TU CHỈ - ĐƯƠNG ĐẠO NGUYỄN THẾ ĐĂNG - THỰC HÀNH THEO LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

TU CHỈ

ĐƯƠNG ĐẠO NGUYỄN THẾ ĐĂNG - THỰC HÀNH THEO LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN 

-------o0o-------

Với hành giả, khi ma quỷ hiện hình thì hãy niệm duy tâm, tất cả mọi xuất hiện, hiện tướng đều từ tâm và do tâm. Muốn chế phục được ma quỷ thì hãy chế phục tâm, và ma quỷ trở lại thành những cơ hội để chế phục tâm và đi sâu vào bản tánh của tâm. Đưa ma quỷ quấy nhiễu vào con đường tu tập là làm những hiện tướng ấy tiêu tan trong bản tánh của tâm, vì chúng xuất hiện từ...
TU CHỈ - ĐƯƠNG ĐẠO NGUYỄN THẾ ĐĂNG - THỰC HÀNH THEO LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN

Tu tập Chân Như tam muội:

Nếu tu Chỉ thì ở chỗ yên lặng, ngồi thẳng, chánh ý. Chẳng nương hơi thở, chẳng nương hình sắc, chẳng nương nơi không, chẳng nương nơi địa thủy hỏa phong, cho đến chẳng nương vào thấy, nghe, hay, biết. Tất cả các tướng theo niệm đều đoạn trừ và cũng đoạn trừ tưởng.

Do tất cả pháp bản lai là vô tướng, niệm niệm chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt. Cũng chẳng được theo tâm mà niệm cảnh giới bên ngoài, rồi sau lấy tâm mà trừ tâm. Tâm nếu tán loạn rong ruổi thì phải nhiếp lại, trụ trong chánh niệm.

Chánh niệm này, nên biết là duy chỉ là tâm, không có cảnh giới ở ngoài. Trong chính tâm này cũng không có tự tướng, niệm niệm chẳng thể đắc.

Hai cái Chỉ Quán hay thiền định ba la mật và thiền quán hay Trí huệ ba la mật này là căn bản để thực hành các ba la mật trước. Căn bản vì hai cái thiền định và Trí huệ ba la mật đụng chạm đến nền tảng tánh Không, để cho bốn hạnh trước được thực hành trên nền tảng tánh Không mới được gọi là ba la mật.

Trong đoạn dạy tu Chỉ này chủ yếu nói khi ngồi thiền. Cách ngồi thiền tốt nhất là thế hoa sen với bảy điểm của Vairochana. Khi thân đã điều thì điều tâm. Cần nhớ là chúng ta thiền định là để tương ưng với định bất hoại và vốn sẵn của pháp tánh Chân Như. Thân tâm chúng ta cần tương ưng và thể nhập thân tâm bất hoại của chư Phật, hay là Pháp thân.

Tâm chẳng nương vào hơi thở, hình sắc, chẳng nương vào địa thủy hỏa phong, chẳng nương vào thấy nghe hay biết, các niệm về tướng và tưởng đều cắt đứt. Đây là vô trụ, tâm trở lại bản tánh vô trụ của nó.

“Các pháp bản lai vô tướng, niệm niệm chẳng sanh, niệm niệm chẳng diệt”, đây là bản tánh vô tướng và vô niệm của tâm. “Lấy tâm mà trừ tâm” là đưa tâm trở về bản tánh Không của nó, vốn vô tướng, vô niệm và vô trụ. Vô tướng, vô niệm và vô trụ là tánh định vốn có của pháp tánh Chân Như.

Nhưng trong cái Chỉ này còn có sự trợ giúp của Quán, như trên nói, “Dùng cả hai nghĩa ấy dần dần tu tập, không rời bỏ nhau, để cả hai cùng hiện tiền.”

Quán là thế nào? Là quán “duy chỉ là tâm, và tâm ấy là Không, vô tướng, không có cảnh giới ở bên ngoài, niệm niệm chẳng thể đắc”. Mỗi niệm mỗi niệm đều “chẳng thể đắc”, vì mỗi niệm sanh khởi từ tánh Không, trụ trong tánh Không, đổi khác (dị) trong tánh Không, và diệt mất trong tánh Không. Như thế mỗi niệm đồng là tánh Không, “chẳng thể đắc”. Đây là an trụ trong thật tướng của tất cả các niệm là tánh Không, để thấy mỗi niệm tự giải thoát lấy chính nó.

Chỉ Quán như vậy là thấy trực tiếp bản tánh của tâm, thấy trực tiếp pháp tánh Chân Như.

