TUỔI TRẺ ĐÃ QUA KHÔNG TRỞ LẠI BAO GIỜ - TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? - ROSIE NGUYỄN

TUỔI TRẺ ĐÃ QUA KHÔNG TRỞ LẠI BAO GIỜ

TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? - ROSIE NGUYỄN

–––––o0o–––––

"Không phải lúc nào ta cũng có thể xây dựng tương lai cho tuổi trẻ của mình. Nhưng ta luôn có thể gầy dựng tuổi trẻ cho tương lai mai sau.”_Anthony Bourdain
TUỔI TRẺ ĐÃ QUA KHÔNG TRỞ LẠI BAO GIỜ - TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU? - ROSIE NGUYỄN

"Không phải lúc nào ta cũng có thể xây dựng tương lai cho tuổi trẻ của mình. Nhưng ta luôn có thể gầy dựng tuổi trẻ cho tương lai mai sau.”_Anthony Bourdain

Độc giả thân mến của tôi, bạn đang còn đi học hay đã đi làm rồi vậy?

Nếu bạn đang đi học, hãy tận hưởng khoảng thời gian quý giá này nhé. Nếu bạn đang đi làm, có hai khả năng xảy ra. Một là bạn đang thích việc mình làm. Xin chúc mừng bạn, bạn thuộc thành phần hiếm hoi của thế giới đấy. Hai là bạn đang chán việc. Nếu vậy tôi có một lời khuyên miễn phí cho bạn: hãy lên kế hoạch nghỉ việc, ngay và luôn. Đời người chẳng có bao lâu, tại sao lại lãng phí thời gian cho công việc mình không yêu thích?

Trong cuộc đời mình, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người sống vật vờ, làm việc qua ngày chỉ để có dược miếng ăn. Bạn cho rằng tôi sẽ ủng hộ chuyện làm việc ổn định lâu dài ở một công ty tổ chức nào đó sao? Không hề.

Kinh nghiệm của tôi là: Cố gắng níu kéo ở lại làm công việc mình chán ghét không những đem lại hậu quả nặng nề về tinh thần cho bản thân, mà còn gây tổn thất cho tổ chức mình đang làm việc. Một người bạn lớn tuổi của tôi hiện đang làm giám đốc một công ty về truyền thông chia sẻ: “Chị không bao giờ làm một chỗ nào đó quá hai năm. Làm việc ở một nơi quá lâu khiến ta dễ bị chây lười, ì ạch. Ta sẽ có xu hướng làm việc theo thói quen và không đóng góp được ý tưởng gì mới vào công việc nữa. Mặt khác, tâm lý chán việc mà cứ ráng làm không hề đem lại được điều gì tốt đẹp. Nó vừa mất thời gian của bản thân, vừa gây lãng phí cho công ty. Nhờ thay đổi công việc một cách chủ động mà chị có nhiều kinh nghiệm ở những môi trường khác nhau, gia tăng khả năng cạnh tranh của bản thân trên thị trường lao động."Lời khuyên này đặc biệt có giá trị đối với những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo cao trong công việc.

Khi làm công tác hướng nghiệp, tôi nhận thấy một điều rằng người trẻ ngày nay không hề thiếu năng lực. Rất nhiều người có kỹ năng tốt, sẵn sàng dồn hết tâm huyết, nhiệt tình vào công việc. Nhưng điều khác biệt so với thế hệ trước là nhiều người trẻ hiện nay không muốn làm đi làm lại một việc suốt đời. Họ không muốn bó buộc bản thân vào mỗi chuyện cơm áo gạo tiền, đủ ăn đủ mặc. Họ không muốn vùi dập đam mê vì công cuộc mưu sinh. hay hy sinh ước mơ chỉ để kiếm sống như cha ông ngày trước. Hầu hết những người trẻ tôi gặp đếu băn khoăn muốn làm những điều có ý nghĩa, muốn đóng góp sức mình cho cộng đồng. Nhiều người trong số họ nhận thấy tình trạng xã hội hiện thời với những vấn đề của nó, và trăn trở tìm cách thay đổi.

