AN VUI TRONG HOÀN CẢNH

"Muốn không quan trọng cái giả, cái không thật, hư huyễn thì chúng ta phải biết cái thật."
AN VUI TRONG HOÀN CẢNH

Sống ở đời mỗi người có một cảnh ngộ riêng, không ai giống ai hết. Có người thì thuận, có người thì nghịch, nhưng làm sao trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta vẫn sống một cách an vui được. Khi tới thiền viện nghe Pháp, học Phật pháp, quan trọng là làm sao chúng ta đưa được Phật pháp vào trong đời sống của mình. “Phật pháp bất ly thế gian pháp” là Phật pháp không rời thế gian. Mục tiêu xa là giác ngộ, giải thoát nhưng mục tiêu gần là làm sao chúng ta có thể sống an ổn trong đời thường.

Cuộc đời mỗi người có khi vui, có khi buồn. Những vị còn trẻ, thanh thiếu niên thường thấy cuộc đời là đẹp, là hoa mộng. Nhưng khi bắt đầu có gia đình, có trách nhiệm, có con cái, đi làm, lúc đó sẽ bắt đầu có những lo âu. Không ai có thể nói cuộc đời vui một trăm phần trăm, sẽ có những điều chúng ta phải chịu đựng mà không nói được với ai, có những hoàn cảnh phải ngậm nuốt thôi. Vậy thì, chúng ta phải làm sao để ứng dụng được Phật pháp vào những hoàn cảnh này. Trước tiên chúng ta cần tìm hiểu, làm sao để an vui trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thông thường, khi chúng ta gặp cảnh khó khăn chịu không nổi, người nữ sẽ buồn tủi, than trách, người nam sẽ cay cú, oán hận. Nhưng dù có than khóc hay oán hận thì cũng không thay đổi được hoàn cảnh của mình, đôi khi còn làm trở thành tệ hơn. Vậy mà chúng ta vẫn cứ dại dột than khóc, cay cú. Đáng lẽ là chấp nhận đi cho khỏe, nhưng chúng ta không dễ chấp nhận mà thường khi gặp cảnh nghịch, cứ mong rằng sẽ có ai đó hiểu, thông cảm cho mình và cái tâm mong đợi đó lại càng làm cho chúng ta khổ hơn nữa. Khi gặp cảnh nghịch, nhắm sửa đổi được, cố công sửa đổi được thì tốt, nhưng lắm khi lại không sửa được. Thôi đành chấp nhận trước cái đã. Giống như khi chúng ta mất người thân hoặc có tai biến xảy ra, chúng ta đâu hề muốn, nhưng không thay đổi được sự việc, phải chấp
nhận trước và không thể đòi hỏi gì thêm. Muốn chấp nhận, muốn không bất mãn, nhà Phật dạy chúng ta lý Nhân-Quả. Chúng ta không chấp nhận được vì thấy vô lý: mình tốt, hiền lương, ăn ở biết điều mà sao người ta kỳ cục quá; hoặc chúng ta đã làm hết sức rồi mà còn nói này, nói kia, đủ thứ chuyện… Lúc nào chúng ta cũng thấy vô lý. Khi chúng ta đã làm hết sức mà vẫn chịu điều oan ức, buồn khổ, lúc đó phải nhớ Phật đã dạy lý Nhân-Quả.

Thời trước, có một vị tăng sống ở Ấn Độ. Thuở đó, y phục phải nhuộm mới có màu y. Các vị tăng trong rừng lấy vỏ cây Hoàng Mặc nấu ra. Khi nấu, vỏ cây này sẽ cho ra màu đỏ như màu bã trầu, khi để miếng vải vào nhuộm xong phơi nắng sẽ ra màu vàng đỏ như màu da bò. Y của chư tăng ngày xưa không phải là màu vàng như bây giờ mà là màu vàng đỏ sậm.
Vị tăng già đang ngồi nhuộm y, có một người chăn bò đi kiếm một con bò bị mất. Ông nhìn vào trong nồi, thấy nồi nước đỏ màu máu, tay vị tăng cũng đỏ máu và trong nồi là một miếng da bò, nhưng thật sự là cái y đang được nhuộm.

