7 NĂNG LỰC CẦN CÓ ĐỂ TIẾN LÊN TỪ THẤT BẠI - HỌC TỪ VẤP NGÃ ĐỂ BƯỚC TỚI THÀNH CÔNG - JOHN C. MAXWELL

7 NĂNG LỰC CẦN CÓ ĐỂ TIẾN LÊN TỪ THẤT BẠI

HỌC TỪ VẤP NGÃ ĐỂ BƯỚC TỚI THÀNH CÔNG

JOHN C. MAXWELL

Người dịch: Thùy Trần

––o0o––

 

Có những người không chịu từ bỏ, vẫn tiếp tục cố gắng vì họ không căn cứ vào các kết quả đạt được mà đánh giá giá trị bản thân. Họ có ý thức tự nhận thức về chính bản thân mình. Thay vì nói: “Tôi là kẻ thất bại”, họ sẽ nói: “Tôi đã quên điều gì đó” hay “Tôi vừa mắc sai lầm”.
7 NĂNG LỰC CẦN CÓ ĐỂ TIẾN LÊN TỪ THẤT BẠI - HỌC TỪ VẤP NGÃ ĐỂ BƯỚC TỚI THÀNH CÔNG - JOHN C. MAXWELL

Dưới đây là 7 năng lực của người thành công, những người cho phép mình thất bại nhưng không coi đó là bản chất của cá nhân và tiếp tục tiến về phía trước:

1. Người thành công bác bỏ sự bác bỏ

Author James Allen từng nói: “Theo nghĩa đen, một người đàn ông là những gì anh ta nghĩ. Tính cách là tổng hợp của tất cả các suy nghĩ của anh ta.” Đó là lý do tại sao việc đảm bảo cho những suy nghĩ của bạn luôn đi đúng hướng là điều rất quan trọng.

Có những người không chịu từ bỏ, vẫn tiếp tục cố gắng vì họ không căn cứ vào các kết quả đạt được mà đánh giá giá trị bản thân. Họ có ý thức tự nhận thức về chính bản thân mình. Thay vì nói: “Tôi là kẻ thất bại”, họ sẽ nói: “Tôi đã quên điều gì đó” hay “Tôi vừa mắc sai lầm”.

Nhà tâm lý học Martin E. Seligman tin rằng chúng ta có hai lựa chọn khi đối diện với thất bại, đó là chấp nhận hoặc than thở. “Con người thường đổ lỗi cho chính mình khi họ thất bại… họ nghĩ mình bất tài vô dụng,” Seligman nói. “Những người đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài không đánh mất lòng tự trọng trước sự tấn công của các tình huống xấu.” Để giữ được cái nhìn đúng đắn, hãy chịu trách nhiệm với những hành động của bạn và đừng coi thất bại là bản chất cá nhân.

2. Người thành công coi thất bại chỉ là tạm thời

Những người cá nhân hóa thất bại thường coi rắc rối như một cái hố mà họ bị kẹt lại vĩnh viễn trong đó. Song người thành công coi mọi khó khăn chỉ là tạm thời. Trường hợp của Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman là một ví dụ. Năm 1922, ở độ tuổi 38, ông nợ nần chồng chất và lâm vào cảnh thất nghiệp. Năm 1945, ông là một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, nắm giữ chức vụ cao nhất đất nước. Nếu coi thất bại là vĩnh viễn, chắc chắn ông sẽ không thể tiếp tục cố gắng và tin tưởng vào tiềm năng của chính mình nữa.

Với người thành công, thất bại chỉ là một sự kiện cá biệt, không phải là “căn bệnh” kinh niên.