Nếu từ chỗ ngồi đứng dậy, đi lại tới lui, hoặc làm công việc, trong tất cả thời, thường chánh niệm phương tiện, tùy thuận quán sát.

Tu tập lâu thuần thục thì tâm được an trụ. Do tâm an trụ nên dần dần mạnh mẽ sắc bén, tùy thuận được vào Chân Như tam muội. Hàng phục các phiền não sâu kín, tín tâm tăng trưởng, sớm thành bất thối chuyển.

Chỉ trừ những người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, ngã mạn, giải đãi, nghiệp chướng tội nặng, thì không thể vào được.

Sau khi ngồi thiền, đứng dậy, sống trong đời sống bình thường, vẫn chánh niệm phương tiện Chỉ Quán. “Tùy thuận quán sát” là quán sát tánh Chân Như trong hoạt động, hàng ngày. Thiền định cố gắng tương ưng với pháp tánh Chân Như thì hậu thiền định cũng nhớ nghĩ phương tiện để tương ưng với pháp tánh Chân Như.

Tu tập như vậy lâu dần thuần thục thì sẽ tương ưng được, mà ở đây gọi là “tùy thuận vào được Chân Như tam muội”. Chân Như tam muội là cái thường định của Chân Như, cũng là cái thường định của Một Pháp Giới, của Pháp thân, của tất cả chư Phật.

Vào được Chân Như tam muội là vào được Pháp thân, thế nên luận nói, “sớm thành bất thối chuyển”.

Nhưng rất khó hoặc không thể thuần thục để an trụ trong Chỉ hay Định, với những người mà chướng ngại quá lớn như nghi ngờ, phỉ báng,ngã mạn, giải đãi.v.v. Thế nên, để có thể vào được cái Định của Một Pháp Giới Chân Như, không phải chỉ cố gắng tu Định, mà còn phải phá những chướng ngại ngăn chặn cái Định tự nhiên này. Phá những chướng ngại bằng sám hối, bằng tịnh hóa.v.v. hoặc bằng Chỉ Quán, soi tan những che chướng, mà gốc rễ của chúng là phiền não chướng và sở tri chướng. Thậm chí khi những ngăn chướng hết thì tự nhiên thông với Định ấy.

Lại nữa, dựa vào tam muội này bèn biết Pháp Giới là một tướng. Nghĩa là pháp thân của tất cả chư Phật cùng thân chúng sanh bình đẳng không hai, đó gọi là Nhất hạnh tam muội. Nên biết Chân Như là nền tảng của tam muội, nếu người tu hành thì dần dần sanh được vô lượng tam muội.

Chân Như là bản tánh của mình, người, và thế giới. Bản tánh ấy không dứt, không biến đổi, không phân biệt, toàn khắp, không chỗ nào không có, cho nên gọi là tam muội, cái định tự nhiên của bản tánh.

Tu tập an trụ trong tam muội này, trong bản tánh này, sự phân biệt hư vọng tạo ra các tướng chúng sanh, thế giới sẽ dần tiêu tan, người ta biết được tất cả các tướng đều cùng một bản tánh, thấy tất cả là một tướng, không phân biệt, chia cắt, tách lìa. Như khi thấy tấm gương thì thấy tất cả bóng trong gương đều là một tấm gương.

Pháp Giới Một Tướng này chính là Pháp thân, trong đó “pháp thân của tất cả chư Phật cùng thân chúng sanh bình đẳng không hai, gọi là Nhất hạnh tam muội”.

Nhất tướng tam muội và Nhất hạnh tam muội này là Pháp thân, trong đó một tướng là tất cả tướng vì đồng là Nhất tướng, và một hạnh là tất cả hạnh vì đồng là Nhất hạnh.

Thấy tất cả tướng, tất cả niệm, tất cả mình người, thế giới, chúng sanh đều hoạt động, đi đứng nằm ngồi, khởi diệt, trong Nhất tướng tam muội và Nhất hạnh tam muội này, đó là thấy tấm gương Pháp thân Chân Như, tấm gương Một Pháp Giới, tấm gương Chân Không – Diệu Hữu.

Nhất tướng là Đại Trí vì thấy tất cả các tướng là Một tướng và Nhất hạnh là Đại từ bi vì thấy tất cả các hạnh, các hành động của thánh và phàm là Một hạnh, nói cách khác, là Đồng thể đại từ bi.