Vì lúc đó người chăn bò chỉ nghĩ đến con bò đang bị mất, nên khi thấy vị tăng tay đỏ máu như vậy, nghĩ rằng con bò của mình đã bị sát hại, lập tức kêu hết anh em chăn bò đến, vừa đánh vừa lôi về quan, không cho nói năng giải bày gì cả.
Vị tăng này có những đệ tử trẻ. Người đệ tử rất giỏi võ, trước tình cảnh này liền nhảy ra, nhưng vị thầy nhìn lại với đôi mắt hiền từ mà nghiêm khắc. Người đệ tử hiểu ý, đành để thầy bị dẫn đi. Đệ tử vị tăng nghĩ thế nào quan trên cũng sẽ xét xử đúng đắn, nhưng không ngờ từ ấp giải lên xã, từ xã giải lên huyện… Trong khi đó, hai ngày sau người du mục đã kiếm ra con bò, nhưng họ là dân du mục, đâu có quan tâm đến chuyện báo lại với quan là vị tăng vô tội, họ chỉ dẫn bò đi luôn. Những vị đệ tử trẻ chờ cả tuần lễ không thấy gì hết đành phải chạy theo thầy để lo cứu thầy ra. Khổ nỗi khi lên tới xã
thì thầy đã bị giải lên huyện, lên đến huyện thì thầy đã bị đưa lên phủ, cuối cùng vô tới kinh thành là đã mấy tháng rồi.
Người đệ tử lớn nhất đi lên tận kinh đô kêu oan cho thầy. May mắn là nhà vua rất sáng suốt. Người đệ tử lớn liền đến đánh trống kêu oan và được dẫn vào gặp vua. Sau khi trình bày tự sự, vua lập tức kêu người coi ngục giải vị tăng lên. Đến trước vua là một vị tăng gầy gò, khắc khổ nhưng đôi mắt lại sáng quắc và tỏa ánh từ bi. Vị vua rất sáng suốt nên khi nhìn thấy vị
tăng là biết ngay một người như thế này không thể nào đi ăn trộm bò được. Sau khi cho điều tra rõ ràng, nhà vua hết lòng xin lỗi:
- Trẫm biết đây là một án oan do các quan không xét xử đến nơi đến chốn. Trẫm xin lỗi! Trẫm sẽ trừng trị tất cả những người đã để cho sư phụ phải chịu khổ thế này bao tháng ngày qua.
Vị sư lập tức đưa tay khoát, ngăn lại:
- Thưa bệ hạ, xin đừng. Tất cả những việc đã xảy ra ngày hôm nay là do một nghiệp nhân xa xưa. Cách đây rất lâu, bần tăng là một người không tốt lành gì, là một tay trộm cắp vặt. Trong cuộc sống không lương thiện đó, bần tăng đã ăn trộm một con bò. Khi dẫn con bò đi thì bị người ta phát hiện và đuổi theo. Bần tăng hết sức chạy, túng quá chạy vào trong vườn của một nông dân, thả đại con bò ở đó rồi lo chạy thoát thân. Lúc người ta tới thấy con bò trong vườn, tang chứng rành rành, nên người nông dân bị bắt. Sau khi đem ra xét xử, mọi người biết là tên trộm đã chạy thoát còn người nông dân vô tội, nên ông được thả ra sau bảy ngày bị giam giữ. Ngày xưa bần tăng đã làm cho người ta bị bảy ngày tù oan, ngày hôm nay bần tăng
trả lại bảy tháng trong tù. Đó là chuyện nhân quả. Bần tăng rất vui vì hôm nay đã trả sạch được nghiệp cũ.