3. Người thành công coi thất bại là một sự kiện cá biệt

Tác giả Leo Buscaglia từng nói về sự ngưỡng mộ mà ông dành cho chuyên gia nấu ăn Julia Child: “Tôi rất thích phong thái của cô ấy. Cô ấy nói rằng: ‘Tối nay chúng ta sẽ làm món bánh soufflé!’ Rồi cô ấy đập trứng, đánh trứng, làm rớt xuống sàn nhà… những điều này mới tự nhiên làm sao! Sau đó, cô ấy lấy chiếc soufflé đặt vào lò vi sóng và quay ra trò chuyện với các bạn trong giây lát. Cuối cùng, khi chiếc bánh ra, nó đã xẹp lép như chiếc bánh kếp. Tuy vậy, thay vì hoảng sợ và khóc lóc, cô ấy cười và nói: ‘Ồ, bạn không thể chắc chắn lúc nào cũng thành công với món này. Chúc các bạn ngon miệng!’”

Với người thành công, thất bại chỉ là một sự kiện cá biệt, không phải là “căn bệnh” kinh niên. Thất bại cũng không phải là bản chất cá nhân. Nếu bạn muốn thành công, đừng để bất cứ sự kiện cá biệt nào ảnh hưởng tới cách bạn nhìn nhận chính mình.

4. Người thành công có những kỳ vọng thực tế

Thành tích mong muốn đạt được càng lớn thì việc chuẩn bị tinh thần để vượt qua những trở ngại và lòng kiên trì suốt một chặng đường dài càng phải lớn lao hơn. Nếu muốn tản bộ dọc khu phố nhà bạn, bạn gần như không cần nỗ lực, nhưng nếu mục tiêu của bạn là leo lên đỉnh Everest thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Bạn phải tốn nhiều thời gian, công sức và trí tuệ mới vượt qua được thất bại. Bạn phải đón nhận mỗi ngày với những kỳ vọng vừa sức và không để cảm xúc của bạn bị tổn thương khi mọi thứ không diễn ra một cách hoàn hảo.

Những gì diễn ra vào ngày khai mạc giải bóng chày năm 1954 đã minh chứng cho quan điểm này. Hai đội Milwaukee Braves và Cincinnati Reds giao đấu, tân binh trong mỗi đội đều có cơ hội thể hiện trong suốt trận đấu. Tân binh chơi cho đội Reds, Jim Greengrass, đạt 4 cú đúp và giúp đội của anh giành chiến thắng với tỉ số 9-8. Tân binh của đội Braves, Hank Aaron, chẳng có cú đánh thành công nào trong 5 lần đánh bóng. Tuy nhiên, Aaron sau này lại trở thành cầu thủ ghi điểm nhiều nhất trong lịch sử bóng chày.

Chắc chắn anh rất thất vọng với phần thể hiện hôm đó nhưng anh không nghĩ mình là kẻ thất bại. Anh đã tập luyện vất vả suốt một thời gian dài và không từ bỏ một cách dễ dàng.

5. Người thành công tập trung vào điểm mạnh

Một cách khác mà người thành công tự giúp mình tránh khỏi sự cá nhân hóa thất bại là tập trung vào điểm mạnh của bản thân. Bob Butera − Cựu Chủ tịch đội khúc côn cầu New Jersey Devils − từng được hỏi về những tố chất làm nên nhà vô địch. Ông trả lời: “Điều khác biệt giữa người thắng và kẻ thua là người thắng luôn tập trung vào những điều họ có thể làm thay vì những điều họ không thể làm. Nếu một người là tay súng cừ khôi, chứ không phải một vận động viên trượt băng giỏi, anh ta sẽ chỉ nghĩ về bắn súng – chứ không bao giờ nghĩ về chuyện trượt băng. Hãy ghi nhớ điều này vì thành công của bạn.”

Nếu điểm yếu thuộc về đặc điểm tính cách, bạn cần chú ý nhiều hơn. Hãy tập trung cải thiện điểm yếu đó cho đến khi bạn thành công. Mặt khác, điều chắc chắn nhất của mục tiêu tiến lên từ thất bại là phát triển và phát huy tối đa thế mạnh của bạn.

