TÔN GIÁO LÀ GÌ? - TÔN GIÁO NHÌN TỪ VIỄN CẢNH XÃ HỘI HỌC – Tiến Sĩ DƯƠNG NGỌC DŨNG

TÔN GIÁO LÀ GÌ?

TÔN GIÁO NHÌN TỪ VIỄN CẢNH XÃ HỘI HỌC – Tiến Sĩ DƯƠNG NGỌC DŨNG

---o0o---

Rốt cuộc thì việc lựa chọn giữa các định nghĩa về phương diện bản chất và các định nghĩa về phương diện chức năng là một vấn đề chiến lược. Mỗi cách tiếp cận có các lợi thế hữu ích cho các công tác nghiên cứu xã hội học nào đó về tôn giáo.
TÔN GIÁO LÀ GÌ? - TÔN GIÁO NHÌN TỪ VIỄN CẢNH XÃ HỘI HỌC – Tiến Sĩ DƯƠNG NGỌC DŨNG

TÔN GIÁO LÀ GÌ?

TÔN GIÁO NHÌN TỪ VIỄN CẢNH XÃ HỘI HỌC – Tiến Sĩ DƯƠNG NGỌC DŨNG

---o0o---

Rốt cuộc thì việc lựa chọn giữa các định nghĩa về phương diện bản chất và các định nghĩa về phương diện chức năng là một vấn đề chiến lược. Mỗi cách tiếp cận có các lợi thế hữu ích cho các công tác nghiên cứu xã hội học nào đó về tôn giáo. Tuy nhiên, hai chiến lược đưa đến những diễn giải khác nhau về các vấn đề khác nhau như sự thay đổi xã hội, sự hoàn tục, mối quan hệ giữa tôn giáo với các tổ chức khác trong xã hội và các loại hình tôn giáo mới. Việc nhận thức các giới hạn và phạm vi của mỗi cách tiếp cận về mặt định nghĩa có thể giúp chúng ta đánh giá những vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Cuốn sách này minh họa các ví dụ trên quy mô lớn mà được định nghĩa như tôn giáo theo cả hai cách định nghĩa về bản chất và chức năng. Tuy vậy, vì sự chú trọng đặc biệt đến những gì mà cá nhân cho là có ý nghĩa về mặt tôn giáo, cuốn sách này cũng phân tích các hiện tượng mà chỉ những cách tiếp cận về mặt chức năng mới xem là tôn giáo. Cách tiếp cận này hữu ích vì hai lý do: Nó giúp chúng ta áp dụng một quan điểm tôn giáo về mặt xã hội học lên một loạt các hiện tượng thú vị, và nó đưa ra các vấn đề mang tính lý thuyết rộng hơn.