Ban đầu khi nghe câu chuyện chúng ta thấy vô lý hết sức, lại còn tội nghiệp nữa. Nhưng khi nghe kể tới đoạn cuối thì thấy có gốc, có ngọn và chuyện gì cũng có một nhân duyên sâu xa trong đó. Hòa thượng có dạy rất hay, ví dụ chúng ta  nợ một trăm đồng đã trả được năm chục, vẫn còn nợ năm chục; đến khi gặp mình, người chủ nợ vẫn còn lo không biết năm chục còn lại có được trả hay không. Khi người ta chưa vui thì biết là nợ chúng ta chưa trả hết. Còn có những người trong đời thường, khi gặp nhau chúng ta chỉ giúp họ một chút nhưng họ rất vui, rất biết ơn chúng ta, thì biết đó là hai bên không có ân oán. Khi chúng ta làm hết sức mà vẫn không tạo được không khí vui thì phải biết đây là dịp để chúng ta trả nợ trước. Nghĩ được như vậy sẽ không còn bất mãn gì nữa, sẽ thấy chuyện gì xảy tới đều là lẽ đương nhiên. Khi đã đặt được câu “tất cả là lẽ đương nhiên” ra trước mặt thì chúng ta sẽ không còn buồn phiền lâu. Cái gì cũng là lẽ đương nhiên hết, chỉ do chúng ta
không nhìn thấu tới thôi.

Biết được, hiểu được lý Nhân-Quả chúng ta đỡ khổ rất nhiều, đỡ oán thán, đỡ trách móc và đỡ tạo thêm nghiệp. Đây mới là điều quan trọng. Đôi khi khổ quá, giận quá, chúng ta sẽ tạo thêm nghiệp, nhẹ thì cũng nói kể này kia cho đỡ buồn, nặng thì có hành động, cứ thế ân oán kéo dài hoài không dứt. Cho nên, khi quá giận nếu nói và hành động sẽ gây thêm nghiệp. Làm thinh trả cái nghiệp xưa. Nếu có đủ sức tỉnh cho qua được hai ba ngày, tự dưng mọi việc trong lòng sẽ lắng xuống. Dần phôi pha. Vậy là nợ cũ trả xong và không gây thêm nghiệp mới. Nếu như không phải nợ cũ thì đây cũng là dịp để ta rèn luyện chính mình. Khi xem đó là cơ hội cho mình rèn luyện thì không oán giận người ta đã tạo duyên cho mình tự rèn, tự tu,
tự tập những hạnh lành.

Đôi khi chúng ta chỉ thấy cái khổ của mình lớn quá mà không chịu hiểu rằng người kia cũng chịu đựng chúng ta giống vậy. Họ cũng phải khổ không ít với chúng ta vì chúng ta chỉ thấy cái đúng của mình. Nhìn một bình hoa, người ngồi phía trước nhìn thấy được đóa hoa màu vàng. Người ngồi bên chỉ thấy được mặt sau của bình hoa. Có muốn thấy mặt trước cũng không được, do vị trí ngồi. Trong đời sống, đôi khi có những việc mà vì chỗ đứng của mình, chúng ta không nhìn thấy được
hoàn cảnh bên kia, rồi trách móc nhau, không biết là người kia cũng khổ. Trong đời sống chúng ta chỉ thấy được một
mặt, chúng ta không thể thấy được cái khổ của người bên kia mà chỉ một bề trách móc là vì chúng ta chỉ thấy trong cái nhìn chủ quan của mình. Trải qua một thời gian rất lâu, nhìn lại chúng ta mới cảm thấy hình như chúng ta khắt khe quá, hẹp hòi quá. Đôi khi còn đủ thời gian để chúng ta hối cải, xin lỗi, nhưng đôi khi không còn cái duyên để xin lỗi.

Chúng ta đã học được điều thứ nhất là hiểu sâu nhân-quả. Điều thứ hai là làm sao cho bớt sự chủ quan trong cái nhìn sẽ vừa đỡ khổ cho mình, vừa đỡ khổ cho người. Khi chúng ta đã biết như vậy, biết chấp nhận, từ từ tùy duyên mà sống trong mọi hoàn cảnh thì sẽ an định hơn.