Chân Như là nền tảng của tất cả các tam muội, của tất cả những biểu hiện thế gian sanh tử và Niết bàn, nên tu tập Chân Như, nghĩa là tùy thuận tương ưng và thâm nhập trở thành một với Nó, người ta có vô lượng tam muội trùm khắp cả sanh tử và Niết bàn.

Đối trị ma chướng:

Hoặc có chúng sanh không có lực thiện căn, thì bị các ma, ngoại đạo, quỷ thần mê hoặc làm rối loạn. Như trong lúc ngồi thiền chúng hiện hình làm cho sợ hãi, hoặc hiện ra những tướng nam nữ xinh đẹp.v.v. thì hãy niệm duy tâm thì cảnh giới ấy diệt, rốt cuộc không thể làm não loạn.

Ngồi thiền là mở con đường trực tiếp tương ưng với Chân Như. Như bất kỳ con đường nào, bao giờ cũng có những trở lực, ngăn cản. Đây là sự tương tranh tự nhiên giữa ánh sáng và bóng tối; bóng tối luôn luôn muốn phủ chụp ánh sáng, vô minh luôn luôn cản trở minh, ánh sáng. Bóng tối ấy còn được các tác nhân, các sinh thể xấu, tối tăm, làm cho có hiệu lực bằng các hoạt động của chúng. Đó là các ma ngoại đạo, quỷ thần phá phách, quấy nhiễu.

Thế nên hành giả cần có nhiều thiện căn để chống lại những phá rối ấy. Tất cả Phật pháp đều là thiện căn, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là thiện căn. Những thiện căn gần nhất là quy y, nương dựa Tam bảo, nương dựa vào các vị Thầy của một dòng truyền để có được lực hộ trì.

Với hành giả, khi ma quỷ hiện hình thì hãy niệm duy tâm, tất cả mọi xuất hiện, hiện tướng đều từ tâm và do tâm. Muốn chế phục được ma quỷ thì hãy chế phục tâm, và ma quỷ trở lại thành những cơ hội để chế phục tâm và đi sâu vào bản tánh của tâm. Đưa ma quỷ quấy nhiễu vào con đường tu tập là làm những hiện tướng ấy tiêu tan trong bản tánh của tâm, vì chúng xuất hiện từ tâm, ở trong tâm và tan biến vào tâm. Đó là niệm duy tâm.

Hoặc chúng hiện ra hình dáng chư thiên, hình dáng Bồ tát, hoặc cũng hình dáng Như Lai đầy đủ tướng tốt. Hoặc chúng nói đà la ni, giảng bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Trí huệ, hoặc thuyết Không bình đẳng, vô tướng, vô nguyện, không oán không thân, không nhân không quả, rốt ráo vắng lặng, là Niết bàn chân thật. Hoặc làm cho người ta biết những việc túc mạng quá khứ, cũng biết những việc tương lai, được tha tâm thông, biện tài vô ngại, có thể khiến cho chúng sanh tham bám những danh lợi thế gian. Hoặc làm cho hành giả khi giận khi vui, tính tình bất thường. Hoặc nhiều thương yêu, ngủ nhiều, nhiều bệnh, tâm sanh giải đãi.

Hoặc bỗng khởi ra tinh tấn, sau đó lại phế bỏ, sanh lòng chẳng tin, nghi nhiều lo nhiều. Hoặc làm cho bỏ lối tu hành tốt đẹp cũ, trở lại tu các tạp hạnh. Hoặc bị các sự việc thế gian ràng buộc, cũng có thể làm cho hành giả được một ít phần tương tự tam muội, nhưng đều là những sở đắc của ngoại đạo, chẳng phải là tam muội chân chánh. Hoặc làm cho hành giả một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày trụ trong định, tự nhiên được những thức ăn uống thơm ngon, thân tâm vui sướng, chẳng đói chẳng khát, khiến cho ưa thích tham đắm. Hoặc khiến người tu ăn uống không điều độ, khi nhiều khi ít, nhan sắc biến đổi.

Do các nghĩa ấy, hành giả nên thường dùng Trí huệ quán sát, chớ để tâm mắc vào lưới tà. Phải chuyên cần chánh niệm, chẳng nắm giữ chẳng vướng mắc, thì có thể xa lìa các nghiệp chướng ấy.

Mục tiêu của người tu hành là phá tan sanh tử trói buộc để giải thoát. Những cái gì trói buộc, cản trở hành giả đi trên con đường giải thoát khỏi sanh tử đều được đạo Phật gọi là ma.