6. Người thành công thay đổi con đường đi đến thành công

Trong cuốn The Psychology of Achievement (tạm dịch: Tâm lý học thành công), Brian Tracy viết về 4 triệu phú − những người trở nên giàu có ở độ tuổi 35. Họ đã dành tâm sức của mình cho khoảng 17 doanh nghiệp trước khi tìm ra một doanh nghiệp để đưa họ đến đỉnh cao. Họ vẫn tiếp tục cố gắng và thay đổi cho đến khi tìm thấy điều phục vụ tối ưu cho bản thân.

Người thành công sẵn sàng thay đổi phương thức giải quyết vấn đề. Đó là điều vô cùng quan trọng trong từng bước đi của cuộc đời, chứ không riêng gì trong kinh doanh. Ví dụ như, nếu bạn hâm mộ các giải đấu điền kinh, chắc chắn bạn rất thích xem các vận động viên tranh tài ở nội dung nhảy cao. Tôi luôn bị bất ngờ bởi những độ cao mà các vận động viên đạt được trong các giải đấu đó. Những giải đấu vào những năm 60 của thế kỷ XX thật sự thú vị. Thể thao đã trải qua những thay đổi lớn lao về kỹ thuật, cho phép các vận động viên phá vỡ kỷ lục cũ và thiết lập kỷ lục mới.

Người mở đường cho sự thay đổi đó là Dick Fosbury. Trước kia, vận động viên sử dụng phương pháp giạng chân để nhảy cao, hướng mặt về phía xà, đưa một tay và một chân về phía trước khi nhảy qua xà. Fosbury phát triển kỹ thuật nhảy bằng cách đưa đầu và lưng qua xà. Phương pháp này được đặt tên là Fosbury Flop.

Phát triển kỹ thuật nhảy cao mới là một chuyện, khiến cho nó được mọi người chấp nhận lại là chuyện khác. Fosbury cho biết: “Tôi đã nghe mọi người nói hết lần này đến lần khác rằng tôi sẽ không thành công đâu, rằng tôi không thể cạnh tranh được và đơn giản là kỹ thuật này không thể áp dụng được. Tất cả những gì tôi có thể làm là nhún vai và nói: ‘Rồi mọi người sẽ thấy.’”

Và Fosbury giành được huy chương vàng trong Thế vận hội Mexico năm 1968, phá vỡ kỷ lục Olympic trước đó và lập kỷ lục thế giới mới nhờ kỹ thuật nhảy cao của anh. Từ đó, gần như toàn bộ các vận động viên nhảy cao trên thế giới đều sử dụng kỹ thuật này của anh. Để đạt được mục tiêu của mình, Fosbury đã thay đổi phương pháp nhảy cao, không để những lời bàn tán của người khác khiến anh nghĩ mình là kẻ thất bại.

7. Người thành công đều đứng dậy sau thất bại

Tất cả những người thành công đều có khả năng đứng dậy sau những sai lầm, thất bại. Nhà tâm lý học Simone Caruthers từng nói, “Cuộc sống là một chuỗi những kết quả. Đôi khi, kết quả đó đúng như những gì bạn muốn. Thật tuyệt vời. Hãy nhìn nhận lại những điều bạn đã làm đúng. Tuy nhiên, đôi khi, kết quả lại không như bạn mong muốn, nhưng điều đó cũng vẫn thật tuyệt vời. Hãy nhìn nhận lại những điều bạn đã làm và không lặp lại lần nữa.” Đó là chìa khóa để đứng dậy sau thất bại.

Người thành công có thể tiếp tục tiến về phía trước bất kể điều gì xảy ra. Họ có thể làm được điều đó bởi họ luôn nhớ rằng thất bại này không biến họ thành kẻ thất bại. Đừng coi thất bại là bản chất cá nhân. Đó là cách để bạn thoát khỏi thất bại.

 

 

Bài viết liên quan