Có rất nhiều hoàn cảnh bất như ý. Phật dạy có tám cái khổ không ai thoát được trong cuộc đời, bao gồm ái biệt ly tức người thương phải xa cách, và oán tắng hội tức người ghét lại phải gặp. Trong đời thế nào cũng phải có ít nhất là một người làm cho chúng ta xốn xang, bức xúc. Có những việc chúng ta có thể thay đổi được nhưng có những việc lại không. Có những hoàn cảnh nếu chúng ta gắng hết sức sẽ giải quyết được, nhưng có những lúc cho dù có gắng sức thế nào cũng không giải quyết được. Những lúc đó thì học hai từ Phật dạy, đó là “tùy duyên”. Tùy duyên là xuôi theo con nước mà đi, sẽ đỡ mất sức, đỡ khổ nhiều lắm… Muốn vui với hoàn cảnh hiện tại thì cần thấy ý nghĩa trong cảnh đó. Vì sao người mẹ chịu biết bao
khổ cực, oan ức, cay đắng mà bà vẫn vượt qua? Chỉ vì lòng mẹ thương con, ý nghĩa là lo cho con khôn lớn. Khi chúng ta làm một việc gì có ý nghĩa, chúng ta sẽ thấy việc đó nhẹ hơn.

Như chuyện một người khuân vác gạo trong kho, anh vác liên tục hai giờ đồng hồ, quá mệt rồi mà vẫn phải vác tiếp. Đột nhiên, anh nhìn thấy bên cạnh mình có một người già ốm dường như đang bệnh mà vẫn đang vác gạo. Anh thấy ông vác mà như bị bao gạo đè xuống, nên anh vội vã vác cho xong phần gạo của mình rồi chạy qua vác tiếp phần gạo của ông già. Lúc đó anh quên uể oải, quên mệt vì bây giờ anh làm với một ý nghĩa thành ra gánh nặng đã giảm, dù bây giờ số gạo anh vác nhiều hơn. Cũng vậy, khi phải ở trong một hoàn cảnh không sửa được, chưa sửa được, thì chúng ta phải tự tìm ra ý nghĩa trong công việc của chúng ta làm. Trong đời, mọi công việc đều có ý nghĩa, chỉ vì chúng ta nhìn không ra thôi. Khi chúng ta làm việc có ý nghĩa thì việc gì cũng hay, cũng tốt hết.

Có một câu chuyện, có lẽ là chuyện thật. Có một người khá giả, bị sa sút phải nhận công việc quét rác, và phải dọn nhà đến khu phố khác. Khi đến ngôi nhà nghèo nàn, ông thấy có tờ giấy được ai dán sẵn trên cửa, trên mảnh giấy viết thế này: “Nếu một người được gọi là phu quét đường, bạn hãy quét những con đường như những họa sĩ đang vẽ tranh. Hãy quét những con đường như thiên tài Beethoven soạn nhạc. Bạn hãy quét rất sạch đến độ những thiên thần trên thiên đường và những con người trên trần gian sẽ phải dừng lại và nói rằng “Đây là một người quét đường vĩ đại, người đã làm thật tốt công việc của mình”. Ký tên, mục sư Martin Luther King.

Ông kể rằng: Chính nhờ những dòng chữ này khiến chúng tôi thay đổi hẳn, từ thất vọng buồn chán sang chấp nhận đời sống của mình, làm tốt công việc của mình. Và từ đó chúng tôi hạnh phúc. Khi tâm đã đổi được rồi thì cảnh sẽ đổi theo.
Điều quan trọng là muốn an vui trong hoàn cảnh, đừng đợi cảnh đổi mà hãy lo đổi tâm của mình trước. Đừng mong cầu đợi người đổi, mà tự cố gắng sửa đổi mình trước. Có nhiều khi do cái nhìn của mình làm cho cảnh đang sống dù không đến nỗi tệ cũng trở thành tệ. Có những buổi sáng thức dậy, tự nhiên thấy đời dễ thương, thấy ai cũng dễ thương hết trơn. Lại có những buổi sáng khác, không hiểu sao nhìn thấy ai cũng phát quạu. Không hiểu là vì trời đất, vì sức khỏe hay vì cái gì mà
vẫn thường xảy ra như vậy. Thế nên, trước khi trách người phải xét lại chính mình. Chuyển tâm trước khi chuyển cảnh. Như vậy trước nhất chúng ta sẽ không trách lầm. Thứ hai nếu gặp những hoàn cảnh bức bách quá thì chúng ta chỉ chịu cái khó khăn của cảnh mà không phải chịu sự khổ của tâm nữa. Tức là không bị mũi tên thứ hai bắn vào.