Ở bên trong, nội ma chính là năm ấm. Ở bên ngoài cũng có những thế lực cản trở, phá hoại, quấy nhiễu, gọi là ngoại ma hay thiên ma. Cả hai loại này phối hợp, thông đồng với nhau để làm não loạn hành giả. Cho nên hành giả phải có nhiều nghiệp tốt, nhiều thiện căn làm một căn cứ vững chắc chống lại ma địch.

Nếu người tu có hộ pháp, thiên long bát bộ nguyện ủng hộ, giúp đỡ thì phía bên kia cũng có ngoại ma quấy rối, phá phách.

Đoạn này nói về sự phá hoại của ngoại ma, thiên ma, với đủ thứ thủ đoạn, mê hoặc, quyến rũ, dụ dỗ, đánh phá.v.v. khiến người thiện căn yếu, Chỉ Quán không mạnh, chánh kiến không đủ, thì không biết phân biệt thế nào, có khi thì không muốn tiến tới, có khi thì lui sụt, có khi lại đi lạc.

Ở trước có phần nói về đối trị bệnh chấp ngã và chấp pháp. Khi đối trị, tiêu diệt chúng, chúng sẽ phản ứng lại, tạo ra đủ thứ nghịch thuận làm cho người tu mê lầm, đi lạc.

Trong phần cuối Kinh Lăng Nghiêm có dạy chi tiết về Ngũ ấm ma, mỗi ấm như thế có mười cảnh giới ma, tổng cộng là năm mươi. Hành giả chân thành cần nghiên cứu để khỏi bị mê hoặc lầm lạc.

Nói chung, ở đây dạy “nên thường dùng Trí huệ quán sát, chớ để tâm mắc vào lưới tà, phải chuyên cần chánh niệm, chẳng nắm giữ, chẳng vướng mắc”. Tóm lại, phải y trên cái thấy tánh Không mà xử lý các xuất hiện, các hiện tướng, các cảnh giới.

Cụ thể, phải đưa các niệm tốt hay xấu về bản tánh của tất cả các niệm là vô niệm; đưa các xuất hiện dù tốt hay xấu về bản tánh của các tướng là vô tướng; và đưa các ước muốn, các việc làm, các hy vọng về bản tánh của chúng là vô nguyện hay vô tác.

Đây là nghĩa tu “duy tâm”. Duy tâm là duy chỉ tánh của tâm là tánh Không.

Phân biệt loại bỏ các thứ tà định:

Phải biết các thứ tam muội mà ngoại đạo có đều không lìa tâm kiến ái ngã mạn, tham bám những danh lợi cung kính của thế gian. Chân Như tam muội thì chẳng trụ nơi tướng thấy, chẳng trụ nơi tướng đắc, cho đến khi xuất định cũng không giải đãi, ngã mạn, phiền não đã có dần dần mờ nhạt.

Nếu các phàm phu chẳng tu tập pháp tam muội này mà được nhập chủng tánh Như Lai thì không có chuyện đó. Vì tu các thiền tam muội thế gian phần nhiều khởi sanh thích bám, nương nơi ngã kiến, bị trói vào ba cõi, cùng chung với ngoại đạo. Nếu lìa sự hộ trì của thiện tri thức ắt khởi cái thấy của ngoại đạo.

Chân Như tam muội là pháp thân của tất cả chư Phật, “chẳng trụ nơi tướng thấy, tướng đắc”, như một tấm gương chẳng trụ nơi các hình bóng trong gương, chẳng nhiễm bởi chúng mặc dù cho chúng có đi, có đến, có sanh có diệt, chẳng trụ sanh tử, chẳng đắc Niết bàn. Tấm gương Chân Như này là đại giải thoát.

Trong khi ấy những tam muội của ngoại đạo còn vướng mắc trong cái thấy (kiến), cái yêu (ái) và cái tôi nên vẫn nằm trong vòng sanh diệt của thế gian. Còn người tu tập Chân Như tam muội thì gần Chân Như hơn thế gian, nên phiền não mỏng dần.

Trong những đoạn này thường nhắc đến, “ngoại đạo”. Ngoại đạo chẳng phải là những người ăn mặc khác ta, bề ngoài khác ta, mà ngoại đạo là những người dạy cho ta tà kiến khiến xa lìa Chân Như. Chẳng hạn, đạo Phật dạy cho chúng ta xóa bỏ bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, thì những ngoại đạo lại dạy ngược lại, khiến chúng ta củng cố, tích tập thêm bốn tướng ấy. Để đối trị với ngoại đạo, cần có những thiện tri thức.

