọng thể, với một sự nhất trí đáng cảm động. Ta biết rằng, ở nước ta, cũng như ở nước Trung Quốc láng giềng, việc phân chia thời gian dựa trên sự vận hành của mặt trăng. Mỗi tháng bắt đầu vào một ngày của tuần trăng mới. Và năm cũng khởi đầu vào tuần trăng mới đầu tiên tiếp theo lúc mặt trời ra khỏi chí tuyến Nam, dấu hiệu sau cùng của ba dấu hiệu mùa đông. Như vậy, Tết vừa theo sự vận hành của cả mặt trời lẫn mặt trăng. Nó mở đầu mùa xuân và, như vậy, bao giờ cũng rơi vào giữa hạ tuần tháng Giêng dương lịch và trung tuần tháng Hai dương lịch. Năm nay, Tết vào ngày 15 tháng Hai dương lịch.

Người ta đặt tên cho lễ này là tiết Nguyên đán, “những buổi rạng đông của sự khởi đầu”. Ngày này là lúc khởi đầu của năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu. Xưa kia, người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí; người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao; người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khó, v.v... Trong các công sở, người ta cất triện vào hòm khóa, và sự giải quyết việc công được ngừng ngay từ hôm 25 tháng Chạp, và chỉ tiếp tục lại một cách long trọng vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm mới.

Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng, thì trong dịp lễ này, từ Bắc chí Nam, cả nước đều hoan hỉ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi ở kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở. Dân thành thị cố gắng làm ngơ để quên đi những điều phiền toái mà các bức điện từ nước ngoài đưa đến, và ăn Tết thảnh thơi khỏi mọi lo toan trước mắt. Nhà nông, với đời sống hàng ngày vất vả cơ cực, chẳng biết gì đến nghỉ ngơi hàng tuần, ngừng mọi công việc vào ngày đầu năm. Cả nước bị cuốn hút vào một tình cảm đồng tâm nhất trí bởi một sức mạnh vô hình đến nỗi đức vua vĩ đại Quang Trung, vào năm 1789 nổi tiếng ấy, để tập kích bất ngờ quân nhà Thanh đóng ở Thăng Long vào giữa những ngày lễ hội truyền thống, đã phải cho binh sĩ mình ăn Tết trước mấy ngày, trước khi tiến quân đánh chiếm lại xứ Bắc. Mặt khác, bên cạnh nét lịch sử thường được nhắc lại này, còn biết bao tấn kịch mà ta không thể kể ra để xác định vị trí quan trọng của ngày lễ này trong ý thức dân gian. Không ngày lễ nào của phương Tây có thể sánh với ngày lễ đó. Một sinh viên Việt Nam ở Pháp, trong diễn từ của anh ở buổi khiêu vũ truyền thống nhân ngày Tết, đã so sánh nó với ngày Thiên Chúa giáng sinh, ngày đầu năm dương lịch, ngày lễ Phục sinh và ngày 14 tháng Bảy gộp lại. Nhưng ngay dù anh ta có kể ra tất cả các lễ công cộng khác của phương Tây, anh ta cũng không khiến được cho các bạn Pháp, dù rất muốn biết các truyền thống của phương Đông xa xôi, có được một ý niệm nhỏ về niềm vui nhất trí này.

Chính vì ngày Tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi cá nhân ở xứ sở mà tình cảm về sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa trật tự thiên nhiên với trật tự con người là yếu tố cơ bản của mọi tín ngưỡng dân gian, và ở đấy cuộc sống hoàn toàn nông dân được tổ chức theo nhịp điệu “hai mươi bốn thì” theo lịch định, nên việc chuyển sang ngày mở đầu một chu kỳ các tuần trăng được coi một cách chính đáng như một sự kiện hàng đầu. Mọi người đều hoan hỉ vì đã sống những thời gian đã qua, và long trọng chuẩn bị bước vào thời kỳ đang mở ra. Bản thân hoàng đế cũng phải đánh dấu, bằng những nghi lễ được quy định cẩn thận, sự kiện tạo cho ngài một năm mới để thực hiện thiên mệnh của mình.

---o0o---

Trích: Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt

Tác giả: Nguyễn Văn Huyên

NXB Thế Giới

Ảnh nguồn internet.

Bài viết liên quan