Khoa nhân học (anthropology) nghiên cứu con người từ hai góc độ: chủ thể sáng tạo ra một nền văn hóa, và sản phẩm của chính nền văn hóa đó. Các thực hành tôn giáo cũng như các thiết chế tôn giáo là một bộ phận không thể thiếu trong bất kì một nền văn hóa nào nên tôn giáo cũng trở thành một đối tượng nghiên cứu của nhân học. các nhà nhân học quan tâm đến tôn giáo vì một lí do khác nữa: họ thấy rằng tôn giáo là một yếu tố rất quan trọng khi giúp xã hội tự xác định bản sắc của nó bằng cách viện dẫn đến các mô hình thiêng liêng nguyên thủy trong các khuôn thức hành động. Người khai sinh ngành nhân học là E.B. Tylor (1632-1917) trong tác phẩm Văn hóa nguyên thủy (Primitive Culture, 1871) chủ yếu là bàn về tôn giáo trong các xã hội sơ khai. Hầu hết các nhà nhân học (trừ Tylor) không tìm hiểu bản chất của tôn giáo là gì theo phong cách một triết gia mà họ nhìn tôn giáo từ viễn cảnh chức năng. Họ muốn biết tôn giáo có vai trò gì, giúp duy trì các khuôn mẫu tư duy và hành động của các thành viên như thế nào, trong một cộng đồng hay xã hội. Công trình nghiên cứu thực địa bộ lạc Nuer tại Đông Phi của Evans-Pritchard chính là một minh họa rõ nhất của chủ nghĩa chức năng (functionalism) trong nhân học (xem Nuer Religion, NXB. Oxford, 1956, tr.190). Bộ lạc Nuer không có một cơ cấu chính quyền hay lãnh đạo chính thức nên tôn giáo ở đây đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc duy trì trật tự và ổn định. Những tranh chấp hay xung đột, mâu thuẫn trong bộ lạc đều do “Thủ lãnh da báo” (Leopard-skin Chief) giải quyết. Trong trường hợp có sự xúc phạm nghiêm trọng như giết người, thủ phạm có thể trốn trong nhà của Thủ Lĩnh, còn Thủ Lĩnh sẽ đàm phán với gia đình thủ phạm để bàn việc bồi thường cho gia đình nạn nhân, thông thường là một con bò hay heo gì đấy. Evans-Pritchard nhấn mạnh rằng Thủ Lĩnh không hề có quyền lực chính trị hay pháp lý và không có gì đảm bảo mọi người sẽ nghe theo lời hòa giải của ông. Nếu hòa giải không thành, sự báo thù sẽ lập tức diễn ra, lôi kéo rất nhiều thành viên của bộ lạc vào việc chém giết lẫn nhau. Tuy nhiên, tôn giáo đã đảm nhiệm chức năng ngăn chặn những sự vụ như vậy xảy ra. Người Nuer tin rằng việc giết người (hay lọan luân) sẽ làm xúc phạm đến Linh Thể và chính Linh Thế sẽ trừng phạt kẻ phạm tội. Sự can thiệp của thần linh sẽ gây ra những cơn bệnh thể xác. Người phạm tội đã bị ô uế do hành động của mình. Sự ô uế này sẽ lây lan sang người khác như một bệnh dịch. Tất cả đều phải can thiệp vào để cho sự lây lan nguy hiểm này không diễn ra.

Định nghĩa của Geertz cho thấy nhiều phương diện quan trọng của tôn giáo. Phương diện quan trọng nhất là cung cấp một ý nghĩa (provision of meaning) cho cuộc sống qua các biểu tượng tôn giáo. Những biểu tượng này có công năng duy trì các mối quan hệ xã hội và giúp thúc đẩy các hành động xã hội trong thực tiễn cuộc sống. Công trình khảo sát thực địa của Victor Turner về các lễ hội tôn giáo tại Phi Châu đã củng cố lý thuyết của Durkheim về chức năng xã hội của tôn giáo (Victor Turner, The Ritual Process, Cornell University Press, 1977). Các lễ hội tôn giáo có mục đích tạo ra một môi trường trong đó các thành viên tham dự không còn thấy tồn tại bất kỳ một mâu thuẫn căn bản nào giữa cá nhân và toàn thể cộng đồng. C.J. Fuller sau khi khảo cứu các lễ hội trong bốn ngôi làng thuộc miền Nam Ấn Độ, Bắc Ấn, và Trung Ấn, đã kết luận: “Các lễ hội tập thể về mặt nghi thức tôn giáo thể hiện tình đoàn kết trong làng. Người ta có thể cho rằng một trường hợp trong đó sự đoàn kết nhất trí được phóng chiếu như một lý tưởng trong lễ hội chỉ là một ảo tưởng thuần túy, bởi vì trong mọi lãnh vực khác của đời sống trong làng chỉ là sự chia rẽ và phân biệt đối xử tràn ngập.” Chang Chung-yuan đã viết về bản chất tôn giáo đời Thương Chu tại Trung Quốc như sau: “Khái niệm Thiên là tư tưởng then chốt đời Chu, triều đại kế tiếp nhà Thương. Khái niệm này là một minh họa cho ý niệm về một Thượng Đế hữu ngã đang dần dần chuyển biến thành một thực thể tối cao nhưng vô ngã [...] Thực thể tối cao này có quyền lực chi phối toàn thể các thị tộc trong nước, không giống như Đế, tổ tiên của dân Thương, và tính chất vô ngã của Thiên thể hiện ở hai mặt: thứ nhất, quan niệm Thiên không bị hạn chế trong bối cảnh bói toán hay cúng tế [...] Vị thần tối cao này chỉ hiện ra cho những người chịu trau dồi đạo đức và thành lập một trật tự xã hội thái hòa. Điểm thứ hai: quan niệm Thiên mang theo ý tưởng rằng những gì thiên phú (trời cho) chính là cái mà chúng ta gọi là nhân tính.”