Vượt được thế gian ràng buộc và các thế lực ràng buộc là các ma thì rất khó, dễ lầm lạc nên hành giả cần sự hộ trì, theo dõi, cảnh giác của các bậc thiện tri thức. Bởi vì “cái tôi và cái của tôi” và những phiền não của nó là căn bệnh rất vi tế, từ đó phát sanh nhiều quan niệm, cái thấy sai lầm đến lạc đường và tạo nghiệp tai hại. Chỉ có “Duy Tâm Chân Như” là thuốc của mọi vị thuốc, và người chỉ ra và đưa hành giả vào Chân Như chính là vị thiện tri thức.

Lợi ích của sự tu tập tam muội:

Lại nữa, tinh cần chuyên tâm tu học tam muội này thì hiện đời được mười thứ lợi ích. Thế nào là mười?

1. Thường được chư Phật, Bồ tát mười phương hộ niệm.

2. Chẳng bị các ma quỷ xấu ác làm cho sợ hãi.

3. Chẳng bị chín mươi lăm loại ngoại đạo quỷ thần làm mê loạn.

4. Xa lìa sự phỉ báng pháp thậm thâm, nghiệp chướng tội nặng dần dần mỏng nhẹ.

5. Diệt tất cả nghi ngờ và các giác quán xấu ác.

6. Lòng tin vào cảnh giới Như Lai được tăng trưởng.

7. Xa lìa sự buồn rầu hối tiếc, ở trong sanh tử dũng mãnh không khiếp sợ.

8. Tâm được nhu hòa, bỏ kiêu mạn, chẳng bị người khác làm cho phiền não.

9. Tuy chưa được định, nhưng trong tất cả thời, tất cả nơi chốn cảnh giới cũng giảm bớt được phiền não, không thích thú thế gian.

10. Nếu được tam muội thì không bị ngoại duyên và hết thảy âm thanh làm cho kinh động.

Tu tập tam muội này là luôn luôn an trụ trong Tâm Chân Như vô phân biệt và biết cách xử lý khi một niệm, một tướng phân biệt khởi lên. Hoặc là cắt đứt chúng ngay để chúng tan vào tâm vô phân biệt, hoặc khi an trụ thuần thục hơn, để chúng tự sanh trụ dị diệt trong tâm vô phân biệt mở trống khắp cả. Sanh khởi từ tâm vô phân biệt, bình đẳng khắp cả thì cũng tự tan diệt trong tâm vô phân biệt ấy.

Bởi vì chư Phật, Bồ tát mười phương thường trụ trong Chân Như tam muội, nên người tu tập tam muội này tự nhiên được chư Phật, Bồ tát hộ niệm.

Bởi vì thường xuyên ở trong chánh định Chân Như nên không bị các ma quỷ, ngoại đạo làm cho sợ hãi, mê loạn. Chỉ khi lìa khỏi chánh định Chân Như, mất Nền tảng, Con đường, thì ma quỷ, ngoại đạo, ngoại cảnh, ngoại duyên mới có dịp phá hoại.

Tương ưng, an trụ trong Chân Như thì những nghiệp xấu nghi ngờ, phỉ báng chẳng làm gì được. Giác quán là tầm tư, tìm cầu suy nghĩ, tức là hoạt động thô và tế của tâm phân biệt. Các giác quán xấu ác là các tìm cầu suy nghĩ sai lầm về nghĩa Chân Như làm cho hành giả lầm lạc.

Tương ưng, an trụ trong Chân Như thì các phiền não như buồn rầu, hối tiếc, sợ hãi sanh tử .v.v. dần dần mỏng nhẹ, và niềm tin vào cảnh giới Như Lai được tăng trưởng, làm động lực cho sự tu tập chánh định này.

Nếu vào hẳn được chánh định này thì tất cả thời, tất cả nơi chốn cảnh giới, tất cả ngoại duyên, nghĩa là tất cả sanh tử chẳng làm lay động được. Tất cả tâm thức, tất cả động niệm hay niệm tan chỉ một vị Chân Như.

Hành giả đã là một bậc Chiến Thắng.

-------o0o-------

Tác giả: ĐƯƠNG ĐẠO NGUYỄN THẾ ĐĂNG dịch và chú giảng;

Trích: THỰC HÀNH THEO LUẬN ĐẠI THỪA KHỞI TÍN;

NXB Tôn Giáo, Công ty Sách Thiện Tri Thức năm 2021;

Ảnh: nguồn internet.

Bài viết liên quan