Còn một điều nữa, để đỡ khổ khi gặp những cảnh không như ý, Sư Ông thường dạy là “Phải biết buông xả”. Có những điều chúng ta hết chịu nổi rồi, thôi hãy buông xuống. Không thể nghĩ suy được, không thể hiểu được, không biết sao hết cũng không sắp xếp được, thì thôi buông hết, buông xả. Có những phiền muộn mà ngay cả đem Nhân-Quả ra cũng không giúp hết buồn được, làm gì cũng vẫn thế, thì thôi bỏ, bỏ, bỏ qua. Hình dung một ly nước, nếu phần đáy ly bỗng dưng tuột rớt, thì mọi thứ trong ly sẽ trôi tuột hết. Hễ cái ly còn đáy sẽ còn chứa. Vì thế, nhà thiền thường nói đến “thùng lủng đáy”. Thùng lủng đáy sẽ khỏe. Tâm chúng ta chất chứa đủ thứ chuyện, chứa từ ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ, bây giờ thùng lủng đáy sẽ xả hết. Như vậy mới qua được những giai đoạn khó khăn của đời mình. Ai trong chúng ta cũng đã
từng qua những cơn khó khăn không biết nói cùng ai. Cách hay nhất là lúc đó phải buông hết, buông hết, và chỉ trong cái buông hết này, chúng ta mới tha thứ được cho người, tha thứ được cho đời. Khi tha thứ được rồi thì hoàn cảnh sẽ thay đổi, lòng mình mới nhẹ đi. Thành ra chúng ta phải học cách bỏ qua những điều làm phiền cho nhau.

Có hai cha con, đứa con đã khá trưởng thành rồi nên có những lý lẽ riêng của nó. Cha con hai thế hệ không giống nhau, cãi nhau vì bất đồng ý kiến. Ông cha quát mắng, đứa con bỏ nhà đi. Ông cha vừa thương, vừa lo cũng vừa giận. Ông đi kiếm khắp nơi nhưng đứa con bỏ nhà đi bụi đời thì làm sao kiếm được. Ông đăng báo kêu con về: “Baco, con hãy trở về chiều
nay và con hãy đến trước cửa tòa soạn. Cha tha thứ cho con tất cả. Cha yêu con”. Chiều hôm sau ông đến tòa soạn thấy hàng trăm đứa bé đứng chờ, cùng có tên Baco. Chúng đều đã cãi nhau với cha và bỏ nhà đi. Như vậy, trong câu chuyện, chúng ta thấy có rất nhiều đứa bé làm lỗi, đều biết lỗi và muốn trở về. Chúng chờ một sự tha thứ, nên khi đọc được lời tha thứ trên báo chúng lập tức tìm đến.

Thông thường, khi một người làm lỗi, không sớm thì muộn họ cũng sẽ biết lỗi, nhưng hiếm có ai chịu xin lỗi, vì tự ái. Chúng ta cũng thế, đôi khi biết lỗi nhưng không chịu xin lỗi. Có thể vì tự ái, có thể vì sợ rằng nếu xin lỗi thì sẽ yếu thế hơn, hoặc lỡ khi xin lỗi mà người kia quay mặt đi thì bẽ mặt. Cho nên, tuy không xin lỗi nhưng trong lòng rất muốn được tha thứ. Vì vậy, trong đời sống, nếu chúng ta gặp những điều có thể tha thứ được thì tha thứ. Những điều vừa nói là những điều dễ ứng dụng trong đời thường. Bây giờ đi sâu hơn một chút để thấy làm sao chúng ta có được tâm thái an tĩnh, để vui trong hoàn cảnh. Chúng ta thấy cái tâm suy nghĩ là thật, cho nên danh dự là số một, không được đụng chạm, thương tổn. Thế nên, có những cái khổ phát sinh từ đó.