Phương diện thứ hai là nhấn mạnh các cấu trúc mang tính xã hội và các nhân tố tâm lí của các tín đồ. Phương diện thứ ba là một thế giới quan (worldview) được chia sẻ: các tín đồ giải thích các kinh nghiệm và biến cố xảy ra trong cuộc sống dựa trên một quan niệm do tôn giáo cung cấp (cái mà Geertz gọi là “một trật tự hiện sinh tổng quát”). Chúng ta sẽ khảo sát kỹ quan niệm của Geertz khi thảo luận trường hợp giáo phái Heaven’s Gate của Mỹ.

Nhìn từ góc độ xã hội học tôn giáo đảm nhiệm chức năng kiến tạo một ý nghĩa tối hậu cho nhân sinh (Sinngesetzung), một nỗ lực lý giải những ẩn ngữ trong cuộc sống và kiểm soát những điều không thể kiểm soát được, nhân cách hóa những lý tưởng trừu tượng, hội nhập văn hóa, hay hợp thức hóa (legitimation) một hệ thống xã hội, phóng chiếu (projection) các ý nghĩa cá nhân vào một loại siêu thực tại, nói chung là một cố gắng lý giải (Sinnbedeutung) những vấn đề căn cơ nhất của hiện sinh. Theo Max Weber, nhiệm vụ cơ bản của ngành xã hội học giải thích (verstehende Soziologie) chính là hiểu và giải thích “hành động xã hội (Handeln). Ông viết: “Hành động xã hội là một hành động do ý nghĩa chủ quan mà cá nhân hành động gán cho nó, lý giải hành vi của người khác, và do đó được định hướng trong quá trình của nó. Khái niệm “hành động” bao gồm tất cả hành vi con người khi mà và trong chứng mực có thể hành động gán cho một ý nghĩa chủ quan. Hành động theo nghĩa này có thể rõ ràng lộ ra bên ngoài hay nội tại bên trong, hoàn toàn chủ quan; nó có thể bao gồm sự can thiệp tích cực vào một hoàn cảnh, hay cố ý rút lui ra khỏi sự can thiệp như vậy, hay thụ động chấp nhận một hoàn cảnh.”

Dựa trên Tylor, Weber, Geertz, chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa tôn giáo vừa mang tính bản thể vừa mang tính chức năng như sau: tôn giáo là một hệ thống bao gồm các niềm tin và những thực hành có liên quan đến Linh Thể nhờ đó tin đồ có thể tái định hướng và chuyển hóa cuộc sống của mình. Linh thế (the Holy) là một loại siêu thực tại (meta-reality), đứng cao hơn thế giới của con người, có quyền năng tác động đến cuộc sống và giúp chuyển hóa những định hướng cơ bản trong đời sống tâm linh của tín đồ. Niềm tin có thể được hệ thống hóa một cách chặt chẽ như hệ thống tín lý của Thiên Chúa Giáo (cả Tin Lành lẫn Công Giáo) hay mơ hồ, lỏng lẻo như Đạo Mẫu tại Việt Nam. Thực hành bao gồm các hoạt động phụng tự, thờ cúng, nghi lễ, cầu nguyện, ăn chay, hành hương, ngồi thiền, đọc kinh, làm việc thiện. Định nghĩa này cũng phù hợp với nhận xét của Émile Durkheim (1858-1917), ông tổ của ngành xã hội học tôn giáo: “Các hiện tượng tôn giáo về phương diện bản chất có thể chia ra làm hai phạm trù căn bản: các niềm tin và nghi lễ. Các niềm tin tức là các trạng thái ý kiến và bao gồm các biểu tượng. Nghi lễ tức là những phong cách hoạt động xác định.”

