VÌ SAO BẠN THƯỜNG ĐỀ CAO SỰ HIỂU BIẾT VÀ NĂNG LỰC CỦA BẢN THÂN - ROLF DOBELLI – TƯ DUY RÀNH MẠCH

VÌ SAO BẠN THƯỜNG ĐỀ CAO SỰ HIỂU BIẾT VÀ NĂNG LỰC CỦA BẢN THÂN

ROLF DOBELLI – TƯ DUY RÀNH MẠCH

---o0o---

Bạn hãy ý thức rằng mình thường tự đánh giá quá cao sự hiểu biết của bản thân. Hãy biết nghi ngờ các dự báo, nhất là khi chúng do các chuyên gia đưa ra. Và với mọi kế hoạch, hãy thiên vị kịch bản nào bi quan nhất. Như thế, bạn sẽ có cơ hội xét đoán tình huống một cách chân thực.
VÌ SAO BẠN THƯỜNG ĐỀ CAO SỰ HIỂU BIẾT VÀ NĂNG LỰC CỦA BẢN THÂN - ROLF DOBELLI – TƯ DUY RÀNH MẠCH

Nhạc sĩ yêu thích của tôi, Johann Sebastian Bach, không phải là một tượng đài âm nhạc chỉ nhờ một bản nhạc duy nhất. Ông đã sáng tác vô số tác phẩm. Số lượng là bao nhiêu thì tôi sẽ tiết lộ ở cuối chương này. Nhưng tạm thời, tôi xin đưa ra một câu hỏi nhỏ với bạn: bạn nghĩ Bach đã sáng tác bao nhiêu bản nhạc? Hãy chọn một khoảng ước lượng nào đó, chẳng hạn như từ một trăm đến năm trăm, làm sao để đoán đúng tới 98% và chỉ sai lệch 2%.

Chúng ta nên tự tin đến đâu về vốn kiến thức của mình? Hai nhà tâm lý học Howard Raiffa và Marc Alpert đã phỏng vấn hàng trăm người với cùng kiểu câu hỏi như tôi đưa ra ở trên. Đôi khi họ còn yêu cầu những người tham gia ước tính tổng sản lượng trứng của nước Mỹ hoặc số lượng bác sĩ nội khoa và bác sĩ ngoại khoa được liệt kê trên những “trang vàng” danh bạ điện thoại của Boston hoặc số lượng xe hơi ngoại nhập của Mỹ, hoặc thậm chí là tổng số tiền phí thu được từ kênh Panama tính theo đơn vị triệu đô la. Các đối tượng phỏng vấn có thể chọn bất kỳ một khoảng ước lượng nào mà họ muốn, nhưng không được sai quá 2% mỗi lần. Kết quả thu được hết sức thú vị. Tổng kết lại, thì thay vì chỉ sai 2%, họ đoán sai tới 40%. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng thú vị này là hiệu ứng tự tin thái quá.

Hiệu ứng tự tin thái quá còn đúng với các dự báo, ví dụ như tình hình thị trường chứng khoán trong một năm, hoặc lợi nhuận của công ty bạn trong vòng ba năm. Chúng ta luôn tự tin thái quá vào kiến thức cũng như khả năng dự đoán của mình một cách có hệ thống - ở hầu hết mọi lĩnh vực. Hiệu ứng tự tin thái quá không chỉ ra liệu các ước tính riêng lẻ có đúng hay không. Chính xác hơn, theo lời Taleb, “nó đo lường khoảng cách giữa những gì người ta thực sự biết và lượng kiến thức mà họ nghĩ rằng mình biết”. Điều đáng ngạc nhiên là: các chuyên gia chịu ảnh hưởng của hiệu ứng tự tin thái quá nặng nề hơn so với những người không chuyên khác. Nếu được yêu cầu dự báo giá dầu trong vòng năm năm, một giáo sư kinh tế sẽ đưa ra con số chẳng chính xác hơn một người trông coi vườn thú. Thế nhưng vị giáo sư thì sẽ đưa ra dự báo của mình như thế đoan chắc vào nó.