Chúng ta học đạo, biết rằng cuộc đời này không có gì bền lâu, biết thêm một chữ rất đáng giá là “hư huyễn”. Cuộc đời là hư huyễn, cái làm khổ chúng ta, cái mà chúng ta không vượt qua được ngày hôm nay thật sự cũng là hư huyễn. Nếu có một điều gì làm chúng ta đau khổ bây giờ, hai mươi năm sau nhìn lại có còn đau khổ như vậy không hay đã phai nhạt bớt. Trời nắng tốt, một thằng bé đi chơi với ba. Nó chạy trước, lát sau quay lui nói: Ba ơi, cái bóng này cứ đi theo con hoài, con đuổi mà nó không chịu đi.

Ông cha nhịn cười, nói: Làm sao nó bỏ đi được, vì nó là cái bóng của chính con mà. Thằng bé chạy lòng vòng, nó cố chạy để thoát khỏi cái bóng của nó. Chạy đến mệt phờ, nó đứng dựa vào một gốc cây lớn để thở. Đó là một cái cây rất lớn nên bóng cây cũng rất lớn. Lúc đó không còn thấy cái bóng của thằng bé, bóng cây đã che mất bóng nó. Thằng bé thích
chí, vỗ tay la lên: Ba ơi, nó biến mất rồi! Cái cây ăn mất nó rồi, cái cây nuốt chửng nó rồi! Chợt lúc đó có một đám mây bay qua. Thằng bé bước ra đúng vào lúc mặt trời núp sau đám mây, vì vậy, cái bóng của nó không xuất hiện lại nữa. Nó mừng quá, vỗ tay nói: “Ba ơi, mừng quá, thắng rồi! Cái bóng biến mất hẳn rồi!” Đây là chuyện trẻ con. Chúng ta là người lớn, trong đời có những buồn vui, có những phiền muộn dai dẳng. Những phiền muộn này đến từ chúng ta, như cái bóng từ thằng bé ra làm sao có thể trốn được. Chúng ta không thể trốn được những buồn phiền của mình, chúng ta đi đâu nó đi theo đó. Thỉnh thoảng, tình cờ giống như thằng bé đi vào trong gốc cây hoặc khi gặp đám mây nó không thấy bóng nữa, thì
đó là tình cờ vì một cái duyên gì đó chúng ta hết buồn. Thí dụ, chúng ta đang buồn quá, bất chợt xem một phim hay, vui quá, làm cho ta quên đi nỗi buồn. Hoặc khi đang có chuyện buồn, chợt gặp một người thân ở xa trở về, bận trò chuyện, quên buồn! Giống cái bóng của thằng bé, do cái duyên đứng dưới gốc cây hay do trời mát làm biến mất. Nếu giống vậy, mọi
chuyện không giải quyết rốt ráo được, nhưng chúng ta lại suốt đời cứ chạy trốn cái bóng này.

Khi tu tập, chúng ta học được một điều là người lớn biết đó là bóng của mình nên không trốn bóng. Thằng bé trốn bóng vì nó là trẻ con. Cũng vậy, dưới con mắt các Thiền sư, vọng tưởng không làm các Ngài sợ. Khi xảy ra việc khó, bức bách, thì các Ngài cũng vẫn gặp những cái khó xử vậy, nhưng chuyện đó đối với các Ngài không đáng quan tâm. Thí dụ như có những tiếng tăm không tốt, có những điều oan ức, những cái này cái kia của cuộc đời vẫn tới với bất cứ ai. Nhưng với các Ngài thì đó là do duyên mà có, như cái bóng do trời nắng mà có, chuyện có hay mất đó không dính gì tới con người thật. Phải là một người trưởng thành thì không sợ bóng. Phải là một người thường tỉnh, thường sáng, biết sống với cái chân thật thì những hư huyễn của cuộc đời có đến hay không, đều không quan trọng.