Một xu hướng khác của những người trẻ sau một thời gian làm việc là mong muốn rời bỏ văn phòng. Họ nhận thấy sự nhàm chán xoay vòng mệt mỏi của việc làm gò bó theo giờ giấc cố định. Họ không có thời gian làm việc mình thích, không có thời gian đầu tư phát triển cho tương lai, hay đóng góp cho xã hội. Người trẻ ngày nay muốn tìm kiếm cho mình lối thoát khác.

Họ muốn khám phá, muốn trải nghiệm, muốn làm cuộc sống của mình tràn đầy hơn. Họ muốn ra đi, muốn tìm hiểu thế giới và tìm hiểu chính mình. Họ muốn làm việc trong không gian mở, trong môi trường sáng tạo, muốn rời bỏ văn phòng chật chội, quay về với thiên nhiên. Một số người lựa chọn việc dạy học cho trẻ em, làm việc trong các nông trại, hoặc làm đầu bếp, họa sĩ, mở tiệm bánh, thiết kế quần áo, tự làm mỹ phẩm tại nhà. Họ muốn làm việc liên quan đến nông nghiệp, giáo dục, nghệ thuật, từ thiện... Họ muốn những công việc vừa có ý nghĩa với bản thân, vừa đem lại giá trị cho xã hội.

Đối với tôi, đó là những dịch chuyển tích cực.

Nhiều người chấp nhận sống với một công việc suốt cả đời, điều đó không có gì sai nếu như họ thấy hạnh phúc mãn nguyện. Nhưng nếu bạn không hài lòng với công việc hiện tại, muốn chuyển hướng sự nghiệp, theo đuổi một con đường khác, thì hãy bắt đầu thay đổi. Hãy lập kế hoạch cho cú nhảy cuộc đời, tìm cách sống với đam mê của mình.

Anh Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc Tử), một trong những người đi du lịch bụi lão luyện với hơn 13 năm kinh nghiệm, từng chia sẻ với tôi về “cú nhảy đam mê" của anh. Anh từng thực hiện những chuyến đi đến những nơi hiểm trở, địa đầu tổ quốc, khai phá những địa danh mới trên bản đồ “phượt" Việt Nam, như Pha Luông, Thổ Chu, Điệp Sơn, Hòn Móng Tay Phú Quốc... Anh cũng tổ chức nhiều chuyến đi du lịch bụi cho những người trẻ đam mê du lịch. Ít ai biết rằng khởi đầu sự nghiệp, anh là một nhân viên kinh doanh. Nhưng bằng tình yêu du lịch bụi, anh đã tận dụng mọi thời gian để trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm của mình qua những chuyến đi. Hiện tại, anh là một phóng viên ảnh có tiếng, một người quảng bá du lịch, và là một trong những "phượt thủ" có ảnh hưởng lớn trong giới du lịch bụi Việt Nam.

Một người bạn khác của tôi, anh Đặng Trần Lê Vũ, từng làm chuyên gia đào tạo, chuyên viên marketing, copywriter cho những tập đoàn lớn của nước ngoài. Nhưng anh không thực sự thấy phù hợp với môi trường công sở. Anh tự học đàn ghita, từ từ biến sở thích này thành nguồn thu nhập chính của mình. Hiện tại anh đang có các lớp dạy đàn với rất nhiều học viên theo học, mở khóa học trực tuyến về đàn ghita, dạy lớp “đàn kể chuyện" ở tổ hợp giáo dục Toa Tàu, và ra sách hướng dẫn cách tự học đàn. Với việc làm tự do như vậy, anh còn có thời gian để thực hiện công việc tư vấn đào tạo cho người trẻ, hướng dẫn một câu lạc bộ đọc sách, và điều hành quán cà phê riêng của mình.

Nhiều người bạn khác hay hỏi tôi làm thế nào để có thể chuyển từ công việc làm để kiếm sống sang việc mình. Thế nào mà từ một người làm chuyên ngành ngoại thương, tôi lại có thể chuyển sang làm tác giả, làm người viết, blogger du lịch, sống với đam mê của mình.

Chuẩn bị cho cú nhảy không phải là việc dễ dàng. Ban phải thức khuya dậy sớm, rèn luyện bất kể ngày lễ hay cuối tuần. Bạn phải làm việc trong khi người khác đang ngủ. Bạn phải dành 200% năng lượng cho công việc và cuộc sống. Nhưng những nỗ lực của bạn sẽ được tưởng thưởng.

Vậy cần chuẩn bị gì trước khi chuyển hướng để sống với cuộc đời mà bạn mơ ước?

Mài giũa khả năng.

Trong lúc bạn còn làm việc toàn thời gian, hãy tự rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức, tạo nền tảng cho cú nhảy đổi đời. Albert Einstein đã dành thời gian ngoài giờ làm việc để nghiên cứu về vật lý và toán học trong suốt sáu năm trời, với vị trí nhân viên kiểm tra bằng sáng chế tại Văn phòng sở hữu trí tuệ ở Bern - Thụy Sĩ, trước khi công bố thuyết tương đối cho cả thế giới. Julia Child là một người đánh máy, một nhân viên của CIA, rồi tham gia các khóa học nấu ăn và học hỏi từ những đầu bếp chuyên nghiệp, trước khi trở thành một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất nước Mỹ, được là nguyên mẫu cho bộ phim Julie & Julia. Khaled Hosseini viết tiểu thuyết sau những giờ làm việc mệt mỏi tại bệnh viện, và chỉ chuyển sang làm nhà văn khi đã xuất bản thành công tác phẩm Người đua diều, sau mười năm hành nghế bác sĩ. Andrea Bocelli làm luật sư vào ban ngày và đi hát ở quán rượu mỗi đêm trước khi trở thành ca sĩ opera hàng đầu thế giới. Không có vĩ nhân nào trên đời mà không trưởng thành từ những giờ luyện tập mướt mải mồ hôi.

Vậy hãy tận dụng thời gian để rèn luyện những kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho thay đổi sắp tới.

Chuẩn bị tài chính.

Không thể làm việc mình thích với một cái bụng rỗng. Bạn cần có một kế hoạch tài chính rõ ràng, nguồn lực vững vàng trước khi nhảy sang làm điều mình thích. Hãy tiết kiệm hết mức trong khi làm việc toàn thời gian. Chuẩn bị cho mình một ngân sách, nguồn thu nhập hoặc sổ tiết kiệm. Ít nhất hãy chuẩn bị đủ một năm sinh hoạt phí, trước khi nộp đơn nghỉ việc và theo đuổi dự định mới của bạn.

Bạn định nghỉ việc để lập công ty riêng, không thể xin bố mẹ tiền ăn sáng. Bạn muốn chuyển sang theo đuổi con đường nghệ thuật, không thể mượn bạn bè tiền cà phê. Bạn khát khao đi vòng quanh thế giới, không thể vay ông anh tiền mua chiếc ba lô. Để cho ước mơ thành hiện thực, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính.

Mạng lưới hỗ trợ.

Điều không thể thiếu khi theo đuổi đam mê là sự hỗ trợ của những người xung quanh. Hãy chia sẻ với gia đình, bạn bè, người quen... để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Với những động viên và điểm tựa tinh thần của người thân, bạn sẽ không cảm thấy đơn độc trên con đường của mình. Mặt khác, hãy mở rộng vòng tròn quan hệ, tìm kiếm cộng đồng, phát triển mạng lưới, bao quanh bản thân những con người cùng chí hướng. Bạn sẽ có thêm nhiều năng lượng và ý tưởng để hiện thực hóa đam mê của mình.

Kỷ luật làm việc.

Không ít người trẻ mong muốn rời bỏ văn phòng và chuyển sang làm chủ, hoặc làm việc tự do. Nhưng người xưa đã nói, ở đời cái gì cũng có nhất lợi nhất hại, nhất trường nhất đoản. Thử thách lớn nhất đối với những người tự làm là phải làm chủ được chính mình, quản lý thời gian thật tốt, kỷ luật cá nhân chặt chẽ.

Làm việc không có sếp, không có đồng nghiệp, không có ai quản lý, vừa sướng mà cũng vừa khổ. Làm chậm, làm sai, chẳng ai la mắng, chẳng ai chỉ dạy, chỉ có khách hàng lặng lẽ bỏ đi. Nên dù bạn làm gì đi nữa, hãy vạch ra và tuân thủ thời gian làm việc, thiết lập ưu tiên công việc, lên danh sách những việc cần làm và nỗ lực hoàn thành.

Kế hoạch phòng bị.

Hãy tính toán một kế hoạch dự trù. Giả sử mọi việc không xảy ra như ta dự định, giả sử ta sai lầm, giả sử khả năng của ta chưa đủ cho cú nhảy đổi đời, giả sử ta mất hết toàn bộ nguồn vốn... thì ta sẽ làm thế nào? Hãy hy vọng diột kết quả tươi đẹp nhưng cũng đừng quên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Tuổi trẻ phương Tây thường có xu hướng xông pha khám phá, tìm kiếm những trải nghiệm ngoài trường học và văn phòng khiến cuộc sống tràn đầy màu sắc. Một cô bạn người Argentina từng kể cho tôi nghe những trải nghiệm đáng ghen tị, như làm phục vụ trên tàu viễn dương, vắt sữa bò trong nông trại hữu cơ ở Úc, lặn cùng cá mập trắng ở Nam Phi, đi bộ suốt con đường mòn Appalachian dài 3.500km ở Mỹ. Nhưng những người như cô lại thiếu những kinh nghiệm có thể để vào CV, để gây dựng sự nghiệp. Đến tuổi ba mươi, cô vẫn đang băn khoăn không biết mình nên phát triển theo hướng nào và hầu hết các kinh nghiệm làm việc của cô rải rác qua nhiều lĩnh vực, thường là công việc bán thời gian và không đòi hỏi kỹ năng chuyên môn.

Còn đa phần người trẻ Việt Nam hiện nay thì lại chú ý quá nhiều vào học hành, vào sự nghiệp. Cuộc sống hầu như chỉ biết đến công việc, không biết đến các trải nghiệm khác, đến những điều khác cần thiết trong cuộc sống như âm nhạc, khiêu vũ, các môn thể thao, dã ngoại, leo núi.. Ngay cả kỹ năng sống còn như bơi lội không phải người trẻ nào cũng biết, đừng nói đến những trải nghiệm đặc biệt thử thách khả năng chịu đựng của bản thân, khiến con người bước ra khỏi vùng an toàn của mình và làm cuộc sống thêm phong phú. Điều mà giới trẻ Việt Nam nên làm là cân bằng giữa nhữmg trải nghiệm làm giàu cuộc sống, và những kinh nghiệm có thể đóng góp vào sự phát triển dài hạn cho nghề nghiệp (nói cách khác ia những điều có thể liệt kê trong CV).

Không ai trên đời có hai lần tuổi trẻ. Trong khi nhiều người trong tuổi trẻ lạc lối mất phương hướng, lãng phí thời gian, thì họ không biết rằng những gì họ đang làm hay không làm hôm nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều trong cả cuộc đời còn lại. Qua 30 hay 40 tuổi, công việc cuộc sống của hầu hết mọi người đã ổn định, khó học thêm làm thêm được gì, và cuộc sống ít có những thay đổi to lớn.

Có thể bây giờ bạn không nhận ra, nhưng tuổi đôi mươi là tuổi tạo tiền đề. Đây là khoảng thời gian mà bạn xây dựng, gieo trồng, chứ không phải là thời gian nghỉ ngơi thụ hưởng. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để học hỏi, bước đi, làm thật nhiều thứ. Hãy đọc nhiều hơn, lăn lộn nhiều hơn, thực hành nhiều hơn. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, mạng lưới hỗ trợ cho tương lai. Kỹ năng nếu không được học trong thời trẻ, thì sau này môi trường ổn định ít va chạm rất khó để học lại được.

Tuổi trẻ đã qua sẽ không bao giờ trở lại, hãy sống như thể ta chỉ còn lại một ngày để sống.

–––––o0o–––––

Trích “Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu?”

Tác giả: Rosie Nguyễn

Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 2016.

 

 

Bài viết liên quan