Hiệu ứng tự tin thái quá không chỉ dừng lại ở kinh tế học: theo Taleb, 84% người Pháp ước tính rằng họ là những người tính trên trung bình. Nếu không vì hiệu ứng tự tin thái quá, thì con số chính xác đáng ra phải là 50%, bởi theo giá trị trung bình trong thống kê, 50% phải thuộc về nhóm cao hơn còn 50% còn lại rơi vào nhóm thấp hơn. Trong một cuộc khảo sát khác, 93% sinh viên Mỹ tự cho mình là những tài xế “trên trung bình”. Và 68% giáo viên của Đại học Nebraska tự chấm bản thân nằm trong top 25% dẫn đầu về năng lực giảng dạy. Các doanh nhân và những người mong muốn kết hôn cũng tự coi bản thân là khác biệt: họ tin rằng mình có thể vượt qua mọi nghịch cảnh. Thực tế, hoạt động kinh doanh sẽ thấp hơn rất nhiều nếu không có hiệu ứng tự tin thái quá. Chẳng hạn, mọi chủ nhà hàng đều hy vọng sẽ mở thêm được nhà hàng gắn sao Michelin mới, cho dù các số liệu thống kê chỉ ra rằng hầu hết họ đều phải đóng cửa chỉ sau ba năm. Lợi tức từ khoản đầu tư trong ngành kinh doanh nhà hàng bị rơi vào mức âm trong một thời gian dài.

Hầu như không có một dư án lớn nào được hoàn thành trước hạn và tốn ít chi phí hơn so với dự tính. Một số trường hợp trì hoãn và bội chi thậm chí đã trở thành huyền thoại, ví dụ như dự án Airbus A400M, nhà hát Opera Sydney, và dự án cao tốc Big Dig tại Boston. Bạn còn có thể bổ sung thêm nhiều cái tên nữa vào danh sách này. Vì sao như vậy? Trong chuyện này, có hai hiệu ứng cùng tác động. Thứ nhất, đó là hiệu ứng tự tin thái quá truyền thống. Thứ hai, những người có mối quan tâm trực tiếp đến dự án này có động cơ để hạ thấp chi phí: các chuyên gia tư vấn, nhà thầu và các nhà cung cấp đều cần có đơn đặt hàng. Các đơn vị xây dựng cảm thấy tự tin hơn với các số liệu lạc quan, và thông qua hoạt động của họ, các chính trị gia sẽ nhận được nhiều phiếu bầu hơn. Chúng ta sẽ xem xét hiện tượng xuyên tạc có chiến thuật này trong chương khác của cuốn sách (chương 89).

Điều khiến cho hiệu ứng tự tin thái quá hoành hành và gây hậu quả đáng kinh ngạc đến vậy chính là việc nó không được thúc đẩy bởi các cơ chế khuyến khích; nó nguyên sơ và mang tính bẩm sinh. Và không hề tồn tại một hiệu ứng ngược như “thiếu tự tin” để cân bằng lại. Thực tế sau đây sẽ không làm độc giả ngạc nhiên: hiệu ứng tự tin thái quá thường thấy hơn ở nam giới – vì phụ nữ thường không tự đề cao sự hiểu biết và năng lực của mình đến vậy. Rắc rối hơn nữa là: những người lạc quan không phải là những nạn nhân duy nhất của hiệu ứng tự tin thái quá. Ngay cả những người tự nhận mình bi quan cũng thường đề cao bản thân – chỉ là ít cực đoan hơn mà thôi.

Kết luận: Bạn hãy ý thức rằng mình thường tự đánh giá quá cao sự hiểu biết của bản thân. Hãy biết nghi ngờ các dự báo, nhất là khi chúng do các chuyên gia đưa ra. Và với mọi kế hoạch, hãy thiên vị kịch bản nào bi quan nhất. Như thế, bạn sẽ có cơ hội xét đoán tình huống một cách chân thực.

Quay lại chuyện tôi nói ban đầu: Johann Sebastian Bach đã sáng tác 1.127 tác phẩm còn được lưu giữ tới ngày nay. Ông có thể đã sáng tác một số lượng lớn hơn thế nữa, những chúng đã bị mất.

---o0o---

Trích Tư Duy Rành Mạch

Tác giả: Rolf Dobelli

 Người dịch: Minh Thi

Nhà xuất bản Thế Giới, 2016

Ảnh: internet

Bài viết liên quan