Như vậy, muốn không quan trọng cái giả, cái không thật, hư huyễn thì chúng ta phải biết cái thật. Nếu không biết thì chúng ta sẽ chạy theo những cái giả tạm kia. Từ đây chúng ta sẽ thấy mình khổ từ hoàn cảnh vì với mình đó là tất cả: tiền bạc, danh dự, tiếng tăm, địa vị. Với chúng ta, mọi thứ trong đời rất thật, rất cần. Tiếng tăm, danh vọng với chúng ta bây giờ là
nhất. Khi học đạo, chúng ta biết rằng ngoài cái thân hư dối, ngoài cái tâm thay đổi sinh diệt, vẫn còn một cái khác miên viễn, chắc thật. Nguyên nhân làm chúng ta cứ bám trong hoàn cảnh, khổ tâm trong hoàn cảnh, không an vui trong hoàn cảnh, là vì chúng ta chưa nhận lại và chưa sống được chỗ chân thật.

Chúng ta cùng tu tập chỉ vì mong được giác ngộ, muốn theo gương Phật để giác ngộ. Giác ngộ cái chân thật, cái không thay đổi giữa các cuộc sinh tử. Lúc đó mới không còn bận tâm vì cảnh thuận hay cảnh nghịch nữa. Những điều từ đầu đến giờ chúng ta đi qua là tạm dùng những phương tiện để đối trị tạm thời với những buồn phiền của chúng ta, giống như chúng ta uống thuốc giảm đau. Khi chúng ta bệnh nhiều, bác sĩ bao giờ cũng cho hai thứ thuốc, thuốc giảm đau để cắt cơn đau và thuốc điều trị gốc bệnh, phải vừa trị trước mắt, vừa phải đi sâu trị dài hạn. Cũng thế, chúng ta phải luôn sử dụng những phương tiện như tha thứ, chấp nhận, tùy duyên nhưng cái gốc là phải trở về tâm chân thật thì mới trị dứt gốc bệnh sanh tử.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh có kể, vào thời Phật, một buổi khuya trong vườn Cấp Cô Độc, khi đêm sắp tàn, có một vị trời hào quang sáng chói hiện đến, quỳ trước đức Phật, thưa: “Bạch đức Thế Tôn, các tỳ-kheo mỗi ngày chỉ ăn một bữa nhưng do đâu dung nhan lại rất rạng rỡ, đẹp đẽ, thù diệu như vậy?”. Phật dùng kệ đáp:


Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp đến,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy sắc thù diệu.
Do mong việc sắp đến,
Do than việc đã qua,
Kẻ ngu thân héo mòn,
Như lau xanh rời cành.


Phật chỉ dạy rất đơn giản, nhưng khi chúng ta biết đem ứng dụng, đó sẽ là một phương thuốc trị bá bệnh. Thứ nhất là không than việc đã qua, quá khứ không truy tầm. Chuyện đã qua cho dù chúng ta có than thở cũng không níu lại được nữa. Một ly nước đã đổ không thể hốt lại đầy. Không mong việc sắp đến vì bây giờ đang sống với hơi thở hiện tại, chuyện ngày mai làm sao tính được. Có một câu ngạn ngữ Tây phương rất hay: “Suy tính công việc ngày mai giống như đi câu trong một cái hồ
không có nước”. Sắp xếp việc ngày mai thì khác, sắp xếp khác với suy tính, mong ước. Khi chúng ta lên lịch công tác, sắp xếp chuyện ngày mai, xong rồi để đó, tới đâu làm tới đó. Chuyện đó khác, là chuyện bình thường. Nhưng nếu cứ suy tính,
mong đợi, nghĩ nhớ, lúc đó sẽ trở thành việc không công, vô ích.

