THUYẾT TRÌNH - TONY BUZAN - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

Tạo dựng mối quan hệ thực sự là một phần của việc tự thể hiện bản thân. Đây là khuynh hướng hết sức tự nhiên của những người có Trí tuệ Xã hội. Ta nên tiếp cận với mọi người theo cách như thể họ là những người quan trọng đối với cuộc đời mình
THUYẾT TRÌNH - TONY BUZAN - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

THUYẾT TRÌNH

TONY BUZAN - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

-------o0o-------

Thuyết trình

Trao đổi nhóm, hay thuyết trình cũng được xem là đối thoại với nhiều người cùng một lúc.

Mặc dù thông thường mọi người không đóng góp ý kiến phản hồi trong lúc bạn đang trình bày, nhưng tất nhiên bạn sẽ nhận được những phản hồi từ họ thông qua ngôn ngữ cơ thể và phản ứng của họ về những điều bạn nói (cười, những tiếng rì rào đồng ý hay không đồng ý v.v.).

Bạn có còn nhớ nguyên lý Những điều đầu tiên sẽ xuất hiện trước Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ? Não người thường nhớ những gì xảy ra tại thời điểm bắt đầu và kết thúc hơn là những gì xảy ra ở khoảng giữa. Vì vậy hãy đưa ra những điểm quan trọng nhất vào lúc bắt đầu và kết thúc bài nói chuyện của bạn. Tất nhiên nguyên lý này cũng có thể vận dụng cho mọi hình thức đối thoại!

Hãy làm nổi bật những điểm quan trọng nhất. Trong một vài trường hợp, bạn có thể kể những câu chuyện minh họa để nhấn mạnh thêm cho ý tưởng.

Lập dàn ý cho bài nói chuyện của bạn bằng công cụ Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn bớt căng thẳng, làm cho bài nói chuyện đậm tính Trí tuệ Xã hội, dễ nhớ, hóm hỉnh mà sâu sắc.

Thể hiện bản thân

Tự thể hiện mình cũng giống như tiếp thị chính bản thân – “sản phẩm” ở đây chính là bạn!

Bạn phải làm cho bản thân mình trở nên đáng chú ý để “người mua” (những người mà bạn đang cố gắng gây ấn tượng, hoặc tìm hiểu) quan tâm đến bạn. Phải đảm bảo rằng bạn khác biệt với những “sản phẩm” cạnh tranh khác – “dân” marketing gọi đó là Lợi điểm bán hàng độc nhất (USP, Unique Selling Point). Câu chuyện sau sẽ minh họa cho nguyên lý “độc chiêu” này – còn được biết đến như là Hiệu ứng von Restorff, sẽ được nghiên cứu chi tiết hơn trong chương kế tiếp.

Một nhân viên bán hàng thông minh (Xã hội!) của hãng máy tính IBM quyết định dùng Hiệu ứng von Restorff để giúp anh thành công trong sự nghiệp anh đã chọn. Vì IBM còn được biết đến với tên gọi Big Blue nên anh ta quyết định xây dựng hình ảnh độc đáo cho mình bằng việc dùng màu xanh dương.

Anh sắm cho mình một tủ quần áo mới chỉ toàn áo sơ mi, com lê, cà vạt và áo khoác xanh dương. Anh tậu cả một chiếc xe hơi màu xanh dương với vải bọc ghế cũng xanh dương nốt. Chưa kể chiếc đồng hồ mặt xanh có dây đeo cùng tông màu, trông rất đồng bộ với chiếc cặp màu xanh. Anh in phần đầu thư (letterhead) của mình bằng màu xanh và dùng chiếc bút bi mực xanh, có vỏ cũng màu xanh dương.

Đặt chân đến đâu, anh đều trở thành nhân vật nổi bật. Anh dần được biết đến với tên gọi“Quý ông Xanh dương”. Và nhờ sự đầu tư “đồng bộ” cho nhân dạng bản thân và tận tâm với công việc, anh nhanh chóng trở thành một trong những người bán hàng hàng đầu của IBM.

Nhờ nét độc đáo này mà mọi người đều muốn kết giao với anh, rồi họ trở thành bạn hàng của anh từ lúc nào cũng không biết. Anh đã làm cho bản thân mình nổi bật trong trí nhớ khách hàng, theo cùng cách anh ta trở nên nổi bật trong trí nhớ của bạn vào lúc này!

Trở lại với bản thân, bạn phải biết bạn đang “bán” cái gì, và tin vào “sản phẩm” – tức là bạn phải tin vào chính mình, tin vào khả năng của mình.

Tạo dựng mối quan hệ

Tạo dựng mối quan hệ thực sự là một phần của việc tự thể hiện bản thân. Đây là khuynh hướng hết sức tự nhiên của những người có Trí tuệ Xã hội. Ta nên tiếp cận với mọi người theo cách như thể họ là những người quan trọng đối với cuộc đời mình, bởi vì ta thường có khuynh hướng đối xử tôn trọng và trân quý mối quan hệ tình cảm với những người thân quen.

Sợ sai!

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là sợ nói hớ, nói sai thời điểm và bị người khác khước từ. Chẳng hạn, bạn gọi điện cho một người bạn để trò chuyện nhưng anh/cô ấy đột nhiên nói năng nghe cộc lốc, bảo rằng giờ không thể nói chuyện tiếp, rồi cúp máy cái rụp.
Đương nhiên là bạn cảm thấy bối rối và tổn thương. Song, với Trí tuệ xã hội ngày càng phát triển, bây giờ bạn biết cách xử lý những tình huống như thế này. Đừng vội suy diễn lung tung!

Hãy đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu rằng người bạn kia đang cuốn quýt lên vì: con anh/cô ta đang phát sốt, sếp vừa “quẳng” một đống việc lên bàn với thời hạn hoàn thành hoàn toàn vô lý, chuông cửa mới reo… Với những lý do ấy, chẳng có gì ngạc nhiên khi anh/cô ấy không muốn dừng lại công việc để tiếp chuyện bạn!

Theo cách tiếp cận mang tính Trí tuệ Xã hội, hãy chủ động hỏi trước xem liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để trò chuyện. Thế rồi bạn bè của bạn sẽ đánh giá cao sự chu đáo này, bạn sẽ nhận được câu trả lời đầy nhiệt thành. Và khi bạn gọi lại, sẽ có một cuộc đối thoại thân tình, thoải mái hơn!

-------o0o-------

Trích: “Sức Mạnh Của Trí Tuệ Xã Hội”

Tác giả: Tony Buzan

Người dịch: TriBookers

Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2017

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan