TÔN TRỌNG MỌI NGƯỜI - 100 BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỌI ĐIỀU BẠN MUỐN - RICHARD TEMPLAR

TÔN TRỌNG MỌI NGƯỜI

100 BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỌI ĐIỀU BẠN MUỐN - RICHARD TEMPLAR

Người dịch: Hoàng Ngọc Bích; NXB Lao Động – Xã Hội

"Giả sử một đồng nghiệp nhờ bạn làm giúp việc để tuần sau anh ta có thể đi nghỉ. Bạn đang rất bận nhưng vẫn có thể giúp: “Tuần sau thì không được, nhưng tôi có thể giúp anh từ sau ngày 25” hoặc “Tôi đang bận lắm, nhưng tôi có thể sắp xếp các đơn đặt hàng của cả hai chúng ta cùng một lúc.”
TÔN TRỌNG MỌI NGƯỜI - 100 BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỌI ĐIỀU BẠN MUỐN - RICHARD TEMPLAR

---o0o---
Cho mọi người một lựa chọn khác

Những người không thích nói không nhìn chung thường cho rằng từ chối người khác là bất lịch sự hoặc không tốt. Cảm giác khi từ chối thật khó khăn – bạn nghĩ rằng mình nên cố gắng giúp đỡ chứ không phải là gây trở ngại.

Tốt thôi, bạn vẫn có thể giúp họ, nhưng đừng giúp bằng cách nói Có. Đó có thể là điều mà họ nghĩ là họ muốn, nhưng thực ra là không. Giả sử người hàng xóm nhờ bạn trông con giúp họ mà bạn thì không có thời gian. Bạn có thấy rằng mình sẽ làm họ thất vọng khi từ chối không? Nhưng câu trả lời là không, vì thực ra họ không cần bạn trông con hộ, mà cần ai đó trông con hộ. Nếu bạn có thể giúp họ tìm ra một giải pháp không liên quan đến bạn thì tất cả mọi người đều có lợi.

Vì vậy, bạn có thể bảo họ: “Tôi không làm được, nhưng anh đã thử nhờ Julie chưa?” hoặc “Tối nay tôi bận rồi, nhưng thứ tư tuần sau thì được.”

Giả sử một đồng nghiệp nhờ bạn làm giúp việc để tuần sau anh ta có thể đi nghỉ. Bạn đang rất bận nhưng vẫn có thể giúp: “Tuần sau thì không được, nhưng tôi có thể giúp anh từ sau ngày 25” hoặc “Tôi đang bận lắm, nhưng tôi có thể sắp xếp các đơn đặt hàng của cả hai chúng ta cùng một lúc.”

Tất nhiên bạn hoàn toàn có quyền từ chối. Tôi chỉ đang cho bạn lời khuyên nếu bạn không quen từ chối. Hơn nữa, nếu người hàng xóm hay đồng nghiệp đó cảm thấy rằng bạn đã giúp họ – dù bạn không hề chấp nhận lời đề nghị ban đầu – thì lần sau có nhiều khả năng họ sẽ đồng ý hợp tác giúp bạn đạt được điều bạn muốn.

Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói

Có thể bạn không phải là kiểu người thiếu quyết đoán. Có thể bạn biết rõ rằng thay vì thận trọng thì bạn lại tỏ ra là một người hơi sống sượng. Có thể là do cách dùng từ hoặc lối cư xử của bạn, hoặc cả hai. Bạn là kiểu người bộc trực hay ngược lại, vốn muốn tỏ ra lịch sự nhưng khi phát ngôn lại dẫn đến kết quả ngược lại?

Dù thế nào đi nữa thì hẳn bạn cũng nhận thấy rằng điều này không giúp bạn có được những gì mình muốn từ mọi người. Nếu ai đó chuẩn bị nói “có” với bạn thì bạn cần tạo điều kiện càng dễ dàng cho họ càng tốt. Trên thực tế, bạn phải làm sao để họ khó có thể từ chối. Bạn phải khiến họ yêu quý và tôn trọng bạn để vì thế mà muốn giúp đỡ bạn, và diễn đạt lời đề nghị của bạn theo một cách khó mà từ chối được.

Vì vậy nếu chuẩn bị nói điều gì có thể làm phật ý người khác thì hãy ngăn mình lại trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, tự nhắc mình đừng quá cá nhân hay đổ lỗi cho người kia, tập trung vào tình huống chứ không phải con người. Và nếu cần thì hãy tự hứa với mình là sẽ không nói gì nữa sau khi đã trình bày xong ý kiến của mình.

Đây là một quy tắc thông minh để áp dụng khi bạn định đề nghị điều gì đó, nhưng cuốn sách này chủ yếu viết về cách đạt được điều bạn muốn mà không phải hỏi xin. Vì vậy, tôi không chỉ bàn về những đề nghị trực tiếp, mà còn về cách xử sự đối với những người mà bạn muốn là sẽ sẵn sàng giúp bạn. Nếu bạn vô tình khiến đồng nghiệp cảm thấy bị lép vế cuộc họp tuần này thì có lẽ tuần sau anh ta sẽ không muốn giúp đỡ khi bạn có quá nhiều việc phải làm. Nếu bạn tỏ ra khó chịu khi hàng xóm nhờ bạn trông con hộ thì họ sẽ không muốn trông nhà giúp bạn khi bạn cần ra ngoài.

Tôn trọng mọi người

Ai cũng xứng đáng được tôn trọng, đúng hơn là ai cũng muốn được tôn trọng. Nếu bạn ghi nhớ điều này thì mọi người sẽ muốn ở bên bạn hơn và giúp đỡ bạn khi cần.

Có bao nhiêu người hàng xóm, cấp trên, người thân trong gia đình hay đồng nghiệp đôi khi khiến bạn cảm thấy không được tôn trọng? Có thể họ không thèm lắng nghe bạn nói, hoặc họ lờ bạn đi vì bạn là cấp dưới, hoặc họ yêu cầu bạn làm việc cho họ mà không đề nghị hẳn hoi, hoặc họ chẳng bao giờ thèm cảm ơn bạn vì bất kỳ điều gì. Tôi từng có một ông sếp luôn nhận mọi công trạng về mình từ các ý tưởng của tôi. Tôi biết những người hay to tiếng với người khác chỉ vì họ không có cùng quan điểm. Tôi có một đồng nghiệp không chịu pha cà phê giúp tôi vì cho rằng tôi ở vị trí hơi thấp so với cô ấy.

Tuy nhiên, tôi từng có một khách hàng quan trọng cứ nhất định đòi pha ca phê cho tôi vì cho rằng vào lúc đó tôi đang bận hơn ông ấy rất nhiều. Tôi đã có những người cấp trên biết công nhận ý kiến của mình (họ chỉ công nhận khi các ý kiến này có hiệu quả, và đứng ra chịu trách nhiệm khi chúng thất bại), và những người hàng xóm tặng quà cảm ơn tôi vì những việc nhỏ nhất mà tôi đã làm giúp họ.

Trong số những người đó, tôi biết mình sẽ muốn giúp ai và bỏ qua ai. Tôn trọng mọi người lại càng đặc biệt quan trọng khi bạn “thăng cấp” – ở cơ quan, ở nhà, với tư cách một phụ huynh hay một người dân địa phương. Người ta thường đặc biệt nhạy cảm với việc bị những người cấp cao hơn phớt lờ hay coi thường. Vì vậy kể cả khi bạn không cố ý bất kính mà chỉ đang quá bận tâm, bận rộn hay vội vã thì cũng đừng bao giờ quên thể hiện cho mọi người thấy rằng bạn có để ý đến họ.

 

 

Bài viết liên quan