Chỉ có sống ngay với hiện tại. Nghe rất đơn giản, nhưng đây lại là chìa khóa mở cửa giác ngộ, bởi vì, tất cả mọi chuyện chỉ ở ngay phút này. Trong phút này, thấy rõ, nghe rõ, biết rõ. Cái biết rõ này không bao giờ rời mình. Hoặc như ngay trong lúc này chúng ta đang nghe pháp, đâu cố ý nghe tiếng còi xe ngoài kia mà vẫn nghe, mới rõ là cái biết của chúng ta trùm khắp. Đây là cái quý giá vô cùng mà chúng ta cứ bỏ sót trong phút hiện tại. Chỉ khổ là vì nó đơn giản quá nên chúng ta coi thường. Cứ tưởng Phật giác ngộ cái gì xa lắm mà không ngờ chính ngay đây. Thế nên, trong mọi hoàn cảnh, dù thuận dù nghịch mà muốn an vui thì đừng quên cái biết này. Điều này hơi khó, vì nó không hình tướng, nó gần quá nên chúng ta không để ý.
Có ai nhớ là mình đang thở ra hít vô không, có ai biết mình đang thở không? Không có. Mà chỉ cần không có hơi thở trong chừng năm phút là chúng ta sẽ không còn. Thành ra, cái tối quan trọng thì chúng ta không bao giờ nhớ mà chỉ đi theo ý tưởng. Con người cần tiền, cần chỗ ở, cần danh vị, cần hạnh phúc, nhưng ít ai nói là chúng ta cần hơi thở.

Hơi thở còn tướng trạng cho chúng ta nhận ra, trong khi tánh biết không hình tướng. Nhìn ra chúng ta thấy mọi cảnh vật nhưng không hề thấy tánh biết của chúng ta. Nhờ tánh biết, tánh thấy mà nhìn thấy chừng này vật, nhưng chỉ chạy theo vật mà không bao giờ nhận lại tánh biết. Giống như chúng ta có hơi thở, nhưng cả đời, chỉ tới khi gần tắt thở mới nhớ hơi thở.

Cho nên muốn an vui trong hoàn cảnh thì đừng đợi hoàn cảnh bức ngặt mới tìm an vui. Lúc đó sẽ không còn kịp nữa. Trong lúc còn thong thả, còn đi chùa được, cơm đủ ăn, áo đủ mặc, hãy tập sống với cái thường hằng đó, cái an vui sẵn có. Được như vậy, dù có gặp thuận hay nghịch chúng ta cũng vẫn an vui. Cái an vui này là từ trong ra. Mỗi ngày, tập ngồi thiền để trở lại chỗ tỉnh sáng này. Rồi không chỉ giờ ngồi thiền mà thường nhớ trong mọi lúc. Như hôm nay chúng ta có mặt nơi đây cả ngày nhưng ngồi thiền chỉ nửa giờ vào buổi sáng, nửa giờ vào buổi chiều, nên cần tận dụng cả ngày hôm nay để tỉnh sáng và yên lặng bên trong. Một tuần chúng ta ồn ào, lao xao, bây giờ đến đây đừng nói chuyện bàn tán gì nữa, đừng phóng ra nữa, hãy trở về với cái yên lặng chính mình. Chúng ta quay trở về với sự yên và tỉnh, không đợi phải là giờ ngồi thiền. Làm thế nào cho buổi sáng từ lúc bắt đầu bước vào chánh điện làm lễ, đến chiều lạy Phật ra về, chúng ta được một ngày tỉnh sáng. Tóm lại, chúng ta phải thường sống với cái thật, thường biết cuộc đời như huyễn. Tập sống với cái tâm rỗng rang nơi mình, không đợi khi hoàn cảnh thuận hay nghịch đến mới tu tập. Được như vậy, chúng ta sẽ an vui trong đời mình, rồi mình chia cái an vui đó cho người chung quanh. Chúng ta tập buông bỏ. Gánh nhẹ, gánh nặng, buông hết để rộng lòng thênh thang, sáng suốt. Buông xả được một ít thì được một ít an vui, buông xả được nhiều sẽ được nhiều phần an vui. Chính khi buông bỏ, chúng ta sẽ có được sự tỉnh táo và an định trong cái biết hiện tại. Cái biết hiện tại này không bao giờ vắng. Đó mới chính là nguồn an vui đích thực, an vui trong mọi hoàn cảnh.

-------

Tác giả: Ni sư Thuần Tuệ

Bài viết liên quan