Một điểm đặc trưng trong quan điểm xã hội học tôn giáo của Durkheim là sự phân biệt giữa Cái Thiêng Liêng (the sacred) và Cái Phàm Tục (the profane) không được hiểu như các thuộc tính nội tại của sự vật mà chỉ là các ý nghĩa chủ quan mà tín đồ gán cho các đối tượng sùng bái của họ. Lãnh vực thiêng liêng là lãnh vực mà tín đồ tách riêng ra khỏi các sinh hoạt phàm tục và gán cho nó một ý nghĩa thiêng liêng bằng cách nghi lễ và qui luật đặc biệt. Nghi thức dâng lễ trong Bí Tích Thánh Thể của Công Giáo là một ví dụ cụ thể. Durkhiem viết: “Nếu tôn giáo khai sinh ra những gì thiết yếu nhất trong một xã hội đó là vì ý ý niệm xã hội là linh hồn của tôn giáo.” Quan điểm của Durkheim rất phù hợp khi áp dụng vào việc giải thích mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và chính trị trong văn hóa Nhật Bản truyền thống như Ian Reader, một chuyên gia về tôn giáo Nhật Bản đương đại, nhận xét: “Mục tiêu tối hậu không phải hoàn toàn xây dựng trên sự sùng bái kami mà đúng hơn là sự duy trì một cách tích cực mối quan hệ hài hòa sẽ làm lợi cho toàn thể cộng đồng và cung ứng thêm sự trợ giúp trong trần gian này, genze riyaku, để phục vụ cho sự phát triển và phồn vinh trong tương lai.”

Peter Berger và Thomas Luckmann viết về “xã hội và “tôn giáo” rằng: “Tất cả xã hội con người đều là một công trình kiến lập nên thế giới. Tôn giáo chiếm một vị trí nổi bật trong công trình này.” “Xã hội là một hiện tượng biện chứng theo nghĩa nó là một sản phẩm do con người tạo ra, tuy nhiên chính cái sản phẩm này luôn luôn tác động ngược lại đối với người sáng tạo ra nó” (Society is a dialectic phenomenon in that it is a human product and nothing but a human product, that yet continuously acts back upon its producer).

Trong bối cảnh này không có gì thích hợp hơn là nhắc lại một nhận xét của Peter Berger và Thomas Luckmann:

“Khoa xã hội học về tôn giáo (sociology of religion) có thể chứng minh trong nhiều trường hợp mối quan hệ chặt chẽ mật thiết giữa tôn giáo và sự liên đới xã hội (social solidarity). Ngay tại điểm lý luận này tốt nhất là gợi nhớ lại định nghĩa về tôn giáo mà tôi đã dùng trước đây một chút- sự xác lập, thông qua sinh hoạt nhân văn, một trật tự linh thánh bao trùm, có nghĩa là, một vũ trụ linh thánh có khả năng tự duy trì trong sự đối diện thường xuyên với sự hỗn loạn (the establishment, through human activity, of an all-embracing sacred order, that is, of a sacred cosmos that will be able of maintaining itself in the ever-present face of chaos). Bất kỳ xã hội nào, cho dù được hợp thức hóa như thế nào đi nữa, cũng phải duy trì sự liên đới của nó khi phải đối diện với tình trạng hỗn loạn (chaos). Sự liên đới do tôn giáo hợp thức hóa (religiously legitimated solidarity) đã làm nổi bật sự kiện xã hội học căn bản này. Thế giới thuộc trật tự linh thánh, do là một quy trình nhân văn liên tục, thường xuyên phải đối phó với những sức mạnh gây ra hỗn loạn trong hiện sinh của con người xuyên qua thời gian. Sự bấp bênh của mọi thế giới như vậy được bộc lộ ra mỗi lần con người quên hay nghi ngờ những lời khẳng định xác nhận cho thực tại (reality-defining affirmations), mỗi lần họ mơ những giấc mơ điên cuồng phủ nhận thực tại (reality-denying dreams of madness) và quan trọng nhất là mỗi lần họ một cách đầy ý thức phải đương đầu với sự chết. Tất cả mọi xã hội, nói cho tận cùng, là những con người gắn bỏ lại với nhau để đối diện với cái chết. Sức mạnh của tôn giáo, nói cho tận cùng, tuỳ thuộc vào tính chất đáng tin cậy (creditability) trong ngọn cờ biểu ngữ (banners) mà nó đặt vào trong tay con người khi hóa đứng trước thần chết, hay nói một cách chính xác hơn, khi họ tiến về phía thần chết một cách tất yếu.”

---o0o---

Trích: “Tôn Giáo Nhìn Từ Viễn Cảnh Xã Hội Học”

Tác giả: Tiến Sĩ Dương Ngọc Dũng

NXB Hồng Đức, 2021

Ảnh: nguồn Internet

 

Bài viết liên quan